670 lượt xem

TRƯƠNG XÁN

TRƯƠNG XÁN TRẠNG NGUYÊN

Trương Xán đỗ Trại Trạng Nguyên (Thời nhà Trần, nếu ai quê từ Ninh Bình trở ra đỗ Trạng thì gọi là Kinh Trạng Nguyên, còn từ Thanh Hóa trở vào gọi là Trại Trạng Nguyên) cùng với Kinh Trạng Nguyên Trần Quốc Lặc khoa Bính Thìn, niên hiệu Nguyên Phong thứ 6 (1256), đời vua Trần Thái Tông.

Ông say mê vẻ đẹp của thiên nhiên và thường tìm thấy trong các hiện tượng thiên nhiên những triết lý sâu sắc về đời người.


Nguồn: Sưu tầm

Không có con người nào có thể sống tách riêng ra khỏi cộng đồng được. “Con người cũng giống như những hòn đảo, phía trên mặt nước có thể đứng tách riêng, nhưng phía dưới thì chân những hòn đảo chắc chắn sẽ liền vào nhau. Và cùng liền vào đất dưới đáy biển. Đáy biển ấy liền thành một khối không rời đối với bờ. Khi nào nước biển lui xuống, các đảo kia trơ ra chúng ta dễ dàng nhìn thấy điều ấy. Con người cũng như những hòn đảo riêng rẽ kia. Mỗi người có thể có cuộc sống khác nhau nhưng tất cả luôn gắn bó với nhau và gắn bó với cuộc sống chung của dân chúng trong thế gian này. Không ai có thể sống tách rời khỏi cộng đồng của mình được’’.

Ông làm quan đến chức Hàn lâm Học sĩ. Một số làng chài đã lập đền thờ ông coi như một vị Phúc thần chuyên cứu giúp những người đi biển.

Ngọn lửa trên bờ biển

Gió bão đã bớt đi nhưng sóng biển vẫn cuộn lên từng cột lớn. Người dân làng chài vẫn túm tụm trên bờ cát, mặc cho mưa gió quất vào người. Những người đàn bà đã khóc cạn nước mắt, không còn gào thét được nữa, chỉ còn đủ sức cào tay vào cát rồi nấc lên từng tiếng một. Quần áo, đầu tóc tơi tả hết cả, đám trẻ con thì bấu lấy mẹ, nhất quyết không chịu về nhà. Những ông già thì đứng lặng đi, chỉ có đôi mắt mở ra nhìn biển vừa oán giận vừa bất lực. Cách đây bảy ngày, người dân làng phát hiện một đàn mực lớn vào rất gần phía biển của làng. Thế là làng chài gom hết số thuyền có được cùng tất cả những người đàn ông khỏe mạnh nhất của làng nhanh chóng ra biển vây bắt mực. Họ nghĩ chỉ mất hai ba ngày là có thể trở về được nên chỉ mang một lượng nước rất ít để thuyền nhẹ có thể chèo nhanh. Nhưng những con thuyền vừa rời bến được một ngày thì cơn bão thình lình đổ đến. Gió rít từng hồi và nhổ bật tung những tán cây lớn trong làng. Nhiều mái nhà bị gió tốc ngược cuốn tung đi. Nhưng mặc cho nhà đổ, tâm trí người làng đã để hết ở biển. Những người đàn ông của họ không biết đang phải chống trả lại cơn bão khủng khiếp này như thế nào. Mưa gió ngớt đi một tí, cả làng đã đổ ra biển, những người đàn bà, những người già và cả lũ trẻ con nữa. Ai cũng ngóng xem có con thuyền nào trở về được không?

Gió đã ngớt hẳn, nhưng biển vẫn động dữ dội. Những cột nước cuộn lại, dâng cao rồi đổ ụp xuống. Gặp những cột nước như thế, khó có con thuyền nào có thể thoát được. Một số người còn ít sức lực lặng lẽ quay về làng. Người ta cũng phải làm cái gì cho những người đàn bà và lũ trẻ ăn.

Sự chờ đợi đã sang đến ngày thứ tám. Biển vẫn không thay đổi, hung bạo và cuồng loạn. Những nét tuyệt vọng đã hằn rõ trên những gương mặt. Một người vợ trẻ không chịu nổi đã cố sức đâm đầu xuống biển để chết theo chồng. Người ta kịp kéo chị ta lại đưa vào phía trong và cử hai đứa trẻ nhỡ đứng canh chừng. Đám trẻ con còn ăn uống được một ít chứ những người đàn bà thì không thể cho vào miệng bất cứ thứ gì. Họ chỉ nhấm một chút nước rồi lại gào khóc. Nỗi đau vô bờ đã giúp họ đè nén cơn đói xuống.

Trông chừng không ai còn có thể chịu đựng được hơn nữa, một ông già nói:

- Chưa thấy họ thì chúng ta vẫn còn hi vọng. Nhưng bây giờ tất cả phải quay về làng. Nhà cửa đã đổ nát cần phải dọn dẹp lại.

Ông nói xong, đưa hai tay ôm ngực. Trên những con thuyền đó, cả ba người con trai của ông đều có mặt.

Cuối cùng thì người ta cũng dựa vào nhau, đứng dậy định đi về. Bỗng nhiên một đứa trẻ kêu lên:

- Trông kìa, con thuyền.

Tiếng kêu ấy giống như tiếng sét làm tất cả choàng tỉnh, quay lại biển. Xa xa dưới những vòm sóng khổng lồ, có những đốm đen lờ mờ giống như con thuyền.

- Con thuyền. Con thuyền.

Ai đó thét lên.

- Hình như không phải. Chỉ là cột sóng thôi.

- Không phải là cột sóng, mà là con thuyền.

Những vết đen cứ khi ẩn khi hiện ở ngoài tít xa. Những người đàn bà đều nghĩ đó là những con thuyền đang bị sóng chặn lại không vào được bờ. Nhưng cũng có người nói đó chỉ là những chân cột sóng thôi. Tuy nhiên, những chấm đen ấy đã giữ chân tất cả mọi người ở lại bờ biển.

- Mang một con thuyền lại đây - Người vợ trẻ vừa ngất đã tỉnh lại - Tôi sẽ ra đó xem có phải là những con thuyền của làng mình không?

Lúc đầu người ta cũng định làm thế nhưng thuyền lớn của làng đã ra biển hết, chỉ còn lại những thúng nhỏ thôi. Sóng dữ thế kia, chỉ cần thúng vừa chạm nước sẽ bị sóng hất ngược rồi nhấn chìm ngay.

Bóng tối lại đổ xuống lấy đi mất một ngày chờ đợi tuyệt vọng.

Một cậu bé lặng lẽ đi từ phía làng xuống biển. Cha Trương Xán là một người buôn muối trong vùng nên nhà cậu không có ai đi biển cả. Nhưng trong đám trẻ đang ngóng cha kia, có một cậu bạn của Trương Xán. Cậu đứng gần, nghe bạn vừa khóc vừa kể lại mọi chuyện. Trương Xán nhìn ra biển tối đen bỗng kêu lên:

- Lửa. Phải đốt lửa. Những con thuyền cần nhìn thấy lửa để xác định được hướng bờ.

Ngay sau tiếng kêu của cậu, những người còn sức lực chạy ào về làng. Người ta vác củi rồi liếp nhà ra chất và đốt một đống lửa trên bờ biển. Ngọn lửa dâng cao ngùn ngụt. Nhưng củi và liếp vẫn tiếp tục được mang ra chất vào lửa. Người ta muốn lửa cháy thật to, thật to để những người đi biển có thể nhìn thấy.

Trương Xán nắm chặt tay bạn rồi nói:

- Những vệt đen đó chắc chắn là chân cột sóng rồi. Nếu là những con thuyền thì chúng không thể đậu mãi ở một nơi mà có những cột sóng khổng lồ như thế.

Không thấy con ở nhà, cha Trương Xán cho người đi tìm cậu ở ngoài biển. Nhưng cậu không chịu về và nói rằng mình sẽ thức cả đêm trên bờ biển.

Đống lửa khổng lồ ấy cháy rừng rực trong ba đêm liên tục. Có bao nhiêu củi đốt, liếp tre, rặng rào đều được mang ra biển. Hết củi, người ta bắt đầu lấy tre ở những mái nhà đã bị tốc mang ra đốt tiếp. Cuối cùng, đoàn thuyền cũng trở về nguyên vẹn. Những người đàn ông kể rằng bão biển rất dữ dội nhưng lạ thay, đoàn thuyền lại rơi vào vùng mắt bão, nước biển rất yên tĩnh dù xung quanh gió đang cuồng nộ. Tuy nhiên bão cũng khiến họ mất phương hướng. Nhưng thật may là ngọn lửa đã giúp cho họ biết hướng đất liền ở đâu.

Dân chúng là cội nguồn mãi mãi

Trương Xán học rất nhanh. Chỉ một thời gian ngắn cậu đã có thể đọc được những cuốn sách của thầy Đoan Nghiệp. Ông đọc bài văn của cậu rồi cười:

- Nếu trò cứ học tốt như thế này thì chẳng mấy chốc nữa ta sẽ không còn chữ dạy cho trò nữa.

Nói xong ông quay lại định lấy một cuốn sách khác cho Trương Xán thì thấy cha cậu dẫn một người lạ mặt đi vào.

Ông ta là đạo sĩ Như Thị sống ẩn dật trên một cồn cát nhỏ. Mặc dù không hiểu gì về Như Thị nhưng dân trong vùng cũng rất kính trọng ông ta. Mỗi khi ông ta xuất hiện là mọi người lại cúi chào rất cung kính nhưng đáp lại, Như Thị cứ điềm nhiên bước đi, coi như không thấy ai trước mặt hết. Từ hồi về cồn cát ẩn dật, ông ta chưa bao giờ đến một nhà nào. Thế cho nên khi người nhà vào báo là có đạo sĩ Như Thị đến, cha cậu còn tưởng mình nghe nhầm.

Mấy hôm trước, Trương Xán vừa đi vừa nghe thầy giảng như mọi lần, suốt dọc bờ biển. Khi đi ngang qua cồn cát nơi có đạo sĩ ở đó Trương Xán kể cho thầy về ông ta. Thầy đồ lắc đầu:

- Đó chẳng qua cũng chỉ là một cách mê hoặc người khác thôi.Cuộc sống của mỗi con người, dù muốn hay không cũng không tách rời được với cuộc sống của người khác, với cuộc sống của cộng đồng. Làm gì có chuyện lánh đời như thế mà tìm thấy Đạo được. Đạo ở trong dân chúng.

Nói xong, Đoan Nghiệp lại tiếp tục giảng bài cho học trò. Ông không ngờ rằng những câu nói của mình đã vang đến tai của đạo sĩ. Do đó hôm nay ông ta đến để gặp Đoan Nghiệp.

Vừa ngồi xuống, đạo sĩ đã nói ngay:

- Ta nghe thầy nói rằng đạo của ta mê hoặc người khác. Không biết có phải thế không?

- Đúng vậy! - Đoan Nghiệp nói - Cuộc sống của người này không thể tách rời với cuộc sống của người khác, và với cả cộng đồng được. Đó không phải là thói quen mà còn là bản tính của con người.

Đạo sĩ cất tiếng cười lớn. Trương Xán có cảm giác như ngôi nhà rung lên. Ông ta cười một hồi lâu rồi nói:

- Ta tưởng thầy biết điều gì hay. Hóa ra cũng chỉ là một thầy đồ đi gõ đầu trẻ thôi.

- Ta xin được nghe ý của đạo sĩ. - Đoan Nghiệp vẫn từ tốn nói.

- Được. - Ông ta nói - Nếu ngươi muốn mở rộng tâm trí thì ta cũng xuống tay khai Đạo cho. Con người ta ngay từ khi sinh ra đã lẻ loi rồi. Khi đó, đứa trẻ khóc nhưng có ai biết nó khóc vì cái gì đâu, kể cả mẹ nó. Rồi khi lớn lên, đứa trẻ ấy đau buồn hay vui sướng thì cũng không có ai biết điều gì khiến nó vui mừng hay vui sướng nếu nó không tự nói ra điều ấy. Thế rồi đến khi có bệnh tật, con người đó khổ sở, đau đớn nhưng cũng chẳng ai biết được cái nỗi đau đớn ấy nó thực sự như thế nào nếu người đó không kêu lên. Rồi đến khi chết, mình nó sẽ chết, chẳng có ai giúp gì được con người ấy cả. Ngươi thấy thế nào?

- Có lý lắm. - Đoan Nghiệp nói - Đạo sĩ cứ nói tiếp đi.

Nghe đạo sĩ nói, Trương Xán choáng váng thật sự. Đúng là nếu cậu buồn hay vui mà không nói ra thì mọi người cũng không biết là vì lý do gì. Giọng của đạo sĩ vẫn vang lên:

- Thế cho nên trong thế gian này, chẳng có ai thực sự liên quan đến ai cả. Sống đã lẻ loi thế sao không tìm đường học Đạo như ta.

Nói xong, ông ta phất tay áo rộng thùng thình rồi đứng dậy đi ra không chờ thầy đồ nói. Cái tay áo dính đầy cát chạm nhẹ vào mặt Trương Xán. Cậu ngây người ra. Những lời của đạo sĩ làm cho cậu không còn tâm trí để học tiếp nữa. Thầy đồ thấy vậy liền nói:

- Đúng là mỗi con người có những nỗi đau riêng, những nỗi vui riêng mà nếu không nói ra thì không ai biết được. Nhưng tận sâu thẳm bên trong những điều đó, con người vẫn liên kết với nhau, và với tất cả mọi người khác.

- Thế đạo sĩ...

- Mặc dù ông ta nói ông ta sống ẩn dật không liên quan gì đến ai nhưng cuộc sống của ông ta vẫn gắn bó với cuộc sống của dân làng.

Trương Xán ngồi im lặng nghe thầy nói. Mặc dù vậy những lời của đạo sĩ vẫn ám ảnh cậu.

Thầy đồ nghĩ ngợi một lúc rồi nói:

- Chúng ta ra biển đi.

Hai thầy trò đi ra biển. Trong đầu Trương Xán quay cuồng những lời của đạo sĩ. Đôi mắt cậu thỉnh thoảng lại liếc nhìn về phía cồn cát. Đoan Nghiệp dẫn học trò trở lại mỏm núi cao rồi chỉ tay ra những hòn đảo nhỏ nhô lên trên biển.

- Con nhìn những hòn đảo kia đi. Chúng mọc tách rời nhau trên mặt biển đấy.

- Vâng - Trương Xán kêu lên - Từng hòn đảo một đứng riêng ra thầy ạ.

- Đúng là riêng ra rồi - Thầy mỉm cười - Trò sẽ nói là mỗi hòn đảo có những điều mà hòn đảo kia không có chứ gì? Nhưng trò thử nghĩ xem, phía dưới mặt biển, chân của những hòn đảo đó thế nào?

Câu hỏi làm cho Trương Xán bừng tỉnh:

- Dạ. Phía dưới thì chân những hòn đảo này chắc chắn sẽ liền vào nhau.

- Và cùng liền vào đất dưới đáy biển. Đáy biển ấy liền thành một khối không rời đối với bờ con ạ. Khi nào nước biển lui xuống, các đảo kia trơ ra con sẽ nhìn thấy điều ấy. Con người cũng như những hòn đảo riêng rẽ kia. Mỗi người có thể có cuộc sống khác nhau nhưng tất cả luôn gắn bó với nhau và gắn bó với cuộc sống chung của dân chúng trong thế gian này. Không ai có thể sống tách rời một mình được.

Vì sao ở ao không có thủy triều ?

 Biển đẹp nhất là vào lúc mặt trời mọc và lúc trăng lên. Thầy Đoan Nghiệp bảo trò vậy. Ông cho rằng cứ bắt học trò ngồi im một chỗ mà nghe giảng thì học trò không thể tiếp nhận hết được cho nên học trò nào ông cũng dạy bằng cách vừa đi vừa nói thế này.

Một ngày oi bức đã trôi qua. Trời trở nên se dịu lại. Những ngọn gió mang lẫn hơi mát của biển cả phả đầy vào làng.

Hai thầy trò chậm rãi đi chân trần trên cát, dưới ánh trăng vàng. Đúng là biển dưới ánh trăng thật là đẹp. Ánh trăng cũng dát những lớp vàng lên khắp mặt biển. Giữa màu đen thanh bình của biển đêm, những dát vàng ấy nhấp nháy, lung linh trông rất đẹp. Mặt trăng rất tròn nhưng không thể nhìn rõ nó ở dưới đáy nước vì hình ảnh của nó đã bị muôn ngàn con sóng bẻ vỡ ra, phân phát đi khắp nơi trên biển. Những con sóng biển vỗ ào ạt. Thủy triều đã dâng ngập phần bãi cát lúc sáng. Hai thầy trò phải đi sát vào những lùm cây ở phía trên. Mặt trăng trôi qua một đám mây. Biển dịu tối đi ngay nhưng chỉ loáng một cái, những con sóng lại nhuốm đầy trăng.

- Con nhìn đi... - Thầy đồ dừng lại hỏi - Biển đêm dưới ánh trăng có khác gì với biển buổi sáng có ánh mặt trời không?

Trương Xán đang mải ngắm vẻ đẹp của biển đêm thì nghe thầy hỏi thế. Cậu thấy biển cũng lung linh một màu vàng khắp nơi. Nó khác cái gì nhỉ? Bóng tối ư? Nếu thế thì chắc thầy đã không hỏi. Nghĩ ngợi lan man, Trương Xán không để ý liền bị một con sóng xô mạnh ướt hết người.

- Con đi dịch lên đây. Thủy triều hôm nay lớn quá.

Trương Xán hiểu ra:

- Vâng. Đúng là thủy triều lớn thật. Tại sao buổi sáng thì nước biển lại rút đi hả thầy?

Cậu hỏi xong rồi chợt nhớ ra:

- Đúng rồi, con nghe người làng chài đoán biết thủy triều lên bằng cách nhìn mặt trăng mọc. Mặt trăng thì có liên quan gì đến thủy triều hả thầy?

- Nhìn trăng mà đoán thủy triều là đúng đấy. Con hãy nhìn trăng làm cho nước biển cuộn lên đi. Khi trở về ta sẽ dạy cho con biết vì sao.

Trương Xán ngước nhìn mặt trăng. Ánh trăng mát thế này, đẹp thế này mà lại khiến cho sóng biển nổi lên ư?

Đối với những người dân làng chài, thủy triều thuộc về thế giới của ma quái. Mặt trăng (là khí âm tạo thành đối lập với khí dương của mặt trời) đã khuấy động chúng thức dậy để tràn vào bờ phá hoại. Nhiều làng chài còn có lễ xua trăng mỗi khi thủy triều dâng quá cao.

- Không có chuyện ma quái gì hết - Thầy đồ nói rồi giơ một cuốn sách lên - Cuốn sách này tương truyền là do Trạng Nguyên Nguyễn Hiền viết ra trong thời gian còn là cậu bé ở sống ở trong chùa. Viết xong, ông để lại ở phòng sách trong chùa và bị thất lạc. Sau đó người ta chép ra thành nhiều bản để cho học trò đọc. Ta được một viên quan tặng cho một bản chép này.

(Thời đó có rất nhiều bản sách được gán cho là do Trạng Nguyên Nguyễn Hiền, một kỳ tài của đất nước viết. Đa số những cuốn sách như thế đều không đáng tin. Tuy nhiên cũng có một số cuốn rất có giá trị do những đạo sĩ, nhà sư ẩn danh viết. Họ không muốn xuất hiện nhưng lại muốn giáo hóa dân chúng cho nên đã mượn tên của vị Trạng Nguyên lừng danh để khiến cho dân chúng chú ý và tin tưởng hơn)

Cuốn sách viết rằng mặt trăng ở gần thế gian nhất vì con người có thể nhìn rõ cả cây đa trên đó (!). Do đó nó với trái đất giống như hai cực âm dương không rời nhau. Âm Dương hút nhau (mặc dù những lời này chứa đầy chất hư ảo, nhưng vô tình nó lại nói những điều khá chính xác với khoa học ngày nay. Có thể nó được đúc kết qua kinh nghiệm dân gian).

- Mặt trăng hút trái đất ạ? - Trương Xán ngạc nhiên - Thế sao con thấy đất không động đậy mà chỉ có sóng nước thôi?

- Mặt trăng hút hết mọi thứ! - Thầy đồ nói - Nhưng có thể do đất đá, hay nhà cửa quá nặng (!) nên nó không hút được. Còn nước biển thì mềm, dễ xô đi nên mặt trăng đã cuộn nó lên rồi đổ sang bên cạnh nên nó mới tạo ra thủy triều.

- Vì nước mềm nên dễ hút à? - Trường Xán tự hỏi rồi ngước lên nhìn thầy - Thế tại sao nước ở ao lại không có thủy triều?

- Cái này thì ta không biết - Thầy đồ lúng túng - Nhưng ta tin là trăng đã hút nước biển đấy.

Mặc dù nằm cạnh biển nhưng làng chài cũng có những ao hồ nhỏ do người dân đào lấy đất làm nền nhà. Trương Xán nghe thầy nói thế liền bỏ sách chạy ra ngoài. Cậu tìm đến một ao nước nhỏ nằm ngay sát bờ biển. Lúc này thủy triều đã dâng cao. Những ngọn sóng táp cả vào mặt cậu khi Trương Xán đứng ở bờ ao. Mặt nước lặng im dù ánh trăng vàng phủ khắp mặt ao. Trương Xán nhìn những ngọn thủy triều rồi nhìn cái ao ngẫm nghĩ:

- Nếu cái ao này thông với biển thì sao?

Một ý nghĩ lóe lên trong đầu cậu. Trương Xán quay về nói với cha điều ấy. Người cha liền cho gọi rất nhiều người đến, đào một cái hào rất rộng thông cái ao với biển. Nhưng nước ao vẫn được giữ lại. Chỉ khi thủy triều lên thì người ta mới cho thông hẳn ao với biển.

Thấy mức nước đã lên ngấp nghé với mực nước ao, Trương Xán bảo người thông ao. Ao vừa được thông, những dòng thủy triều tràn vào ngay. Thầy đồ lắc đầu:

- Vẫn là những ngọn thủy triều từ biển đổ vào thôi.

- Đúng thế ạ. Chỉ toàn thấy từ biển đổ vào thôi. - Trương Xán nói - Nếu cái bờ đất này không thông ra thì những ngọn sóng này sẽ đổ ở bờ cát kia phải không thầy. Vậy thì khi mặt trăng hút những vùng nước sát bờ cát thì nó sẽ cuộn nước đi đâu?

- Đi đâu à? - Thầy đồ ngạc nhiên - Thì cuộn đổ vào vùng nước bên ngoài chứ sao?

- Nhưng bên ngoài đã có sóng xô vào rồi, làm sao nó đổ ra ngoài được nữa? - Trương Xán nói - Mặt trăng chắc sẽ tùy theo các vùng nước mà hút mạnh yếu khác nhau vì con thấy có lúc thủy triều dâng cao, có lúc lại xô rất thấp. Khi mặt trăng hút những vùng nước sát bờ, con nghĩ nó hút rất yếu vì vướng phải bờ. Nếu có hút được thì nó cũng không đổ được đi đâu nữa vì một bên vướng bờ, một bên vướng các con sóng lao vào. Thế cho nên những vùng nước sát bờ không thể có thủy triều được.

Cậu quay lại cái ao:

- Con thấy rằng cái ao này quá nhỏ. Mặt trăng có hút thì cũng không biết cuộn lên đổ vào đâu vì va phải bốn bờ ao. Nếu cái ao này rộng như biển, con tin chắc là nó sẽ có thủy triều ngay.

- Có thể là như vậy! - Thầy đồ thốt lên - Cái ao này quá bé, nước lại ít nữa, làm sao có thể có thủy triều được.
 

Nguồn: Vietbao.vn