351 lượt xem

Tổ chức đô thị

TỔ CHỨC ĐÔ THỊ

Đô thị Việt Nam trong lịch sử rất kém phát triển. Để hiểu được nguyên nhân của sự kiện này; có thể xem xét đô thị Việt Nam từ hai phía: trong quan hệ với quốc gia và trong quan hệ với nông thôn.
 
  1. Đô thị Việt Nam trong quan hệ với Quốc gia

Trong quan hệ với quốc gia, đô thị Việt Nam có ba đặc điểm:
  1. Trước hết, xét về nguồn gốc, phần lớn đô thị Việt Nam là do nhà nước sản sinh ra. Các đô thị lớn nhỏ, ra đời vào các giai đoạn khác nhau như Văn Lang, Cổ Loa, Luy Lâu, Thăng Long, Phú Xuân (Huế)… đều hình thành theo con đường như thế. Ngay các đô thị mới như Xuân Mai, Xuân Hòa… cũng không thoát ra ngoài quy luật trên.
 
  1. Về chức năng, đô thị Việt Nam thực hiện chức năng hành chính là chủ yếu. Trong đô thị có bộ phận quản lí và bộ phận làm kinh tế (buôn bán); thường thì bộ phận quản lí hình thành trước theo kế hoạch, rồi dần dần, một cách tự phát, bộ phận làm kinh tế mới được hình thành. Thậm chí trong nhiều trường hợp, bộ phận quản lí của đô thị đã hoạt động rồi mà bộ phận làm kinh tế vẫn không phát triển được hoặc phát triển rất yếu ớt như trường hợp các kinh đô Hoa Lư của nhà Đinh, phủ Thiên Trường của nhà Trần, Tây Đô của nhà Hồ, Lam Kinh của nhà Lê, Phượng Hoàng Trung Đô của nhà Tây Sơn…
 
  1. Về mặt quản lí, đô thị Việt Nam đều do nhà nước quản lí. Nhà nước đặt ra đô thị thì dễ hiểu là nhà nước phải quản lí và khai thác nó (thông qua bộ máy quan lại). Ngay cả một số ít đô thị hình thành tự phát do ở vào những địa điểm giao thông buôn bán thuận tiện như Vĩnh Bình (nay là thị xã Lạng Sơn), Vân Đồn (thuộc tỉnh Quảng Ninh, Phố Hiến (nay là thị xã Hưng Yên) và Hội An, thì ngay sau khi hình thành, nhà nước cũng lập tức đặt một bộ máy cai trị trùm lên để nắm trọn quyền kiểm soát và khai thác.

Ba đặc điểm trên khiến cho đô thị Việt Nam có diện mạo trái ngược hơn so với đô thị phương Tây. Trước hết, trong khi đô thị của ta do nhà nước khai sinh ra thì hầu hết đô thì phương Tây đều hình thành một cách tự phát nếu có một trong 3 điều kiện sau:

(a) là nơi tập trung đông dân,

(b) có sản xuất công nghiệp,

(c) là nơi tập trung buôn bán.

Cũng có trường hợp đô thị phương Tây do nhà nước khai sinh ra (như Peterburg), nhưng đã có tính đến yếu tố giao thông và kinh tế, vì vậy, đã phát triển rất tốt sau khi hình thành. Về chức năng, trong khi đô thị của ta thực hiện chức năng hành chính là chủ yếu thì đô thị phương Tây thực hiện chức năng kinh tế là chủ yếu. Khi nhà nước có nhu cầu mở trung tâm hành chính thì họ thường chọn một trong những đô thị có sẵn. Vê mặt quản lí, trong khi đô thị của ta do nhà nước quản lí thì đô thị phương Tây là tổ chức tự tri. Đó là một truyền thống rất lâu đời ờ phương Tây: Từ thời Hi Lạp cố đại đã tồn tại các thị quốc (đô thị – quốc gia với những hoạt động chính trị hoàn toàn độc lập (vì vậy mà “thị quốc” tiếng Hi Lạp gọi là polis). Sau này, đô thị châu Âu thời Trung cố và tư sản là do giới công thương làm chủ: nó hoạt động độc lập, nằm ngoài quyền lực của các lãnh chúa phong kiến và có hiến chương riêng; các thị dân tự bầu ra Hội đồng thành phố và thị trường cho mình.

Như vậy, trong khi ở phương Tây, làng xã là “cái bao tải khoai tây” rời rạc, còn đô thị là một tổ chức tự trị vững mạnh thì, ngược lại, ở Việt Nam làng xã nông nghiệp là một tổ chức tự trị vững mạnh, còn đô thị lại yếu ớt, lệ thuộc. Đó là một bức tranh mang tính quy luật tất yếu do sự khác biệt của hai loại hình văn hóa quy định: ở nền văn hóa Việt Nam nông nghiệp trọng tĩnh, làng xã là trung tâm, là sức mạnh, là tất cả, cho nên làng xã có quyền tự trị. Còn ở các nền văn hóa châu Âu sớm phát triển thương mại và công nghiệp, thì hiển nhiên là đô thị tự trị và có uy quyền.
 
  1. Đô thị trong quan hệ với Nông thôn

2.1. Do chỗ sức mạnh của truyền thống văn hóa nông nghiệp đã không cho phép nông thôn tự chuyển thành đô thị cho nên ở Việt Nam, có những làng xã nông thôn thực hiện chức năng kinh tế của đô thị – đó là các làng công thương. Làng Bát Tràng (Gia Lâm) làm đồ gốm, là Đại Bái (Bắc Ninh) đúc đồng, làng Bưởi (Từ Liêm) làm giấy, làng Nhị Khê (Hà Tây) làm nghề tiện; làng Phù Lưu, Đa Ngưu (Hải Dương) buôn thuốc bắc, làng Báo Đáp buôn vải… Nếu ở phương Tây thì những làng như vậy sẽ phát triển dần lên, mở rộng dần ra và tự phát chuyển thành đô thị. Nhưng ở Việt Nam thì chúng không trở thành đô thị được, mọi sinh hoạt vẫn giống một làng nông nghiệp thông thường.

Sở dĩ như vậy là vì do tính cộng đồng, cả làng làm cùng một nghề (sản xuất cùng một sản phẩm, buôn cùng một mặt hàng), mà như vậy thì bán cho ai? Không có trao đổi hàng hoá nội bộ, không thể trở thành đô thị được. Mặt khác, do tính tự trị, dân cư sống tự cấp tự túc, khép kín, không có nhu cầu buôn bán, giao lưu – đó là lí do thứ hai khiến cho các làng công thương không thể trở thành đô thị được.

2.2. Nông thôn Việt Nam không chỉ kìm giữ, không cho làng xã phát triển thành đô thị mà còn chi phối cả đô thị, khiến đô thị chịu ảnh hưởng của nông thôn và mang đặc tính nông thôn rất đậm nét.

Tổ chức hành chính của đô thị Việt Nam được sao phỏng theo tổ chức nông thôn. Đô thị truyền thống cũng chia thành các phủ, huyện, tổng, thôn. Đời Gia Long, huyên Thọ Xương ở Hà Nội (quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng bây giờ) chia làm 8 tổng. Cho đến tận năm 1940, các làng quanh hồ Hoàn Kiếm vẫn còn chức tiên chỉ, thứ chỉ.

Bên cạnh những đơn vị như phủ, huyện, tổng, thôn, ở đô thị Việt Nam đã xuất hiện từ rất sớm một loại đơn vị đặc biệt bắt nguồn từ nông thôn mà đến nay đã trở thành đơn vị hành chính cơ sở đô thị – đó là PHƯỜNG. Phường vốn là cộng đồng của những người làm cùng một nghề của một làng quê (xem III-§1.4); vì những lí do khác nhau, họ đã tách ra một bộ phận vào thành phố làm ăn, dựng nhà trên cùng một dãy phố, phía trong sản xuất, phía ngoài bán hàng.

Lối tổ chức đô thị theo phường làm cho đô thị Việt Nam có một bộ mặt đặc biệt, khiến người châu Âu luôn ngỡ ngàng: Năm 1884, Julien viết: “Mỗi loại hàng hóa đều có một phố riêng. Ở phố Bát Sứ – tất cả đều xanh. Tiếp đến phố Bát Đàn – tất cả đều đỏ. Rồi đến phố Hàng Đồng lấp lánh ánh kim vàng chói. Phố Hàng Thêu và phố Hàng Tranh, màu sắc tươi vui sặc sỡ. Năm 1889, Yann nhận xét: “Tôi đã trông thấy nhiều phố. Điều đặc biệt là những phố này do những nhà công nghệ hoạt động trong cùng một nghề cư trú… Điều đó thoạt nhìn hình như có vẻ vô lí về phương diện thương mại”.

Ngay bây giờ, khi nền kinh tế thị trường đã ngự trị, điều “hình như vô lí” đó vẫn tiếp tục tồn tại: các đô thị Việt Nam vẫn tiếp tụ tự phát tổ chức theo lối phường. Chẳng hạn như ở thành phố Hố Chí Minh có đường Ngô Gia Tự bán đồ gỗ, đường Tô Hiến Thành bán vật liệu xây dựng, đường Lí Thái Tổ làm dịch vụ in ấn, đường Huỳnh Thúc Kháng bán đồ điện tử cao cấp, đường Lê Lợi bán đồ văn phòng phẩm,…. Ta còn có thể thường xuyên gặp hiện tượng tái phường hoá: Một dãy phố trước đây bán mặt hàng này, nay cả phố chuyên sang kinh doanh mặt hàng khác.

Nguyên nhân nào giải thích hiện tượng này? Vẫn là tính cộng đồng và tính tự trị: Trước hết, do tính cộng đồng mà cách tổ chức theo phường tỏ ra có lợi cho người bán: họ có điều kiện tương trợ giúp đỡ nhau trong việc định giá.,giữ giá, vay mượn hang, giới thiệu khách hàng cho nhau… Không phải ngẫu nhiên mà tục ngữ có câu: “Buôn có bạn, bán có phường”. Mặt khác, do tính tự trị dẫn đến nếp sống tự cấp tự túc, dân không có nhu cầu mua bán, cho nên người buôn bán phải gian lận để kiếm sống (xem ở trên, III-§1.3.5) – truyền thống gian dối đó đến nay vẫn còn rất nặng; bởi vậy mà, về mặt này, cách tổ chức theo phường tỏ ra có lợi cho người mua: tuy mất công đi xa để mua hang, nhưng bù vào đó, người mua có điều kiện khảo giá (không bị mua đắt), và vì nhiều hàng tiền ít có nguy cơ mua phải hàng giả.

Hiển nhiên, đã kinh doanh thì phải có lời, nhưng trong khi ở phương Tây thương nhân kiếm lời bằng cách cố gắng chiếm và giữ lòng tin của khách hàng (liên kết với khách hàng) đồng thời tính toán đi chèn ép nhau (quy luật cạnh tranh – sản phẩm của ý thức cá nhân) thì truyền thống thương nghiệp Việt Nam là thương nhân liên kết với nhau (sản phẩm của tính cộng đồng) để chèn ép khách hàng.

Chất nông thôn của đô thị Việt Nam còn bộc lộ ở tính cộng đồng (tập thể) của nó. Cho đến tận những năm 80, ở các đô thị Việt Nam vẫn rất phổ biến lối kiến trúc khu tập thể, (miền Nam gọi là “chung cư”) – ở đó tất cả đều tập thể, cộng đồng y như trong một làng: bể nước tập thể, bếp tập thế, thùng rác tập thể, và cả nhà vệ sinh cũng tập thể; hành lang thì dài dằng dặc chung cho tất thảy mọi nhà. Mọi nhà trong chung cư (ít nhất là trong cùng một hành lang, cùng là một cầu thang) đều quen biết nhau, sống cộng đồng với nhau (trông nhà giúp nhau, cho quà nhau, thăm nom nhau,…) như bao đời nay vẫn sống ờ nông thôn. Chất nông thôn của đô thị Việt Nam cũng bộc lộ cả tính tự trị nữa. Các đô thị đều có cổng như cổng làng, các phố nhỏ bên trong cũng vậy.

Hậu quả sự chi phối của nông thôn đối với đô thị là trong lòng các đô thị, cho tới gần đây, thậm chí tận bây giờ, vẫn còn sót lại những ốc đảo làng quê có lũy tre xanh, có tiếng gà kêu, chó sủa. Ở Hà Nội, ngay cạnh quảng trường Ba Đình vẫn còn làng hoa Ngọc Hà, ngay gần công viên Lê nin có làng Kim Liên, chếch phía Tây thì có làng Láng nổi tiếng vôi nghề trống rau hung. Ở Tp. Hồ Chí Minh, rẽ khỏi những đường phố lớn đi vào ngõ hẻm, ta vẫn có thể thấy những cánh đồng nhỏ trống rau. Ở Huế, cho đến tân bây giờ không chỉ có những thôn Vĩ Dạ thơ mộng, làng Phú Cam làm nón,… mà cả thành phố vẫn còn nguyên đó chất nông thôn: Người Huế tự hào khoe với du khách rằng đây là một “Thành phố nhà-vườn” – mỗi ngôi nhà được bao bọc bởi một khu vườn xanh tươi với những hàng cây cắt xén tươm tất – một hình ảnh rất điển hình của gia đình nông thôn. Đô thị Việt Nam mang đậm tính cách nông thôn đến mức trong các ghi chép của A. de Rhodes và các giáo sĩ phương Tây vẫn còn lưu lại tên gọi dân dã của kinh đô Thăng Long là Kẻ Chợ (kẻ = làng), và muộn hơn, kinh đô Huế là Kẻ Huế.

2.3. Sự chi phối mạnh của nông thôn đối với đô thị khiến cho đô thị Việt Nam truyền thống luôn có nguy cơ bị “nông thôn hóa”. Trong lịch sử, các đô thị khi không còn được thực hiện chức năng trung tâm hành chính nữa thì thường bị thu hẹp, tàn tạ dần để rồi hiện nguyên hình trở lại là nông thôn. Hàng loạt đô thị cổ như Văn Lang, Cổ Loa, Hoa Lư, Tây Đô, Lam Kinh… hay mới như Hưng Hóa đến nay cũng chỉ còn lại một vài dấu tích chứng tỏ rằng nó đã từng có thời là đô thị. Sự suy tàn rõ rệt cũng diễn ra, chẳng hạn như với thị xã Sa Đéc sau khi tỉnh lị tỉnh Đồng Tháp chuyển về Cao Lãnh năm 1992.

Từ trong huyết quản, dân thành thị vẫn mang bản chất và tính cách của người nông thôn – chúng luôn bộc lộ ra mỗi khi có điều kiện. Cách đây chỉ vài năm, trước thời kì phát triển kinh tế thị trường, trong thành phố Việt Nam, hễ có mảnh đất nào trống là người ta cuốc lên để trồng rau. Trên các tầng lầu, nhiều gia đình thu hẹp khu vệ sinh, bếp núc lại để nuôi gà, nuôi lợn. Thực là một cuộc “nông thôn hóa đô thị” triệt để.

Người Việt Nam truyền thống vốn gắn bó với sự ổn định làng xã, vốn coi thường dân ngụ cư nên thời xưa, người dân không coi trọng đô thị; dưới con mắt họ, đô thị là nơi hội tụ của dân “tứ chiếng giang hồ”. Tâm lí “trọng nông (nông thôn) ức thương (thành thị)” này thể hiện khắp mọi nơi. Hiện tượng coi thường đô thị và “nông thôn hóa đô thị” này trái hẳn với tình hình ở phương Tây, nơi mà đô thị luôn được nông thôn ngưỡng mộ và có sức mạnh đô thị hóa nông thôn.

Đến tận ngày nay, ảnh hưởng của nông thôn vẫn còn gây khó khăn rất nhiều cho việc quản lí đô thị. Trong Hội nghị Đô thị toàn quốc lần thứ II (tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh tháng 7-1995), Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận xét: “Mô hình tổ chức của bộ máy nhà nước hiện nay ở các đô thị không khác gì tổ chức bộ máy ở các huyện, xã. Về cung cách quản lí, nhiều nơi, nhiều cán bộ đang quản lí hành chính ở đô thị không khác gì lề lối quản lí ở các làng xã” và khẳng định: “Không thể tiếp tục tình trạng đó. Chúng ta thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng nếu chúng ta không chính quy hóa quản lí đô thị thì các mục tiêu trên không thể đạt được” (Báo Tuổi Trẻ, ngày 27-7-1995).
 
  1. Quy luật chung của tổ chức xã hội Việt Nam truyền thống

Một cách tổng quát, ta thấy văn hóa tổ chức đời sống tập thể ở Việt Nam tạo nên những nhóm lưỡng phân với quan hệ âm dương giữa các yếu tố trong mỗi cặp: Quốc gia bao gồm nông thôn (tĩnh tại, khép kín – âm) và đô thị (năng động, cởi mở – dương); nông thôn gồm làng thuần nông (khép kín, hướng nội – âm) và làng công thương (cởi mở hướng ngoại – dương); đô thị bao gồm bộ phận quản lí (tính tại – âm) và bộ phận làm kinh tế (năng động – dương).

Một đặc điểm quan trọng có tính quy luật của văn hóa tổ chức đời sống tập thể Việt Nam trong lịch sử là âm luôn mạnh hơn dương. Thật vậy, trong nội bộ nông thôn thì tính tự trị (của cả làng) mạnh hơn tính cộng đồng (của các thành viên. Trong nội bộ đô thị thì hoạt động hành chính của bộ phận quản lí đóng vai trò quyết định, chỉ đạo hoạt động thương mại của bộ phận làm kinh tế. Giữa nông thôn và đô thị thì biển cả nông thôn lấn lướt khối đô thị nhỏ bé. Đô thị (dương) yếu ớt tới mức không thoát đâu ra khỏi ảnh hưởng của nông thôn, phải lệ thuộc vào nông thôn (âm). Không phải ngẫu nhiên mà trong khi ở phương Tây, nhà giàu đầu tư vào công thương nghiệp hoặc gửi tiền vào nhà băng thì ở Việt Nam trước đây, những nhà giàu ở thành thị thường chuyển tiền về tậu ruộng ở nông thôn.

Âm mạnh hơn dương, tức là khả năng bảo tồn mạnh hơn khả năng phát triển. Chính quy luật đơn giản này cho phép giải thích, một mặt, nguồn gốc của SỨC MẠNH Việt Nam, và, mặt khác, lí do tại sao Việt Nam là một quốc gia rất chậm phát triển.

Khả năng bảo tồn mạnh là ngọn nguồn sức mạnh chống lại mọi âm mưu đồng hóa: Trải qua bao triều đại, cho dù giặc ngoại xâm đã ra sức đồng hóa người Việt Nam bằng mọi thủ đoạn thì cũng chỉ tác động được phần nào tới khối đô thị yếu ớt, mà không ảnh hưởng được tới cái gốc nông thôn vững mạnh của nó. Sức bảo tồn ấy mạnh đến mức không những không bị đồng hóa mà còn đồng hóa được kẻ thù: dân “Mã lưu” do Mã Viện đưa sang, không những không giúp gì cho chính sách đồng hóa của y mà trái lại đã dần dần bị đồng hóa thành người Việt.

Âm càng thịnh thì dương càng suy. Đó là quy luật. Bởi vậy, cũng chính khả năng hảo tồn mạnh này tạo nên sự bảo thủ, kìm giữ sức vươn lên của xã hội Việt Nam truyền thống. Điều này đặc biệt rõ nét vào thời Nguyễn – triều đại phong kiến Việt Nam cuối cùng: khi còn là các chúa Nguyễn đang phải đấu tranh giành quyền bính thì họ khuyến khích đô thị phát triển và mở mang buôn bán, nhưng khi đã nắm được chính quyền rồi thì chuyển sang chính sách “bế quan tỏa cảng” để giữ ổn định. Chính vì chất âm tính cao như thế cho nên, nhìn chung, Việt Nam là một nước phát triển chậm.

Nếu so sánh với phương Tây thì các nền văn hóa phương Tây thiên về tính động, phát triển (dương tính), còn phương Đông thiên về tính tĩnh, bảo tồn (âm tính). Còn so trong phương Đông với nhau thì trong khi Việt Nam rõ ràng là thiên về bảo tồn (âm tính) thì ở Trung Hoa, nhu cầu thường trực lại là phát triển (dương tính). Không phải ngẫu nhiên mà Trung Hoa đã sản sinh ra một tầng lớp thương nhân giỏi buôn bán tới mức cả thế giới đều biết tiếng. Từ thời Chiến Quốc mạng lưới đô thị Trung Hoa đã khá phát triển; đến thời Hán, nó đã phủ kín miền Hoa Bắc. Đô thị Trung Hoa và tầng lớp thương nhân càng phát triển mạnh vào các đời Đường, Tống và Minh sau này.

Xét theo nguyên lí âm dương thì xã hội Trung Hoa mang tính dương ở hoặc âm. Còn Việt Nam là âm ở trong âm – một thứ âm tính điển hình, lấy sự bảo tồn, ổn định, an toàn làm trọng. Tư tưởng chủ đạo của nhà nước Việt Nam trong lịch sử luôn là lấy tiết kiệm làm quốc sách. Dân gian đã diễn đạt điều đó một cách hình tượng bằng câu tục ngữ: Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện.

Nguồn: ditichlichsu-vanhoahanoi.com