316 lượt xem

Trần Nguyên Đán - Kỳ 2

Trần Nguyên Đán (1325 – 1390) đại thần, nho sĩ, nhà thiên văn kiêm đạo gia

Tặng Mẫn Túc

Suốt đời chịu làm việc chế tác trống, tù và hay sao ?
Cười chết được bọn mặc áo cừu, hăm hở phóng ngựa.
(Họ sẽ) Thẹn thùng vì không có tiếng tốt lưu lại đời sau,
Bài hát cuồng loạn chỉ vọng lại âm hưởng thâm u.
Ai bảo vật này là vật phi thường !
Tự biết ta hôm nay cũng là ta lúc trước.
Khuyên ngươi hãy chuyên cần học theo Chu, Khổng,
Khoe lạ, đua khéo có cũng như không.

Mẫn Túc hẳn mang vật lạ đến cho cụ Nguyên Đán xem. Theo lời lẽ, cả Mẫn Túc lẫn “phi phàm vật” đều liên quan đến quân đội. Nhiều khả năng đó là chiếc trống hay cái tù và. Nguyên Đán không đánh giá cao món quân dụng tinh xảo, lại khuyên chàng trai trẻ theo nghiệp Tống Nho. Cụ Trần làm trong đài Ngự sử hoặc giữ chức Tư đồ, ngạch văn chức. Tuy nhiên, cụ cũng kiêm coi việc quân ở Lạng châu, Quảng Oai. Câu “Tự giác kim ngô diệc cố ngô” rất thú vị : ông tướng bảo viên võ quan cấp dưới rằng ta vẫn là một văn nhân. Suy nghĩ này quá khác biệt với quan điểm của Trần Minh tông trước đó không lâu. Trần Minh tông từng buộc một binh sĩ trong quân

Thiên Thuộc, đạo Cấm vệ có nhân sự tuyển từ tráng đinh vùng quê vua, phải trở lại quân đội dù đã đậu khoa Thái học sinh năm 1323. Vị quân vương hiểu rõ giá trị và lý tưởng cao quý của binh nghiệp.

Nguyên Đán không chỉ chủ trương sùng Nho bằng lời nói, Ông là quý tộc Trần hiếm hoi gả con gái cho người ngoài họ. Hai chàng rể Nguyễn Ứng Long và Nguyễn Hán Anh đều là dân thường và là nho sĩ có chút danh tiếng đương thời.

Nguyên tắc chính trị cơ bản thời trung đại là quý tộc phải cầm binh. Cụ Trần rất ngộ nghĩnh khi xem cuộc sống trong quân vô vị, ồn ào. Cụ có nét trí tuệ hào hoa của các vương gia nhà Tống. Theo Cụ, tiếng tăm lừng lẫy không đến từ chiến công, mà phải từ tác phẩm giá trị đến đời sau. Chính chất “văn” này của các ông hoàng hai nước đã khiến họ không giữ được thiên hạ cho nhà mình.

VỊ HOÀNG THÂN KHÔNG THÍCH CẦM QUÂN

Nguyên Đán có hai bài thơ diễn tả tâm trạng khi dẫn binh lính đi tuần ở các địa phương xa kinh đô. Lòng muốn về nhà kết tinh thành các cặp đối tuyệt đẹp. Thơ cũng cho thấy chiến chinh là gánh nặng trong tâm vị tướng họ Trần.

軍中作
平生不願執金吾,
談笑油幢豈遠圖。
悅目風光何處有,
欺天心術一生無。
三春啼血鵑聲斷,
萬里歸心桂影孤。
坐待師徒歌奏凱,
南窗枕玉伴青奴。
Quân trung tác
Bình sinh bất nguyện Chấp kim ngô (a),
Đàm tiếu du chàng khởi viễn đồ .
Duyệt mục phong quang hà xứ hữu,
Khi thiên tâm thuật nhất sinh vô.
Tam xuân đề huyết quyên thanh đoạn,
Vạn lý qui tâm quế ảnh cô.
Tọa đãi sư đồ ca tấu khải,
Nam song chẩm ngọc bạn thanh nô.

(a) Chấp kim ngô : nguyên thủy chỉ chức tướng chỉ huy Cấm quân bảo vệ kinh thành. Ở đây chỉ địa vị lãnh đạo một đội quân chính quy.

Sáng tác khi ở trong quân

Chức Chấp kim ngô chẳng là nguyện ước bình sinh,
Cười nói dưới cờ lọng quang dầu đâu phải kế lâu dài !
Chốn nào còn cảnh tượng đẹp mắt ?
Một đời không dám mang lòng dối trời !
Cuối mùa xuân, tiếng quyên kêu ai oán ngưng bặt,
Từ muôn dặm, lòng muốn về đối diện bóng trăng lẻ loi.
Ngồi chờ binh lính ca khúc khải hoàn,
Tựa gối ngọc trên chiếu trúc nơi cửa sổ phía nam.

Cuộc hành quân nhàn nhã của Nguyên Đán rõ ràng không hướng về đối thủ Chiêm Thành, kẻ địch khó chịu khi nhắc đến vua tôi Trần phải sa nước mắt. Ông đang tìm dẹp giặc cỏ nổi lên vì đói kém. Giết chóc hay bắt bớ dân đen dĩ nhiên chẳng mang lại hứng thú nào. Ông không dối lòng khi khẳng định chỉ muốn về nhà.
Ý muốn về nhà lại nổi lên trong bài thơ cùng loại, tăng thêm cảm giác đơn độc.
 

軍中有感
操戈持筆片雲身,
屈指辭家恰十旬。
報曉黃雞驚旅夢,
催歸杜宇送殘春。
功名未晚猶他日,
萍水相逢無故人。
海闊天高空懶散,
江平水靜白鷗馴。
quân trung hữu cảm
Thao qua trì bút phiến vân thân,
Khuất chỉ từ gia cáp thập tuần.
Báo hiểu hoàng kê kinh lữ mộng,
Thôi qui đỗ vũ (a) tống tàn xuân.
Công danh vị vãn do tha nhật,
Bình thuỷ tương phùng vô cố nhân.
Hải khoát thiên cao không lãn tán,
Giang bình thuỷ tĩnh bạch âu tuần.

(a) Đỗ Vũ : tên vua nước Thục theo sách Sưu thần ký. Khi mất nước, qua đời, ông hóa thành chim. “Chim đỗ vũ kêu” tượng trưng lòng nhớ quê da diết.

Cảm xúc khi ở trong quân

Mang thương, cầm bút, thân nhẹ như mây,
Nhẫm tính… rời nhà vừa đúng mười tuần,
Báo bình minh, gà vàng gáy kinh động giấc mộng đất khách,
Giục trở về, tiếng chim đỗ vũ đưa tiễn xuân tàn.
Đường đời còn dài, công danh chưa muộn.
Bèo nước gặp được nhau, cố nhân lại mãi nơi nào !
Chỉ nhàn tản giữa biển rộng trời cao,
(Như) chim âu trắng hiền lành nơi sông im sóng lặng.

Công danh “do tha nhật”, có ngày khác chứng tỏ bài thơ hình thành lúc tác giả trẻ trung. Có thể cả hai bài ra đời cùng lúc khi triều đình tiến hành tiểu trừ các cuộc biến loạn khởi đầu bởi Ngô Bệ và Nguyên Đán được giao tuần tra một khu vực nhất định. Dân làm giặc chỉ vì quá đói, tránh đương đầu với quan quân. Không thấy viên tướng ghi lại cuộc đụng độ nào. Khác với Phạm Sư Mạnh tảo thanh hoặc thanh tra khu vực rừng núi Đông Bắc-Tây Bắc, Nguyên Đán đi tuần khu vực duyên hải.

Cũng khác với cụ Phạm, người rất hãnh diện và nhớ ơn vua khi được chỉ huy quân đội, Trần Nguyên Đán buồn bã, cô đơn khi sống trong môi trường kém thanh lịch. Ông chẳng màng đến mệnh vua khi xông pha bên ngoài. Thái độ và quan điểm này sẽ là trở ngại cho mối quan hệ giữa Ông và Nghệ tông về sau.

Để thấy ảnh hưởng của Chu Văn An trên văn gia Nguyên Đán, chúng ta thưởng thức bài thơ dưới đây của thầy Chu :

村南山小憩
閑身南北片雲輕,
半枕清風世外情。
佛界清幽塵界遠,
庭前噴血一鶯鳴。
thôn nam sơn tiểu khế
Nhàn thân nam bắc phiến vân khinh,
Bán chẩm thanh phong thế ngoại tình.
Phật giới thanh u, trần giới viễn,
Đình tiền phún huyết nhất oanh minh.

Tạm nghỉ ở núi Thôn Nam

Thân rảnh rỗi nhẹ như mây trôi khắp bắc nam,
Tâm tình ngoài thê cuộc chỉ nghe gió thổi bên gối.
Cõi phật vắng lặng, cõi trần xa tắp,
Trước sân, chim oanh kêu đến khạc ra máu.
Thân mây bồng bềnh, gối tựa tĩnh mịch, chim kêu bi ai...
Trần tướng quân tự xem mình như ân sĩ vân du

 THIÊN TAI VÀ THỜI TIẾT TRONG THƠ TRẦN NGUYÊN ĐÁN

Thơ các nhà nho thường miêu tả thiên nhiên một cách cân đối, đẹp đẽ. Riêng trong di sản cụ Trần, chúng ta tìm thấy hai bài nói về thiên tai gây thảm họa cho dân chúng. Điều này không phổ biến vào thời trung đại. Đời Trần, chỉ có Nguyên Đán và cậu con rể Ứng Long làm thơ nói về tai họa thiên nhiên. Bài thơ tả hạn hán của Ứng Long lại là bản báo cáo hiện trường gửi lên cụ Tư đồ, có thể dưới tư cách quan Kiểm chính.
Theo Hồ Nguyên Trừng, ngoài thơ ca, cụ Trần có tác phẩm “Bách thế thông kỷ”. Sách này bàn về thiên văn, lịch pháp. Như vậy, điểm đặc biệt so với tác gia khác là cụ Trần từng dành nhiều thời gian để quan sát bầu trời, cảm nhận thời tiết.

壬寅年六月作
年來夏旱又秋霖,
禾槁苗傷害轉深。
三萬卷書無用處,
白頭空負愛民心。
nhâm dần niên lục nguyệt tác
Niên lai hạ hạn hựu thu lâm,
Hòa cảo miêu thương hại chuyển thâm.
Tam vạn quyển thư vô dụng xứ,
Bạch đầu không phụ ái dân tâm.

Thơ làm vào tháng sáu năm Nhâm Dần (1362)

Năm nay mùa hè bị hạn hán, mùa thu lại mưa dầm,
Lúa héo mạ hư, tai hại liền nhau càng thêm khắc nghiệt.
(Kiến thức từ) Ba vạn quyển sách không có chỗ để dùng,
Đầu đã bạc, uổng công mang nặng lòng thương dân !

Năm 1362, Dụ Tông và các vương hầu chìm đắm trong thú vui xem tuồng. Vua còn rủ nhà giàu vào cung đánh bạc. Nhưng hậu quả tai ách bi đát đến nỗi triều đình bừng tỉnh, có biện pháp đồng bộ giảm nhẹ đau khổ và gánh nặng cho dân chúng như thả bớt tù nhân, giảm nửa tô thuế, quyên thóc để phát chẩn, ban cấp thuốc men đến người đau ốm. Tuy vậy, nạn đói lớn vẫn không tránh được. Thiên tai tàn khốc, lập đi lập lại không chỉ hủy hoại mùa màng mà còn làm phân rã xã hội. Năm này, Nguyên Đán than bạc đầu dù mới 37 tuổi.

夜歸舟中作
萬國民生沸鼎魚,
朔燕東汴已邱墟。
歸舟未穩江湖夢,
分取魚燈照古書。
dạ quy chu trung tác
Vạn quốc dân sinh phí đỉnh ngư,
Sóc Yên đông Biện dĩ khâu khư.
Quy chu vị ổn giang hồ mộng,
Phân thủ ngư đăng chiếu cổ thư.

Thơ làm trong thuyền về ban đêm

Dân chúng khắp nơi như cá trong đỉnh nước sôi,
Đất Yên phía bắc, đất Biện phía đông đã thành gò đống.
Trên thuyền về, không dỗ được giấc mộng nơi sông hồ,
Mượn ánh đèn chài đọc quyển sách xưa.

Các nghiên cứu gần đây đưa ra giải thích về nguyên do gây khủng hoảng kinh tế vào nửa sau thế kỷ XIV tại Đại Việt. Trước tiên, việc xây đê Đỉnh Nhĩ đã hạn chế dòng chảy sông Hồng về phía hạ lưu, khiến đồng bằng đông Thăng Long trở nên khan nước. Mặt khác, thời tiết biến động gây hạn hán vào mùa xuân, thời điểm nhạy cảm đối với giống lúa Chiêm 5 tháng làm chúng không tăng trưởng được. Quan trọng không kém là khu sản xuất gốm sứ Vạn Yên (thuộc Chí Linh nay) đã tiêu thụ đến kiệt quệ các cánh rừng lân cận. Sản lượng gạo giảm, ngược chiều đà tăng dân số. Miệng ăn tăng gấp đôi từ khoảng 1.500.000 thời Lý đến 3.000.000 vào cuối Trần (4).

Hình ảnh địa mạo cằn cỗi, đầy gò đống; tình trạng dân chúng mất sinh kế chực chờ nổi loạn như các lớp cá nháo nhào trong vạc nước sôi là chứng cứ ủng hộ giả thiết nói trên.

Vì mất mùa, vùng phía đông, phía bắc Thăng Long bị loạn lạc do gia nô các vương hầu gây ra trong thời gian dài. Triều đình tổ chức nhiều “phong đoàn” để dẹp giặc nhưng chưa bao giờ triệt để ổn định được tình hình. Dù lãnh tụ khởi loạn nổi bật Ngô Bệ bị bắt giết năm 1360, nhưng chắc chắn nhân lực hai vùng bị suy giảm nặng. Năm 1361, sao chổi xuất hiện ở phương đông bắc. Năm 1362, sao chổi lại xuất hiện ở phương bắc, kèm theo hạn hán, lụt lội liên tiếp nhau. Có thể bài “Dạ quy chu trung tác” được viết trong thời gian này. Cảm giác hoang vu của nhà thiên văn Trần Nguyên Đán xui Ông đắm chìm trong sách vở. Cần chú ý khu vực giặc giã từng là bản bộ của Hoài Đạo vương Nguyễn Nộn và tướng quân Đoàn Thượng, hai nhân vật đối kháng với chính quyền Thăng Long suốt thời cuối Lý đầu Trần.

Ảnh hưởng của hiện tượng tự nhiên, cụ thể là việc sao chổi mọc, vào tâm tư cụ Trần còn được nhận ra qua bài thơ khác dưới đây

戊申正月作
三分頭白寸心丹,
世上紛紛萬事難。
自笑不如錢若水,
年纔四十便休官。
mậu thân chính nguyệt tác
Tam phân đầu bạch thốn tâm đan,
Thế thượng phân phân vạn sự nan.
Tự tiếu bất như Tiền Nhược Thuỷ (a),
Niên tài tứ thập tiện hưu quan.

(a) Tiền Nhược Thủy : làm quan đời Bắc Tống, xử án công bằng, vua nghe tiếng nên đề bạt rất nhanh. Khi còn trẻ, ông đã lên đến chức Á tướng (Đồng Tri Xu Mật).

Nguồn nghiencuulichsu.com


Còn nữa.