227 lượt xem

Trần Minh Tông

Trần Minh Tông và bài học về sử dụng hiền tài

Trần Minh Tông và bài học về sử dụng hiền tài. Dù là người nhân hậu, biết trọng người tài, nhưng ông cũng bị chê trách trong vụ giết Trần Quốc Chẩn.


Vua Trần Anh Tông.

Mang hai dòng máu của hai triều đại

Minh Tông hoàng đế ( 21/8/1300 – 19/2/1357) húy là Trần Mạnh, con trai duy nhất sống đến khi trưởng thành của Anh Tông Nhân Hiếu hoàng đế Trần Thuyên và bà Chiêu Từ hoàng hậu Trần thị, con gái Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng; vị hoàng đế thứ 5 của nhà Trần, ở ngôi 15 năm (1314 – 1329), làm Thái thượng hoàng 28 năm.

Ông sinh một ngày sau khi Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn qua đời (20/8 âm lịch năm 1300). Bảo Nghĩa vương vốn là người có huyết thống của Lê Đại Hành nhà Tiền Lê, nên ông mang trong mình một phần dòng máu của triều đại này.

Ngày 18/3/1314, Trần Anh Tông truyền ngôi cho Trần Mạnh, tự xưng là Ninh Hoàng. Trong khi Thượng hoàng Anh Tông vẫn giúp trông coi chính sự.

Triều đại nhà Trần dưới thời Minh Tông tiếp tục duy trì sự thịnh vượng của các đời trước đã tạo nên. Suy tôn vua cha là Quang Nghiêu Duệ Vũ thái thượng hoàng đế và tôn Thuận Thánh hoàng hậu làm Thuận Thánh Bảo Từ thái thượng hoàng hậu.

Trần Minh Tông nối ngôi mới 14 tuổi, nhưng vốn thông minh, tài trí, sự hưng thịnh đời Trần Anh Tông tiếp tục được mở mang, làm rạng rỡ công nghiệp của Trần Thái Tông, là bậc quân chủ tài giỏi.

Bấy giờ sau khi vua Chiêm Thành Chế Chí thua trận, nước Chiêm thường xuyên quấy phá. Năm 1318, Minh Tông sai Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn, có Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến phối hợp cùng đánh quân Chiêm; đồng thời sai Phạm Ngũ Lão tung quân đánh tập hậu; quân Chiêm thua trận, khiến Chiêm vương Chế Năng phải chạy ra Nam Dương. Huệ Vũ vương xin lập người tù trưởng nước Chiêm là A Nan làm vua, rồi rút quân về.

Tháng 8 âm lịch mùa thu năm 1323, nhân dịp thi Thái học sinh, Vua đến nhà Thái học. Bấy giờ có người trong quân Thiên Thuộc tên là Mặc ứng thí, được trúng cách; Vua hạ chiếu trả về quân tịch và cho sung vào làm chức lại điển trong quân Thiên Đinh. Mùa hạ năm sau, phong thúc phụ (đồng thời là nhạc phụ) Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn làm Quốc phụ thượng tể, trên ngạch tể tướng…

Vua sáng

Đối với nhà Nguyên, Minh Tông tiếp tục đường lối giao hảo, nhường nhịn hết mực nhưng không hề tỏ ra yếu thế, chứng tỏ vị thế hàng đầu của Đại Việt. Trong nước, ông tiếp tục trọng nông nghiệp, gia tăng đất canh tác, kỹ thuật sản xuất, thời kỳ hưng thịnh tiếp tục duy trì…

Ngày 7/2/1329, Trần Minh Tông xuống chiếu phong Trần Vượng làm Hoàng thái tử. Đến ngày 15/2, ông nhường ngôi cho thái tử Vượng ( vua Trần Hiến Tông), lên làm Thái thượng hoàng, tự xưng làm Triết hoàng. Tôn hiệu của Thượng hoàng là Chương Nghiêu Văn Triết Thái Thượng Hoàng đế, Hiến Tông tự quân còn nhỏ tuổi, Thái thượng hoàng vẫn nắm quyền triều chính.

Mùa đông năm 1329, người Ngưu Hống nổi dậy, chiếm đất cõi Đà Giang. Thượng hoàng thân chinh đi đánh dẹp, sai Thiêm tri Nguyễn Trung Ngạn đi theo để biên soạn thực lục.

Năm 1334, quân Ai Lao xâm lấn, Thượng hoàng lại đích thân đem quân đến Châu Kiềm (Nghệ An). Quân Ai Lao bỏ chạy. Thượng hoàng sai Nguyễn Trung Ngạn soạn bài bia ghi lại chiến thắng khắc lên núi đá.

Năm 1335, nghe tin Ai Lao kéo xuống xâm lấn ấp Nam Nhung thuộc Nghệ An, Thượng hoàng định thân chinh, nhưng bị đau mắt, có người xin hoãn lại. Thượng hoàng không đồng tình, vì cho rằng thiên hạ sẽ bảo mình nhát và quyết ý thân chinh.

Trong trận, Đoàn Nhữ Hài khinh suất ra quân nên đúng lúc gặp sương mù bị rơi vào phục kích, bị thua trận và chết đuối. Thượng hoàng khóc thương tiếc và không coi đó là lỗi của Nhữ Hài.

Trần Minh Tông và bài học về sử dụng hiền tài – Dạy hoàng tử, thiện ác đều phải nêu

Dạy hoàng tử, thiện ác đều phải nêu để đối chiếu, không thể bỏ một bên nào, đó là quan niệm dạy con của vua Trần Minh Tông, một vị vua sáng của triều Trần.


Vua Trần Minh Tông.

Làm Thượng hoàng, vẫn nắm đại quyền

Ngày 116/1341, Hiến Tông hoàng đế qua đời khi mới 23 tuổi. Ngày 21/8, Thượng hoàng lập con trai thứ 10 là hoàng tử Trần Hạo mới lên 6 tuổi, tức là Trần Dụ Tông. Thượng hoàng vẫn nắm đại quyền triều đình, sai Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn biên soạn bộ Hoàng triều đại điển và khảo soạn bộ Hình thư để ban hành.

Mùa xuân năm 1344, người huyện Trà Hương là Ngô Bệ họp tập lực lượng nổi dậy nhưng nhanh chóng bị dẹp. Đây là mầm mống đầu tiên của phong trào nông dân khởi nghĩa cuối đời Trần, báo hiệu sự suy vong của triều đại này. Trong thời gian đó, Thượng hoàng cũng hạ chiếu truy phục lại quan tước cho Trần Quốc Chẩn.

Năm 1345, vì Chiêm Thành đã lâu không cống, triều đình cử sứ sang hỏi, Chiêm Thành chịu cống nhưng lễ vật sơ sài. Cùng năm đó, Ai Lao cướp ngoài biên giới. Nhà vua sai Bảo Uy vương là Hoàn đi đánh, phá tan được.

Mùa hạ năm 1347, Bảo Uy vương vì ăn cắp áo mặc của vua, bị phát hiện. Thượng hoàng giận lắm, truất Hoàn ra ngoài biên trấn. Khi Hoàn đi đến sông Trinh Nữ, Thượng hoàng sai vũ sĩ chở chiếc thuyền nhỏ đuổi theo, giết đi.

Năm 1350, Thượng hoàng dùng Nguyễn Trung Ngạn làm Nhập nội Hành khiển, vẫn cứ giữ việc Xu mật viện, sau đó dùng Cung Định vương Trần Phủ làm Hữu tướng quốc, Cung Định vương Nguyên Trác làm Tả tướng quốc. Bấy giờ con vua Chiêm cũ là Chế Mỗ tranh quyền với vua Chiêm hiện tại, sang nhà Trần cầu cứu. Trần Minh Tông sai đưa Chế Mỗ về nước. Bộ binh đến Cổ Lũy, thủy quân tải lương không kịp, bèn trở về.

Dạy hoàng tử, thiện ác đều phải nêu

Bàn về những người dạy hoàng tử, Thượng hoàng chủ trương rằng, thiện ác đều phải nêu để đối chiếu, không thể bỏ một bên nào. Nếu con ta quả là hiền, thì nghe điều thiện tất phải theo mà học tập, nghe điều ác tất phải ghét mà tránh xa; thiện, ác đều có thể làm gương được cả. Nếu con ta không hiền, thì đợi gì thấy kẻ ác rồi mới làm điều ác? Như Thái Khang thất đức, là bởi các vua trước chơi bời mà bắt chước hay sao? Tùy Dạng Đế luôn mồm nói đến Nghiêu Thuấn, nhưng mọi việc làm của ông ta thì lại như Hạ Kiệt, Trụ Vương, có phải là ông ta thấy điều thiện mà bắt chước hay sao.

Thượng hoàng thường dạy các hoàng tử: ai mà trì khu làm giàu, co cỏm bỏn sẻn, thì không phải là con ta. Thà rằng hào phóng mà phải nghèo, dẫu không khỏi túng thiếu đấy thật, nhưng vẫn không phi tiếng là con nhà sang.

Mùa thu năm 1356, Thượng hoàng thăm đền Huệ Vũ Vương Quốc Chẩn; lúc trở về, có con ong vàng đốt phải má bên trái, do đó nằm bệnh.

Ngày 19/2/1357, Thượng hoàng Minh Tông qua đời tại cung Bảo Nguyên, hưởng thọ 58 tuổi; được tôn thụy hiệu là Chương Nghiêu Văn Triết Hoàng đế. Mùa đông, ngày 11/11/1357, Minh Tông được táng vào Mục Lăng, xã Yên Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày nay.

Trong 15 năm trị vì (1314 – 1329), Trần Minh Tông được sử sách ghi nhận là người có tính tình nhân hậu, biết trọng người tài. Nhờ biết tôn trọng kẻ sĩ nên Minh Tông đã có dưới trướng mình những hiền thần như Đoàn Nhữ Hài, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Chu Văn An giúp. Năm 1323, ông đã cho mở khoa thi Thái học sinh chọn người có tài ra giúp nước.

Tuy nhiên, vua Trần Minh Tông cũng bị chê trách khi tin vào Trần Khắc Chung và Văn Hiến hầu nên đã giết Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn, một người đức cao vọng trọng, người có công, là chú ruột, đồng thời là cha của Hiến Từ Thái hậu năm 1328.

Trần Minh Tông và bài học về sử dụng hiền tài – Ám ảnh bởi vụ án oan

Ám ảnh bởi vụ án oan về cái chết của Thượng tể Trần Quốc Chẩn là bài học đau xót nhất trong lịch sử 175 năm thịnh trị của nhà Trần và cũng là bài học quý giá cho các thời đại sau.


Đền Quốc Phụ (Chí Linh, Hải Dương)

Nối nghiệp thái bình

Đánh giá về Trần Minh Tông, sử thần Phan Phu Tiên viết: Minh Tông có tư chất nhân hậu, nối nghiệp thái bình, không thay đổi phép tắc của ông cha đã định. Khi bấy giờ có người học trò dâng sớ nói rằng: “Dân gian nhiều kẻ du thủ du thực, đến tuổi già vẫn không có tên trong sổ hộ, mà lại không đóng góp phú thuế và sưu dịch“.

Ngài bảo: “Nếu không như thế thì sao gọi là cảnh đời thái bình? Nhà ngươi lại muốn ta bắt chúng nó làm nên trò trống gì nữa!”.

Triều thần là Lê Bá Quát và Phạm Sư Mạnh đều muốn thay đổi chế độ. Ngài nói: “Nước nhà đã có nền nếp sẵn rồi, nếu nghe mưu kế muốn cho lời mình được đắt của bạch diện thư sinh kia thì sẽ sinh rối ren đấy!”. Có điều đáng tiếc là ngài nghe lời gian nịnh của Trần Khắc Chung mà giết Quốc Chẩn: đó là một điều làm vấp cho trí thông minh của ngài.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng nhận định: “Vua Trần Minh Tông đem văn minh sửa sang trị đạo, làm rạng rỡ công nghiệp người trước, giữ lòng trung hậu, lo xa cho con cháu, trong nước được yên, bên ngoài theo phục, kỷ cương đủ bày. Tiếc rằng không biết Khắc Chung là kẻ gian tà, đến nỗi Quốc Chẩn phải chết oan, đó là chỗ kém thông minh vậy…

Cũng như các đời vua trước, Minh Tông hay sáng tác thơ, văn. Dù lúc lâm chung hầu hết đã bị đốt theo ông, nhưng nay vẫn còn giữ lại được một số bài.

Có thể nói, dưới những sắc thái khác nhau, thơ ông đã phản ánh trung thực tư tưởng, tình cảm và tính cách vua ông. Qua thơ, Minh Tông tỏ ra là một vị hoàng đế có tinh thần chủ động, năng nổ với việc chính sự, ưu ái đối với các bề tôi giỏi, thương yêu dân chúng trong bờ cõi và cả dân chúng các nước láng giềng.

Thơ Minh Tông hùng hồn, phóng khoáng, nhưng cũng tinh tế. Trong thơ Minh Tông không ngần ngại bộc bạch những tâm sự sâu kín, những lỗi lầm thời trẻ mà sau này ông mới nhận thức được.

Dạ vũ – một lời xin lỗi

Theo sử liệu, trong cuộc đời mình, Vua Trần Minh Tông lúc nào cũng bị ám ảnh bởi vụ án oan cha vợ của mình. Để sửa sai, nhà vua đã cho khôi phục chức tước, sai lập đền thờ Trần Quốc Chẩn với tên gọi là “Đền quốc phụ” nằm bên tả ngạn sông Kinh Thầy.

Ngày nay, ngôi đền này là một trong 8 di tích thuộc “Chí Linh bát cổ” nổi tiếng được nhiều sử sách ghi nhận. Trước kia đền thuộc xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh (nay thuộc thôn Nẻo, phường Chí Minh, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

30 năm sau nghi án giết oan chú ruột, đồng thời là cha vợ của mình là Trần Quốc Chẩn 1356), ngài về thăm đền thờ, lúc này ngài đã trở thành Thái thượng hoàng, Ngài đã làm bài thơ  “Dạ vũ” để tự trách mình. Bài thơ như sau:

Thu khí hòa đăng thất thự minh – Bích tiêu song ngoại đệ tàn canh – Tự tri tam thập niên tiền thác – Khẳng bả nhàn sầu đối vũ thanh.

Tạm dịch: Hơi thu và ánh đèn mờ đi trước ánh ban mai – Tàu chuối xanh ngoài cửa sổ tiễn canh tàn – Tự biết sai lầm của ta ba mươi năm trước – Đành ôm sầu ngồi nghe mưa rơi.

“Dạ vũ” là bài thơ trữ tình, mang đậm nét suy tư trầm buồn của một vị Thượng hoàng trong cảnh đêm mưa thu sắp tàn, nghĩ suy, ân hận vì những điều mình đã gây ra mà không sao sửa sai được… bài thư như một lời tạ lỗi.

Về cái chết oan khiên của Trần Quốc Chẩn, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có chép lại lời của sử thần Ngô Sĩ Liên như sau: Một con người tài đức vẹn toàn như Trần Quốc Chẩn mà phải chịu cái án oan trên đầu rồi trả giá bằng chính mạng sống của mình thì quả là đáng tiếc. Đây là bài học đau xót nhất trong lịch sử 175 năm thịnh trị của nhà Trần và cũng là bài học quý giá cho các thời đại sau về đào tạo cũng như sử dụng người hiền tài.

Nguồn: Khoahocdoisong.vn