354 lượt xem

Trịnh Hoài Đức

Trịnh Hoài Đức

Trịnh Hoài Đức là bậc khai quốc công thần của triều Nguyễn, một nhà văn hóa lớn, một danh nhân tiêu biểu của vùng đất Đồng Nai, tài đức vẹn toàn, sống giản dị thanh cao. Ông là một trong ba nhà thơ nổi danh “Gia Định tam gia thi”, cùng với Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh, đây là những học trò ưu tú của xử sĩ Võ Trường Toản. Ông cũng là một nhà sử học, địa lý học và văn hóa học…với những công trình nổi danh của ông vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay và mai sau, tiêu biểu là tác phẩm “Gia Định thành thông chí”


Nguồn:Sưu tầm

Trịnh Hoài Đức sinh năm 1765 có tên là An, tự Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai, khi mất được vua ban tên thụy là Văn Khác. Nội tổ Trịnh Hoài Đức là Châu, miền Nam Trung Hoa cùng nhóm dị thần “bài Mãn phục Minh” do Trần Thượng Xuyên cầm đầu được chúa Nguyễn cho định cư tại thôn Bình Tước, dinh Trấn Biên.

Thân sinh Trịnh Hoài Đức là Trịnh Khánh, trưởng thành trên đất Đồng Nai nổi tiếng học rộng có văn tài nên được thăng tiến rất nhanh không may chết sớm. Mẫu thân Trịnh Hoài Đức là người Việt xứ Đồng Nai, quê ở thôn Bình Tước, dinh Trấn Biên.

Thuở nhỏ Trịnh Hoài Đức theo học cụ Võ Trường Toản. Ông thông minh, chăm học. Tại đây ông kết bạn với Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh để sau này trở thành ba vì sao lấp lánh trên bầu trời văn chương Nam bộ được mệnh danh là “Gia Định Tam gia”.

Năm 1778, Trịnh Hoài Đức thi đỗ kỳ thi hương ở Gia Định. Ông làm quan trải qua hai vua đầu triều Nguyễn, được tin dùng, giữ những chức vụ quan trọng như Hiệp tổng trấn, thượng thư bộ Hộ, Phó tổng tài Quốc tử giám, Hiệp biện đại học sĩ, Thượng thư bộ Lại, Thượng thư bộ Binh. Ông còn được vua cử đi sứ Trung Quốc và là chánh chủ khảo cho những kỳ thi hội ở Huế. Trong quan trường, Trịnh Hoài Đức nổi bật là một tấm gương về tài năng và đức độ thời đó.

Năm 1789, Trịnh Hoài Đức nhiệm chức Điền Tuấn sứ huyện Tân Bình, coi việc mở mang vùng tam giác sông Mê Kông và xác định chế độ điền thổ, đồng thời lo trù biện lương hướng cho quân đội. Sau ông đổi qua bộ Hình, tham dự việc xét nghĩa hình luật văn án, kế nhiệm chức Thị giảng Đông cung (con trưởng vua Gia Long, Hoàng tử Cảnh, sau truy tôn Anh Duệ Hoàng thái tử) và phụ tá Đông cung tọa trấn Diên Khánh và Phú Yên. Năm 1794, Trịnh Hoài Đức ra nhiệm Ký lục dinh Trấn Định (tức Mỹ Tho ngày nay).

Mùa hạ năm 1801, quân Nguyễn thâu phục kinh đô Phú Xuân (tức Huế ngày nay), Lê Văn Duyệt và Tống Viết Phúc độc quân ra cứu thành Quy Nhơn, Trịnh Hoài Đức nhiệm chức Hộ bộ Tham tri, chuyên trách lo binh lương tiếp tế.

Năm 1802, sau khi Gia Long hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước, ông được thăng chức Thượng thư bộ Hộ, rồi sung chức Chánh sứ dẫn đầu phái đoàn gồm Binh bộ Tham Tri Ngô Nhân Tịnh, Binh bộ Tham Tri Huỳnh Ngọc Uyển sang đi sứ nhà Thanh. Đến tháng 8 năm 1803, ông trở về Thăng Long. Sau đó, năm 1804 ông hộ giá vua Gia Long về Xuân Phú. Về kinh sư, Trịnh Hoài Đức vẫn giữ chức Thượng thư Bộ hộ. Đến tháng 2-1805, triều đình phái Chưởng Trung quân Nguyễn Văn Trương làm Gia Định Lưu trấn, khiến Trịnh Hoài Đức làm Hiệp Lưu Trấn.

Tháng 1-1808, Gia Định trấn đổi thành Gia Định Thành. Tháng 9-1808, đặt chức Gia Định thành Tổng trấn. Nguyễn Văn Trương được về kinh, Nguyễn Văn Nhân làm Gia Định Tổng trấn. Trịnh Hoài Đức làm Hiệp Tổng trấn. Tháng 7-1812, triều đình rút Trịnh Hoài Đức về kinh, cải nhiệm Lễ bộ Thượng thư, kiêm quản Khâm Thiên giám. Năm 1813, Trịnh Hoài Đức cải lãnh lại bộ Thượng thư. Tháng 1-1816, Nguyễn Hoàng Đức nhiệm Gia Định Tổng trấn. Tháng 11 năm ấy, Thế Tổ cho rằng Gia Định là một thành lớn phương Nam, lại có việc giao thiệp với lân bang rất hệ trọng, cần phải có người giỏi trấn nhiệm mới được, bèn phái Lại bộ Thượng thư Trịnh Hoài Đức nhiệm chức Gia Định Hiệp Tổng trấn.

Tháng 9-1819, Nguyễn Hoàng Đức mất, triều đình phái Chưởng Hữu quân Nguyễn Văn Nhân làm gia Gia Định thành Tổng trấn, khiến Trịnh Hoài Đức vẫn lãnh Hiệp Tổng trấn để phụ tá Nguyễn Văn Nhân. Tháng 12-1819, vua Thế tổ mất, Hoàng tử thứ 4 là Phúc Hiệu nối ngôi, đối niên hiệu làm Minh Mạng, tức Thánh Tổ triều Nguyễn. Đầu năm 1820, Gia Định Tổng trấn Nguyễn Văn Nhân về kinh tiến yết, Trịnh Hoài Đức tạm lãnh chức vụ Tổng trấn. Tháng 6-1920, Thánh Tổ triệu Trịnh Hoài Đức về kinh, lãnh việc bộ Lại. Lòng yêu quý và tin tưởng của vua Minh Mạng đối với Trịnh Hoài Đức còn quý hơn tiên hoàng. Trịnh Hoài Đức trở thành nguyên lão của triều Nguyễn và làm cố vấn trọng yếu cho vua Minh Mạng.

Tháng 8-1821, vua Minh Mạng thang cho Trịnh Hoài Đức làm Hiệp biện Đại học sĩ, nhưng lãnh Lại bộ Thượng thư kiêm Binh bộ Thượng thư. Tháng 9-1821 Trịnh Hoài Đức hộ giá vua Minh Mạng Bắc tuần các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa. Tháng 10 đến Bắc Thành (Thăng Long). Tháng 12, triều đình nhà Thanh sai Quảng Tây Án sát sứ Phan Cung Thần làm Sách Phong sứ qua Việt Nam. Ngày 19-12, Trịnh Hoài Đức và Bắc Thành Tổng trấn Lê Chất đều sung chức Thị vệ Đại Thần, tham dự điến lễ. Xong việc, Trịnh Hoài Đức lại theo vua Minh Mạng trở về Nam.

Tháng 3-1822, Trịnh Hoài Đức sung chức Chánh Chủ Khảo khoa thi Hội. Tháng 9-1822, ông dâng lên hai bộ sách “Lịch Đại Kỷ Nguyên” và bộ “Khang Tế Lục” lên vua Minh Mạng.  Tháng 7-1823, Trịnh Hoài Đức bị ốm nặng dâng biểu cầu xin được trở về gia quán tại Gia Định nhưng vì luyến tiếc và để thưởng công lao của ông từ trước đến nay, nhà vua ra chỉ dụ cho ông tạm ngưng các việc trong hai bộ để có thì giờ tĩnh dưỡng, cho ngự y đến săn sóc thuốc men và ban cho nhiều sâm quý để dưỡng bệnh. Tháng 9-1823, Trịnh Hoài Đức khỏi bệnh, dâng biểu tạ ơn, trở lại lãnh chức Thượng thư bộ Lại và bộ Lễ. Nhưng mới được hơn 10 ngày, ông lại dâng biểu xin nghỉ 3 tháng về thăm nhà, vua Minh Mạng buộc lòng phải đồng ý. Tháng 10-1823, ông về tới Gia Định để lo liệu việc nhà. Tháng 3-1824, Trịnh Hoài Đức trở ra kinh, lại lãnh lại bộ Thượng thư kiêm quản Lễ bộ sự vụ. Đến tháng 7-1824, vua Minh Mạng khiến biên sửa Nguyễn triều Ngọc Diệp và Tôn Phả, Trịnh Hoài Đức sung chức Tổng tài để điều khiển công việc.

Ngoài việc hoạt động về chính trị, Trịnh Hoài Đức còn là nhà văn hóa ưu tú. Ông đã để lại một sự nghiệp rất đồ sộ gồm nhiều tác phẩm văn chương và công trình nghiên cứu về lịch sử, địa lý, văn hóa. Đó là các tập thơ: “Bắc xứ thi tập, Gia Định tam gia thi” (cùng với Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh), “Cấn trai thi tập”. Các công trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa: Bộ “Lịch đài kỷ nguyên” và bộ “Khương tế lục”, bộ địa chí “Gia Định thành thông chí”. Đặc biệt là bộ “Gia Định thành thông chí” ghi lại đầy đủ nhất, toàn diện nhất diện mạo xứ Đàng Trong thời kỳ khai phá lập nghiệp của đoàn người Việt Nam tiến. Sau này Quốc sử quán triều Nguyễn cũng đã dựa vào nguồn tư liệu quan yếu của “Gia Định thành thông chí” để biên soạn các bộ sử và hiện tại bộ sử này vẫn còn nguyên giá trị của nó khi muốn nghiên cứu, tìm hiểu về vùng đất Nam bộ xưa. Người Pháp cũng sớm biết đến giá trị của “Gia Định thành thông chí” nên đã tổ chức dịch ra tiếng Pháp và xuất bản tác phẩm này từ năm 1863, sau khi tôn tính xong Nam kỳ.

Các tác phẩm văn chương của Trịnh Hoài Đức chứa chan một tình yêu quê hương đất nước Việt Nam, thương cảm những cuộc đời nghèo khổ, vẽ nên những bức tranh lao động, khai phá, sinh hoạt, cảnh đẹp trong trẻo của vùng đất Đồng Nai – Nam bộ buổi đầu sơ khai, thanh bình và yên ả. Ông chính là một trong ba ngôi sao sáng nhất bầu trời văn chương Nam bộ thời kỳ đó.

Đến tháng 3 năm Ất Dậu (1825) sau một thời gian lâm bệnh, Trịnh Hoài Đức qua đời tại Phú Xuân. Linh cửu của ông được đưa về chôn cất tại làng Bình Trước, tỉnh Biên Hòa, đây là nơi ông ra sinh ra và lớn lên. Lăng mộ ông hiện còn tại phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa. Ông chính là nhân vật tiêu biểu cho cả vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, những thế hệ người Đồng Nai hôm nay luôn biết ơn và tự hào về ông, một tài năng lớn, một nhân cách lớn, là danh nhân văn hóa đã góp phần đặt nền móng cho hào khí Đồng Nai, văn hóa Đồng Nai.

Để tỏ lòng tri ân, biết ơn, và tưởng nhớ đến ông! Nhân dịp kỷ niệm 255 năm: Năm sinh Trịnh Hoài Đức “Danh nhân tiêu biểu đất Đồng Nai”. Tôi xin được ôn lại tiểu sử về cuộc đời, sự nghiệp, văn chương và những cống hiến to lớn của ông với lịch sử nước nhà nói chung và đối với nhân dân Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng. Nhằm giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ về lịch sử, đặc biệt là mảnh đất “địa linh nhân kiệt” - Đồng Nai có nhiều di tích lịch sử, văn hóa... đây sẽ là minh chứng, là tư liệu “sống” để truyền thụ, bồi đắp thêm tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước cho các thế hệ học sinh. Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong học tập, lao động, biết vượt qua khó khăn, gian khổ, có ý chí và khát vọng phấn đấu để trở thành những công dân có ích, đóng góp tích cực vào sự nghiệp dựng xây và phát triển đất nước, làm rạng danh thêm truyền thống quê hương con người Đồng Nai.

Nguồn: thuviendongnai.gov.vn