239 lượt xem

Nguyễn Quang Bật

Nguyễn Quang Bật (chữ Hán: 阮光弼; 1463-1505) là người đỗ  trạng nguyên năm 1484 dưới triều vua Lê Thánh Tông. Ông là người huyện Gia Bình, nay thuộc địa phận thôn Thường Vũ, xã An Bình, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, có ý chí "nhân định thắng thiên", không tin vào số mệnh. Tương truyền trước khoa thi ông nằm mơ thấy Thần hiện về báo mộng ông sẽ không đoạt giải cao; thế nhưng ông tin rằng “Thần đâu biết được việc người; phen này ta đỗ, đỗ thời trạng nguyên” và càng ra sức học. Đến kì thi Đình ông đã đoạt được ngôi vị đầu bảng, giành lấy chức vị trạng nguyên. Làm quan Hàn lâm Hiệu lý. Ông là thành viên nhóm Tao đàn Nhị thập bát Tú. Vì trái ý của Lê Uy Mục nên bị giáng xuống Thừa Tuyên, Quảng Nam. Vua sai người mật dìm chết ở sông Phúc Giang. Tương Dực Đế biết ông chết oan, bèn truy phong tước Bá, và tặng lá cờ thêu 3 chữ” Trung Trạng Nguyên". Vua còn cho dân địa phương lập miếu thờ làm thành hoàng. (http://vi.wikipedia.org/).

Theo www.thuanthanh.gov.vn ngày 11/11/2012:  Thuở nhỏ nhà nghèo nhưng Nguyễn Quang Bật ham học, phải làm nghề bán hàng nước ở cầu Khoai kiếm ăn. Ông học đến mức mờ cả mắt. Khoa thi năm 1484 thời Hồng Đức ông đỗ trạng nguyên với bài luận đối đình sách trả lời về cách dùng người của nhà Triệu Tống.

Sau khi thi đỗ ông được bổ làm quan Viện hàn lâm chức Hàn lâm viện thị thư. Năm 1495 ông được tham gia hội Tao Đàn làm sách Quỳnh uyển cửu ca, đứng tên thứ 7 trong số 28 người. Đời Cảnh Thống ông giữ chức Đô ngự sử đài, cùng thượng thư Lễ bộ Đàm Văn Lễ lĩnh mệnh phò lập Túc Tông. Bấy giờ hoàng tử Tuấn dựa vào thế lực mẹ nuôi là bà Kính phi muôn tranh ngôi mới đem vàng lụa đút lót hai đại thần nhiếp chính. Thượng thư Đàm Văn Lễ sợ biến loạn không làm tròn phận sự di chiếu của Hiến Tôn phải đem ấn truyền quốc về nhà riêng. Hoàng tử Tuấn giận lắm. Nhưng Túc Tông ở ngôi không bao lâu thì mắc bạo bệnh mất sớm. Do Túc Tông không có con nối nên bà Kính Phi ở trong cung đã tuyên lập hoàng tử Tuấn kế ngôi. Ngày 5/6/1505 Uy Mục đế lên ngôi chưa đầy nửa năm, nhớ mối hận ngày trước đã biếm chức thượng thư Đàm Văn Lễ và Đô ngự sử đài Nguyễn Quang Bật vào Quảng Nam giữ chức thừa tuyên sứ. Khi hai người đi đến sông Lam thuộc địa phận huyện Chân Phúc vua sai người đuổi theo bắt phải tự xử. Hai ông khi sắp gieo mình xuống nước còn ngâm bài thơ tuyệt mệnh bằng quốc âm. Được tin, các quan triều biết tội hai ông không đáng chết mới xúm vào can vua, vua đổ lỗi cho bọn Nguyễn Nhữ Vi làm bậy rồi giết đi.

Đến đời Hồng Thuận, vua Tương Dực đế lại truy tặng hai ông. Do việc vua Uy Mục bắt tự xử, con cháu trạng nguyên Nguyễn Quang Bật ở quê đã phải cải sang họ Đỗ để tránh tai hoạ tru di. Hiện ở quê có đền thờ và tấm bia đá ghi sự nghiệp của ông. Mới đây trường tiểu học An Bình số 2 đã được mang tên Nguyễn Quang Bật. Hậu duệ ông có đặt giải thưởng trạng nguyên Nguyễn Quang Bật để trao tặng cho học sinh xuất sắc nhất từng năm học trị giá 500.000 đồng. Hiện nay con cháu vẫn thành đạt, tiêu biểu là Trưởng ban biên giới chính phủ Lê Minh Nghĩa, Phó đô đốc hải quân Trần Dực và nhiều tiến sĩ, cử nhân khác.

   Bài thơ tuyệt mệnh của trạng nguyên Nguyễn Quang Bật ghi trong gia phả và được đốc học Đỗ Trọng Vĩ, hậu duệ trạng nguyên ghi lại trong sách Bắc Ninh địa dư chí thế kỉ 19 như sau:

 
Trời, trời xanh. Nước, nước xanh
Ai đem người ngọc đến Nam Ninh
Nào chàng Liễu Nghị đi đâu tá
Sao chẳng đưa thư tới Động Đình.

 
Bài thơ dựa vào tích chàng Liễu Nghị ghen vợ khiến nàng phải nhảy xuống hồ Động đình tự vẫn. Thần hồ Động Đình biết nàng bị oan lại đưa lên bờ về đoàn tụ gia đình. Đó là tâm sự của người bị hại oan uổng nhưng vì lòng trung quân trong sạch vẫn phải trầm hà nhưng còn tin mình được minh oan.

Trích nguồn: Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam - NXB Hồng Đức xuất bản 2018