278 lượt xem

TRẦN CÔNG XÁN

TRẦN CÔNG XÁN (1731 - 1787)

Trần Công Xán còn có tên là Trần Công Thước người làng Yên Vĩ, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu (nay thuộc xã An Vỹ, huyện Khoái Châu). Ông đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 đời Lê Hiển Tông (1772), được bổ làm quan, chức Hiến sát, Tham chính

Trần Công Xán ung dung đi sứ dù biết việc khó thành (Sưu tầm)

Năm Canh Tý (1780), ông đi sứ nhà Thanh, khi về được thăng làm Ngự sử, tước Luyện Trạch hầu. Đến năm Ất Tỵ (1785), ông được thăng chức Tham tụng. Năm sau, gặp khi trong nước có biến loạn, ông đứng ra lo toan mọi việc để bảo toàn tôn miếu xã tắc nhà Lê, được vua Lê trọng dụng cho thăng chức Hình bộ Thượng thư đồng Bình chương sự.

Khi Tây Sơn Nguyễn Huệ ra Thăng Long, các quan đều sợ hãi bỏ trốn, ông một mình quyết giữ lấy kinh thành. Đến lúc vua Lê hội quần thần ở cung điện để đón tiếp Nguyễn Huệ, quan quân trông thấy uy vũ của Nguyễn Huệ đều lo sợ, duy có ông là vẫn giữ được vẻ đường hoàng và phong thái của một vị quan đại thần. Nguyễn Huệ thấy cử chỉ của ông như vậy, lấy làm lạ, mấy lần hỏi chuyện ông về việc ở Bắc Hà, ông đều trả lời cứng cáp, nhiều câu hỏi còn làm Nguyễn Huệ phật ý, nhưng hễ vặn lại thì ông lại tuỳ cơ mà ứng đối, không chịu khuất phục khiến Nguyễn Huệ trọng nể khen ngợi: "Trước ta nghe nói Bắc Hà nhân tài nhiều lắm, nay ta thân đến nơi, mới biết chỉ có một mình Trần Công Xán là có nhan sắc mà thôi".

Năm Đinh Mùi (1787), ông vâng lệnh vua Chiêu Thống vào Phú Xuân điều đình với nhà Tây Sơn xin chuộc lại đất Nghệ An. Sứ bộ do ông làm Chánh sứ, Ngô Nho là phó cùng hoàng thân Lê Duy Án và các tùy viên. Trước khi đi ông còn dặn Nguyễn Hữu Chỉnh chăm lo tới việc quân cơ, đề phòng bất trắc xảy ra: "Sau khi tôi đi, ông nên để ý, đừng có coi thường. Nên chia quân đóng đồn ở rìa núi Thanh Hoá để ngăn cản đường bộ binh của Tây Sơn, còn các cửa bể về mạn Sơn Nam thì nên đóng cọc..." Nguyễn Hữu Chỉnh cho là phải nhưng không làm theo. Dọc đường Ngô Nho bàn sửa lại quốc thư, ông gạt đi nói rằng: "Chúng ta vâng mệnh đi sứ, mới ra ngoài cõi đã toan chữa quốc thư, mạo chúa, chẳng những mang tội với nhà vua, mà nếu bên địch biết chỗ đó là lừa dối, cũng sẽ không tha mình. Như vậy, tai vạ lại càng to, tiếng chê cười để lại nghìn thu. Bất nhược ta cứ minh bạch mà làm, còn thắng bại là tại trời".

Đến Phú Xuân, ông dâng trình quốc thư. Nguyễn Huệ xem xong giận vứt xuống đất lớn tiếng quát mắng. Ông bình tĩnh biện luận các điều, đại ý là khi Lê Thái Tổ bình giặc Ngô, gây dựng giang sơn, thiên hạ từ Nam đến Bắc đều quy phục. Chúa Trịnh lấy danh nghĩa phù Lê diệt Mạc khiến mọi người cùng hưởng ứng. Tuy mấy đời nay Chúa Trịnh chuyên quyền áp chế nhưng chính sóc([1]) vẫn theo nhà Lê, như thế thì thiên hạ vẫn còn là của nhà Lê. Nay đại vương đem trả lại giang sơn cho nhà Lê cũng là thuận ý trời, thần dân trong nước ai mà không cảm phục. Nhưng Nguyễn Huệ vẫn không ưng thuận. Thấy trời sắp tối, bảo ông rằng:

- Thôi, hãy ra nhà trọ nghĩ lại cho kỹ

Ông đáp:

- Tâu đại vương, nghĩ lắm chỉ thêm quẩn thôi, ngày nay kẻ ngu thần này chỉ một chết là xong.
Bắc Bình Vương nổi giận, sai bắt bỏ ngục. Trong ngục ông vẫn cười nói như thường, lại còn đề lên tường ngục đôi câu đối:

Đạt đức hữu tam, túng vị năng chi nguyện học
Tiểu tâm vô nhị, hành kỳ tố dã hà vư


Nghĩa
 

Đức thường có ba điều, nếu chưa đủ, xin học
Lòng mọn không hai, làm theo ý mình, còn oán hận gì


Quần thần Tây Sơn thấy vậy, tâu với Nguyễn Huệ đem giết đi. Nguyễn Huệ mến tài ông muốn thu dụng, sai quan Trung thư lệnh là Trần Văn Kỷ, Võ Văn Trụ đến dụ, ông bảo với họ rằng: "Tôi từng nghe kẻ bề tôi nguyện chết, sự ấy xưa nay đều vẫn thế, ngoài ra, không dám nghe điều gì khác". Hai người thấy lòng ông sắt đá, bảo với nhau, nhà Hán có Tô Tử Khanh, nhà Lê có Trần Công Xán. Thật đáng thương! Mà cũng thật đáng ghét! Nguyễn Huệ thấy không thể thu phục được ông, muốn giết đi, nhưng e mang tiếng xấu bèn triệu ông đến bảo:

- Các ông cứ về trước, chờ ta ra Bắc sẽ bàn tiếp.

Rồi sai đô đốc Võ Văn Nguyệt sắp đặt thuyền bè đưa ông về Bắc. Thuyền ra đến giữa bể, Nguyệt ngầm sai người đục thuyền rồi phao tin thuyền bị bão đắm, ông và cả đoàn sứ bộ 18 người đều bị chết. Vua biết tin, thương tiếc, truy phong cho ông là Trung liệt và phong làm phúc thần, truyền cho lập đền thờ tại quê nhà.

Hiện nay ở địa phận tỉnh Ninh Bình thuộc thôn Nhạ Khê, xã Phú Hậu nổi lên một bãi to, giữa bãi là cái gò cao, trên chỏm quanh năm cỏ không mọc, tương truyền đó là mộ ông, nhân dân quanh vùng lập đền thờ.

Trong Việt sử tổng vịnh, vua Dực Tông có thơ rằng:

Đầu thư hổ huyệt khởi thân ưu
Hồi thủ đinh ninh dự bị mưu
Kháng biện lỗ đình từ lý chính
Tử trung nguyện bất đãi trầm chu


Dịch:

Hang cọp dâng thư há quản mình
Dặn ai, còn vẳng tiếng đinh ninh
Lời hay, ý cứng khi tranh luận
Chẳng đợi dìm thuyền chết cũng vinh.

Nguồn: doingoaihungyen.vn