521 lượt xem

TRẦN QUANG DIỆU

TRẦN QUANG DIỆU

Trần Quang Diệu (? - 1802) quê ở xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Ông là một trong Tây Sơn thất hổ tướng của nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Ông là chồng nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân. Ngay từ tuổi thanh niên, ông là bạn tâm giao của Nguyễn Nhạc. Chiến công đánh đuổi quân Thanh xâm lược đầu xuân Kỷ Dậu (1789) có rất nhiều đóng góp của vợ chồng ông.

Sau khi vua Quang Trung đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng Thăng Long rồi rút quân về Phú Xuân thì Trần Quang Diệu được tin cậy trao quyền làm Đốc trấn Nghệ An và trông coi việc xây thành Phượng Hoàng Trung đô. Ông đã góp phần quan trọng trong việc củng cố và xây dựng đất nước sau chiến tranh dưới triều vua Quang Trung.


Tượng thờ Thái phó Trần Quang Diệu trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (Bảo tàng Quang Trung, Bình Định)
Nguồn: Sưu tập

Đầu năm Tân Hợi (1791), vua Quang Trung sai một đoàn sứ sang Vạn Tượng để thông hiếu và thăm dò tình hình. Đoàn sứ Tây Sơn tới nơi thì bị vua Vạn Tượng cho bắt và giải sang Xiêm. Vua Xiêm vẫn có mối thù với quân đội Tây Sơn từ sau lần thất trận ở Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785, nên khi thấy sứ đoàn Tây Sơn bị giải đến liền tước hết cờ biển của sứ thần, sai người đưa sang cùng với quà biếu Nguyễn Ánh để khuyến khích chúa Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn. Trước tình hình đó, vua Quang Trung liền sai Trần Quang Diệu lãnh ấn Đại Tổng quản cùng với Đô đốc Nguyễn Văn Uyển đem hơn 1 vạn quân đi đánh Trấn Ninh, Trịnh Cao và Quỳ Hợp rồi tiến sang Vạn Tượng.

Tháng 6, năm Tân Hợi (1791), Trần Quang Diệu tiến đánh Trấn Ninh bắt được tù trưởng xứ đó là Thiệu Kiểu, Thiệu Đế. Tháng 8, quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Trần Quang Diệu đã đánh thắng hai xứ Trịnh Cao và Quỳ Hợp. Tháng 10 năm đó, quân của ông tiến vào Vạn Tượng. Vua Vạn Tượng là Chao Nan phải bỏ trốn. Trần Quang Diệu vào thành Viêng Chăn và cho quân truy kích Chao Nan. Quân Tây Sơn đánh đuổi quân Vạn Tượng đến tận biên giới nước Xiêm, vua Vạn Tượng phải chạy trốn sang Xiêm. Chiến thắng của quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Trần Quang Diệu đã làm cho vua Xiêm khiếp sợ không dám đem quân sĩ đi ứng cứu quân Vạn Tượng.

Đầu năm Nhâm Tý (1792), Trần Quang Diệu đưa quân từ Vạn Tượng về Nghệ An. Trong thời gian tiến quân sang vùng Tây Nghệ An, Đại Tổng quản Trần Quang Diệu đã khai thông một con đường từ miền Tây Nghệ An xuống vùng biên giới ba nước Việt - Vạn Tượng - Xiêm, phá tan sự liên kết giữa các thế lực chống đối trong và ngoài nước.

Giữa lúc lực lượng quân đội Tây Sơn đang vững mạnh và chuẩn bị tấn công quân nhà Nguyễn ở Gia Định, thì tháng 7 năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung đột ngột qua đời. Trước đó, khi bị bệnh, vua Quang Trung đã cho gọi trấn thủ Nghệ An Trần Quang Diệu vào Phú Xuân để bàn việc dời đô ra Nghệ An.

Sau khi Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh (1793-1801) thì Trần Quang Diệu được phong làm Thái phó phụ trách công việc văn thư lệnh thị (nghĩa là từ một quan võ ông chuyển sang hàng quan văn).

Năm 1793, quân chúa Nguyễn kéo ra bao vây thành Quy Nhơn do Nguyễn Nhạc cai quản. Trần Quang Diệu lại được lệnh đem quân thủy bộ vào đánh thành Quy Nhơn. Trong vòng gần 9 năm, từ tháng 3 năm Giáp Dần (1794) cho đến giữa năm Nhâm Tuất (1802), Trần Quang Diệu cùng với Võ Văn Dũng đương đầu với quân đội của chúa Nguyễn ở vùng Quy Nhơn, Quảng Nam…

Tháng Giêng năm Canh Thân (1800), bộ binh Tây Sơn do Thái phó Trần Quang Diệu chỉ huy cùng với thủy binh do Tư đồ Võ Văn Dũng chỉ huy tiến vào cửa Thị Nại, thế quân rất mạnh. Phó tướng quân của chúa Nguyễn là Nguyễn Văn Biện phải rút vào thành Bình Định cùng với Võ Tánh giữ chặt thành. Trần Quang Diệu cùng với Võ Văn Dũng bao vây thành Bình Định hơn một năm trời, quân Nguyễn trong thành vô cùng khốn quẫn, không thể giữ nổi thành. Tướng của chúa Nguyễn là Võ Tánh phải tự thiêu mà chết, còn Ngô Tùng Châu thì uống thuốc độc tự tử.

Khi hạ được thành Bình Định (1801), cảm vì cái chết của Võ Tánh, Tùng Châu, ông cho chôn cất tử tế và các tướng sĩ quy hàng được ông phóng thích ngay.

Quân Tây Sơn chiếm lại được thành Quy Nhơn nhưng các mặt đều là địch, khó bề chống giữ. Tháng 3 âm lịch năm 1802, nghe tin vua Cảnh Thịnh và Bùi Thị Xuân đã thua trận ở Trấn Ninh, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng bỏ thành, đem binh tướng đi đường thượng đạo qua Lào ra Nghệ An để hội quân với vua Cảnh Thịnh. Nhưng khi tới châu Quỳ Hợp, vào được đất Hương Sơn thì nghe thành Nghệ An đã thất thủ, Trần Quang Diệu và vợ con bèn về huyện Thanh Chương. Lúc này, tướng sĩ đi theo dần rời bỏ, trốn được mấy hôm thì cả nhà ông đều bị quân đối phương bắt sống.


Mộ Trần Quang Diệu tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Nguồn: Sưu tập

Nguyễn Phúc Ánh, khi này đã lên ngôi và lấy hiệu Gia Long (1802), chiêu hàng Trần Quang Diệu. Ông đáp: “Trung thần không thờ hai vua, nay tôi bị bắt thì chỉ có tội chết. Nếu nhà vua mới rộng lượng tha cho, như trước đây tôi đã tha cho các tướng ở Quy Nhơn thì tôi sẽ về ở nơi thôn dã, cày ruộng, nộp thuế như người thường dân, chứ nhận chức quan của triều đại mới thì không phải là trượng phu”.

Biết không thể khuất phục được Trần Quang Diệu, vua nhà Nguyễn xử ông tội chết. Tháng 7 năm 1802, cả gia quyến ông bị hành hình, ông bị xử lột da, vợ và con gái ông là Trần Bích Xuân bị voi giày.

Sự hy sinh của ông và gia đình ông thật là thảm khốc, nhưng tên tuổi và sự nghiệp của ông mãi mãi còn được lưu truyền trong trái tim của các thế hệ người Việt Nam.

Nguồn: baotanglichsu.vn