262 lượt xem

Trần Khánh Dư

Trần Khánh Dư - Danh tướng lắm tài, nhiều tật

Trần Khánh Dư đúng là hiện thân của loài chim ưng. Chim ưng là loài cao quý, có tài săn mồi dũng mãnh, nhưng là loài chim ăn thịt được xếp là ác điểu.

Nhắc đến danh tướng thời Trần, vị tướng kính ngưỡng nhất là Trần Hưng Đạo, nhưng vị tướng khiến tò mò, thích thú nhất lại là Trần Khánh Dư. Một danh tướng lắm tài nhiều tật, văn võ kiêm toàn, một nhà kinh tế học đi trước thời đại, một người tài năng nhưng hết sức cao ngạo. Nếu chỉ dùng một từ để mô tả trọn vẹn con người ông, mạn phép tặng ông một chữ tà .



Trần Khánh Dư - Danh tướng lắm tài, nhiều tật. Nguồn: Sưu tập

1. Xuất thân

Về gia thế của Trần Khánh Dư, tác giả Trần Nhuận Minh trong bài "Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư và Bình Hải quân thời Trần" đã viết: "Ông là con Thượng tướng Trần Phó Duyệt, cháu nội của Trần Thủ Độ".

2. Ngoại hình - Tính cách

Trần Khánh Dư là danh tướng văn võ song toàn, đẹp trai, khoẻ mạnh, có cá tính mạnh đặc biệt hấp dẫn đàn bà, con gái. Trần Khánh Dư văn võ song toàn đường gươm của Nhân Huệ vương như “tuyết rơi, hoa nở” có thể xông vào đám quân cả ngàn người như vào chỗ không người. Khánh Dư người cao, chân dài, miệng rộng, môi mỏng, mũi cao, hai cánh mũi mỏng ăn sâu vào trông rất dâm đãng.

Trần Khánh Dư thích chơi bời, săn bắn. Những lúc đi săn về, oai vệ ngồi trên mình ngựa trắng, chú chim ưng lông đỏ mỏ quặp đậu trên vai là lúc hình ảnh Trần Khánh Dư đẹp nhất. Các thiếu nữ mới lớn thì say mê cái vẻ lãng mạn bất cần đời của Nhân Huệ vương. Còn các phụ nữ đã có chồng thì lại mê mẩn bởi sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được từ đôi chân dài.

3. Tài không đợi tuổi - Văn võ song toàn

Ngay từ lần quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ nhất, Trần Khánh Dư lúc ấy mới mười sáu tuổi, đã dũng cảm tập hợp gia binh, bất ngờ tập kích vào trại giặc. Đốt phá lương thảo, xông vào trại ngựa khiến ngựa tháo chạy toán loạn mà quân Trần bắt sống được cả ngàn con.

Lớn hơn chút nữa được giao cho dẹp loạn quân Man ở thượng du sông Đà, Khánh Dư đã cưỡi thuyền độc mộc đánh thẳng vào động Man Chúa, khiến giặc phải hàng. Được vua Trần Thái Tông yêu lắm nhận làm Thiên tử nghĩa nam (con nuôi của vua) lại được phong tới chức phiêu kỵ tướng quân (chức chỉ dành cho các hoàng tử).

Về văn thì đã từng viết lời tựa cho cuốn “Vạn kiếp tông bí truyền thư” của Hưng Đạo vương. Được Hưng Đạo vương tâm đắc lắm “phải nói thật là không tướng nào hiểu sâu sắc như hắn” chỉ cần vài câu mở đầu đã toát lên điều đó ….Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết…

4. Mối tình oan trái

Vì những gì thể hiện trong trận chiến Nguyên Mông lần thứ nhất. Trần Khánh Dư được vua Trần Thánh Tông nhận làm con nuôi, gọi là “Thiên tử nghĩa nam”. Với vị trí là “hoàng tử” (dù là con nuôi).

Ông tự do đi vào cung cấm, chơi bời, và có cơ hội gặp công chúa trưởng của cha nuôi mình là Thiên Thụy. Hai người yêu nhau từ khi ấy.

Nhưng rồi, Hưng Đạo Vương lại xin Thiên Thụy cho con trai Trần Quốc Nghiễn, vua Trần Thánh Tông để làm đẹp lòng Hưng Đạo Vương đã đồng ý cho Thiên Thụy về Vạn Kiếp. Mối tình niên thiếu của Thiên Thụy và Trần Khánh Dư chính thức đứt đoạn.

Một lần Trần Khánh Dư về thành Thăng Long dự yến tiệc, vào nội cung và gặp công chúa Thiên Thụy. Tình cũ khó phai, Trần Khánh Dư và Thiện Thụy đã "thông dâm" với nhau và bị phát hiện.

Vua sợ phật ý Quốc Tuấn, mới sai người đánh chết Trần Khánh Dư ở Hồ Tây, nhưng lại quá yêu tài dặn nhỏ chớ đánh mạnh quá, để không đến nỗi chết. Theo luật thời đó, nếu qua được 100 gây là trời tha không đến nỗi phải chết, nhờ đó mà ông mới được toàn mạng.

Trần Khánh Dư dù thoát chết nhưng bị mất hết chức tước, bị tịch thu hết điền sản. Ông về cùng bọn tiều phu đốn củi đốt than kiếm kế sinh nhai.

Trong lăng kính nào đi chăng nữa, vẫn sẽ thấy đây là một điều đáng để chỉ trích. Ồ, ngoại tình thì không có gì để bào chữa nữa. Nhưng, hãy đặt vào trong hoàn cảnh của thế kỷ XIII khi ấy. Cái cách mà Trần Khánh Dư đã làm với tình yêu bị đứt đoạn ấy, có đáng để trầm ngâm hay không?

Chúng ta đều biết trong thời đại phong kiến, tự do con người chỉ đẩy về hàng thứ yếu, tình yêu chỉ là mộng ảo của cái thiếu niên, khi quyết định hôn nhân đều bị hạ thấp dưới vấn đề quốc gia và dòng tộc. Thân phận nhi nữ được mặc định là quân cờ trong ván bài chính trị của các phe phái, với các cuộc hôn nhân không có tình yêu.

Càng đặc biệt hơn khi đây là nhà Trần, với đặc thù về các cuộc hôn nhân “cận huyết” để tránh vết xe đổ của Lý Chiêu Hoàng - Trần Cảnh lặp lại, thì nữ nhân lại càng giống như một món đồ nữa. Trước Thiên Thụy công chúa có ai? Có Lý Chiêu Hoàng, có Thuận Thiên công chúa…đều là những phận đời long đong qua tay người đàn ông này đến người đàn ông kia để phục vụ cho mục đích chính trị.

Có nghĩa, Trần Khánh Dư đã đến với Thiên Thụy công chúa trong hoàn cảnh bị cả xã hội nguyền rủa. Nhưng họ vẫn "thông dâm" với nhau, cho đến khi bị phát hiện. Trần Khánh Dư và Thiên Thụy bị lễ giáo trói buộc phải rời xa nhau. Nhưng trái tim của họ vẫn nhìn về nhau. Bất chấp bị ngăn cấm, bất chấp cả một thời đại đè lên tự do cá nhân.

Trần Khánh Dư với tính cách bạo liệt của ông, đã đến với Thiên Thụy cho bằng được. Hiểu nôm na là ta không có em trong ánh sáng, thì có em ở bóng tối. Trần Khánh Dư đã đi ngược với thời đại, đạp lên những tôn ti thông thường, cười ngạo vào lễ nghĩa để tôn vinh lên tự do cá nhân của bản thân ông và tình yêu của ông.

Trần Khánh Dư - Thiên Thụy là ngoại tình, là thông dâm, là bi kịch đoạn cuối cuộc đời. Nhưng họ làm tất cả vì tự do cá nhân của chính bản thân họ. 

5. Nhân tài có đất dụng võ

Năm 1282, vua Trần Nhân Tông mở hội nghị Bình Than bàn phương cách chuẩn bị chống quân Nguyên Mông lần hai.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: "Lúc đó, thuyền vua đỗ ở bến Bình Than, nước triều rút, gió thổi mạnh, có chiếc thuyền lớn chở than củi, người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn. Vua chỉ và bảo quan thị thần: Người kia chẳng phải là Nhân Huệ Vương đó sao?".

Lập tức sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo. Đến cửa Đại Than thì kịp. Quân hiệu gọi:

"Ông lái ơi, có lệnh vua triệu".

Khánh Dư trả lời: "Lão là người buôn bán, có việc gì mà phải triệu".

Quân hiệu trở về tâu thực như thế. Vua bảo: "Đúng là Nhân Huệ đấy, ta biết người thường tất không dám nói thế". Vua lại sai nội thị đi gọi.

Trần Khánh Dư mặc áo ngắn, đội nón lá. Vua nói:

"Nam nhi mà đến nỗi này thì thực là cùng cực rồi", bèn xuống chiếu tha tội cho ông. Khánh Dư lên thuyền lạy tạ. Vua ban cho áo ngự, cho ngồi các hàng dưới các vương, trên các công hầu, cùng bàn việc nước, nhiều điều hợp ý vua."

Trần Khánh Dư lúc này được vua phong làm Phó đô tướng quân.

6. Kháng lệnh vua - Trận Vân Đồn Trần Khánh Dư vang danh thiên cổ

Bí quyết thắng lợi cả ba lần chống Mông Nguyên là kế "vườn không nhà trống". Vì sao lại thực hiện kế vườn không nhà trống?

Thế mạnh của quân Mông Nguyên là tấn công thần tốc trên lưng ngựa, CHÉM ĐẦU CƯỚP ĐÓ cung ứng lương thảo cho quân đội. Nhưng địa hình nhiều đồi núi, sông ngòi kênh rạch chằng chịt của lãnh thổ Đại Việt là khắc tinh của kỵ binh và lối đánh thần tốc làm nên tên tuổi Mông Nguyên. Thêm nữa quân dân trên dưới một lòng, thực hiện kế "vườn không nhà trống".

Nhà Trần thực hiện tiêu thổ kháng chiến khiến quân Nguyên không thể lấy được lương thực từ dân bản địa, quân Nguyên lại gặp khó khăn về cung ứng lương thực do số quân quá đông. Đại Việt nhanh chóng chấn chỉnh đội ngũ và chờ đợi đối phương mệt mỏi, suy giảm nhuệ khí, thực hiện chiến tranh du kích tiêu hao sinh lực địch, rồi tổng tấn công truy kích tất cả các mặt trận buộc địch phải bỏ chạy.

Trong cuộc xuất quân lần thứ 3, khác với các cuộc tiến công trước, cùng với hai mũi tiến theo đường bộ từ Quảng Tây và Vân Nam, lần này quân Nguyên lập thêm một mũi tiến công bằng thủy binh gồm 600 chiến thuyền do Ô Mã Nhi, một "dũng sĩ quen thủy chiến" cùng Phàn Tiếp, Trương Ngọc thống lĩnh xuất phát từ Khâm Châu vượt biển tiến vào nước ta theo đường sông Bạch Đằng. Đoàn thuyền lương của quân Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy gồm 70 chiếc thuyền chở 170.000 thạch lương, được đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi đi trước hộ tống, từ Khâm Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) theo đường biển đông bắc tiến vào Đại Việt.

Hưng Đạo Vương giao hết công việc ở biên thùy cho Vân Đồn phó tướng là Nhân Huệ Vương Khánh Dư. Khi thủy binh của quân Nguyên đi vào vùng biển nước ta, chúng bị thủy binh ta chặn đánh ở Ngọc Sơn (Mũi Ngọc, Móng Cái), nhưng đoàn thuyền của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp vẫn tiến được vào cửa An Bang (Quảng Yên). Thủy quân Đại Việt giao chiến với binh thuyền giặc nhưng không đủ sức tiêu diệt chúng: "Khi ấy, thủy quân nhà Nguyên đánh Vân Đồn.

Được tin thủy quân ta không thắng giặc, Thượng hoàng Trần Thánh Tông nổi giận, lập tức cho Trung sứ tới Vân Đồn triệu Khánh Dư về kinh đô trị tội. Trần Khánh Dư biết rất rõ tội của mình, ông xin với Trung sứ: "Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất hai, ba ngày, để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn."

Ô Mã Nhi cho rằng thủy quân Đại Việt đã thất bại, đường tiến quân của chúng không có gì trở ngại, vì vậy y đốc thúc quân lính tiến thẳng không phải hộ tống đoàn thuyền lương.

Mặc dù vừa thua trận và sắp chịu tội nhưng Trần Khánh Dư vẫn đủ tỉnh táo, kịp thời phát hiện sai lầm của Ô Mã Nhi. Ông nhanh chóng chấn chỉnh lực lượng, tổ chức chặn đánh đoàn thuyền lương, tuy thời gian rất ngắn nhưng ông đã kịp thời dàn trận chờ giặc tới để tiêu diệt.

Trương Văn Hổ cùng quân lính ra sức chống đỡ và cố thúc đoàn thuyền tiến vào đất liền nhưng bị quân ta liên tục tiến công. Giặc bị chặn đánh trên chặng đường dài hàng chục ki-lô-mét, đến Cửa Lục (Hòn Gai) thủy binh của ta đổ ra đánh càng đông, quân giặc không chống đỡ nổi, phần bị đắm thuyền, phần bị quân ta tiêu diệt, chúng phải đổ cả thóc xuống biển hòng thoát thân nhưng không thể, phần lớn số quân bị tiêu diệt.

Trận Vân Đồn Trần Khánh Dư vang danh thiên cổ. Nguồn: Sưu tập

Toàn bộ số lương thảo của giặc bị nhấn chìm. Quân ta toàn thắng. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Khánh Dư đánh, giặc bị thua, bắt được lương thực khí giới của giặc không xiết kể, bắt sống quân giặc rất nhiều".

Chiến thắng Vân Đồn để lại bài học kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ huy trên chiến trường. Đó là phán đoán tình huống đúng, kịp thời phát hiện và lợi dụng sai lầm của địch, hạ quyết tâm chính xác, khẩn trương triển khai thế trận tiêu diệt địch giành thắng lợi.

Lương thảo là "dạ dày", là niềm hy vọng của quân xâm lược, nó quyết định khả năng chiến đấu của quân Nguyên trong suốt cuộc chiến tranh. Chiến thắng Vân Đồn là lưỡi dao cắt toàn bộ dạ dày của quân xâm lược, tạo ra tiền đề cho thắng lợi của ta và thất bại của giặc, góp phần quan trọng đẩy nhanh cuộc rút quân của đạo quân xâm lược nhà Nguyên.

Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sỹ (1775) viết: "Việc đánh lui được giặc trong đời Trùng Hưng, ai cũng khen nhiều về trận thắng ở sông Bạch Đằng của Hưng Đạo, nhưng không bằng trận thắng ở Vân Đồn của Khánh Dư."

Trận Vân Đồn vang danh thiên cổ: Trần Khánh Dư tiêu diệt đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ.
Nguồn: Sưu tập

7. Nhà kinh tế tài năng, tư duy vượt thời đại - Tham lam, thô bỉ

Khi bị giáng làm thường dân, Khánh Dư buôn bán than để sinh sống.

Từ đây, tài năng kinh doanh của ông mới thực sự phát huy. Khánh Dư trấn giữ trấn Vân Đồn ngoài việc rèn binh, khiển tướng rất quy củ, bài bản đâu ra đó, thì cụ cũng để lại một vụ “làm ăn” mà nước biển Đông cũng không sửa sạch được.

Vốn ở gần Vân Đồn có hương Ma lôi chuyên làm nón rất tốt. Trần Khánh Dư sai lính mua vét hết, còn sai lính đặt thêm vài ngàn chiếc nữa. Rồi mới ra lệnh rằng: “Để khỏi nhầm với bọn rợ Hồ (chỉ quân Mông Nguyên) trong lúc giao chiến, nên người Vân Đồn phải đội nón Ma Lôi. Hạn trong ba ngày phải thi hành, ai không có nón sẽ bị phạt rất nặng hoặc đánh đòn roi”.

Quân lệnh như sơn. Lúc đầu mỗi chiếc nón giá chỉ một hai đồng. Lúc nón khan một chiếc có thể đổi tới một xúc lụa. Số lụa đổi ra được lên tới ngàn tấm.

Cái câu "Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh" (Gà chó Vân Đồn cũng đều sợ) chính từ đó mà ra. Ngoài việc nói thác kính phục uy danh, nhưng thực ra có ý mỉa mai về vụ buôn bán này đấy.

Sau chiến tranh, Trần Khánh Dư vẫn trấn thủ tại Vân Đồn, biến nơi đây thành thương cảng lớn nhất Đại Việt và ở vùng Đông Nam Á. Đây cũng là một chiến công hiển hách của Nhân Huệ vương. Và trở thành người giàu nhất Đại Việt, vàng bạc chất cao như núi.

Càng giàu có Trần Khánh Dư càng ra sức bóc lột nông dân bằng cách tích tụ đất đai cho dân làm thuê, làm mướn. Mua rẻ đất của dân để mở trường đua ngựa.

Về thói “trăng hoa” Trần Khánh Dư cũng thuộc loại “rách trời rơi xuống”. Dùng tiền, dùng quyền kết hợp để mua chuộc, dụ dỗ gái nhà lành. Song có lần bị cô gái bán cá ở chợ Vân Đồn dạy cho bài học nhớ đời sau một trận tỉ thí võ nghệ sinh tử. Cha của cô gái đã chỉ vào mặt Khánh Dư rằng: “Thiên hạ nhân, thiên hạ tài. Cao nhân ắt có cao nhân trị. Con gái ta vì tiếc cái tài cầm quân của ngươi mà lưu lại mạng sống cho đó. Hãy dùng cái tài đấy mà báo quốc".

Khánh Dư bị dân kiện, sau đó tâu vua: "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?" Sử chép: "Vua không hài lòng, Khánh Dư bèn trở về. Khánh Dư vào chầu không quá 4 ngày đã trở về, vì sợ ở lâu bị vua khiển trách."

8. Trần Khánh Dư trong lời tựa Vạn Kiếp Tông Bí Truyền Thư

Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết
- Trần Khánh Dư

Ngày xưa, Cao Dao làm sĩ sư mà không ai dám trái mệnh, đến Vũ Vương nhà Chu làm văn vũ sư, ngầm lo sửa đức, để lật đổ nhà Thương mà dấy nên vương nghiệp, thế là người giỏi cầm quân thì không cần phải bày trận vậy. Vua Thuấn múa mộc và múa lông trĩ mà họ Hữu Miêu đến chầu, Tôn Vũ nước Ngô đem người đẹp trong cung thử tập trận mà phía tây phá nước Sở mạnh, phía bắc uy hiếp nước Tấn, nước Tần, nổi tiếng chư hầu, thế là người khéo bày trận không cần phải đánh vậy. Đến Mã Ngập (Sách Tấn thư chép là Mã Long) nước Tấn theo bát trận đồ, đánh vận động hàng ngàn dặm, phá được Thụ Cơ Năng để thu phục Lương Châu. Thế gọi là người đánh giỏi không bao giờ thua vậy.

Cho nên trận nghĩa là "trần", là bày ra, là khéo léo. Ngày xưa, Hoàng Đế lập phép tỉnh điền để đặt binh chế. Gia Cát xếp đá sông làm bát trận đồ, Vệ Công sửa lại làm thành Lục hoa trận. Hoàn Ôn lập ra Xà thế trận có vẽ các thế trận hay, trình bày thứ tự, rõ ràng, trở thành khuôn phép.

Nhưng người đương thời ít ai hiểu được, thấy muôn đầu ngàn mối, cho là rối rắm, chưa từng biến đổi. Như Lý Thuyên có soạn những điều suy diễn của mình (sách Thái bạch âm kinh nói về binh pháp), những người đời sau cũng không hiểu ý nghĩa. Cho nên Quốc công ta mới hiệu đính, biên tập đồ pháp của các nhà, soạn thành một sách, tuy ghi cả những việc nhỏ nhặt, nhưng người dùng thì nên bỏ bớt chỗ rườm rà, tóm lược lấy chất thực.

Sách gồm đủ ngũ hành tương ứng, cửu cung suy nhau, phối hợp cương nhu, tuần hoàn chẵn lẻ. Không lẫn lộn âm với dương, thần với sát, phương với lợi, sao lành, hung thần, ác tướng, tam cát, ngũ hung, đều rất rõ ràng, ngang với Tam Đại, trăm đánh trăm thắng. Cho nên, đương thời có thể phía bắc trấn ngự Hung Nô (ám chỉ nhà Nguyên), phía nam uy hiếp Lâm Ấp (Chiêm Thành)".

Phải nói thật, không có tướng nào hiểu sâu sắc như hắn- Trần Hưng Đạo

Trần Khánh Dư, một kẻ tài hoa nhưng không hoàn hảo, một danh tướng "độc nhất vô nhị" trong lịch sử Việt Nam với những phát ngôn và hành động thô bỉ, nhưng là một người coi trọng tự do cá nhân trong thời đại phong kiến, một người đạp bằng dư luận mà sống, một không quan tâm miệng lưỡi thiên hạ, một vị tướng, một quý tộc, và cả một sự cô đơn trong một mối tình oan nghiệt.

Nhà văn Lưu Sơn Minh, khi viết tiểu thuyết “Trần Khánh Dư”, đã mở đầu bằng những câu văn:

"Đừng đọc về ta, đừng nhắc chuyện ta, nếu trong lòng ngươi khư khư những tín điều vô vị và bất di bất dịch. Ta là kẻ đạp lên tín điều và giật đổ những bất di bất dịch. Ta là kẻ sinh lạc nhà, sống lạc thời, và yêu lạc người. Giữa những dòng chữ của hậu thế, tên ta sẽ đi cùng với những nỗi cô đơn thăm thẳm. Từ lúc sinh ra cho tới mãi sau này, khi danh tính ta chỉ còn lạc lõng trên các trang giấy, ta vẫn là kẻ độc hành. Tên ta là Dư..."

Nguồn: khamphalichsu.com.