338 lượt xem

Lê Tắc

LÊ TẮC

Lê Tắc 黎崱 (?-?) vốn họ Nguyễn, sau đổi họ Lê, không rõ năm sinh mất, tự Cảnh Cao 景高, hiệu Đông Sơn 東山, là một sử gia người Việt, đã sang Trung Quốc sống vào thời nhà Nguyên, và soạn bộ "An Nam chí lược" ở đó.

Ông là người huyện Đông Sơn, Ái Châu (nay thuộc Thanh Hoá). Sách vở cũ của người Việt biên chép về ông rất ít. Thân phụ của ông tên là Nguyễn Viễn Vọng, làm Lệnh thư xá, cưới con gái của Hứa Thúc Tôn ở Chư Vệ, rồi sinh ra ông. Không năm nào và vì sao, ông về làm con nuôi của người cậu tên là Lê Bổng, người Chư Vệ, rồi đổi thành họ Lê. Lớn lên, ông cưới con gái của Xương Xán ở Chư Vệ, và được vua Trần Thái Tông cho vào cung hầu cận, dần trải đến chức Thị lang, sau đổi ông qua giúp việc dưới trướng của Chương Hiến hầu Trần Kiện (con thứ của Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang, và là cháu nội vua Trần Thái Tông), rồi theo vị quan này vào trấn giữ Nghệ An.

Đầu năm Ất Dậu (1285), quân Nguyên chia làm ba đạo tiến đánh Đại Việt lần thứ hai. Đạo thứ 3 do Toa Đô chỉ huy đang ở Chiêm Thành tiến đánh lên thì Hưng Đạo Vương bàn với Trần Quang Khải ra quân chặn đánh ở Nghệ An. Tháng 2 năm ấy, Trần Kiện và liêu thuộc đem cả nhà đầu hàng quân Nguyên, trong đó có Lê Tắc. Trên đường lưu vong sang Yên Kinh (nay là Bắc Kinh), Trần Kiện bị quân phục kích nhà Trần bắn chết ở Lạng Giang (phía bắc Bắc Giang ngày nay), Lê Trắc liều mình cướp được xác chủ mang sang Khâu Ôn (thuộc Lạng Sơn) chôn cất.

Mùa xuân năm Bính Tuất (1286), vua Nguyên là Hốt Tất Liệt phong cho Trần Ích Tắc (con vua Trần Thái Tông, đầu hàng và chạy sang Yên Kinh trong cuộc chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần thứ hai) làm "An Nam quốc vương". Các quan đi theo đều được phong chức tước theo thứ bậc, Lê Tắc được phong sắc Tòng thị lang, lĩnh chức Chỉ huyện Lệnh doãn. Năm Đinh Hợi (1287), quân Nguyên mượn tiếng đưa "An Nam quốc vương" Trần Ích Tắc về nước để tiến công Đại Việt lần thứ ba. Kết cuộc, lần này đại quân nhà Nguyên lại thua to hơn hai lần trước, khiến Lê Tắc đi theo lại phải chạy tháo thân sang Trung Quốc. Năm Nhâm Thìn (1292), Lê Tắc được cấp hàm Phụng sự lang, lĩnh hư chức đồng Tri châu An Tiêm. Về sau, ông cưới Tôn nữ họ Lý (con quốc vương trước, và là con nuôi Chương Hoài hầu, tức Trần Văn Lộng) làm vợ. Quãng đời còn lại của ông không rõ.

Khoảng năm 1307, Lê Tắc đã cơ bản (về sau ông có bổ sung thêm) làm xong bộ sách "An Nam chí lược" gồm 20 quyển, về sau thất lạc quyển 20, trong đó có 15 bài thơ của ông. Các nhà nghiên cứu người Việt, có ý kiến cho rằng tác giả đã đứng trên quan điểm của người Nguyên để soạn bằng lời lẽ xu phụ, nên bị một số sĩ phu khinh miệt cho tác giả là "tiểu nhân nho", là phản bội. Song, cũng có ý kiến khác cho rằng tuy làm quan cho nhà Nguyên, nhưng tác giả vẫn có lòng tưởng nhớ cố hương, và cách soạn sách theo quan điểm nhà Nguyên là việc bắt buộc phải uốn theo triều đại mà ông phục vụ. Dù có những hạn chế về mặt quan điểm, nhưng "An Nam chí lược" vẫn được coi là một bộ sách lớn, xuất hiện sớm, có giá trị nhiều mặt, do một người có trình độ học vấn cao viết về thời đại mình đang sống (thời nhà Trần) trở về trước.

Nguồn: zaidap.com