Kỷ niệm 50 năm ngày mất (28/7/1969- 28/7/2019) của Viện trưởng đầu tiên Viện sử học (1960-1969) và 74 năm Cách mạng tháng Tám, chúng ta nhớ ông, một nhà sử học lớn, nhà báo xuất sắc của Việt Nam trong thế kỷ XX, một nhân chứng lịch sử đặc biệt trong thời khắc đặc biệt của dân tộc - thay mặt Chính phủ nhận ấn kiếm của vua Bảo Đại tại Ngọ Môn (Huế) vào chiều 30/8/1945, cách nay 74 năm.
Giáo sư, Viện sĩ Trần Huy Liệu (1901-1969). Nguồn: Sưu tập
* Gắn báo chí với hoạt động cách mạng
Trần Huy Liệu sinh ngày 5-11-1901 trong gia đình Nho học yêu nước ở làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, Nam Định. Thuở nhỏ ông học thầy Bùi Trình Khiêm ở Nam Định. Lớn lên, chí trai lập nghiệp, năm 1923, ông sớm lập thân ở Sài Gòn, cộng tác với các báo Nông cổ mín đàm, Ngòi bút sắt, làm chủ bút tờ Đông pháp thời báo . Ông lấy bút danh Đẩu Nam – ngôi sao sáng trên bầu trời Nam; hoặc cũng có khi ông lấy bút danh Côi Vị - ấy là non Côi sông Vị của quê hương ông. Năm 1927, ông viết “Một bầu tâm sự” (Cường học thư xã xuất bản, Sài Gòn, 1927), kêu gọi đồng bào tỉnh ngộ trước căn bệnh hủ nho trầm kha, đồng lòng duy tân để cứu nước. Và với ý thức “sĩ phu hữu trách” khi nước mất nhà tan, ông đã lao vào dòng thác đấu tranh, cùng với những người đồng chí hướng lập Đảng Thanh niên, Cường học thư xã, khởi xướng cao trào chống Pháp sôi nổi khắp Nam kỳ lục tỉnh.Vì vậy, ông bị thực dân Pháp kết án 5 năm tù cầm cố, đẩy ra Hòn Cau vào tháng 8-1930 với số tù 2.651, sau đó lại bị chuyển sang Côn Lôn, đến cuối năm 1934 mới được ra tù. Đó là bốn năm quan trọng nhất trong tuổi thanh xuân của ông. Trời biển Hòn Cau-Côn Lôn mênh mông, xanh ngắt một màu, những đêm trăng thanh huyền diệu với mối tình thầm kín cùng người nữ y tá tên Bách chưa từng biết mặt đã cho ông bao cảm tác thi ca, quyết sống để trở về với đời. Cũng chính trong ngục tù đế quốc, ông tự trau dồi lý luận, văn học bằng tiếng Pháp. Những cuộc đấu tranh nảy lửa với tư tưởng “Quốc gia dân tộc” của Việt Nam Quốc dân Đảng và tự đấu tranh với chính mình đầy đau đớn, dằn vặt, thống khổ trong tâm tư, ông đã bộc bạch trong hồi ký: “Bao nỗi niềm riêng đã ràng buộc tôi với những kẻ chết người sống hàng chục năm trời như một tổ kén mà tôi là con nhộng khó lòng thoát ra được”. Từ đó, ông nhận thức ra con đường mới để giải phóng dân tộc: với bản tính cương quyết, ông cùng 5 đồng chí (trong đó có Trung tướng Nguyễn Bình) đã dũng cảm tuyên ngôn trước anh em Việt Nam Quốc dân Đảng: chuyển sang chủ nghĩa cộng sản. Do đó, khi làm tờ báo Hòn Cau tuần báo (1931-1934), Tiếng sóng bể (1931-1934), ông đã gắn nghiệp báo với cách mạng.
Báo Le Travail (Lao động), tuần báo chính trị và kinh tế xuất bản thứ 4
hàng tuần bằng tiếng Pháp tại Hà Nội, số 6, ngày 21/10/1936
Trụ sở báo “Tin tức”, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân chủ tại số nhà 105 phố Henri d’Orléan,
Hà Nội, năm 1938. (nay là phố Phùng Hưng). Nguồn : Sưu tập
Mãn hạn tù ở Côn Đảo, thực dân Pháp cho ông “được” quản thúc ở quê. Đầu năm 1935, ông cùng Nguyễn Đức Kính - người đồng chí đã từng hoạt động với nhau từ năm 1930 lên Hà Nội làm báo Đời mới. Nhưng đời sống bần hàn khiến cho các cựu chính trị phạm không nuôi nổi tờ báo, nên hết Đời mới sang Tiếng vang làng báo, Kiến văn mà vẫn long đong. Ông vừa bị mật thám theo dõi hành tung, vừa không có việc làm. Năm 1936, Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền đã thi hành một số chính sách tiến bộ cho các nước thuộc địa. Nắm lấy điều kiện thuận lợi, Trần Huy Liệu và các đồng chí trong làng báo tập trung ở báo Hồn trẻ, tiếp đó là báo Le Travail, Rassemblement, En Avant, Hà Thành thời báo, Thời thế, Tin tức, Đời nay. Ông liên tục viết và cùng các đồng chí của mình hoạt động báo chí công khai - Trần Đình Long, Đào Duy Kỳ, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Mạnh Chất, Trần Đình Tri, Nguyễn Thường Khanh (tức nhà thơ Mai Ninh)... Có thể nói, khi đó, nhà báo Trần Huy Liệu đã sống những tháng ngày hạnh phúc trong nghề báo và trong đời hoạt động cách mạng. Cuộc sống kham khổ ở chốn đô thành cũng là chuyện bình thường của người làm báo cách mạng, ông kể lại trong hồi ký chân thực: “Lúc đầu, nhà tôi ở bãi Phúc Xá, vì thuê nhà gianh ở ngoài bãi thì được rẻ tiền hơn. Mùa nước, hằng ngày đi về, tôi phải lội qua một quãng đường ngập, cứ đến chỗ cột đèn là dừng lại, cởi quần dài ra, rồi sang bờ bên kia lại mặc lại, mãi sau mới tiến được vào ở trong thành phố; nhưng mặc dầu ở chui rúc một xó nhà nào, chủ nhà biết rồi thì cũng không muốn cho thuê; cả người ở chung cũng không muốn ở chung, vì bị mật thám rình mò những người qua lại nhà, làm phiền nhiễu đến họ” Dĩ nhiên vẫn là ở nhà thuê, và nửa đêm, mật thám khám nhà là chuyện thường! Sớm hôm sau, ông lại đến trụ sở tòa báo hoặc đi diễn thuyết, họp báo giới…Cuối năm 1939, phe phát xít thắng thế, Chính phủ Mặt trận Bình dân đổ, vì vậy, thực dân Pháp lập tức thẳng tay khủng bố khốc liệt các chiến sĩ cộng sản. Lúc đó Trần Huy Liệu đã là một trong những nhà báo gạo cội của Đảng. Chúng ra lệnh đóng cửa các tờ báo đang phát hành công khai. Đêm 30/9/1939, mật thám ập vào 32 Hàng Than bắt ông, đưa đến Sở mật thám Hà Nội rồi vào Hỏa Lò. Tháng 1 năm 1940, chúng bí mật chuyển tù chính trị từ Hỏa Lò đầy lên Sơn La. Đường đi đầy gian nan lắm nỗi. Ông và ông Xuân Thủy chung nhau dây xích, vừa đi bộ vừa nói chuyện thơ ca cho quên nỗi mệt nhọc, đói khát, nhưng khổ nhất là mọi sinh hoạt ăn uống, tiểu đại tiện vẫn không được tháo xích; còn ông Xuân Thủy thì lại thèm thuốc lào nên cứ phải tha lôi nhau đi đến chỗ nào có tiếng điếu cày. Ấy vậy mà ông vẫn làm thơ “Sơn La hành khúc” đầy hài hước và lạc quan cách mạng: “Túi xách, chăn đeo, đứng sắp hàng/ Xăm xăm tiến bước thẳng rừng ngang” và cả thơ lãng mạn khi bắt gặp hình ảnh cô gái Thái ở Châu Yên “Hoa rừng một đóa càng nhìn càng tươi”. Trần Huy Liệu là thế! Trong cá tính ông, chất quân tử và chất lãng mạn hóa quyện trong máu thịt, làm nên một Trần Huy Liệu thật cương trực, thẳng thắn mà cũng thật tình trong số phận cuộc đời.
Ở Sơn La, ông được các đồng chí tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ. Điềm đạm, cởi mở, chân tình, chịu khó học thêm tiếng Pháp, viết lý luận về chủ nghĩa xã hội …ông cùng ông Tô Hiệu là linh hồn của chi bộ và Ủy ban tranh đấu. Cuộc tuyệt thực dưới hầm Sơn La kéo dài từ 13-5 đến 24-5-1941 là cuộc đấu tranh dữ dội nhất, khốc liệt nhất. Tên Cút xô khét tiếng gian ác đẩy 156 người xuống hầm qua 21 bậc gạch với diện tích chỉ nhốt được 11 người và có một lỗ thông hơi duy nhất. Là người phụ trách Ủy ban tranh đấu, ông khéo léo mượn truyện Hán Sở tranh hùng với Hàn Tín trong “Bối thủy trận” để động viên anh em giữ vững ý chí chiến đấu, đồng thời có quyết định sáng suốt để gìn giữ lực lượng. Trong lao tù khủng khiếp, nơi “ma thiêng nước độc”, ông đã tự trau dồi, rèn luyện khí tiết người cộng sản mà những bài thơ của ông còn lưu giữ được cho chúng ta thấy một tâm hồn, một khí phách của nhà thơ Trần Huy Liệu. Đến nay, mỗi khi trở lại thăm di tích, nhà tù Sơn La, mọi người vẫn nhớ bài thơ “Qua thăm gốc ổi” đầy bi thiết viếng các đồng chí của ông: “Thịt xương đã gửi cho rừng núi/ Hận vẫn còn mang với tháng ngày”. Cố nhà văn Hoàng Công Khanh, người may mắn được cùng ông trong những năm ở ma thiêng nước độc Sơn La, khi còn sống, đã từng nói rằng: “Những lúc tâm tình bên nhau, anh ấy bảo tôi: “Ở đời rất hiếm những kẻ trượng phu”. Khí phách và thẳng thắn, chân thực với mình và với đời như Nguyễn Công Trứ, anh Trần Huy Liệu cũng minh bạch và đường hoàng như vậy”.
Người khởi thảo Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa; sau Cách mạng tháng Tám, là Trưởng phái đoàn của Chính phủ Lâm thời vào Huế tiếp nhận ấn kiếm của vua Bảo Đại
Nhắc đến Trần Huy Liệu, ai cũng nhớ ông là người đã thảo Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa. Trong Hồi ký của mình, ông đã viết lại giờ phút lịch sử này: “Đêm 13/8, trong một căn nhà lợp lá, tôi được đồng chí Văn ủy quyền cho thảo bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa. Mặc dù ngồi dưới ngọn đèn tù mù; những con tầm xuân, con thiêu thân bay quanh tới tấp, muỗi và dĩn thi nhau đốt làm tôi nhiều lúc nẩy người lên hay đập chân bành bạch, tôi vẫn say sưa nghĩ đến cảnh nước mất, dân nhục từ hơn tám mươi năm, nghĩ đến sự nghiệp cách mạng của mấy thế kỷ qua; những cuộc khởi nghĩa của Văn thân, của Việt Nam Quốc dân Đảng cho đến ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Mình được sung sướng làm cái việc nửa đêm truyền hịch hẹn ngày xuất quân…“Bản Quân lệnh số 1 lúc ấy tôi thảo một mạch, đọc đi đọc lại vẫn không sửa chữa một chữ nào. Viết xong tôi trao cho anh Văn… Thế là cuộc tổng khởi nghĩa đã phát động, Ủy ban khởi nghĩa chỉ còn chờ chính thức hóa tại Đại hội Quốc Dân”. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc Dân đã khai mạc ở Tân Trào. Ủy ban Dân tộc Giải phóng (UBDTGP) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, ông Trần Huy Liệu được bầu là Phó Chủ tịch.
Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, ngày 13-8-1945
Các thành viên Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam DCCH, tháng 8-1945. Sưu tập
Các vị của UBDTGP về tới Hà Nội thì cuộc khởi nghĩa đã nổ ra từ 19/8 và giành đã thắng lợi trọn vẹn. UBDTGP lập tức chuyển thành Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Sau đó, theo chỉ định của Trung ương Đảng, một phái đoàn làm nhiệm vụ vào Huế nhận chiếu thoái vị của vua Bảo Đại đã được thành lập gồm: Ông Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền thay mặt cho Chính phủ Lâm thời, làm Trưởng đoàn, ông Nguyễn Lương Bằng thay mặt cho Mặt trận Việt Minh, ông Cù Huy Cận, Bộ trưởng Bộ Canh nông, là thành viên. Ngày 25/8, phái đoàn rời Hà Nội vào Huế. Chiều ngày 30/8/1945, Lễ Thoái vị và trao ấn kiếm của vua Bảo Đại được tiến hành ở Ngọ Môn. Sau này, ông đã viết rất rõ ràng, khách quan về buổi lễ này với tiêu đề: Tước ấn kiếm của Hoàng đế Bảo Đại, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 18 (9/1/1960): “Ngày 30/8, theo giờ đã định, 5 vạn nhân dân nội thành Huế đã tập trung trước cửa Ngọ Môn… Bảo Đại chít khăn vàng, mặc Hoàng bào, đứng chực sẵn ở cửa. Phái đoàn bước lên Ngọ Môn, dân chúng hoan hô sôi nổi. Đến lượt Bảo Đại đọc chiếu thoái vị. Đọc xong, Bảo Đại giơ hai tay nâng chiếc kiếm dài nạm ngọc và sau đó là chiếc ấn hình vuông. Tôi thay mặt Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam DCCH tiếp nhận hai vật tượng trưng cho chế độ…Sau khi nhận ấn kiếm, tôi thay mặt Chính phủ đọc một bài diễn văn tuyên bố xóa bỏ chế độ quân chủ từ nghìn năm xưa để lại và chấm dứt ngôi vua cuối cùng của triều Nguyễn”.
Chiếu thoái vị của Bảo Đại, tháng 8-1945. Sưu tập
* Kiên định, dũng cảm trên con đường khoa học
Từ khi đọc di cảo của ông về cải cách ruộng đất, tôi rất cảm phục ông và thường liên tưởng đến màu đỏ của hoa nhạn lai hồng. Những ghi chép trong chuyến đi thực tế ở Thái Nguyên khi ông làm Trưởng ban Văn - Sử - Địa, nhãn quan trung thực, khách quan của người làm công tác nghiên cứu lịch sử, dũng khí của cốt cách tùng bách - tất cả đã thôi thúc, giục giã ông viết những lời tâm huyết gửi Đoàn ủy cải cách ruộng đất đầu năm 1954, nêu lên ý kiến cho rằng: khác với Trung Quốc, ở Việt Nam đại đa số là trung tiểu địa chủ, và một số địa chủ thân sĩ đều có tinh thần yêu nước, số đại địa chủ làm tay sai cho đế quốc chiếm tỷ lệ không cao nên Đảng có sách lược triệt để phân hóa, tránh đấu tố tràn lan. Sau đó, ông viết bài “Xét lại hồ sơ của giai cấp địa chủ phong kiến” với bút danh Hải Khách nhưng đến tháng 2-1957, bài mới đăng trên Tập san Văn - Sử- Địa. Những kiến giải khoa học về đặc điểm của giai cấp địa chủ phong kiến ở một số nước thuộc địa không phải đã được chấp nhận ngay thời điểm đó. Ông kiên định giữ vững lập trường và ý thức trách nhiệm của người cách mạng và tâm sự với đồng nghiệp trẻ: “Làm một người cách mạng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng của dân tộc, thì mình thấy Đảng làm gì sai phải nói”. Biết mình bị “trên cho gọi” để “uốn nắn” nhận thức “mơ hồ giai cấp”, nhưng ông vẫn như người lữ hành không biết mệt mỏi tới cái đích của sự thật. Cái sự “phải nói” ấy chính là tiết tháo của người chính trực. Trái tim nhân hậu, yêu thương của ông đã đem lại ánh sáng cho cuộc sống an lành cho một số người bị oan sai trong cải cách ruộng đất mà đến hôm nay, mọi người vẫn nhắc đến ông với tất cả sự trân trọng.
Trong những tháng ngày tâm tư chất chứa bao nỗi niềm ấy, ông đã đem tất cả lòng say mê, khí chất cương trực vào nghiệp sử. Sớm làm báo ở Sài Gòn và tiếp tục nghiệp báo từ thập niên 20 - 30 với các tờ Đông pháp thời báo (1925 - 1926), Hòn Cau tuần báo (1931 - 1934), Tiếng sóng bể (1931 - 1934), trở thành tay báo lão luyện với tờ Tin tức (1938), Đời nay (1938 - 1939), Tiếng suối reo (1941 - 1945) do ông làm chủ bút, ông cũng là người nổi tiếng trong nghiệp sử, sự nghiệp do chính ông chọn từ khi ở chiến khu Việt Bắc, khi đã vào tuổi 50 - cái tuổi tri thiên mệnh, chín với các quyết định của cuộc đời. Cũng không có gì lạ lẫm mới mẻ quá, bởi khi bị tù ở Hòn Cau ông đã có ý thức gom góp tư liệu để viết khởi nghĩa Thái Nguyên. Năm 1935, “Sơ thảo khởi nghĩa Thái Nguyên” đã được một nhà in tư nhân (Bảo Ngọc) xuất bản. Cuốn “Sơ thảo lịch sử cận đại Việt Nam”, ông viết xong ở Việt Bắc vào khoảng năm 1950. Vậy là cái tiền duyên đã gắn ông vào nghiệp sử. Còn tôi, thế hệ hậu sinh may mắn được làm học trò khoa Sử, Đại học Tổng hợp ngay sau khi đất nước thống nhất và được đọc những tác phẩm “Lịch sử tám mươi năm chống Pháp” (quyển 1 và quyển 2 gồm tập hạ và tập thượng); Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam, 12 tập (viết chung với các ông Nguyễn Lương Bích, Nguyễn Khắc Đạm, Nguyễn Công Bình, Văn Tạo, NXB Văn- Sử- Địa xuất bản trong ba năm 1956 - 1957 - 1958); “Lịch sử Thủ đô Hà Nội” do ông chủ biên xuất bản năm 1960; rồi những công trình nghiên cứu của ông về Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, về phong trào Cần Vương, Đông kinh Nghĩa thục… Lối hành văn khúc triết, trong sáng, nhuần nhị, giàu sử liệu và đầy sức hấp dẫn của ông đã thuyết phục tôi, đưa tôi đến những chân trời mới của sử học. Mạch nguồn của tinh thần dân tộc và yêu nước không bao giờ vơi cạn trong lòng ông được thỏa sức tuôn chảy trong những trang sách lịch sử. Cho đến ngày nay, những luận điểm cơ bản trong các công trình nghiên cứu đó của ông vẫn đúng đắn và được hậu thế bổ sung sâu thêm trong tiến trình phát triển của nền sử học nước nhà. Nhiều công trình của nhà sử học Trần Huy Liệu, người đã có những cống hiến xuất sắc cho nền sử học đất nước, trong đó “Lịch sử 80 năm chống Pháp” đã đem lại vinh quang cho ông: Tác phẩm được đưa vào làm sách giáo khoa trong các trường đại học và sau đó ông được nhân Huy chương Hum - Bôn; Bằng Viện sĩ thông tấn của Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Dân chủ Đức. Giáo sư Văn Tạo, cộng sự đắc lực của ông lúc đó còn nhớ: “Hồn cốt của sách này chính là cuốn “Sơ thảo lịch sử cận đại Việt Nam”” 500 trang in bằng giấy rơm trên Việt Bắc (loại giấy rất xấu, không phải như giấy đó). Nhưng những ngày vui tươi hạnh phúc ấy thật ngắn ngủi. Công trình cho bộ thông sử “Lịch sử Việt Nam” (2 tập) ông đã dồn biết bao công sức, trí tuệ lên đề cương, viết bản thảo cùng các đồng nghiệp như GS. Đinh Xuân Lâm, Bùi Đình Thanh, ông Văn Tân, ông Nguyễn Công Bình…vậy mà sau khi Hội đồng duyệt bản thảo, vị trí chủ biên được giao cho người khác, đồng thời bản thảo bị gác lại. Đó quả là “sét đánh ngang tai” đối với ông và tập thể tác giả. Cuộc chiến tranh khốc liệt của đế quốc Mỹ hầu như đã cuốn tất cả vào dòng sông lớn - bảo vệ tự do độc lập Tổ quốc. Ông gác nỗi đau, lao mình vào công việc, phụng sự cách mạng và nhân dân, bởi ông còn là chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; nhưng đối diện với chính mình, trái tim quả cảm, nhân hậu của ông như đã quá mệt mỏi với bao nỗi niềm ưu tư chồng chất bấy lâu. Và nó đã đột ngột ngừng đập ngày 28-7-1969, chỉ sau một ngày cả nước kỷ niệm thương binh liệt sĩ, và gia đình ông như mọi gia đình Việt Nam thời đó, đang có các con chiến đấu trên các chiến trường miền Nam ác liệt. Khi ấy, ông mới 69 tuổi.
Mọi người gọi ông là Viện sĩ, nhà sử học, nhà báo Trần Huy Liệu, người cán bộ cách mạng Trần Huy Liệu. Ở lĩnh vực nào, ông cũng ghi đậm nét dấu ấn tài năng và nhân cách của con người chân chính - một lòng một dạ vì dân tộc. Di cảo đồ sộ ông để lại trên các lĩnh vực lịch sử-báo chí, đã góp phần quan trọng cho nền sử học và báo chí cách mạng Việt Nam.
Tổng Hợp: SGT Group