664 lượt xem

Tùng Thiện Vương

Tùng Thiện Vương

Tùng Thiện Vương (Kỷ Mão 1819 - Canh Ngọ 1870) Nhà thơ lớn triều Nguyễn, tự Trọng Uyên, Thận Minh, biệt hiệu Thương Sơn, Bạch Hào Tử, tên thật là Nguyễn Phúc Miên Thẩm, lúc nhỏ có tên nữa là Ngợn, ông là con thứ 10 của vua Minh Mạng, là anh khác mẹ với Tuy Lý Vương Miên Trinh. Ông cực kỳ thông minh, hiếu học, kiến thức rộng, tính tình nhân hậu, một người con hiếu thảo.

Ông nổi tiếng văn thơ, rành hội hoạ, am hiểu âm nhạc từ nhỏ. Năm 1839, ông được phong Tùng Thiện Công, sau phong Tùng Thiện Quận Vương rồi Tùng Thiện Vương. Ông cùng hai em trai là Tuy Lý Vương, Tương An Quận Vương lập ra Tùng Vân Thi xã một hội văn thơ góp mặt các danh sĩ tài ba nhất thời bấy giờ của Kinh đô Huế, cũng gọi là Mặc Vân Thi xã, trong đó có Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu. Người đương thời có câu truyền tụng: "Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán. Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường". Thơ văn ông nổi tiếng sang tận Trung Quốc và nhiều nước khác, ông được xưng tặng là Thi Ông, Thi Bá. Năm Sứ thần nhà Thanh là Tiến sĩ Lào Sùng Quang sang Việt Nam vào Kinh đô Huế, đọc thơ ông kinh ngạc mà thốt lên rằng: "Độc đáo bạch âu hoàng diệp cú. Mãn hoài tiêu sắc đái thu hàn" (đọc đến câu bạch âu hoàng diệp cả người ớn lạnh với hơi thu). Năm Thiệu Trị mới lên ngôi, ông được sung chức Ngự tiền hộ giá Bắc tuần.

Ra Hà Nội cố đô Thăng Long xưa, ông giao thiệp rộng với giới trí thức Bắc Hà, thăm thú nhiều nơi danh lam thắng cảnh và các di tích lịch sử của các triều đại trước. Năm 1865, vua Tự Đức đặt ông kiêm nhiếp Phủ Tôn Nhơn. Nhân sự kiện con rể ông là Đoàn Hữu Trưng cùng các đồng sự phát động khởi nghĩa "Chày vôi", từ sở Vạn Niên của vua Tự Đức kéo về Đại nội, hòng truất phế Tự Đức lập Hoàng tôn Ưng Đạo lên ngôi (năm 1866). Việc không thành, Đoàn Hữu Trưng cùng nhiều người chủ mưu bị hành quyết, Tùng Thiện Vương bị liên lụy phế chức, suýt mất mạng. Sau vua Tự Đức xét án có phê rằng: "Ông Tùng Thiện Vương không phải là người tham danh, hám lợi, tâm thuật, lại biết lấy trung hiếu làm căn cơ; chỉ vì kén rể sai lầm". Vua Tự Đức bắt ông lại phải kiêm nhiếp Phủ Tôn Nhơn như trước. Ông mất tháng 3 năm 1870, hưởng dương 51 tuổi.

Vua Tự Đức thương tiếc làm thơ khóc ông: "Sao Thi Ông nỡ sớm về không trở lại". Nhiều danh sĩ trí thức, quan lại, dân chúng đều thương tiếc ông - một tài năng đất nước, như Lê Tân người nhà Thanh viết: "Thi, ca linh động, đến quỷ thần cũng phải khóc". Khu tẩm mộ ông và gia đình có tên Cõi Lạc Thiên nằm ở một ngọn đồi thấp thuộc khu vực Từ Hiếu, bên cạnh đường Lê Ngô Cát đối diện với Tháp Yết Ma, thành phố Huế. Xin giới thiệu bài "Cổ ý" qua bản dịch của cụ Ưng Trình để hiểu thêm về thơ ông: ý Xưa "Phía Nam có mái nhà chàng, Bên Bắc nhà thiếp cách màng con sông; Ngọn lau còn có lưu thông Hai người lại chẳng còn mong được nhìn". Ông để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ: Thương Sơn thi tập, Thương Sơn thi thoại, Thương Sơn ngoại tập, Thương Sơn văn di; Nạp bị văn tập; Học giá chí, Nam Cầm phổ; Độc ngã thư sao, Lão sinh thường đàm, Tịnh y ký tập; Thi tấu hợp biên; Lịch đại thi tuyển; Thức cốc biên; Thi kinh diễn nghĩa ca; Lịch đại đế vương thống hệ đồ.


Phủ Tùng Thiện Vương

Phủ Tùng Thiện Vương là phủ đệ của Nguyễn Phúc Miên Thẩm, con trai thứ 10 của vua Minh Mạng, em trai của vua Thiệu Trị. Phủ hướng mặt ra dòng sông "nắng đục mưa trong" và chợ An Cựu như là chốn lý tưởng cho việc lựa chọn để xây dựng nhà cửa như lời của tiền nhân.
 

 

Nguồn: Sưu tầm

Tùng Thiện Vương sinh thời là một nhà thơ Việt Nam thời nhà Nguyễn. Thơ của ông dù viết theo thể loại nào, dù mang nội dung cảm hoài, ngôn chí hay thù tạc..., tất cả đều có văn pháp giản dị, ý tứ thâm sâu, chữ nghĩa chọn lọc, đều mang tính hiện thực cao, chứa đựng tinh thần yêu nước, thương dân, hết lòng vì bè bạn. Có thể kể đến một bài như "Phù lưu tiền hành", "Mại trúc dao", "Kim hộ thán", "Bộ hổ từ"…

 
Nguồn: Sưu tầm

 Quá trình thành lập phủ Tùng Thiện Vương có thể kể bắt đầu năm Kỷ Hợi tức 1838 sau khi được phong tước Tùng Quốc Công, ông được lập phủ đệ ở ngang phủ đệ Tuy Lý Vương tại phường Liêm Năng trong Kinh thành, phía đông Lục Bộ. Tuy nhiên vì thích thú với cảnh đẹp của sông Lợi Nông, ông cho dời phủ đệ từ phường Liêm Năng đến bờ Bắc con sông ấy, đắp núi, đào hồ, dựng phủ mới đặt tên là "Ký Thưởng Viên". 


Nguồn: Sưu tầm

 Trước khi xây dựng Ký Thưởng Viên, ông cho dựng Tiêu Viên trong vòng 3 năm từ 1846 đến 1849. Sau khi xây dựng xong, ông rước mẹ là Thục Tần về phụng dưỡng. Năm 1851, bà Thục Tần mất, Tiêu Viên trở thành từ đường thờ tự mẹ ông, còn Ký Thưởng Viên thành ra nhà dạy học. Từ năm 1870, sau khi Tùng Thiện Vương mất, phủ đệ lại thành ra từ đường thờ tự ông và con cháu. Đây cũng chính là hai công trình kiến trúc quan trọng nhất trong cấu trúc tổng thể của phủ Tùng Thiện Vương, tạo thành hai nếp nhà nằm song song, với bố cục mặt bằng nhà hình chữ nhị.

 
Nguồn: Sưu tầm

 Phủ Tùng Thiện Vương là một vương phủ bề thế và quy mô, cả trong lẫn ngoài có đến 16 công trình kiến trúc. Thương Hà Bạch Lộ đường là nơi để tiếp đãi sĩ phu, cũng là nơi tiếp nhận các bản thảo thi văn của vua Tự Đức do Thị vệ chuyển từ Đại Nội sang để Tùng Quốc công nhuận sắc giúp vua. Mô trường nơi Tùng Quốc công cùng các huynh đệ, bằng hữu, con cháu, học trò ngâm vịnh thi phú. Bạch Bí là nơi ở của các bà vợ của Tùng Quốc công. Tùng Vân là thư phòng để thơ văn và bút nghiên. Cổ Cầm đình là nơi Tùng Quốc công đàn hát, đánh cờ, chơi mạt chược với gia nhân và bằng hữu. Mặc Vân sào nơi lưu trữ và tra cứu kinh, sử, tử, truyện của Nho giáo. Xuy Tiêu ủy nơi Tùng Quốc công thường thổi sáo trúc cùng các nghệ nhân. Sở Tụng đình là vườn trồng cam, quýt, bưởi, phật thủ... 

 
Nguồn: Sưu tầm

 Bởi vậy, nếu như các phủ đệ khác đều được xem như biệt phủ của các ông hoàng, bà chúa thì phủ Tùng Thiện Vương là nơi lui tới đàm đạo thơ văn giữa các Nho sĩ đương thời, các tao nhân mặc khách, trong đó phải kể đến Khâm sứ triều đình mãn Thanh Lao Sùng Quang cũng vì mến mộ tài năng của chủ nhân mà tới đây đàm đạo văn chương, thế sự.

Tổng hợp: SGT Group