323 lượt xem

TRƯƠNG HỐNG

TRƯƠNG HỐNG

Đức Thánh Tam Giang là danh xưng mà người dân Việt Nam gọi chung hai vị thánh hiển linh từ Trương Hống và Trương Hát. Đây là những vị tướng được nhắc tới nhiều nhất dưới thời vua Triệu Quang Phục. Tên gọi Tam Giang xuất phát từ tên gọi mà các triều đại Phong kiến Việt Nam phong cho hai ông: Tam Giang thượng đẳng thần. "Tam Giang" còn bắt nguồn từ cách gọi chung của ba con sông là sông Cầu, sông Thương, sông Đuống - nơi có nhiều đền thờ hai ông. Hai anh em ngài được đánh giá, đều là bậc tướng, trí dũng song toàn, "sinh vi dũng tướng, tử vi minh thần". Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ vùng trung du thì đền thờ Thánh Tam Giang ban đầu vốn thờ Thần Rắn, về sau mới thờ Trương Hống, Trương Hát.

Xuất thân


Nguồn: Sưu tầm

Trương Hống, Trương Hát sinh ra trong một gia đình gồm năm anh em, bốn trai, một gái. Ba người còn lại trong gia đình là Trương Lừng, Trương Lẫy, và người con gái là Trương Đạm Nương. Năm anh em sinh ngày 15, tháng Giêng, năm Nhâm Ngọ (502), người làng Vân Mẫu, xã Vân Mẫu, huyện Quế Dương (sau là Võ Giàng), quận Vũ Ninh, xứ Kinh Bắc, (nay là thôn Hai Vân, phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh). Mẹ là con gái họ Phùng, tên hiệu là Từ Nhan, sinh năm Quý Hợi 483 thời Tiền Lý Nam Đế. Theo cuốn thần phả hiện được lưu giữ tại Ban quản lý di tích Đền Vân Mẫu, thôn Hai Vân, phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh: Năm Từ Nhan 18 tuổi, vào đêm rằm tháng một (theo cách gọi xưa, còn theo cách gọi hiện nay thì là tháng 11) năm Canh Thìn (500) Từ Nhan nằm chiêm bao thấy Thần Long quấn mình trên sông Lục Đầu, sau đó bà mang thai. Sau 14 tháng mang thai, ngày 5 tháng 1 năm Nhâm Ngọ (502) bà lên chùa lễ phật trở về đến xứ Cửa Cữu làng Vân Mẫu thì trở dạ, sinh ra một bọc năm con. Người mẹ hết lòng chăm lo các con ăn học. Năm anh em là học trò của Tiên sinh Lã Thị người hương Chu Minh, lộ Bắc Giang (tức xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn ngày nay). Anh em học đến đâu lầu thông kinh sử đến đấy, ngày ngày chăm đọc binh thư, siêng rèn võ nghệ, nên đều là những người tinh thông văn võ. Khi anh em 17 tuổi thì mẹ mất (ngày 15 tháng 4 âm lịch năm Kỷ Hợi 519) và 5 anh em đã táng mẹ tại xứ đồng Bãi Cả, hiếu thảo thờ mẹ 3 năm.

Giúp Triệu Việt Vương đánh quân Lương

Hoàn cảnh

Năm 545 nhà Lương, đời vua Đại Đồng năm thứ bảy, cử tướng Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem quân sang xâm lược Việt Nam. Lý Nam Đế đem quân chặn đánh nhưng vì quân ít không cản được giặc phải rút về miền núi động Khuất Lão (Tam Nông, Phú Thọ) trao quyền cho tướng Triệu Quang Phục, rồi mất tại đó. Triệu Quang Phục đưa quân về đầm Dạ Trạch (Hưng Yên) đánh phục kích, đồng thời truyền hịch trong dân gian tìm người tài giỏi đánh giặc giúp nước.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Triệu Quang Phục

Hai ông Trương Hống, Trương Hát nghe có hịch chiêu tài, anh em bàn nhau xin lệnh thầy, dụng kế lập thân, về quê mộ quân để đi giúp nước. Sau này các ông đến địa phận làng Tiên Tảo, huyện Kim Hoa, phủ Đa Phúc, lộ Bắc Giang thấy đất có thế ỷ giốc, tiến thoái lưỡng tiện có thể dụng binh liền cho quân hạ trại, làm tờ chiêu dụ nhân dân. Tờ rằng: "Đất nước Vạn Xuân ta đang thanh bình, càn nguyên hanh thái, bỗng đâu giặc Lương xâm lấn, xã tắc đảo điên, muôn dân khốn khổ. Bọn Hống-Hát chúng tôi xuất thân con nhà lam lũ, được học võ nghệ, có chút mưu cơ, dám đem sức lực người bản xứ, dấy binh cuốc cầy, địch cùng lang sói ngoại bang, giúp Triệu Việt Vương giữ an bờ cõi, dám mong chư vị bàn dân hưởng ứng nghĩa quân thì lấy làm may lắm".Phụ lão làng ấy tiếp tờ, thấy các ông dung dị khác thường, uy nghi đường bệ, thi đua nhau cho con cháu đi theo làm quân sĩ.

Trận đầm Dạ Trạch

Triệu Quang Phục được tin, sai sứ lên phong Trương Hống làm thượng tướng quân, Trương Hát làm phó tướng quân, Lã tiên sinh làm quân sư, Trương Lừng, Trương Lẫy làm tỳ tướng, Đạm Nương làm hậu binh lương và lo kế sách phản công. Đúng kỳ thúc giáp, hai phía cùng truyền lệnh quân cơ, tỏa binh tiếp trận, quân Triệu Quang Phục ở Dạ Trạch tiến lên, quân Hống-Hát ở Tiên Tảo kéo xuống, thủy bộ bốn mặt giáp công, xung đột tung hoành đánh rất dữ dội. Quân Lương không sao chống cự nổi, đại bại rã rời, số chạy dẫm đạp lên nhau, chết hại nhiều vô kể, số bị bắt mặt mày tái mét, run rẩy van xin, chánh tướng Trần Bá Tiên tử trận, phó tướng Dương Phiêu phải thu nhặt tàn quân rút về Bắc quốc.Dẹp xong giặc rồi, khải hoàn tấu tiệp, Triệu Việt Vương kéo quân về Long Biên sang sửa đô thành.Nước nhà độc lập, Triệu Quang Phục lên ngôi vua, phong thưởng cho các tướng có công đánh giặc. Vua Triệu phong thực ấp cho hai anh em họ Trương ở Kinh Bắc, Trương Hống ở làng Tiên Tảo, huyện Kim Anh (nay là thôn Tiên Tảo, xã Việt Long, huyện Sóc Sơn), Trương Hát ở làng Tam Lư, huyện Đông Ngàn (nay là thôn Tam Lư, Từ Sơn, Bắc Ninh) là nơi dấy binh cũ.

Tôi trung chẳng thờ hai vua

Được tin Triệu Quang Phục lên ngôi vua, Lý Phật Tử (người họ Lý Nam Đế) đã đem quân đánh lại nhưng không thắng, bèn dùng kế cầu hôn gả con. Trương Hống và Trương Hát đã can Triệu Việt Vương đừng gả Cảo Nương cho Nhã Lang. Nhưng Triệu Quang Phục không nghe, mắc mưu của Lý Phật tử, rồi bị đánh úp. Lý Phật tử lên ngôi vua tự xưng là Hậu Lý Nam Đế và biết các ông là tướng tài giỏi bèn cho người vời ra làm quan. Song các ông nhất lòng trung quân không theo Lý Phật tử, thưa lại rằng: Tôi trung chẳng thờ hai vua, gái trinh chẳng đổi hai chồng, huống hồ ngươi là người bội nghĩa mà còn muốn khuất cái tiết bất di dịch này ư? Biết không thể khuất phục được, Lý Phật tử lệnh truy bắt các ông khắp nơi. Các ông trốn vào ở núi Phù Long; Nam Đế nhiều lần cho người đến truy nã không được, mới treo ngàn vàng cầu người bắt. Các ông bàn nhau cùng đem gia quyến xuôi dòng sông Cầu, uống thuốc độc để giữ trọn tấm lòng trung với vua. Nhân dân dọc theo sông Cầu và các nơi các ông từng đóng quân đánh giặc đã vô cùng khâm phục, thương tiếc, lập đền thờ làm Thần.

Câu truyện truyền thuyết

Câu truyện truyền thuyết nhắc tới Trương Hống, Trương Hát nhiều nhất là câu chuyện về sự ra đời của bài thơ Nam quốc sơn hà – được cho là Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam. Truyền thuyết này là loại truyền thuyết anh hùng thường thấy trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Truyền thuyết này được văn bản hóa sớm nhất ở sách Việt điện u linh (1329). Ngoài ra, truyền thuyết còn được ghi lại trong các bộ sử lớn như Đại Việt sử ký toàn thư và các sách sử khác như Việt sử tiêu án, Việt sử tiệp kính, trong các bộ sách khác như Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí... Mặt khác, truyền thuyết này cũng sớm được lấy lại trong Lĩnh Nam chích quái và các sưu tập truyện cổ dân gian khác như Thiên Nam vân lục liệt truyện, Mã lân dật sử, các sách sử như Việt sử diễn âm,Việt sử quốc âm, Thiên Nam ngữ lục và các bản thần tích sưu tầm trước đây và hiện nay

Truyền thuyết về bài thơ Thần lần một

Năm Tân Tỵ niên hiệu Thiên Phúc (981), triều Lê, Tống Thái Tông sai tướng quân Nhân Bảo, Tôn Toàn đem binh xâm lược phương Nam đến cửa biển Đại Than. Vua Đại Hành cùng tướng quân Phạm Cự Lượng dựng lũy, cầm cự với giặc ở sông Đồ Lỗ. Lê Đại Hành đêm canh ba nằm mộng thấy thần nhân tới bái lạy trên sông. Thần kể sự tình lúc còn sống theo vua đánh giặc, chết được Thượng đế thương tình ban tên cho là Thần bộ quan (thủy thần), thống lĩnh tướng các âm binh. Nay giặc Tống sang xâm phạm bờ cõi, xin được cùng hoàng đế đánh giặc Bắc Tống để cứu sinh dân". Vua tỉnh dậy, lập tức thắp hương khấn vái xin được thần nhân trợ giúp, sau đó giết súc vật, đốt vàng mã làm lễ cúng tế. Đêm ấy, Đại Hành lại mộng thấy thần nhân thống lĩnh âm binh tiến đánh giặc. Canh ba, đêm tháng mười, trời đất tối đen, mưa to gió lớn đùng đùng, quân Tống kinh hoàng, tháo chạy tán loạn, thần nhân ẩn mình trên không trung lớn tiếng ngâm thơ:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư,
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm,
Hội kiến thịnh trần tận tảo trừ.
Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Trời xanh đã định trong sách trời,
Cớ sao giặc Bắc sang xâm phạm,
Sẽ gặp cuồng phong đánh tơi bời.

Quân Tống nghe bài thơ đó đánh giết lẫn nhau rồi mạnh ai người nấy chạy tháo thân về nước. Vua phong thưởng tướng sĩ rồi truy phong công lao hai thần. Một là Khước Địch đại vương, lập đền ở ngã ba sông Long Nhãn (hay Long Nhỡn,cũng là sông Thương?). Một là Uy Linh đại vương, lập đền ở ven sông Như Nguyệt".

Truyền thuyết về bài thơ Thần lần hai

Xét Sử ký của Đỗ Thiện chép thời Nam Tấn Vương nhà Ngô đi đánh giặc Lý Huy ở Long Châu (Tây Long), đóng quân ở cửa Phù Lan (sông Lục Đầu), đêm ngủ mộng thấy hai người y quan kỳ vĩ, diện mạo khôi ngô, đến xin tòng quân trợ chiến. Sau khi Thần kể hết sự tình lúc sống theo Triệu Quang Phục đánh giặc, chết được Thượng đế thương vô tội chết chẳng phải mệnh, phong làm Thủy thần, thống lĩnh tướng các âm binh, hiệu là Thần Giang Đô Phó Sứ,đã từng trợ thuận Ngô Quyền trong chiến dịch Bạch Đằng vua tỉnh dậy, bảo đem cỗ rượu đến điện tế, khấn rằng: Quả có anh linh, hãy phù trợ chiến dịch này, nếu được thắng lợi, tức thì dựng miếu và phong tước, hương hỏa đời đời. Lại hôm khác, vua mộng thấy hai Vương đốc binh, bộ ngũ liên thuộc đều có mặt mày như quỷ thần cả, hàng ngũ rất nghiêm, bộ lạc rất chỉnh tề hội tại cửa Phù Lan. Binh ông anh đóng từ sông Vũ Bình đến sông Như Nguyệt tiến đến đầu nguồn sông Phú Lương; Binh ông em đi từ men sông Lạng Giang vào sông Nam Bình (sông Thương). Vua tỉnh dậy bảo với tả hữu, quả nhiên trận ấy được toàn thắng. Bình xong giặc Tây Long, vua sai Sứ chia chỗ lập đền thờ, đều phong làm Phúc Thần một phương, chiếu phong anh là Đại Đương Giang Đô Hộ Quốc Thần Vương, lập đền ở cửa sông Như Nguyệt(cửa sông Cà Lồ, Ngã ba Xà, chỗ sông Cà Lồ đổ ra sông Cầu). Còn em là Tiểu Đương Giang Đô Hộ Quốc Thần Vương, lập đền ở cửa sông Nam Bình (cửa sông Thương).

Thời vua Nhân Tông nhà Lý (1075), binh Tống nam xâm kéo đến biên cảnh; vua sai Thái uý Lý Thường Kiệt dựa bờ sông đóng cừ để cố thủ. Một đêm kia quân sĩ nghe trong đền có tiếng ngâm to rằng:

"Sông núi nhà Nam Nam đế ở
Phân minh trời định tại thiên thư.
Cớ sao nghịch lỗ sang xâm phạm?
Bọn chúng rồi đây sẽ bại hư."

Quả nhiên quân Tống chưa đánh đã tan rã. Thần mộng rõ ràng, mảy lông sợi tóc chẳng sai.

Một số sắc phong

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu (Trần Nhân Tông), sắc phong Như Nguyệt Khước Địch Đại Vương, năm thứ tư gia phong Thiện Hựu Dũng Cảm. Các triều vua về sau: Trần, Lê đem quân đánh giặc phương Bắc tại dòng sông Cầu đều được Thần âm phù đánh thắng và đều có sắc phong cao nhất cho Thần là "Tam Giang thượng đẳng thần".

Nơi thờ

Có 372 làng (con số thực tế có thể còn nhiều hơn, trước đây được ghi nhận là 290 làng) tôn thờ Đức Thánh Tam Giang, thuộc 5 tỉnh, 16 huyện thị ven các triền sông Cầu từ Đu, Đuổng (Thái Nguyên), qua Ngã Ba Xà (Tam Giang - Yên Phong), rồi tới Lục Đầu Giang (sông Cầu dài 290 km, như vậy trung bình cứ 1 km lại có một làng thờ). Theo kết quả kiểm kê năm 2013 của Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang thì Bắc Giang có 100 di tích đình, đền, nghè thờ Thánh Tam Giang.

NGUỒN: nguoikesu.com