908 lượt xem

Top 10 nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất lịch sử Việt Nam: Trắng đen khó lòng rạch ròi

Top 10 nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất lịch sử Việt Nam: Trắng đen khó lòng rạch ròi
 

Nguồn: Sưu tập


Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam có những câu chuyện mà đáp án đúng sai phải trái trắng đen khó lòng rạch ròi phân định. Sau đây là top 10 nhân vật lịch sử Việt Nam gây nhiều tranh luận nhất từ trước tới nay.

Lịch sử là dòng chảy của những câu chuyện mà đáp án đúng sai phải trái trắng đen khó lòng rạch ròi phân định. Chỉ có một màu xám miên trường trải dài theo dòng thời gian. Nhưng những bài học rút ra từ câu chuyện của tiền nhân mới chính là màu xanh của lịch sử muốn để lại cho hậu thế, dù ở thời đại nào đi chăng nữa…

 

Vua Gia Long – “Cõng rắn cắn gà nhà” hay hành trình của chân mạng thiên tử

 
Nguồn: Sưu tập
 

Gia Long -Nguyễn Ánh là một trong những cái tên gây nên nhiều tranh luận bậc nhất trong những năm gần đây. Từ thủa nhỏ chúng ta luôn được học câu chuyện “cõng rắn cắn gà nhà” của vị vua sáng lập triều Nguyễn, như là một nguyên nhân trọng yếu dẫn đến cuộc xâm lăng của thực dân Pháp sau này. 

Tuy nhiên, xét một cách công bằng, có tồn tại một Hiệp ước Versailles năm 1787, được dự định ký kết giữa vua Pháp là Louis XVI và chúa Nguyễn Ánh. Nội dung chủ yếu là Nguyễn Ánh đồng ý cắt lãnh thổ Việt Nam cho Pháp, đổi lại Pháp đồng ý đưa quân và vũ khí sang đánh nhà Tây Sơn. Hiệp thư do giám mục người Pháp Bá Đa Lọc ( Pigneau de Behain) và Hoàng Tử Cảnh mang sang Pháp.

Nhưng cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789 chấm dứt chế độ quân chủ tại đất nước hình lục lăng, khiến cho chẳng có sự viện trợ nào cho Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với Tây Sơn. Tàu thuyền súng ống hầu hết là do sự tự thân vận động của Bá Đa Lộc. Và Hòa ước 1787 ấy mãi không bao giờ được thực hiện. Còn cuộc xâm lược của Pháp bắt đầu tận năm 1858, dưới đời vua Tự Đức, với nhiều nguồn cơn khác nhau của thời cuộc khi đó.

Nguyễn Ánh có hành động cầu viện ngoại bang. Chuyện đó rõ ràng. Nhưng cũng cần thấy đó không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn Pháp vào Việt Nam, nó rất khác với câu chuyện cùng thời của Lê Chiêu Thống. Dù hành động của cả hai đều chung một ý niệm , bảo vệ hoàng vị của ông cha.

Chúng ta đứng ở góc nhìn của hậu thế, để có thể có những cảm nhận đúng sai theo thời đại của mình. Nhưng chúng ta cũng ko quên vị hoàng thân Nguyễn Ánh ấy chịu cảnh nước mất nhà tan, gần như trở thành giọt máu duy nhất còn lại của mười ba đời chúa Nguyễn. Và trong quan điểm phong kiến, non sông được hòa lấp vào vương vị của dòng tộc, giữ được điều này ắt giữ được điều kia. Ấy cũng là suy nghĩ của Nguyễn Vương trong những lúc ngặt nghèo nhất mà quyết định gửi hoàng tử Cảnh sang Pháp vậy!

Nhưng nói gì thì nói, công-tội của vua Gia Long có thể là một ẩn số của lịch sử. Nhưng hành trạng của ngài đã đi qua từ một đứa trẻ tuổi thiếu niên bị truy sát trở thành cửu ngũ chí tôn thì là gì, nếu không là hành trạng của chân mạng thiên tử. Đó là một cuộc trường chinh trước số phận nghiệt ngã mà Nguyễn Ánh đã hội đủ tài năng,kiên định và Thiên Mệnh.

Bút mực viết về ngài chắc sẽ còn dài giữa những lằn ranh đầy tranh cãi. Nhưng những bài học từ ngài mới là điều mà hậu thế cần phải lĩnh hội và khắc ghi.
 

Trần Thủ Độ – Tội thần hay khai quốc công thần

 

Nguồn: Sưu tập
 

“Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo lắng!”

Câu nói ấy thể hiện rõ ràng lòng yêu nước và khả năng gánh vác giang sơn của Trần Thủ Độ, vị khai quốc công thần của nhà Trần, một trong những nhân vật quan trọng nhất của dòng họ Đông A trong lúc sơ khởi. Và cũng có thể nói, nếu xem chuyện Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh là một bộ phim, thì Trần Thủ Độ chính là biên kịch và đạo diễn của bộ phim ấy vậy.

Nhưng trước khi trở thành Thái Sư của nhà Trần, thì Trần Thủ Độ cũng lại là điện tiền chỉ huy sứ dưới triều Lý Huệ Tông. Vậy nên với nhà Lý hành động của ông không khác gì nghịch thần với việc cướp ngôi. 

Bên cạnh đó, những hành xử của ông với Lý Huệ Tông (ép chết), Lý Chiêu Hoàng (phế truất) và tông thất nhà Lý (tận diệt) khiến nhiều người lên án. Nhưng với Vương Vị non trẻ của nhà Trần khi đó, việc làm của ông như xây những viên gạch nền móng kiên cố.

Trần Thủ Độ là một chiếc gạch nối quan trọng giữa hai triều đại. Và đã là chiếc gạch nối thì luận công- tội thế nào âu cũng là chuyện nói mãi cũng chẳng xong!
 

Hồ Quý Ly – vị vua mất nước và nhà cách tân nhầm thời

 

Nguồn: Sưu tập
 

Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần lập ra nước Đại Ngu và thực hiện một loạt canh tân đầy tiến bộ. Súng thần công, tiền giấy, thành nhà Hồ và nhiều cải cách khác của ông khiến nhiều người đời sau ngỡ ngàng vì suy nghĩ ấy thực sự đi trước thời đại. Và vì ở thế kỷ 14-15 còn ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, nên một kẻ được xem là chiếm ngôi như ông cùng một loạt thay đổi hệ thống chưa từng có ,dĩ nhiên không có được sự đồng thuận.

Và rồi vốn dĩ không phải một nhân tài về quân sự, ông cùng triều đại của ông nhanh chóng thất bại trước cuộc xâm lược của quân Minh dưới lá cờ “phù Trần diệt Hồ”.

Ấy vậy Hồ Quý Ly mang trong mình chí lớn vượt thời đại, để rồi đi từ một kẻ phản thần đoạt ngôi đến một bậc quân vương mất nước. Câu chuyện ấy mới bi đát, mới nghiệt ngã làm sao.

Tóm tắt mọi biện giải về cuộc đời ấy có thể thông qua câu nói của Hồ Nguyên Trừng, con trai ông, như sau:

” Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi!”

Cái vượt thời của ông cũng là một trường hợp không gặp thời vậy!
 

Lê Hoàn – Anh hùng chống Tống và tấm hoàng bào đầy nghị kỵ

 

Nguồn: Sưu tập
 

Vỡ cải lương Dương Vân Nga được xem là một trong những tuyệt tác của sân khấu, và nó cũng tái hiện một phần nào đó của lịch sử.

Câu chuyện Thái hậu Dương Vân Nga khoác chiếc hoàng bào cho Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn, như một hành động ẩn dụ cho cuộc chuyển giao quyền lực. Họ Đinh của Đinh Tiên Hoàng Đế huyền thoại đã chấm dứt vai trò lịch sử. Và bây giờ là nhà Tiền Lê với một Lê Hoàn- Lê Đại Hành uy dũng bắt đầu sứ mệnh của mình với thử thách lớn đầu tiên từ quân xâm lược nhà Tống.

Lê Đại Hành với tài thao lược đã đánh tan quân phương Bắc và nắm trong tay vận mệnh của triều đại mình, lưu danh vào lịch sử như một anh hùng kiệt xuất.

Nhưng cuộc chuyển giao quyền lực ấy, mối hoài nghi về ông và thái hậu họ Dương, cùng cái chết của đầy bí ẩn của Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn… tất cả tạo nên một áng mây che phủ.

” Dân không thờ sai ai bao giờ”

Có dịp đến Ninh Bình để ghé đền thờ vua Đinh và vua Lê, bạn sẽ tự có cảm nhận cho riêng mình.

Nhưng nếu không có Lê Hoàn tại thời điểm lịch sử ấy, không có chiến thắng trên sông Bạch Đằng lần thứ hai, thì không có hậu thế chúng ta hôm nay. Đó là điều chắc chắn.
 

Vua Lê Thánh Tông – bậc minh quân hào hoa

 

Nguồn: Sưu tập
 

Lê Thánh Tông – Lê Tư Thành là một trong những vị vua giỏi nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam. Niên hiệu Hồng Đức của ngài gắn liền với một nền thịnh trị, phát triển rực rỡ trên mọi mặt. Vậy nên đã có một nước Đại Việt hùng cường trên bản đồ khu vực vào thế kỷ 15. Bên cạnh đó vua còn là một “thi nhân mặc khách” có tiếng đương thời,khi ngài lập ra “Tao Đàn Thập Nhị bát tú” với chính mình làm chủ soái. Hiếm có vị vua nào anh mình, cần mẫn, văn võ song toàn như Lê Thánh Tông.

Nhưng điểm gợn duy nhất trong cuộc đời của bậc minh quân hào hoa này là trong cuộc chiến Việt-Chiêm, ngài đã tận diệt nước láng giềng khi gián tiếp gây ra cái chết của sáu vạn quân dân Chiêm Thành, phá nát kinh đô và đưa dân tộc ấy tới chỗ diệt vong. Trong góc nhìn của một số nhà nghiên cứu quốc tế từng muốn đưa Lê Thánh Tông trở thành danh nhân văn hóa thế giới, thì hành động đó của ngài được xem là một hành động diệt chủng. Chuyện này còn rất nhiều tranh cãi. Vì đứng trên phương diện quốc gia và lịch sử đối đầu nhiều thế kỷ giữa Đại Việt và Chiêm Thành, việc nhổ cỏ tận gốc của ngài là điều có thể hiểu được.

Dẫu sao, Lê Tư Thành đã sống trọn vẹn một đời cho sự hưng thịnh của của Đại Việt. Và chữ “Thánh” trong miếu hiệu của ngài cũng là chữ Thánh trong lòng dân vậy!
 

Lý Thường Kiệt – Thái úy kiêu hùng và trận chiến thành Ung Châu

 

Nguồn: Sưu tập
 

Bộ Phim lịch sử diễn họa về hai chiến dịch lớn trong cuộc chiến kháng Tống của Lý Thường Kiệt, của nhóm Việt Sử Kiêu Hùng đã gây được những tiếng vang đầy khích lệ. Cuộc đời và công trạng,tài năng quân sự và lòng yêu nước của vị thái úy nhà Lý được tái hiện và giới thiệu rộng khắp đến các bạn trẻ yêu sử trong cả nước.

Và trong cuộc đại chiến thành Ung Châu, nhóm Việt Sử Kiêu Hùng đã nhắc đến một chi tiết mà lịch sử trong nhà trường thường né tránh, đó là việc Lý Thường Kiệt đã “đại khai sát giới” lấy thủ cấp của hơn năm vạn quân dân trong thành Ung Châu.

Chi tiết này gây ra hai luồng ý kiến. Một nhóm thì cho rằng Lý Thường Kiệt giết quá nhiều người như vậy là tàn nhẫn. Nhưng nhóm khác thì lại nghĩ đó là chiến tranh, và nhân đạo với kẻ thù là tàn nhẫn với bản thân. Có một ý kiến rất hay như thế này, ” Giết chừng đó người có thể là quá độc ác và hung tàn. Nhưng theo mình sự nhẫn tâm đó là cần thiết. Lý Thường Kiệt đã gánh hết sự hung bạo đó để đổi lại một cái tên, một uy danh mà khi nhắc đến tướng giặc phải tim đập chân run, quân giặc phải khiếp vía quay đầu”.

Cuộc tranh luận ấy hãy còn nối dài. Nhưng chiến quả mà Lý Thường Kiệt mang lại không chỉ ở Ung Châu mà còn tại sông Như Nguyệt sau này đủ để vinh danh ngài như một tượng đài của lịch sử chống ngoại xâm.
 

Nguyên Phi Ỷ Lan – Hành trình huyền thoại của cô gái hái dâu

 

Nguồn: Sưu tập
 

Lịch Sử Việt Nam ghi nhận Nguyên phi Ỷ Lan là người phụ nữ duy nhất hai lần nhiếp chính. Trong đó lần thứ hai là khó khăn hơn cả khi vua Lý Nhân Tông còn nhỏ tuổi mà vận nước đang lâm nguy khi quân Tống tiến sang. Nhưng rồi, khả năng “tề gia trị quốc bình thiên hạ” của Nguyên Phi đã lèo lái con thuyền dân tộc cập bến an toàn, thoát khỏi nạn ngoại xâm và mở ra thời kỳ thái bình. Dĩ nhiên phải kể đến công trạng của Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành… nhưng để những bậc hùng anh ấy một lòng vì xã tắc, người phụ nữ nhiếp chính ấy cũng phải “đắc nhân tâm” như thế nào…

Vệt xám duy nhất trong phần đời trọn vẹn dành cho Lý Triều của Ỷ Lan Nguyên Phi, là cái chết của Thượng Dương Hoàng Hậu và 72 cung nữ. Tương truyền bà đã ép Hoàng hậu họ Dương cùng các cung nữ chôn sống theo vua mới băng hà. Đó là một cuộc cung đấu,hay là kết quả của cuộc tranh đoạt quyền lực chính trị hay là sự an bài bắt buộc hy sinh để tập trung cho trận đánh lớn của đất nước. Không ai có câu trả lời, nhưng hành trình từ một cô gái hái dâu ở một vùng quê có cơ duyên gặp được hoàng đế mà trở thành mẫu nghi thiên hạ trong những thời khắc lịch sử của dân tộc, rõ ràng là một hành trình huyền thoại.

 

Trương Vĩnh Ký – Nhà bác học đầu tiên của Đông Dương và cuộc đời gây tranh cãi

 
Nguồn: Sưu tập
 

Đầu năm 2017, học giả Nguyễn Đình Đầu cho ra mắt cuốn cách “Trương Vĩnh Ký – nỗi oan thế kỷ”. Cuốn sách gây được sự chú ý của đông đảo dư luận. Nhưng cũng xuất hiện không ít ý kiến trái chiều đến nỗi buổi quảng bá giáo lưu tại đường sách TP. HCM phải hủy bỏ.

Vậy rốt cuộc Trương Vĩnh Ký là ai, công – tội như thế nào, và oan là nỗi oan gì?

Trương Vĩnh Ký là một trong những học giả, thậm chí là nhà bác học đầu tiên ở Đông Dương. Ông có đóng góp lớn cho chữ quốc ngữ trong những ngày đầu. Nhưng phần lớn thời gian nếu không muốn nói là hầu hết cuộc đời ông làm việc cho Thực dân Pháp.

Luận về Trương Vĩnh Ký đến nay vẫn là một đề tài nhạy cảm và khó lòng rạch ròi tách bạch giữa đóng góp về mặt khoa học ngôn ngữ và cuộc đời chính trị của ông. 

Xin mượn tạm lời nhận xét của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân để mở ra những tìm tòi cho chính các bạn đi tìm luận giải cho riêng mình.

“Lịch sử Việt Nam cận đại luôn luôn phải nhắc đến Trương Vĩnh Ký như một nhân vật phản diện điển hình. Đây là trường hợp có một không hai trong lịch sử Việt Nam. Chúng ta cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc, đầy đủ để có một sự đánh giá đúng đắn về tội tiếp tay cho giặc của nhà bác học siêu hình Trương Vĩnh Ký.”

 

Nguyễn Văn Tường – Tôn Thất Thuyết – từ thơ ca đến đồng dao

 

 Nguồn: Sưu tập


 

“Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết 
Tứ nguyệt tam vương thậm bất tường”

 

Hai câu thơ trên tương truyền là của Ông Ích Khiêm nhắc về thời kỳ rối ren của triều Nguyễn sau khi vua Tự Đức băng hà. Vua Dục Đức làm vua được ba ngày thì bị phế truất rồi giết chết. Sau đó Lăng Quốc Công Hồng Dật, em ruột Tự Đức, con thứ 29 của vua Thiệu Trị được đưa lên làm ngôi, tức vua Hiệp Hòa. Và sau 4 tháng thì vua cũng qua đời do bị ép uống thuốc độc.

Lúc này đến lượt Ưng Đăng, một trong ba người con nuôi của vua Tự Đức (vua Tự Đức không sinh được người con nào), được đưa lên ngai vàng, tức vua Kiến Phúc. Như vậy trong vòng 4 tháng ngắn ngủi, đã có ba vị vua được phế lập. Vậy nên gọi là Tứ nguyệt tam vương. Và tám tháng sau thì đến lượt vua Kiến Phúc qua đời vì bệnh.

Hai câu thơ trên nếu tinh ý sẽ phát hiện ra tên của hai vị phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường ở cuối câu. Như là một sự hàm chỉ vai trò của hai ông cho sự phế lập rối ren của triều đình Huế thời điểm đó. Sự tối tăm của chính quyền phong kiến như một nước cờ hỏng càng thêm hỏng khiến đất nước chìm trong biển lửa.

Nhưng cũng chính hai ông được lịch sử nhắc đến với lòng yêu nước và tinh thần kháng Pháp cao độ. Hai ông cũng được xem là những người khởi đầu của phong trào Cần Vương mà vua Hàm Nghi là biểu tượng.

Một số tài liệu sau này đặt giả thuyết về việc phế lập mà hai ông chịu trách nhiệm được chờ là chẳng đặng đừng vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng sự thật Tứ nguyệt tam vương đã trở thành một giai thoại buồn, không chỉ đi vào thi ca, mà đồng dao của trẻ nhỏ cũng được cho là có nhắc đến: 
 

Tru chi rành rành
Cái đanh nổ lửa
Con ngựa đứt cương
Ba vương tập đế
Cấp kế đi tìm
Ù à ù ập


(Đây chính là bản gốc của bài Chi Chi chành chành mà chúng ta vẫn biết)
 

Lê Chiêu Thống – vị vua đáng trách nhưng phận người đáng thương

 

Nguồn: Sưu tập

 


Lê Chiêu thống là vị vua thứ 16 cũng là vị vua cuối cùng của triều Hậu Lê. Ông là nhân vật gắn liền với câu thành ngữ “Rước voi giày mả tổ”. 

Cuộc đời ông nhiều bất hạnh. Ông tên thật là Lê Duy Khiêm, trước khi lên ngôi cửu ngũ, thì phần lớn thời gian của ông là ở trong ngục tối vì hệ lụy từ vụ án của người cha (vốn bị chúa Trịnh Sâm hãm hại). Thời đại của ông cũng là một thời kỳ đặc biệt, ở đoạn cuối của cuộc nội chiến kéo dài 200 năm.

Nhà Lê trên danh nghĩa vẫn là thiên tử nhưng ở đàng ngoài quyền lực nằm trong tay của chúa Trịnh, còn bên kia sông Gianh là của họ Nguyễn. Chưa kể phong trào Tây Sơn của anh em Nguyễn Huệ ngày một lớn mạnh. Và chính những lần bắc tiến của Nguyễn Huệ đã thấy đổi mãi mãi cuộc đời của Lê Chiêu Thống.

Lần thứ nhất, Nguyễn Huệ ra Bắc đánh tan họ Trịnh nhưng thấy nhân sĩ Bắc Hà chưa theo nên để lại cho nhà Lê cai quản tiếp. Lê Duy Khiêm từ trong ngục tối bước lên vũ đài chính trị,mang tiếng là vua một nước nhưng vẫn chẳng nắm được gì trong tay. Ông hết bị Nguyễn Hữu Chỉnh lộng hành rồi Vũ Văn Nhậm đuổi đánh, thật tình chưa thấy ai làm vua mà thống khổ đến thế.

Và để cố giữ lấy cơ nghiệp của dòng tộc, Lê Chiêu Thống đã cầu viện Mãn Thanh. Tôn Sĩ Nghị kéo quân tràn sang nhưng rồi Quang Trung Nguyễn Huệ Bắc Tiến thêm một lần với đại thắng xuân Kỷ Dậu. Lê Chiêu Thống theo đám tàn quân mà chạy về Trung Quốc, sống đời lưu vong với nỗi uất nghẹn tha hương đến lúc qua đời.

Vua Lê Chiêu Thống đáng trách đáng hận, đáng lên án. Chuyện đó không bàn cãi. Nhưng phận người Lê Duy Khiêm thì cũng đáng thương xiết bao. 

Nguồn: Tổng hợp Hồ sơ danh nhân