287 lượt xem

VUA THÀNH THÁI

 Vua Thành Thái
Vua Thành Thái và những uẩn ức của một ông vua yêu nước

Những ngày tháng 3 này là dịp kỷ niệm 140 năm ngày sinh của vua Thành Thái (14/3/1879) và 65 năm ngày mất của ngài (20/3/1954). Trung tâm Lưu trữ quốc gia I xin trân trọng giới thiệu một số tư liệu quý trong Châu bản triều Nguyễn về vua Thành Thái, vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, một người yêu nước thương dân, có tư tưởng canh tân nhưng cuộc đời gặp nhiều uẩn ức.
Vua Thành Thái tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Lân, là con thứ 7 của vua Dục Đức, vị vua kém may mắn nhất trong số các vua nhà Nguyễn khi chỉ tại vị được 3 ngày thì bị phế truất và bị giết. Vua Thành Thái lên ngôi khi mới 10 tuổi trong bối cảnh khá đặc biệt của triều Nguyễn. Ông đăng quang ngày mồng 2 Tết năm Kỷ Sửu (1889) tại điện Thái Hòa mà không có “ngọc tỷ truyền quốc” và cũng chẳng có “di chiếu”. Hiểu rõ tình cảnh của vua cha và bối cảnh đất nước lúc bấy giờ nên vua Thành Thái khá thận trọng và già dặn trước tuổi.
https://mytourguide.com.vn/images/minh-minh/emperor_thanh_thai-256x400.jpg
Nguồn: Sưu tầm
 
Khác với những vị vua truyền thống, vua Thành Thái là người cấp tiến, ông chủ trương “không bài ngoại” nên ngoài việc học chữ Nho ông còn học thêm tiếng Pháp, khuyến khích con cái cùng quần thần học chữ Pháp, đọc sách Pháp, đặt mua “báo Tây” để đọc. Vua Thành Thái chủ động tìm hiểu nghiên cứu các thiết bị kỹ thuật tân tiến của phương Tây như vũ khí, tàu thuyền… Ông thích cắt tóc ngắn, mặc âu phục, lái xe hơi và thường xuyên vi hành để tìm hiểu đời sống nhân dân. Có lẽ vì gần dân nên ông càng hiểu nỗi thống khổ của dân trong ách nô lệ của chính quyền thực dân. Vì vậy vua Thành Thái ngày càng bộc lộ tinh thần dân tộc rất cao khiến người Pháp lo ngại tìm cách ngăn trở. Ông bị người Pháp và một số quan lại trong triều cho là “điên” vì đã làm nhiều việc mà người đương thời cho là kỳ quái.
Thư của Giám đốc Nhật báo L’Opinion Sài Gòn gửi vua Thành Thái đề nghị tiếp tục đặt mua báo với chi phí 12 đồng/năm, vua Thành Thái châu phê: Giao cho Cơ Mật viện xem xét cấp tiền
https://mytourguide.com.vn/images/minh-minh/53673267_2027534900879920_4226252470713581568_n-300x400.jpg
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I Châu bản triều Nguyễn
 
Để giúp cho việc học hành “chữ Tây” được quy củ, năm 1896 (tức Thành Thái năm thứ 8) vua Thành Thái ban Dụ giao cho Viện Cơ mật xem xét lập trường Quốc học trong Kinh thành để chuyên dạy chữ Pháp đồng thời với chữ Hán. Dụ rằng: Việc học hành muốn mở mang tất phải luôn đổi mới, việc dạy dỗ muốn chuyên sâu tất phải lập trường. Học có rộng thì sau mới thông tuệ mà làm được việc, dạy có chuyên sâu thì sau mới tinh nghiệp mà thành tài. Nước ta từ Quốc Tử giám ở Kinh cho đến các tỉnh, phủ, huyện không đâu không có học hành. (Tuy nhiên) Nho học thì đã tường nhưng Tây học còn khiếm khuyết nhiều… Nay chuẩn cho phép mở trường học chữ Tây gọi là trường Quốc học để chuyên dạy nói chữ Pháp và dạy thêm chữ Hán. Chuẩn cho các học sinh tuổi từ 15 đến 20 phàm là công tử, tôn sinh, ấm tử con cháu các quan viên người nào đã thông chữ Nho cùng sinh viên Quốc Tử giám và học sinh các trường tỉnh người nào tình nguyện nhập học dù tuổi quá 20 mà tư chất tuấn tú đều theo lệ chi học bổng cho đến học.

Cũng năm đó theo lời bàn của Cơ Mật viện, lại được sự ủng hộ của Khâm sứ đại thần Pháp vua Thành Thái quyết định cho xây dựng 1 cây cầu sắt bắc qua sông Hương tại Kinh thành Huế. Cơ Mật viện bàn rằng: Dòng sông Hương trước mặt Kinh thành là nơi quan lộ, nhân dân qua lại rất nhiều, xây dựng cây cầu sắt qua sông là rất tiện. Nay theo các lý lẽ bàn bạc nghĩ cũng là việc nên làm. Sau đó vua Thành Thái ban Dụ: Chính trị nhân đức không gì quan trọng bằng gia ân cho dân, gần đây phàm tiến hành làm các cầu đường là để tiện cho dân vậy. Nay theo lời Viện Cơ mật tâu nghĩ nên làm 1 chiếc cầu sắt để thông hành, duy việc liên quan đến phí tổn rất lớn, vì vậy nên tính toán trù biện thật kỹ… Năm 1899 cầu hoàn thành được đặt theo tên của nhà vua là Cầu Thành Thái, sau này cầu nhiều lần được đổi tên và cuối cùng gọi là Cầu Trường Tiền. Đây là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hương đến nay trở thành một biểu tượng đẹp của thành phố Huế.

Mặc dù là người hướng ngoại, thích văn hóa phương Tây nhưng vua Thành Thái cũng không quên chăm lo việc học hành, sách vở theo truyền thống. Năm Thành Thái thứ 7 (1895) Quốc Sử quán làm bản tấu xin sưu tầm sử liệu từ đầu triều Minh Mệnh đến cuối năm Đồng Khánh để viết sách Liệt truyện. Dưới thời ông bộ sách Thực lục chính biên đệ tứ kỷ phần viết về Dực Tông Anh Hoàng đế tức vua Tự Đức đã hoàn thành việc biên soạn và in ấn. Vua Thành Thái cũng cho tu sửa mở rộng Ấn thư cục để để chứa các ván khắc in sách Lịch triều thực lục, Lịch triều thánh chế thi văn. Ông cũng yêu cầu Quốc sử quán tập hợp kiểm kê toàn bộ Châu bản từ triều Gia Long trở về sau, đồng thời giao cho Bộ Hộ kiểm kê và làm thư mục toàn bộ Địa bạ do Tàng thư lâu phụng giữ.

Năm 1907 bị chính quyền thực dân phát hiện có tư tưởng chống Pháp khi được cho là ngấm ngầm thành lập đội nữ binh trong cung và tự nghiên cứu các bản thiết kế vũ khí, vua Thành Thái đành giả làm người mất trí. Tuy nhiên người Pháp nhân cơ hội đó ép ông phải thoái vị. Để hợp thức hóa, Tòa Khâm sứ cùng Hội đồng phụ chính bố cáo cho quốc dân biết: nhà vua bị điên, nên vì quyền lợi của đất nước chính phủ Pháp-Việt đã phế vua và lập vua mới. Tháng 7 năm 1907 (tức Thành Thái năm thứ 19), Chế thoái vị được ban xuống: Phụng mệnh trời hưng vận nước Hoàng đế ban chế rằng: Vua là chủ của trời đất cùng với thần và người, đặc biệt quan trọng vậy. Trẫm đức mỏng nối ngôi được 19 năm, cậy nhờ Đại Pháp bảo hộ cùng người hiền giúp đỡ mới có hôm nay, duy tích âu lo mà thành bệnh thật khó kham nổi việc giữ ngôi. Nước Việt ta từ thời Trần, Lê cũng có thi hành việc này. Nay đã bàn với quý Toàn quyền Đại thần lựa chọn Hoàng vương tử Vĩnh San giữ ngôi vị để nối việc tôn miếu xã tắc, chẳng dám có lòng riêng. Trẫm lui về ở điện riêng để tĩnh dưỡng. Còn về việc làm cho hợp lệ thì truyền Đình thần phủ Tôn nhân trình với quý Toàn quyền Đại thần xem xét, bố cáo trong ngoài đều biết. Kính thay.

Sau khi tự “phê chuẩn” vào Chế thoái vị do các đại thần soạn thảo, vua Thành Thái bị áp giải vào Sài Gòn rồi bị quản thúc tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu). Năm 1916 ông bị đày sang đảo Reunion – Châu Phi cùng với người con trai cũng bị Pháp phế truất đó là vua Duy Tân. Trong những năm lưu đày ở hải ngoại, vị cựu hoàng phải sống cuộc đời khá vất vả thanh đạm. Sau năm 1945, nhờ sự vận động của một số tổ chức, ông được trở về Việt Nam và sống cùng gia đình tại Vũng Tàu. Ngày 20 tháng 3 năm 1954 ông mất tại Sài Gòn thọ 75 tuổi, chấm dứt cuộc đời một vị vua, một cựu hoàng nhiều éo le uẩn ức. Mộ ông sau này được đưa về an táng cùng với vua cha là Dục Đức tại An Lăng phường An Cựu thành phố Huế.


Nguồn: SGT Group tổng hợp.