227 lượt xem

Hồ Sĩ Dương

Hồ Sĩ Dương – Thái Sơn Bắc Đẩu
 
Danh sĩ Hồ Sĩ Dương – Thái Sơn Bắc Đẩu

 

Làng Quỳnh Đôi, quê hương Hồ Sĩ Dương.

 (Nguồn: Sưu tập)
 

Mất giải Nguyên, phải sung lính

Hồ Sĩ Dương ban đầu có tên là Á Ngọc. Thuở bé Á Ngọc rất thông minh, 15 tuổi đã học hết chữ của các thầy đồ trong vùng và theo cha tìm vào Yên Lạc, Quán Triều, Đông Thành (nay thuộc Yên Thành) theo học thầy Mạc Phúc Thanh từ Bắc vào. Mười tám tuổi, Á Ngọc đổi tên là Khả Trí, dự khảo hạch ở huyện đỗ đầu, thi Hương đỗ Sinh đồ.

Năm 23 tuổi (1643), Khả Trí đỗ Giải nguyên trường Nghệ An, năm sau thi Hội trúng Tam trường. Vì có đại tang (cha mất năm 1648), ông không thể dự thi Hội khóa tiếp; lại do sinh kế nên ra dạy học ở Quảng Xương, Thanh Hóa, rồi đổi họ tên giả Trần Độ thi Hương ở trấn này và lại đỗ Giải nguyên (có tài liệu ghi ông thi hộ).

Việc bị phát giác, ông bị cách tuột học vị Giải nguyên cả hai trường và phải sung lính 3 năm. Nhờ lập công, ông được giải ngũ trước thời hạn.

Đến năm 1651 với tên mới là Sĩ Dương, ông lại đỗ Giải nguyên trường Nghệ An, nhưng do có “tiền án” nên bị giáng xuống Á nguyên.

Năm sau thi Hội, thi Đình, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Tiếp đó, năm 1659, ông lại đỗ thứ 2 khoa Đông các – khoa thi đặc biệt chọn người có tài văn học bổ sung vào Đông các viện.

Ân điển vua ban cho những người đỗ khoa này giống như ân điển ban cho các vị Tam khôi, do đó học vị Hồ Sĩ Dương có sách ghi là Bảng nhãn.

Bước hoạn lộ hanh thông

Chặng đường thi cử của Hồ Sĩ Dương không thật suôn sẻ, nhưng bước hoạn lộ của ông lại rất hanh thông.

Theo các bộ chính sử và gia phả họ Hồ lưu giữ, thì từ khi xuất chính với chức Cấp sự trung cho đến lúc về hưu với chức Thượng thư Tham tụng, ông đã làm quan ở kinh đô trải 4 triều vua: Lê Thần Tông (1649 – 1662), Lê Huyền Tông (1662 – 1671), Lê Gia Tông (1671 – 1675), Lê Hy Tông (1675 -1705); 2 đời chúa: Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1623 – 1657), Tây Đô vương Trịnh Tạc (1658 – 1682) và thăng tiến rất nhanh, là điều hiếm có trong xã hội phong kiến.

Bước vào chốn quan trường thông qua đường khoa hoạn, tài năng, trí lực của Hồ Sĩ Dương tỏ ra đắc dụng khi phò vua, giúp nước. Hậu thế biết đến Hồ Sĩ Dương không chỉ là một vị đại quan thành đạt, mà trước hết vì ông là một trí thức tài cao, đức cả, được thăng tiến nhanh vì có thực tài.

Trong khoảng từ 1660 – 1670, ông từng giữ chức Đốc thị trong 2 lần Nam chinh (các năm 1660, 1662) đánh chúa Nguyễn; 2 lần Bắc chiến (các năm 1667, 1670) đánh họ Mạc.

Theo Phan Huy Chú, Đốc thị là chức quan dự coi việc biên cương buổi đầu triều Lê Trung Hưng. Với chức vụ này, ông đã hiến kế hay, cho người xúi quân chúa Nguyễn đào ngũ hàng loạt vào năm 1660.

Sử cũ cho hay, vào năm Nhâm Dần (1662), đời vua Lê Thần Tông, với tài học vấn, sự mẫn tiệp của tiến sĩ họ Hồ, nên “Sai bọn Bồi tụng Hồ Sĩ Dương lên cửa quan đón tiếp sứ thần phương Bắc” Tiếp đó lại sai ông cùng các quan khác lên cửa quan hầu mệnh, tiếp sứ, nhận tiền lụa và các vật ban thưởng của nhà Thanh, đưa sắc dụ về kinh.

Phật sống họ Hồ (Hồ sinh Phật) là danh hiệu vua Khang Hy nhà Thanh ban tặng cho Hồ Sĩ Dương trong chuyến đi sứ năm 1673.


 
Description: https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/le-khanh-thanh-300x169.jpg
Lễ khánh thành phục dựng đền thờ Hồ Sĩ Dương- Phật sống họ Hồ.

 (Nguồn: Sưu tập)
 

Phật sống họ Hồ

Đến năm Quý Mão (1663), đời vua Lê Huyền Tông, ông lại được tín nhiệm lên biên giới phía Bắc để giao thiệp với ngoại bang, được thăng làm Đại học sĩ Đông các, tước tử. Khi điện Chiêu Sự ở đàn Nam Giao được sửa chữa, vua lại sai ông soạn văn bia khắc vào đá lưu dấu tích.

Năm Ất Tỵ (1665), lúc Hồ Sĩ Dương là Hữu thị lang bộ Binh Nhuận duệ tử, được thăng tước bá vì có công nhiều lần lên cửa quan hầu mệnh, lo việc tiếp sứ thần Trung Hoa. Đóng góp của ông trong lĩnh vực ngoại giao kéo dài thêm khi năm Đinh Mùi (1667) vị Hữu thị lang bộ Binh họ Hồ lại được cử lên biên giới giao thiệp.

Trong lần đi sứ năm 1673, Trung Quốc có loạn Tam phiên. Ông đã hiến kế ly gián cho vua Khang Hy, nhờ đó lôi kéo được Thượng Chí Tín và Cảnh Thịnh Trung về hàng triều đình để tập trung lực lượng đánh thắng Ngô Tam Quế.

Ông được vua Khang Hy tặng danh hiệu “Hồ sinh Phật” (Phật sống họ Hồ).

Tháng 3 năm 1675, đoàn sứ thần về nước “Xét công đi sứ, lấy Nguyễn Mậu Tài làm Thượng thư bộ Hình, tước tử, lấy Hồ Sĩ Dương làm Thượng thư bộ Công, tước Quận công”.

Cũng nhờ có tài ngoại giao, từ năm 1662 đến năm 1669, nhiều lần ông được phái lên cửa quan đón tiếp sứ thần phương Bắc và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tiếng tăm của Hồ Sĩ Dương, không chỉ người trong nước được tỏ, mà sứ nước Thanh sang ta, cũng biết danh.

Sau khi Chu Xán nhà Thanh vâng lệnh vua Khang Hy đi sứ Đại Việt năm Quý Hợi (1683), khi về có dâng lệnh vua Thanh tập Sứ Giao ngâm mà Kiến văn tiểu lục có ghi: “trong các bài thơ ấy có câu rằng: “Nhân vật nước này về lý học có Trinh Tuyền, Vũ Duệ, Nguyễn Đăng Cao và Hồ Sĩ Dương, về kinh tế có Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh, còn về phần văn học có khá nhiều”.

Hoàn Hậu, ba Hồ…

Năm 1681, Hồ Sĩ Dương mất, thọ 61 tuổi, được phong Thiếu bảo Duệ quận công. Suốt cuộc đời cống hiến không ngừng nghỉ, Hồ Sĩ Dương đã có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao…

Có thể mượn bốn chữ “Thái Sơn Bắc Đẩu” trên bức đại tự treo chính giữa điện thờ Hồ Sĩ Dương tại làng Quỳnh, tương truyền do vua Lê ban tặng, để đánh giá chung về ông.

Trong Đại Nam dư địa chí ước biên phần “Tỉnh Nghệ An” có câu: “Hoàn Hậu: Ba Hồ, Quận công tước lớn”, ý chỉ “Hồ Sĩ Dương, Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Đống, người xã Hoàn Hậu, đều là tiến sĩ, tước Quận công”.

Hồ Sĩ Dương còn là một học giả nổi tiếng. Ông là tác giả các tác phẩm: Trùng san Lam Sơn thực lục, Hoan Châu phong thổ ký, Hồ Thượng thư gia lễ, Hồ tộc phổ ký, Đại Việt Lê triều đế vương Trung hưng công nghiệp thực lục, Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền, Thục An Dương Vương sự tích, Trưng Vương công thần phả lục, Thiên Nam ngữ lục, Trinh tiết phu tỉ muội bi ký, Khuông lộc hầu bi ký, Tam tòa đại vương miếu bi ký.

Không những vậy, ông còn tham gia biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư (quyển 11 đến quyển 15), hiệu đính bộ Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên và nhuận chính Nam giao điện bi ký. Đáng tiếc hầu hết tác phẩm của ông đã thất truyền.

Những đóng góp cho quê hương của Hồ Sĩ Dương, ngoài việc giúp nước về mặt chính trị, ông còn quan tâm đến thuần phong mỹ tục của xã hội nước ta.

 
Description: https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/dang-huong-1-300x169.jpg
Lễ dâng hương tại đền thờ Hồ Sĩ Dương.

 (Nguồn: Sưu tập)
 

Cuốn sách phổ biến khắp trong nước

Ông bước đầu soạn thảo sách Hồ Thượng thư gia lễ cho sát với tình hình kinh tế và tập tục Việt Nam, cải cách những sự mô phỏng Tàu quá nhiều, đề cao đạo hiếu, lấy đạo hiếu và gia đình làm gốc cho xã hội.

Đến đời cháu ông là TS Hồ Sĩ Tân thì cuốn sách đó thực sự hoàn chỉnh và được phổ biến khắp trong nước (tức cuốn Thọ Mai gia lễ).

Hồ Sĩ Dương là một sử gia có quan điểm đúng đắn. Đề tựa sách Lê triều đế vương Trung hưng công nghiệp thực lục ông viết: “ Sách Thực lục này vốn không phải suy đoán mà nói, đặt lời văn hoa thêm bớt, mà chỉ căn cứ vào sự thực chép thẳng ra. Nếu việc có tính cách tiếm lấn thì chê một chữ đau hơn búa rìu, việc có tính cách tôn phù chính thống thì khen một lời vinh hơn hoa cổn…”.

Hồ Sĩ Dương có nhiều đóng góp tích cực cho quê hương. Tộc phả gia tộc Hồ Sĩ Dương và văn bia tại miếu thờ cho biết, ông đã cúng cho làng ruộng binh điền 24 mẫu ở xứ Đập Gẫy, Đập Giữa, Phần Xôi; cúng ruộng học điền 40 mẫu ở xứ Bờ Re, Đập Bút.

Người làng khi lên lão 60, 70, 80 tuổi…, hàng năm đến 25 tháng 12 âm lịch đều được ông cấp cho một đấu thóc, 3 quan tiền. Con cháu nội ngoại khi thành hôn, con trai được cấp 3 đấu thóc, 3 quan tiền; con gái được cấp 7 đấu thóc, 7 quan tiền; con trai lấy vợ lần thứ 2 được cấp nửa suất…

Ông còn lo việc đắp đập, xây cống, cải tạo đồng ruộng, sửa chữa chùa Quỳnh Thiện (gần chợ Nồi cũ) cho làng.

Bà vợ cả của ông là Trương Thị Thành đã lấy thợ ở làng Phú Nghĩa (nay là Quỳnh Nghĩa) quê bà lên lập xưởng mộc ở đập Vũ Sĩ, đóng giường và quan tài bán cho dân làng, những người quá túng thiếu thì được cấp.

Ngoài ra, ông còn đem của cải, ruộng đất triều đình ban tặng chiêu tập dân phiêu tán tạo lập nên 5 thôn mới trong huyện là: Như Bá (Quỳnh Bá), Tiên Đội (Quỳnh Hoa), Mỹ Hòa (Quỳnh Mỹ), Thọ Vực (Quỳnh Thọ), Bảo Yên (vùng Hoàng Mai).

Các thôn này đều thờ ông là Thành hoàng. Trừ thôn Bảo Yên ở xa, 4 thôn kia cứ 12 năm lại tổ chức lễ rước kiệu đến cúng tế ông ở từ miếu chính tại làng Quỳnh.

Hai người đàn bà có công nuôi dưỡng

Tương truyền gia cảnh Hồ Sĩ Dương rất nghèo, cha mất nên mẹ ông phải làm thuê, bán nước ở chợ, tần tảo nuôi con. Lúc đã vào tuổi thanh niên, có cô Trương Thị Thành, con gái Trình quận công Trương Đức Thọ ở Phú Nghĩa qua làng, ông đùa xin trầu, cô Thành không giận mà tặng cả hộp. Ông đem lòng yêu mến, bảo mẹ xuống Phú Nghĩa hỏi cưới…

Quan quận bất bình cho là phạm lễ giáo vì không môn đăng hộ đối, đuổi con gái về Quỳnh Đôi và ra hạn khi nào ông Dương làm nên sự nghiệp thì trải chiếu hoa từ Quỳnh Đôi xuống Phú Nghĩa mới nhận làm con rể.

Ông quyết chí học tập, sau thành đạt, thực hiện được lời của cha vợ – trải chiếu hoa từ làng Quỳnh xuống làng Hậu đón cha vợ. Người đời sau có câu ca dao về ông: “Ngày ngày gánh nước đảm đang – Mai sau Đông các nghênh ngang làng Nồi”

Nói đến sự nghiệp của ông, dân làng thường nhắc đến mẹ ông và vợ ông, hai người đàn bà có công nuôi dưỡng.

Có một câu chuyện rất thú vị về mẹ ông. Lúc ông đậu tiến sĩ, bà đang cấy ngoài ruộng xa, có người chạy ra báo tin mừng với bà và mời bà về. Bà vẫn tiếp tục cấy cho hết buổi và nói với người báo tin: “Con đậu tiến sĩ nhưng mẹ không làm, không cày cấy thì lấy cơm đâu mà ăn!”

Còn bà Trương Thị Thành vợ ông đã xuất tiền nuôi ông ăn học, chăm chỉ lao động, kính trọng mẹ chồng, ăn ở tốt với bà con. Lúc ông trở thành quan to, bà khuyên đem ruộng cúng cho làng, đem tiền gạo cứu tế cho dân nghèo, bà còn đem nghề Mộc ở Phú Nghĩa lên Quỳnh Đôi.

Nguồn: quynhdoi.gov.vn