224 lượt xem

Trịnh Kiểm - KỲ 1

Trịnh Kiểm

Trịnh Kiểm xuất thân trong một gia đình nghèo tại Thanh Hóa. Lớn lên ông theo Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim nổi quân chống nhà Mạc, dựng Lê Trang Tông làm hoàng đế ở phía Nam. Nguyễn Kim thấy ông có sức khỏe và tài lược khác thường, nên gả con gái là Nguyễn Thị Ngọc Bảo, cho coi binh mã và cất nhắc đến tước Dực nghĩa hầu. Trịnh Kiểm lập nhiều chiến công trong các trận đánh quân Mạc. Vua Lê Trang Tông cũng coi là người tâm phúc, năm 1539 phong ông lên chức Đại tướng quân, tước Dực quận công. Lúc đó ông 37 tuổi.


Nguồn: Sưu tầm

Năm 1545, Nguyễn Kim chết. Từ đây, trên cương vị là Đô tướng tiết chế các dinh quân thuỷ bộ các xứ kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, Thái sư Lượng quốc công (1545) và Thượng tướng Thái quốc công (1569), ông lãnh đạo chính quyền, quân đội của triều Lê trong gần 30 năm, trải qua 3 đời vua Lê Trang Tông, Lê Trung Tông và Lê Anh Tông. Ông là người đóng vai trò lớn trong việc tổ chức nhà nước của Nam triều, qua những quyết định như dựng hành dinh tại ở Vạn Lại, tổ chức một số khoa thi Nho học, xây dựng quân đội, chiêu mộ nhân tài hào kiệt, đẩy lùi các cuộc tấn công của nhà Mạc vào Thanh Hóa - Nghệ An, chinh phục Thuận-Quảng từ tay nhà Mạc và mở nhiều chiến dịch lớn đánh lên phía Bắc. Dù chưa đạt được thắng lợi hoàn toàn (một phần do nhà Mạc còn mạnh và có người lãnh đạo giỏi là Khiêm vương Mạc Kính Điển), Trịnh Kiểm đã đặt nền móng cho các hậu duệ của mình hoàn thành sự nghiệp trung hưng Nhà Lê, khôi phục Đông Kinh, mở ra triều đại lâu dài của các vua Lê-chúa Trịnh

Nguồn gốc và giáo dục

Theo các sách chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử các sử quan không chép rõ về nguồn gốc của Trịnh Kiểm. Thời điểm Trịnh Kiểm xuất hiện trong sử là năm 1539, khi Nguyễn Kim phong cho ông làm Đại tướng quân, tước Dực quận công. Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí, Trịnh Kiểm người ở làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa (nay là xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), thuở hàn vi nghèo túng, thường phải đi ăn trộm để nuôi mẹ. Lớn lên có sức khỏe hơn người, đi theo Nguyễn Kim. Nguyễn Kim cho là người khác thường, đem gả con gái cho.

Theo Đại Việt Lê triều đế vương Trung Hưng công nghiệp thực lục, tổ tiên của Trịnh Kiểm là Trịnh Xứng sinh cao tổ là Trịnh Kỷ, tằng tổ là Trịnh Liễu: “Nhà nghèo, ham học, tích đức, làm việc nghĩa. Họ hàng khen hiếu, làng xóm khen để… sau rời đến làng Biện Thượng (nay là Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng), làm điều thiện không mỏi, nhân hậu có thừa.” Trịnh Liễu lấy vợ họ Hoàng cũng ở sách Sóc Sơn. Gia tư Trịnh Liễu nghèo đói, làm ruộng và bán nước chè kiếm sống nhưng rất ham đọc sách. Ngày kia, Trịnh Liễu đi cày gặp được một ông già khuyên đem táng cha mẹ vào nơi mà ông chỉ cho Trịnh Liễu. Trịnh Liễu theo lời, đem hài cốt cha mẹ nhờ ông già lập hướng mà táng.[4][5] Trịnh Liễu cùng anh em về dựng nhà ở Biện Thượng (hay Bồng Thượng). Sau đó, Trịnh Liễu đi thi đỗ tam trường (tương đương tú tài). Con trai Trịnh Liễu là Trịnh Lan cũng lấy vợ họ Hoàng, người xã Biện Thượng. Con thứ của Trịnh Lan là Trịnh Lâu cũng lại lấy vợ họ Hoàng là bà Hoàng Thị Dốc ở thôn Hổ, xã Vệ Quốc, huyện Yên Định (nay là xã Yên Bái, huyện Yên Định, Thanh Hóa). Bà Hoàng Thị Dốc chính là người sinh hạ Trịnh Kiểm.

Trịnh Kiểm sinh ngày 24 tháng 8 năm Quý Hợi, tức ngày 14 tháng 9 niên hiệu Cảnh Thống thứ 6 (1503) dưới triều vua Hiến Tông Duệ hoàng đế Nhà Hậu Lê. Ông có tên húy là Phiến, sau gọi là Kiểm, sinh ra tại quê mẹ là thôn Hổ, xã Vệ Quốc, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Thân phụ là ông Trịnh Lâu, thân mẫu là bà Hoàng Thị Dốc. Quê cha của Trịnh Kiểm gốc ở thôn Sóc Sơn, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Năm lên sáu tuổi thì cha mất. Từ đó gia cảnh sa sút, bị người ta khinh khi. Trịnh Kiểm bèn bỏ Biện Thượng về lại quê cũ là Sóc Sơn, sinh sống bằng cách chăn trâu thuê trong núi Lệ Sơn, trong lúc đi chăn thường cùng lũ trẻ mục đồng lấy trâu bò voi ngựa, bẻ bông lau làm cờ, tập trận mạc, có khí khái như Đinh Tiên Hoàng khi xưa.

Trịnh Kiểm đến năm 17 tuổi thì hùng dũng hơn người, trí lực khác thường. Lúc bấy giờ, trong khoảng niên hiệu Thống Nguyên, vào năm Đinh Hợi, Mạc Đăng Dung đã tiếm ngôi vua Lê. Bề tôi Nhà Lê là Nguyễn Kim ở huyện Tống Sơn, trang Gia Miêu Ngoại (Hà Trung hiện nay) ngầm rút về Cổ Lũng, huyện Cẩm Thuỷ để đánh Mạc. Tướng quân Nhà Mạc là Ninh Bang hầu quán xã Biện Thượng, tiến phát quân về đóng ở huyện Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc ngày nay).

Mẹ Trịnh Kiểm đã đem con đến xin Ninh Bang hầu cho Trịnh Kiểm làm gia thần. Ninh Bang hầu mừng vui thu nhận. Ninh Bang hầu cho Trịnh Kiểm trông coi trại ruộng ở sách Thọ Liêu. Trịnh Kiểm nuôi trâu ngựa. Hằng ngày, ông được người bạn gốc Chàm là Vũ Thì An dạy cho cách huấn luyện ngựa, có thể biết được ngựa hay. Một thời gian sau, Trịnh Kiểm ăn cắp con ngựa tốt nhất chạy sang Mường Sùng Cổ Lũng, Bá Thước, bấy giờ là nước Ai Lao, còn bà mẹ phải trốn về quê mình là làng Vệ Quốc. Trịnh Kiểm đi theo anh họ là Trịnh Quang, lúc đó đã theo Nguyễn Kim, và đón mẹ Trịnh Kiểm sang ở. Ninh Bang hầu biết tin Trịnh Kiểm ăn cắp ngựa của mình, bỏ đi nhiều ngày không về, nên rất tức giận, bèn sai quân lính, dân các xã Sóc Sơn, Biện Thượng lùng bắt mẹ con Trịnh Kiểm.

Xã trưởng Biện Thượng tìm thấy mẹ con Trịnh Kiểm đang nấp sau nhà không những không bắt mà còn ra hiệu bằng cách ném đất và nháy mắt cho Trịnh Kiểm chui qua mấy tầng rào chạy trốn đến nhà người tên Nữu ở Yên Định. Người này đã bới đống thóc trong bồ lớn, cho Trịnh Kiểm chui vào đó rồi lấp lúa lại. Ninh Bang hầu tìm không thấy tung tích của Trịnh Kiểm nên tức tối bắt mẹ ông giam lại. Ba ngày sau, Ninh Bang hầu bắt xã Sóc Sơn đem lồng tre nhốt mẹ Trịnh Kiểm, kèm tảng đá lớn bỏ vào trong rồi ném xuống sông.

Bạn thân Trịnh Kiểm là Vũ Thì An sai con là Vũ Đình Tùng chạy đến xã Cổ Lũng mật báo cho Trịnh Kiểm biết. Nghe xong câu chuyện, Trịnh khóc sướt mướt mà than: “Người làng ta sao mà nhẫn tâm phụ bạc với ta như vậy. Ngày sau, nếu ta sáng nghiệp lớn, thề không về làng cũ nữa”. Quả vậy, sau này thành Chúa, Trịnh Kiểm chỉ xây dựng cung điện, miếu thờ ở Biện Thượng và quê mẹ bên kia sông chứ không làm

Trịnh Kiểm theo Nguyễn Kim phò lập vua Lê Trang Tông

Vào năm 1527, Mạc Đăng Dung người Hải Dương cướp ngôi Nhà Lê, lập nên Nhà Mạc, lấy niên hiệu Minh Đức. Lúc ấy con cháu các công thần đời trước phát xuất từ Thanh Hóa không phục, liên tiếp khởi binh chống lại. Hữu vệ Điện tiền tướng quân An Thành hầu Nguyễn Kim, con cháu một gia đình vọng tộc lớn đã nhiều đời làm quan Nhà Lê, bèn lánh sang Ai Lao, tụ tập binh mã, mưu tính việc khôi phục Nhà Lê. Đến năm 1533, Nguyễn Kim lập con trai của Hoàng đế Lê Chiêu Tông lên ngôi, tức Hoàng đế Lê Trang Tông. Trang Tông phong Nguyễn Kim là Thái sư Hưng quốc công.. Thế Nam Bắc triều hình thành.

Khi mới đầu Nguyễn Kim đóng đồn ở Mường Sùng thuộc Ai Lao. Trịnh Kiểm đến đầu quân cho Nguyễn Kim, được phong làm Tri Mã cơ, tước Dực Nghĩa hầu. Là người có tài, ông được Nguyễn Kim giao cho nhiều trọng trách và gả con gái là Ngọc Bảo cho. Theo Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài của Alexandre De Rhodes: Khi quân Mạc tấn công vào kinh thành, quân Nguyễn Kim bị vây giữa vòng vây của địch. Kim đã giao ước với các tướng rằng ông sẽ gả con gái cho ai có thể giải cứu ông và nghĩa quân ra khỏi vòng vây ấy. Trịnh Kiểm phi ngựa xông lên hăng hái đánh giết giặc, cứu được Kim và mở đường huyết lộ cho nghĩa quân rút lui. Vì vậy, theo lời hứa, Nguyễn Kim gả con gái là Ngọc Bảo cho Kiểm và giao nhiều trọng trách cho ông, đặc biệt là việc huấn luyện kỵ binh cho nghĩa quân. Theo sách Đại Việt thông sử, Trịnh Kiểm có sức khỏe và tài lược hơn người, theo Nguyễn Kim đi đánh dẹp khắp nơi, lập nhiều chiến công, được Nguyễn Kim gả con gái cho.

Năm 1539, ông được Hoàng đế Lê Trang Tông phong làm Đại tướng quân, tước Dực Quận Công do có công cầm binh mã sang Ai Lao đón Lê Trang Tông (vua Lê thấy Kiểm dung mạo tuấn tú nên phong tước cho ông, lúc đó ông 37 tuổi). Hoàng đế cũng coi ông là một đại tướng tâm phúc, ban ấn tướng quân, quản lĩnh quân giao chiến với Nhà Mạc ở các vùng Thanh Hóa, thắng quân Mạc ở Lôi Dương

Năm 1540, Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim dẫn quân về Nghệ An, thanh thế lẫy lừng, đến đâu là gần xa đều hàng phục. Năm sau, Mạc Đăng Dung chết, quân Nguyễn Kim tiến về đánh Thanh Hóa, Nghệ An, đến năm 1543, thu phục được thành Tây Đô (Thanh Hóa).

Đến năm 1545, Lê Trang Tông thân chinh đánh Mạc, đóng bản doanh ở hạt Yên Mô (Ninh Bình ngày nay) tướng cũ của Nhà Mạc là Trung Hậu hầu Dương Chấp Nhất đầu độc chết Thái sư Nguyễn Kim. Trước khi chết, Nguyễn Kim giao lại toàn bộ binh mã cho Trịnh Kiểm. Toàn bộ binh quyền của Nhà Lê rơi vào tay Trịnh Kiểm. Tháng 8 âm lịch năm này, vua Bắc triều Mạc Phúc Hải sai Thái tể Ninh quốc công Mạc Phúc Tư dùng quân ngũ phủ và các trấn đánh úp bản doanh của Lê Trang Tông. Khi quân Mạc tới sông Phù Chẩn, Trang Tông đích thân ra đánh, Dực quận công Trịnh Kiểm làm Đề thống ngự doanh, dẫn quân tiên phong phá tan quân Mạc. Quân Mạc chết hại vô số, Ninh quốc công phải trốn về Bắc. Cùng năm, Trịnh Kiểm được hoàng đế phong làm Đô tướng tiết chế các dinh quân thuỷ bộ các xứ kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, hàm Thái sư, tước Lượng quốc công. Lượng quốc công Trịnh Kiểm quyết định mọi công việc trong nước, bao gồm cả việc bổ nhiệm quan lại rồi mới tâu vua sau.

Chính quyền

Năm 1546, Trịnh Kiểm rút binh về Thanh Hóa, lập hành điện cho vua Lê Trang Tông ở sách Vạn Lại (huyện Thụy Nguyên, Thanh Hóa), rồi chiêu mộ anh hùng hào kiệt, huấn luyện quân sĩ, tích trữ lương thảo tính kế đánh họ Mạc. Nước Đại Việt lúc này chia làm hai, từ Thanh Hóa trở vào nam thuộc Nhà Lê do Thái sư Trịnh Kiểm thống lĩnh; từ Sơn Nam trở ra thuộc về họ Mạc, tức Bắc triều. Mỗi khi có việc đánh dẹp, đều do Trịnh Kiểm thống lĩnh, đánh đâu được đấy. Do vậy, các hào kiệt đất Hoan, Diễn (Nghệ An), Ô (Thừa Thiên, Huế), Quảng (Quảng Nam, Đà Nẵng) đua nhau tới theo, đất Ái Châu (Thanh Hóa) yên dần.

Thời vua Lê Thái Tổ, chia cả nước làm 5 đạo: Đông đạo, Nam đạo, Tây đạo, Bắc đạo và Hải Tây đạo. Đến đời vua Lê Thánh Tông, mới chia cả nước thành 12 đạo thừa tuyên. Khi Mạc Đăng Dung chiếm ngôi Nhà Lê, cả nước thuộc về họ Mạc, chỉ trừ 11 doanh thuộc Tuyên Quang do Vũ Văn Mật chiếm cứ, đến khi Nguyễn Kim khởi binh, chiếm được đất Ái châu (Thanh Hóa), rồi lần lượt chiếm các đất phía Nam, châu Hoan, Diễn, Ô Lý (Nghệ An, Thuận Hóa). Lúc ấy nước Việt chia làm hai, do hai vương triều Mạc và Lê trung hưng nắm giữ, ngoài ra còn 11 doanh thuộc Tuyên Quang do Vũ Văn Mật đứng đầu đi theo phe Nhà Lê - Trịnh.

Năm 1556, Hoàng đế Trung Tông mất không có con nối. Trịnh Kiểm lúc đó bàn với các đại thần: Nước không thể một ngày không có vua liền sai người tìm con cháu họ Lê, tìm được cháu 4 đời của ông Lê Trừ (anh trai vua Lê Thái Tổ) ở làng Bố Vệ huyện Đông Sơn tên là Duy Bang lên làm vua, tức là Lê Anh Tông

Lúc Trịnh Kiểm nắm quyền, triều Lê trung hưng chỉ mở hai khoa thi Nho học vào năm 1554 và 1565. Về ngạch binh, Trịnh Kiểm đặt ngạch quân theo quy chế cũ, đặt Đô đốc 5 phủ, lại đặt quân dinh năm khuông, dinh chia ra cơ hội thứ bậc khác nhau, chỉ lấy quân ở hai xứ Thanh Hóa và Nghệ An.

Trịnh Kiểm bình định đất Thuận Quảng và trao quyền cho Nguyễn Hoàng

Năm 1554, Trịnh Kiểm dời hành dinh của vua Lê đến Biện Thượng. Trịnh Kiểm cho rằng lúc này sĩ khí đang lên, bèn sai các tướng xuất quân bình định đất Hóa châu ở phía Nam. Đất Hóa châu do tướng Mạc là Viên Đàm bá Hoàng Bôi chiếm giữ, quân Nam triều giết Hoàng Bôi, bình định đất Hóa châu, tức hai xứ Thuận, Quảng. Thái sư Trịnh Kiểm thu thập các hào mục và sinh viên trong xứ, bổ nhiệm các chức vụ, khiến cho xứ này được yên.

Tháng mười năm 1558, Trịnh Kiểm dâng biểu tấu Hoàng đế Anh Tông về chiến lược đánh Nhà Mạc, Trịnh Kiểm muốn yên một mặt để dốc sức chống lại Nhà Mạc:

Hoàng đế y theo, cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, sắc cho mọi việc được chuyên trách, chỉ hàng năm phải cống thuế. Tháng 3 năm 1568, trấn thủ Quảng Nam là Trấn quận công Bùi Tá Hán chết, Trịnh Kiểm chọn Nguyên quận công Nguyễn Bá Quýnh (người Nghệ An) làm tổng binh coi giữ đất ấy. Năm 1569, vua Lê Anh Tông gia phong cho Trịnh Kiểm làm Thượng tướng Thái Quốc Công và tôn là Thượng phụ. Đến đây quyền lực của ông bao trùm triều đình. Trịnh Kiểm tuy chưa lấy lại Đông Kinh nhưng công lao trung hưng là có đóng góp rất lớn của ông. Nhà Lê nhờ Trịnh Kiểm mới trung hưng được, mà họ Trịnh lập lên nghiệp Chúa cũng là khởi đầu tự Trịnh Kiểm vậy. Tháng 9 mùa thu năm 1569, Nguyễn Hoàng từ Thuận Hóa về Thanh Hóa yết kiến nhà vua ở An Trường, rồi vào phủ Thượng tướng lạy mừng Trịnh Kiểm, hai bên tâm tình rất thân thiết[30]. Tháng 10 cùng năm, Thượng tướng Trịnh Kiểm đau nặng, xin trí sĩ, cho con là Tuấn Đức hầu Trịnh Cối lên thay

Nguồn: vi.wikipedia.org

Còn nữa