263 lượt xem

TRẦN BÌNH - KỲ 1

Trần Bình
 

Nguồn: Sưu tầm

Thuở hàn vi
 

Trần Bình người Dương Vũ (nay là đông nam Nguyên Dương tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Sử ký Tư Mã Thiên và Hán thư không ghi rõ gia thế và cha mẹ của Trần Bình, chỉ cho biết ông có một người anh là Trần Bá. Sử ký miêu tả ông là người cao lớn đẹp trai, lại ham học hỏi. Trong khi Trần Bá thường chăm lo cày ruộng làm ăn thì Trần Bình chỉ chăm chú vào việc đọc sách, không chịu làm việc. Trần Bá cày ruộng cho ông thoải mái đi học ở xa. Chị dâu ghét ông không lo làm ăn, tỏ ý coi thường ông. Trần Bá nghe vậy đuổi và bỏ vợ. Trần Bình cao lớn đẹp trai, muốn lấy vợ nhưng các nhà giàu chẳng ai chịu gả con cho, còn lấy người nghèo thì ông lại cho là xấu hổ. Mãi về sau, một người nhà giàu có ở Hội Dũ là Trương Phụ có người cháu gái từng gả chồng năm lần nhưng chồng chết ngay, không ai dám lấy. Trần Bình muốn lấy cô ta. Trong ấp có lễ tang, Trần Bình chăm chỉ đến giúp việc. Trương Phụ thấy thế có ý kính trọng ông, rồi gả người cháu gái đó cho ông. Nhà ông nghèo, Trương Phụ cho mượn tiền và lụa để làm đám cưới.

Thời Hán Sở

Theo Hạng Vũ

Cuối thời nhà Tần, thiên hạ quần hùng khởi nghĩa, trong đó nổi bật nhất là thế lực Trần Thắng ở đất Sở. Trần Thắng xưng Trương Sở vương, chống Tần, nhiều lần đánh bại quân Tần. Các nước chư hầu thời Chiến Quốc cũng nhân đó nổi dậy. Ở Ngụy quốc, Ngụy Cữu được quân của Trần Thắng lập làm vương. Trần Bình vốn tư thông với chị dâu, bị tội, lại thấy thiên hạ hỗn loạn, cho rằng thời cơ thành danh đã đến, bèn rời khỏi nhà, cùng đám thanh niên đến theo Ngụy Cữu. Ngụy Cữu không trọng dụng Trần Bình, lại có người gièm pha ông trước mặt Cữu. Bình sợ, bỏ trốn khỏi nước Ngụy. Mấy năm sau, nhân Sở Bá vương Hạng Vũ tiến quân đánh Tần, Trần Bình lại xin theo Hạng Vũ, được Hạng Vũ phong làm khanh. Sau khi diệt xong nhà Tần, Hạng Vũ cùng với Hán vương Lưu Bang tranh chấp thiên hạ. Từ năm 205 TCN, Lưu Bang bình định được Tam Tần, thế lực bắt đầu lớn mạnh, phát quân sang phía đông. Ân vương Tư Mã Ngang bỏ Sở theo Hán. Hạng Vũ sai Trần Bình mang quân đánh diệt. Trần Bình cùng những người khách nước Ngụy tiến vào nước Ân, hàng phục được Tư Mã Ngang. Khi trở về, Trần Bình được Hạng Vũ phong làm Tín Vũ Quân, chức Đô úy, ban 2000 lạng vàng. Tuy nhiên không lâu sau quân Hán tiếp tục đông tiến, Tư Mã Ngang lại theo Hán. Hạng Vũ tức giận, sai tra xét những người trước kia tham gia đánh Tư Mã Ngang vì cho rằng họ thông đồng với Ngang từ trước. Trần Bình lo sợ, bèn bỏ trốn khỏi nước Sở sang Hán. Trước khi bỏ trốn, Trần Bình sai niêm phong 2000 lượng vàng trước đây Hạng Vũ tặng mình, gửi trả lại, rồi cải trang bỏ trốn, lên một chiếc thuyền qua sông Hoàng Hà. Người chèo thuyền thấy Bình người đẹp lại đi một mình, ngỡ là một viên tướng bỏ trốn, chắc trong người thế nào cũng có vàng ngọc, châu báu, nên trố mắt nhìn, muốn giết Trần Bình. Trần Bình thấy vậy lo sợ, bèn cởi áo, ra chèo thuyền cùng. Người chèo thuyền thấy trên người ông không có gì, bèn thôi.

Giúp Lưu Bang

Trần Bình sang Hán, nhờ đại phu Ngụy Vô Tri mà được vào yết kiến Hán vương. Hán vương giữ Trần Bình lại, trò chuyện rất tương đắc. Biết Trần Bình từng giữ chức Đô úy ở Sở, Lưu Bang cũng phong ông làm Đô úy, được ngồi cùng xe với Lưu Bang và thống lĩnh các tướng. Nhiều tướng Hán thấy ông vừa mới sang đã được phong chức cao, không hài lòng. Lưu Bang nghe thế, càng tin tưởng và trọng dụng Trần Bình hơn

Năm 204 TCN, Lưu Bang tiếp tục đông tiến, nhưng lại bị quân Sở đánh bại một trận lớn ở Bành Thành, quân lực suy yếu phải rút về Huỳnh Dương. Bang phong cho Trần Bình làm á tướng nước Hàn, dưới quyền Hàn vương Tín, đóng quân ở Quảng Vũ.

Chu Bột và Quán Anh thừa cơ gièm pha Trần Bình với Lưu Bang, tố cáo ông tham ô. Lưu Bang tức giận, gọi người tiến cử là Ngụy Vô Tri đến trách cứ. Vô Tri cho rằng nếu Lưu Bang dùng Trần Bình thì chỉ cần xét Bình là người có mưu kế làm lợi cho quốc gia là đã đủ, không nên coi trọng những việc nhỏ nhặt. Lưu Bang hơi xiêu lòng, nhưng vẫn gọi Trần Bình đến trách ông là người bội nghĩa. Ông tự biện hộ rằng:

Thần thờ Ngụy vương, Ngụy vương không biết mưu kế của thần, cho nên thần bỏ đi thờ Hạng Vương. Hạng vương không biết tin người, những người ông ta yêu chẳng qua chỉ là họ Hạng với bên anh em vợ, tuy có kẻ sĩ tài năng cũng không chịu dùng, nên thần bỏ Sở theo Đại vương. Thần nghe Đại vương biết dùng người, cho nên mới mình trần mà sang đây. Nếu thần không lấy vàng thì không có gì dùng, nếu như mưu kế của thần có cái gì có thể dùng được, thì xin đại vương dùng; nếu không dùng được thì số vàng vẫn còn ở đấy cả, thần xin gói lại nộp vào của công, xin được từ chức mà về.

Lưu Bang nghe thế cảm phục, đích thân tạ lỗi với Trần Bình. rồi phong ông làm Hộ quân trung úy. Các tướng khác không dám nói gièm pha thêm nữa

Nằm 204 TCN, quân Sở vây thành Huỳnh Dương rất ngặt, thành sắp vỡ, vua tôi Lưu Bang chờ chết thì Trần Bình bày mưu kế đánh lừa Hạng Vũ. Ông cho Kỷ Tín, 1 người có tướng mạo giống Hán Vương, ăn mặc quần áo quân vương, ngồi trong cỗ xe huỳnh ốc của Nhà vua ra phía cửa Đông thành đầu hàng Hạng Vũ. Quân Hạng Vũ thấy vậy lơ là phòng bị, tập trung hết ở Đông thành xem mặt Hán Vương, phía tây thành bỏ trống. Lưu Bang, Trần Bình cùng các tướng lẻn theo lối này thoát vây quân Sở. Trí khôn tuyệt thế của Trần Bình đã có sức mạnh hơn ngàn binh mã, cứu sống Lưu Bang.

Cũng trong năm 204 TCN, Lưu Bang khốn đốn, phải xin cắt Huỳnh Dương để giảng hòa nhưng Hạng Vũ không nghe. Trần Bình hiến kế cho Lưu Bang dùng vàng bạc li gián vua tôi Hạng Vũ. Lưu Bang cho là phải, trao ông 4000 lạng vàng sang nước Sở thỏa sức tiêu dùng, không hỏi đến việc phân phát thế nào.

Đến Sở, Trần Bình xuất tiền mua chuộc phản gián vào quân Sở, phao tin nhóm Chung Ly Muội làm tướng của Hạng Vương, tuy lập được nhiều công trạng nhưng không được cắt đất phong hầu, đã muốn hợp quân với Hán mà phản Sở. Hạng Vũ không tin Chung Ly Muội, muốn điều tra, bèn sai sứ đến Hán, dâng thái lao. Lưu Bang giả vờ kinh ngạc nói

Ta tưởng là sứ giả của Á Phụ, hóa ra sứ giả của Hạng vương!.

Sứ giả về Sở, thuật lại lời của Lưu Bang. Hạng Vũ do đó nghi ngờ Phạm Tăng. Khi Tăng muốn đánh gấp để hạ thành Huỳnh Dương, tiêu diệt Lưu Bang thì Hạng vương không chịu nghe theo. Phạm Tăng tức giận, từ chức về Bành Thành thì bệnh chết, nước Sở mất một tướng tài

Trần Bình sau đó về Hán. Lưu Bang lại nghe theo kế của Trần Bình, cho hai nghìn người con gái ra cửa đông thành Huỳnh Dương. Quân Sở thấy vậy, tập trung ở phía đông. Lưu Bang và Trần Bình nhân đó theo cửa tây ra khỏi Huỳnh Dương, về phía tây tập hợp lại lực lượng.
Còn nữa.


Nguồn: Wikipidia