266 lượt xem

Tìm hiểu Nho Giáo - Kì 4

7.3. Đức Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão

Thiếu Chính Mão là một nịnh thần rất nguy hiểm dưới trào Lỗ Định Công. Bấy giờ, Đức Khổng Tử đang làm quan Tướng Quốc nước Lỗ. Quý Tôn Tư, một vị Đại Thần quyền thế trong triều, nhưng luôn luôn hỏi ý kiến của Đức Khổng Tử  mỗi khi có một quyết định trong công việc trị nước. Nhưng phần Thiếu Chính Mão, khi Đức Khổng Tử nói ra câu gì thì liền gièm pha khiến cho người nghe phân vân và đôi khi bị mê hoặc. Đức Khổng Tử mật tâu với Lỗ Định Công:

- Nước Lỗ không cường thịnh lên được là vì trung nịnh không phân biệt, thưởng phạt không nghiêm minh. Thí dụ như muốn trồng lúa tốt tất phải trừ bỏ cỏ xấu. Xin Chúa công cho đem các đồ phủ việt (dùng vào việc hình) trong nhà Thái miếu bày ra ở dưới Lưỡng quán để dùng vào việc hình. Lỗ Định Công thuận cho. Sáng hôm sau, Lỗ Định Công truyền cho các quan triều đình hội nghị để bàn việc phá thành ấp xem lợi hại thế nào. Các quan người nói nên phá, người nói không nên phá. Thiếu Chính Mão đón ý Đức Khổng Tử, nói rằng:

- Phá thành có 6 điều tiện:

1. Để tôn trọng quyền vua không ai bằng.

2. Để tôn trọng cái quyền thế Đô thành.

3. Để ức quyền tư môn.

4. Để khiến cho kẻ gia thần lộng quyền không cho nương cậy.

5. Để yên lòng 3 nhà: Mạnh, Thúc, Quý.

6. Để khiến cho các nước nghe việc nước Lỗ ta  làm mà phải kính phục.

Đức Khổng Tử tâu với Lỗ Định Công:

- Thành ấp nay đã thế cô còn làm gì được, huống chi Công Liễm Dương vẫn có lòng trung với vua, sao dám bảo là lộng quyền. Thiếu Chính Mão dùng lời nói khéo để làm loạn chính trị, khiến vua tôi ly gián, cứ theo phép thì nên giết.

Các quan trong triều tâu:

- Thiếu Chính Mão là người danh giá ở nước Lỗ ta, dầu có nói lầm đi nữa cũng chưa đến tội chết.

Đức Khổng Tử lại tâu với Lỗ Định Công:

- Thiếu Chính Mão là người dối trá mà lại biện bác, làm cho người ta mê hoặc. Nếu không giết đi thì việc chính trị không thi hành nổi. Xin Chúa Công cho đem phủ việt ra để trị tội.

Đức Khổng Tử truyền cho lực sĩ trói Thiếu Chính Mão đem đến  Lưỡng quán mà giết đi. Các quan trong triều đều sợ hãi, xám xanh cả mặt. Ba nhà: Mạnh, Thúc Quý, trông thấy cũng đều  kinh sợ.

Từ khi giết xong Thiếu Chính Mão, Lỗ Định Công và 3 nhà Mạnh, Thúc, Quý  mới một lòng nghe theo lời của Đức Khổng Tử. Nhờ vậy, Đức Khổng Tử chỉnh đốn kỷ cương trong nước, dạy dân những điều lễ, nghĩa, liêm, sĩ, nên dân không còn nhiễu loạn mà chính trị  mỗi ngày một hay.

Ba tháng sau, phong tục biến cải cả: Các nhà buôn gà và heo không dám nhồi cám vào để dối người mua; trong khi ra đường, trai gái đi phân biệt nhau, không hỗn loạn, thấy của rơi ngoài đường thì không ai lượm, người nước khác du lịch đến nước Lỗ được tiếp đãi tử tế, không để cho thiếu thốn. Dân nước Lỗ có làm một bài ca để tán tụng công đức của Khổng Tử. Bài ca ấy được truyền tụng sang nước Tề. Tề Cảnh Công lo ngại nói rằng:

- Nước Lỗ biết dùng Khổng Khâu ắt nên nghiệp Bá, tất họa đến nước Tề, ta biết làm thế nào?

Quan Đại Phu Lê Di tâu rằng:

- Chúa Công lo nước Lỗ biết dùng Khổng Khâu, sao không lập cách ngăn đi.

Tề Cảnh Công nói:

 - Nước Lỗ giao quyền chính trị cho Khổng Khâu, ta dùng cách gì mà ngăn trở được?

Lê Di tâu:

- Tính con người ta, hễ được cường thịnh tất sinh lòng kiêu mạn. Xin Chúa Công lập một Bộ Nữ Nhạc mà đem dâng vua Lỗ. Vua Lỗ mà nhận Bộ Nữ Nhạc tất sinh lười biếng mà chán Khổng Khâu. Bấy giờ tất Khổng Khâu phải bỏ nước Lỗ mà đi, Chúa Công mới có thể ngồi yên được. 

Quả vậy, Lỗ Định Công, không nghe lời can gián của Đức Khổng Tử, nhận Bộ Nữ Nhạc thì mê say theo, bỏ bê việc triều chính, có khi luôn 3 ngày không ra coi triều, mọi việc đều giao cả cho Họ Quí. Đức Khổng Tử can gián vua Lỗ nhiều lần nhưng không được, lại có thể bị hại vì lời gièm siễm của bọn gian thần. Do đó, trong ngày Lễ Tế Giao, vua Lỗ không nhìn đến, cũng không đem phần thịt tế biếu cho các quan Đại Phu. Đức Khổng Tử nhân việc lỗi nhỏ của vua Lỗ mà xin từ chức, bỏ nước Lỗ đi chu du các nước chư hầu.

7.4. Thời kỳ soạn sách và dạy học trò

Khi trở về nước Lỗ, Đức Khổng Tử đã 68 tuổi. Ngài trở lại quê nhà để mở mang việc dạy học và soạn sách. Tổng số môn đệ của Đức Khổng Tử có lúc lên tới 3000 người (Tam thiên đồ đệ), trong đó có 72 người được liệt vào hạng tài giỏi, nên gọi là Thất thập nhị Hiền.

Đức Khổng Tử san định lại các kinh sách của Thánh Hiền đời trước như: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch. Ngài ghi chú các lời nói của Thánh Hiền đời trước, xếp đặt lại cho có thứ tự, chú thích những chỗ khó hiểu, nhất là với Kinh Dịch, Ngài chú giải rất kỹ.

Sau đó, Đức Khổng Tử viết ra sách Xuân Thu để bày tỏ cái Đạo của Ngài.

Đức Khổng Tử là bậc Chí Nhân Chí Thánh, nhưng Ngài vẫn khiêm tốn không dám nhận mình là Thánh nhân. Đối với các môn đệ, Ngài rất dễ dãi. Hễ ai theo đúng lễ đến xin học thì Ngài không bao giờ từ chối. Ngài thâu nhận học trò, không kể giàu nghèo, con quan hay con dân. Ngài mở ra một nền giáo dục bình dân đại chúng, đào tạo được một lớp người trí thức mới, tài giỏi và có đức hạnh trong giới bình dân.

7.5. Đức Khổng Tử tạ thế

Mùa Xuân năm Lỗ Ai Công thứ 14 (481 trước Tây lịch), người nước Lỗ đi săn bắt được một con kỳ lân què một chân bên trái phía trước. Đức Khổng Tử đến xem rồi bưng mặt khóc. Khi trở về, Ngài than rằng: “Ngô đạo cùng hỹ!” (Đạo của ta đến lúc cùng !).

Sách Xuân Thu chép đến chuyện này thì hết, nên đời sau còn gọi sách Xuân Thu là Lân Kinh. Năm Nhâm Tuất đời Lỗ Ai Công thứ 17 (479 trước Tây lịch), một hôm Đức Khổng Tử chống gậy đi tản bộ trước nhà, vừa đi vừa hát: Thái sơn kỳ đồi hồ! Lương mộc kỳ hoại hồ! Triết nhân kỳ nuy hồ! (Núi Thái sơn đổ ư! Cây gỗ tốt hư hoại ư! Triết nhân mòn mỏi ư !). Học trò của Ngài là Tử Cống liền đến hỏi thăm Ngài. Ngài nói: “Ta biết mình sắp chết”. Đến ngày Kỷ Sửu, tức là ngày 18 tháng 2 năm Nhâm Tuất, Đức Khổng Tử tạ thế, hưởng thọ 73 tuổi.

Mộ của Ngài ở bên bờ sông Tứ Thủy, phía Bắc thành nước Lỗ, nay gọi là Khổng Lâm, thuộc huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông. Ba ngàn đồ đệ của Ngài đều thương tiếc và than khóc, nguyện để tang Thầy 3 năm. Có hơn 100 môn đệ làm nhà chung quanh phần mộ để lo phụng tự  trong 3 năm, riêng Tử Cống ở đó hết 6 năm  mới thôi. Chu vi đất quanh mộ của Đức Khổng Tử rộng chừng 100 mẫu mà không hề có cây gai và cỏ may mọc. Học trò bảo nhau đi tìm các thứ hoa thơm cỏ lạ ở các nơi đem về trồng khắp chung quanh.

Tam Khổng, nơi ở và lăng mộ của gia tộc Khổng Tử tại Khúc Phụ, Sơn Đông, Trung Quốc.

7.6. Các triều đại phong tặng Đức Khổng Tử

- Năm 739, vua Đường Huyền Tôn phong tặng Đức Khổng Tử là Văn Tuyên Vương, mặc phẩm phục Hoàng đế, tặng cho các đệ tử các tước: Công, Hầu, Bá.

- Năm 1008, vua Tống Chân Tông phong Ngài là: Đại Thánh Văn Tuyên Vương, phong cho thân phụ Ngài là Lỗ Công, phong cho thân mẫu Ngài là Lỗ Phu Nhân, vợ là Bà Thượng Quan Thị  làm Vân Phu Nhân, và ra lịnh cho các tỉnh lập miếu thờ Ngài.

- Năm 1306, vua Minh Thế Tông phong tặng Ngài là Chí Thánh Tiên Sư.

- Năm 1645, vua Thanh Thế Tổ phong là Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương Thánh Sư Khổng Phu Tử.

7.7. Văn miếu

Văn miếu hay Văn Thánh miếu là tòa nhà dựng lên để làm Đền thờ Đức Khổng Tử và các môn đệ của Ngài cùng với các Tiên Hiền, Tiên Nho qua các thời đại.

8. Các Chi phái của Nho giáo

Nho giáo kể từ thời của Đức Khổng Tử cho đến đời nhà Thanh bên Tàu kể có 2500 năm. Trong khoảng thời gian ấy, Nho giáo có lúc thịnh lúc suy, nhưng bao giờ cũng có cái tinh thần mạnh mẽ để đối phó với thời cuộc mà sinh tồn, mà phát đạt. Nhờ cái tinh thần ấy, học thuật tuy có biến thiên nhiều lần, nhưng cái đặc tính của Nho giáo vẫn không mất, mà lúc nào cũng giữ được thái độ tôn nghiêm đủ làm cho người ta tín phục.

Xét về sự biến thiên của học thuật, từ đời Hán trở đi, ta có thể chia Nho giáo làm 2 phái học: phái học Nghĩa lý (học về giáo lý) và phái học Từ chương (học để đỗ khoa bảng).

8.1. Học về giáo lý

Sau thời Đức Khổng Tử, Nho giáo có 2 phái lớn: Mạnh Tử và Tuân Tử. Hai phái này đều xưng là theo cái học của Khổng Tử, song  mỗi phái chủ trương một tôn chỉ riêng. 

Từ cuối đời Chiến Quốc đến hết đời nhà Tần, sang đời nhà Hán, Nho giáo bị một trạng thái trung suy, rồi từ đời vua Hán Võ Đế trở đi, Nho giáo rất được thịnh hành, song cái học thuật trong thời đại từ đời Hán đến đời Đường, chỉ chú trọng ở sự tìm nghĩa lý trong các Kinh Truyện, thành ra một lối học gọi là Huấn Hỗ học.

Kế đến đời nhà Tống, các Nho gia bỏ lối học Huấn Hỗ, tìm lấy những vi ngôn đại nghĩa của Thánh Hiền, lập ra phái Lý Học, đem cái tư tưởng lên đến cõi siêu việt và gây thành một nền triết học rất cao minh.

Phái Lý Học của Nho giáo đời Tống có 3 học thuyết:

- Tượng số học.

- Đạo học.

- Tâm học.

Tượng số học  do Thiệu Khang Tiết lập ra, nhưng về sau không thịnh hành.

Đạo học  Tâm học thì đời nhà Tống đến đời nhà Minh, đều cùng nhau đối lập. Đạo học lấy Trình Chu làm tiêu biểu, còn Tâm học thì lấy Lục Vương làm tiêu biểu.

Nho giáo đến cuối nhà Thanh lại chia ra làm mấy phái nữa, như: Hán Học phái, Tống Học phái, và sau cùng là Tân Học phái.

Hán Học phái lấy sự khảo cứu các Kinh Truyện làm tôn chỉ. Tống Học phái lấy học thuyết của Tống Nho làm tôn chỉ. Tân Học phái lấy việc chính trị theo nghĩa trong Ngũ kinh làm tôn chỉ.

Các Học phái ấy đều muốn sửa đổi cái lưu tệ để khiến cho sự học được thích hợp với sự ứng dụng ở đời.

CÒN TIẾP =>>