315 lượt xem

NGUYỄN DUY THÌ

Nguyễn Duy Thì là một danh nhân văn hoá lớn, có nhiều đóng góp cho đất nước, một trí thức có vị trí và vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam thời Lê Trung hưng.

Yêu dân như cha mẹ yêu con

Nguyễn Duy Thì (1571 – 1651) quê xã Yên Lãng, huyện Yên Lãng, phủ Tam Đới, nay là thị trấn Thanh Lãng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc; đỗ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân năm 1598, thời Lê Thế Tông khi 27 tuổi.

Làm đến chức Tể tướng đầu triều, nhưng từ khi còn là một chức quan nhỏ hàng ngũ phẩm, ông đã thể hiện là một vị quan thương dân, chính trực, dám nói thẳng, nói thật.

Vào năm 1612 khi đang là Thiêm đô ngự sử, trong nước có nhiều điềm tai dị khiến mọi người bàn tán, Nguyễn Duy Thì “dâng khải” lên chúa Trịnh Tùng, khuyên làm những điều nhân đức có lợi cho dân chúng.

Để tờ khải có trọng lượng hơn, ông vận động cả các Giám sát ngự sử của 13 đạo cùng đứng tên. Mở đầu tờ khải Nguyễn Duy Thì viết: “Dân là gốc nước, đạo trị nước là yêu quý dân mà thôi. Trời và dân theo một lẽ, lòng dân vui thích, tức là được ý trời. Vì thế người giỏi trị nước phải yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy dân đói rét thì thương, thấy dân khổ sở thì xót”.

Ý này của tờ khải không mới, trước Nguyễn Duy Thì, nhiều người đã đề cập đến vấn đề này. Cái mới là, tờ khải đã nhắc đến tình trạng hiện thời: chính sự thì hà khắc, bạo ngược; nạn tham nhũng hoành hành khắp nơi; cấp trên thì quan liêu, cấp dưới thì mặc sức vơ vét, một tình trạng đáng báo động…

Hãy nên sợ hãi

Đề cập vấn đề này, Nguyễn Duy Thì viết: “Chỉ vì kẻ thừa hành chưa biết thể theo đức ý của bề trên, chăm làm sự hà khắc bạo ngược, đua đòi xa xỉ. Coi một huyện thì làm khổ dân một huyện, coi một xã thì làm khổ dân một xã, phàm những việc nhiễu lạm, không việc gì không làm”.

Và kết cục của chính sự hà khắc bạo ngược đó là sự bần cùng hóa của người dân: “khiến cho dân trong nước, con trai thì không có áo, con gái thì không có váy, tiệc hát xướng không còn, lễ cưới xin không đủ, sống nuôi chết đưa không trông cậy vào đâu, ăn uống chi dùng hàng ngày mọi bề đều thiếu, dân mọn nghèo hèn cho đến sâu bọ cỏ cây đều không sống nổi”.

Theo quan niệm của Nho giáo, “Thiên nhân tương cảm”, trời và người có mối giao cảm với nhau, cho nên chính sự không tốt, người dân lầm than đói khổ, oán thán nhiều thì trời gieo tai họa để thức tỉnh. Nếu người cầm quyền không thức tỉnh, không thay đổi sẽ chịu hậu quả nặng nề hơn.

Trong chừng mực nào đó, quan niệm này có mặt tích cực của nó. Bởi vì các vị vua chúa quyền cao tột bậc, có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Nhưng hãy cẩn thận bởi ở trên cao, “ông Trời” đang nhìn xuống đấy. Và, cái ác, cái xấu sẽ phải chùn tay!

Tờ khải viết: “Vì thế cảm động đến đất trời, khiến cho lòng trời ở trên không thuận, tai họa lũ lụt tràn ngập quá mức thường, chắc là có quan hệ đến chính sự, há chẳng nên sợ hãi, tu tỉnh, nghĩ đến tội lỗi gây nên thế sao?”.

Đây là những lời trực tiếp nhắc nhở chúa Trịnh Tùng “hãy nên sợ hãi, tu tỉnh, nghĩ đến tội lỗi” của mình, há không phải là những lời quá thẳng thắn, bộc trực, quá mạnh dạn, gan góc đó sao? Nói đến như thế mà chúa không những không nổi giận mà còn lắng nghe, rồi thay đổi chính sự, như vậy không phải là một thành công lớn của tờ khải đó sao!

Sử ghi rằng, năm sau, “Mùa đông tháng 11, sai triều thần chia nhau đi các xứ, xét hỏi nỗi đau khổ của nhân gian, người phiêu dạt thì tha tạp dịch ba năm để về an cư phục nghiệp” Việc làm đó của chúa chính là hành động cụ thể để trả lời tờ khải của Nguyễn Duy Thì.
 

Hơn nửa thế kỷ tham gia chính sự dưới ba triều vua, hai đời chúa, trong một xã hội nhiều biến loạn, Nguyễn Duy Thì đã đem hết sức mình cống hiến cho sự ổn định tình hình chính trị đất nước ở buổi đầu thời Lê – Trịnh.

Kiêm nhiệm chức Tư nghiệp rồi Tế tửu Quốc tử giám trong hơn 30 năm, Nguyễn Duy Thì không chỉ là người thầy đáng kính mà còn là nhà quản lý giáo dục, tham gia trực tiếp tuyển chọn người hiền tài cho đất nước.

Ông làm Giám thí khoa thi Quý Sửu 1613 và khoa thi Quý Hợi 1623… Những nỗ lực đóng góp của Nguyễn Duy Thì đã thúc đẩy nền giáo dục khoa cử phát triển mạnh.

Nguyễn Duy Thì có người con trai Nguyễn Duy Hiểu sinh năm 1602, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ khoa Mậu Thân năm 1628 khi 27 tuổi, đồng khoa với Giang Văn Minh.

Nguyễn Duy Hiểu ra làm quan đồng triều với thân phụ Nguyễn Duy Thì, được cử đi sứ nhà Minh năm 1639 cùng Giang Văn Minh trong tình thế vô cùng nguy nan và cả hai vị đều hy sinh trên đất Bắc quốc.

Phụng mệnh triều đình, Nguyễn Duy Thì lên biên giới đón đoàn sứ thần trở về, không ngờ lại phải nhận thi hài con mình! Vua Lê Thần Tông sắc phong ghi rõ công trạng của ông với tư cách là nhà ngoại giao có công đặc biệt với đất nước.

Nguyễn Duy Thì mất năm 1651, hưởng thọ 81 tuổi. Phủ đường nơi ông làm việc khi về quê, sau khi ông mất, nhân dân sử dụng làm nơi hương đăng thờ phụng, tưởng nhớ công lao của ông.

Ngày nay ở quê nhà còn đền thờ và lăng mộ của ông. Trước lăng mộ có cặp câu đối: Bát cổn ngoại xuân thu, lũy triều nguyên lão – Tứ thập niên tể phụ, vạn cổ danh gia. Tạm dịch là, Tám chục lẻ xuân thu, bậc nguyên lão mấy triều – Bốn mươi năm Tể tướng, vị danh nhân muôn đời.

Người có uy quyền lừng lẫy

Trong đền Thượng thư Nguyễn Duy Thì, vẫn còn đủ sắc phong của vua Lê và lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý như chiếc đòn võng gỗ mít ông vẫn dùng khi từ triều đình về quê và ngược lại; một bản chúc thư gồm 188 trang chữ Hán do công thần Nguyễn Duy Trực sao lại năm 1780, nội dung ghi các chức tước và ruộng đất được ban cấp của ông, 34 đạo sắc phong nguyên gốc và nhiều hiện vật là đồ thờ tự tại đền có niên đại thế kỷ 17 bao gồm ngai ỷ, án gian, chấp kích, bát bửu và hệ thống hoành phi, câu đối ca ngợi tài đức, công lao của Nguyễn Duy Thì trong nửa thế kỷ làm quan.

Ghi nhận những giá trị kiến trúc và văn hóa đó, năm 1993, UBND tỉnh Vĩnh Phú cũ đã công nhận Đền thờ Tướng công Nguyễn Duy Thì là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Hơn 50 năm làm quan, Nguyễn Duy Thì đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng. Đương thời, đó là người có quyền uy lẫy lừng, chỉ dưới vua Lê, chúa Trịnh. Nguyễn Duy Thì cũng được đánh giá là nhà chính trị kiệt xuất, nhà ngoại giao tài ba, uy danh, góp phần ổn định chính trị trong nước, bang giao hòa hảo với các nước láng giềng.

Bởi vậy, tương truyền thần nhân đã từng hiện lên đọc mấy câu thơ về Nguyễn Duy Thì như sau: “Yên Lãng nhân, Yên Lãng nhân – Thiên hạ an nguy tại hệ nhất thân”. Câu này có nghĩa là: Người xã Yên Lãng, huyện Yên Lãng – Đất nước yên nguy liên quan đến người này.

Phạm Đình Hổ coi ông “là người suốt đời làm quan luôn giữ mình trong sạch, ngay thẳng, là người nổi tiếng đời Trung hưng”.

Nguyễn Bảo Nam - Khoahocdoisong.vn