260 lượt xem

Xuân Nương

 

XUÂN NƯƠNG


Xuân Nương còn gọi là Nàng Xuân hay Hùng Xuân Nương hiệu là Hoa, một Nữ tướng thời Trưng Vương, con gái của Hùng Sát, vị thủ lãnh châu Đại Man, quê xã Hương Nha, huyện Tam Nông, tỉnh Vĩnh Phú (nay là xã Hương Nha, huyện tam nông, tỉnh phú thọ).
 


(Danh tướng Xuân Nương). Nguồn: Sưu tập

Hùng Sát gồm có 7 người con trai, duy chỉ có Xuân Nương là gái do Đinh Thị Hiên Hoa nằm mộng thấy có một người con gái tự xưng là được Trời cho xuống làm con. Vì được sinh vào mùa Xuân nên bà được đặt tên là Xuân.

Thuở nhỏ mồ côi mẹ rất sớm, không uống sữa mà chỉ uống nước mía ép. Khi lớn hơn bà không chịu ăn cơm mà chỉ thích ăn củ mài và uống nước mía. Khi cha qua đời, bà được anh là Hùng Thắng dạy cho các môn võ nghệ và binh trận.

Năm Kỷ Hợi (39), các anh bà bị Thái thú Tô Định giết, bà cùng hai người anh còn sống sót cải trang trốn thoát, nương náu nơi thôn Tuế Phong ngày nay thuộc xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Bà cắt tóc giả làm ni sư vận động nhân dân căm thù giặc, tập hợp nhau lại chống giặc cứu nước. Chẳng bao lâu thanh thế lớn mạnh, bà kéo binh về Hát Môn tụ nghĩa, chiến đấu dưới cờ Trưng Vương.

Năm Canh Tý (40), dẹp xong giặc, bà được phong quan tước và kết duyên với em Thi Sách là Đặng Thi Bằng, nghiễm nhiên là em dâu của Trưng Vương. Hai vợ chồng được giao trấn giữ mạn sông Thao.

Năm Quý Mão (43), quân Hán lại kéo sang, do Mã Viện chỉ huy, cùng với hai phó tướng là Doãn Chí và Lưu Long đánh phá dữ dội. Trương Vương truyền lệnh cho Xuân Nương cùng với Thi Bằng về lập phòng tuyến cự địch ngay ở nơi thực ấp của Xuân Nương. Đấy là phòng tuyến cuối cùng bảo vệ cho đạo quân Nàng Nội đóng ở Bạch Hạc. Hai vợ chồng Xuân Nương ra sức chống đỡ, mặt thủy có Thi Bằng, mặt bộ có Xuân Nương. Hai bên giao chiến bảy ngày liền giặc vẫn chưa phá vỡ được phòng tuyến quân ta. Ngày mười ba tháng Hai, giặc vây Thi Bằng ở bến sông. Thi Bằng bị trúng một giáo giữa bụng ngã ngay trước trận tiền. Xuân Nương được tin chồng bị vây, vội lên ngựa, hai tay hai kiếm cùng thập bộ thần quan thẳng tới trận tiền. Nàng ra ra vào vào bốn năm lượt, chém rụng đầu mười viên tướng giặc mà vẫn không phá nổi vòng vây. Hai ngày chiến đấu với kẻ thù, sức bà đã kiệt, vì không muốn binh sĩ nhục chí nên đêm hôm bà một mình một ngựa đến một ngôi chùa ở Hương Nộn thắp nhang cúng bái, sau đó bà đến bờ sông Thao tử tiết. Chùa ở Hương Nộn tức là chùa Khánh Long tự dựng ở mõm cao bên sông Thao gọi là Phác Sơn, thuộc xã Hương Nộn trước gọi là hương Tuế Phong, cũng gọi là Kẻ Xoan. Các xã Thanh Uyên (gồm Tiền Áo, Giá Áo, Nam Cường), Tam Cường và Hương Nha là khu vực chiến trường Xuân Nương và Thi Bằng đánh nhau với quân Hán.
 

( Đền thờ danh tướng Xuân Nương, Đình Tự Cường, xã Tam Cường, huyện Tam Nông, Phú Thọ). Nguồn: Sưu tập
 

Theo truyền thuyết, nơi Xuân Nương gieo mình tử tiết hôm sau mối đùn lên thành gò, nhân dân gọi đấy là mộ Xuân Nương. Năm ngày sau khi Xuân Nương tử tiết, ngày 20 tháng Hai, đồn trại Hương Nha bị giặc phá, các thần quan đều tử tiết. Nhân dân có lập đền thờ bà bên hữu ngạn sông Thao.

Riêng ở Hương Nha là quê bà, hàng năm mở hội tưởng niệm bà vào tháng Hai Âm lịch. Đặc biệt có lệ hát “xoan” là một hình thức diễn xướng văn nghệ dân gian. Nhiều liễn đối truy điệu bà vẫn còn truyền tụng:





Độc lập thụ tiên tinh, vạn cổ huân danh huyền nhật nguyệt
Song lưu Trưng hiển tích, thiên thu nghĩa kí đối sơn hà


Dịch nghĩa:

“Dựng ngọn cờ độc lập, công danh nghìn năm tỏ rõ cùng mặt trăng, mặt trời.
Chiến công vẫn còn sống mãi với triều Trưng vương, muôn thuở nghĩa khí sánh cùng sông núi.


Miếu thờ Xuân nương ở Hương Nha có hai câu đối như sau:




Yểu điệu phù Trưng trung quang nhật
Quật cường cự Hán tiết lăng sương.


Dịch nghĩa:

Người yểu điệu phù vua Trưng, lòng trung tranh sáng với mặt trời.
Quật cường cự với giặc Hán, khí tiết thắng cả thời gian.


Và:


Anh kiệt vô song, vạn cổ thanh danh lưu nữ sử
Quân thần câu hoá, nhất không trung nghĩa tối thanh thiên.


Dịch nghĩa:

Anh kiệt không hai, danh tiếng ngàn đời lưu vào sử sách những người con gái.
Vua tôi cùng mất lòng trung nghĩa làm trời xanh vằng vặc cũng không bằng.


Mọi lễ dâng Xuân Nương đều làm cỗ chay, có bánh dày, mật mía và củ mài. Các lễ tế mười vị thần quan và quân sĩ đều mỗ trâu, nồi da nấu thịt, cỗ bày trên mâm tre đan lót lá chuối, lá ngõa, lá ngô đồng. Ngày tiệc, mở hội ở bến Lão Châu tức bến Đông, có trò trình nghề (rước các nghề nghiệp), cày bừa té nước vào nhau (diễn xướng lễ nghi nông nghiệp) hái dâu, bán kén, chọi gà, đánh vật, kéo quân, trai gái hát đối đáp.

Ở xã Hương Nộn, ngày cầu Xuân Nương, các phường xoan Kim Dức và An Thái (Phù Ninh) sang hát chầu theo tục lệ, hát từ chập tối tới gà gáy sáng và liền trong ba ngày. Trong các buổi hát thờ ấy, trước bàn thờ Xuân Nương có sáu người con gái xinh đẹp chưa chồng, mặc quần áo xanh đỏ, chít chăn chéo hai bên sườn, cầm kiếm và hộp trầu, đứng nghiêm suốt buổi lễ. Miếu Hương Nộn cho tới kháng chiến chống Pháp còn một bức tranh thờ vẽ Xuân Nương ngồi giữa, sau lưng có sáu nữ tốt cầm kiếm đứng hầu, xung quanh là cây cảnh và các nam binh nữ tốt. Tranh ấy nay đã mất.

Dân địa phương kiêng tiếng Xuân, tiếng ả, tiếng nương, và các tiếng Hiên, Hoa là tên mẹ Xuân nương, tiếng Sát là tên bố Xuân Nương.

Theo thần tích ở Hương Nha, khi quan thái thú Lê Thiện là tướng của vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đem quân đánh giặc Minh có qua đây đêm mộng thấy Xuân Nương hiện lên cho biết sẽ âm phù cho nghĩa quân thắng giặc. Sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ có phong sắc cho Xuân Nương là " Đệ bát vị Đông cung công chúa Xuân Nương ", phong cho các thập bộ thần quan là đại vương, giao cho dân sở tại tu sửa đền miếu hương khói đời đời. Phong Xuân Nương là " Đệ bát vị " vì nàng là con thứ tám.

Tổng Hợp: SGT Group