Tiểu sử tóm tắt của Đức TUY LÝ VƯƠNG NGUYỄN PHÚC MIÊN TRINH
Đức TUY LÝ VƯƠNG NGUYỄN PHÚC MIÊN TRINH . Nguồn: Sưu tập
Đức ông có huý là NGUYỄN PHÚC MIÊN TRINH, trước có tên là Nguyễn Phúc Thư, năm 1823, bắt đầu định Đế Hệ, được ban tên Miên Trinh, Tự Khôn Chương và Quý Trọng , hiệu là Tĩnh Phố, biệt hiệu là Vỹ Dạ. Ngài là con trai thứ 11 của đức Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế - Minh Mệnh và là con đầu lòng của bà Tiệp Dư Lê Thị Ái.
Đức ông sinh tại Thanh Hoà điện, Thái Tử cung, vào giờ Canh Tý, ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ Mão (tức ngày 3-2-1820) nhằm ngày ông nội (tức Đức vua Gia Long) băng hà.
Ngài được mẹ chăm lo dạy dỗ từ thuở nhỏ, lại thông minh hiếu học nên vua cha rất yêu mến. Lúc Vương mới 6 tuổi, bị cảm sốt, vua đến thăm, mọi người trong cung cho là Tuy Lý Vương có số khác thường, vì thời ấy việc vua đi thăm con cái là chuyện hiếm có.
Đức ông có khiếu về thơ. Năm 13 tuổi, làm thơ đã giỏi, được người ta gọi là Ông Hoàng Thơ.
Là người con hiếu thảo, hồi còn trẻ, mỗi khi mẹ bị bệnh, Ngài được vào Dưỡng Chính Đường để hầu hạ. Ngài rất cẩn thận, tự mình nếm thuốc trước khi cho mẹ uống.
Năm Minh Mệnh thứ 17 (1837) Đức ông lập gia đình với bà Phạm Thị Thìn, con gái của Tả Quân Tín Vũ Hầu Phạm Văn Điển, người làng Vân Trình, Phong Điền, Thừa Thiên.
Năm 19 tuổi (1838), Đức Ông được phong Tuy Quốc Công.
Năm 28 tuổi - Đinh Mùi 1847, Ngài xây phủ Tĩnh Phố ở Vỹ Dạ, rước mẹ về phụng dưỡng. Sáng và chiều, mỗi ngày hai buổi đều đến hầu mẹ và thường tìm cho được của ngon vật lạ để dâng mẹ. Mỗi buổi chiều, Ngài thường đội khăn đen, mặc áo rộng, đứng khoanh tay hầu mẹ, nhìn mẹ rải thức ăn cho đàn quạ và đọc kinh. Quạ là một loài chim rất có hiếu. Khi chim quạ già yếu, chim con đi kiếm mồi về rồi mớm cho chim cha, chim mẹ ăn. Mỗi lần Đức Từ (tức mẹ Ngài) có việc ra khỏi Phủ, Đức ông thường theo hầu bên võng Mẹ.
Trong cuộc sống đời thường, Đức ông luôn giữ một nếp sống thanh đạm, giản dị, hoà nhã với mọi người. Đức ông nhất mực thuỷ chung, nhân ái, coi trọng tính trung thực. Tuy sinh trưởng trong gia đình Hoàng tộc, song Đức ông thường gần gũi và quý trọng công việc canh tác nặng nhọc, vất vả của người lao động. Ngài luôn coi trọng đạo lý, thể hiện trong việc xử thế, dưỡng dục con cái cũng như trong sự nghiệp Thơ ca. Người đương thời vì thế gọi Ngài là Ông Hoàng Hiếu, Ông Hoàng Áo Vải.
Năm Tân Hợi 1851, vua Tự Đức thiết lập Tôn Học Đường để dạy cho các công tử, công tôn và giao cho Tuy Lý Vương trông coi. Bấy giờ Ngài đã ngoài 30 tuổi mới ra làm việc.
Năm 35 tuổi, Đức Ông được phong Tuy Lý Công. Năm Tự Đức thứ 19 (1865) – 47 tuổi vua chuẩn cho Đức Ông Kiêm nhiếp Tôn Nhân Phủ Hữu Tôn Nhân, nhưng vì mẹ mất, Đức Ông xin từ để cư tang, đến năm sau mới tựu chức, rồi được thăng Tôn Nhân Phủ Tả Tôn Nhân (1871), Tuy Lý Quận vương (1878), Tôn Nhân Phủ Hữu Tôn Nhân (1882). Năm Quý Mùi (1883), khi vua Tự Đức lâm bệnh nặng, Đức ông được vời vào Y viện hầu thuốc, nhưng vì bệnh quá nặng, vua băng.
Năm 1868, mẹ mất, Ngài xin từ chức về cư tang. Ngài có khắc một bài biểu trên bia, trước mộ mẹ là bà Tiệp Dư - Lê Thị Ái, kể công đức mẹ, lời lẽ thống thiết: “... con trai bất hiếu Miên Trinh khóc đến nhỏ máu mà thuật...”, thật chí hiếu.
Đến năm 1878, Ngài được phong là Tuy Lý Quận Vương. (Tuy Lý là tên một huyện ở phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận. Dưới triều Nguyễn, vua thường phong tước cho các công thần hay thân thích của nhà vua bằng những địa danh).
Năm Quý Mùi 1883, vua Tự Đức băng, để di chiếu cho Đức Ông cùng Thọ Xuân Vương giúp việc nước, có gì không đúng phải nói thẳng. Cùng trong năm này, Sùng Biện Nội Các Hồng Sâm, con thứ sáu của Đức Tuy Lý muốn loại trừ Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường vì hai ông này chuyên quyền, đã giết vua Dục Đức, nhưng việc bại lộ, bị buộc uống thuốc độc tự tử, Đức Ông Tuy Lý và các con bị đày đi an trí tại Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Đức Ông bị giáng xuống là Tuy Lý Huyện Công.
Mãi đến 1885, Đức Ông mới được cùng các con trở về Thuận Hóa. Ngài được vua Đồng Khánh phục nguyên tước là Tuy Lý Quận Vương.
Năm 1889, Thành Thái nguyên niên, Đức Ông được cử làm Ðệ nhất phụ chính thân thần kiêm nhiếp Tôn Nhân Phủ Tả Tôn Chính .Năm 1891, Đức Ông 72 tuổi, để tỏ lòng tôn kính với bậc Lão Thần, vua Thành Thái cho phép Đức Ông được làm việc tại nhà, khi thật cần mới vào chầu, gặp thời tiết xấu thì miễn chầu luôn để tỏ lòng mến trọng công đức bậc Trọng Thần và Kính Lễ bậc Lão Thành.
Năm 1897, Vương 78 tuổi, được vua gia thêm chức Phụ Nghị Cận Thần, vì tuổi già Đức Ông xin về nghỉ, chẳng bao lâu thì bị bệnh mất ngày 24 tháng 10 năm Ðinh Dậu (18 tháng 11 năm 1897), hưởng thọ 79 tuổi. Nghe tin Vương mất vua Thành Thái cấp một ngàn quan tiền lo việc tang và ban thụy là Ðoan Cung. Mộ Tuy Lý Vương ở cạnh mộ mẹ, ấy cũng là thể theo nguyện vọng của Vương lúc sinh thời.
Khu lăng mộ Vương và Vương Mẫu nay thuộc phường Phường Đúc, số 199-203 đường Bùi Thị Xuân, TP. Huế.
Anh em của Vương có: Kiến Tường Công – Miên Quan ( H.tử thứ 36), Miên Long (h.tử thứ 22, mất sớm). Các em gái : Nhàn Trinh (CC thứ 20) và Nhàn Tĩnh (cc thứ 30) đều mất sớm.
Sự nghiệp văn chương của Tuy Lý Vương gồm có những bài thơ bằng chữ Nôm và chữ Hán, đặc biệt là bộ "Vỹ Dạ Hợp Tập" viết bằng chữ Hán được tiến sĩ Vương Tiên Khiêm, giám đốc trường Quốc Tử Giám ở Bắc Kinh đề tựa. Trong Vỹ Dạ Thi Tập," Tuy Lý Vương đã sáng tác nhiều bài về tình bạn bè, tình anh em, tình vợ chồng, tình yêu thiên nhiên, lòng yêu tổ quốc...
Tuy Lý Vương có rất nhiều bạn tài hoa, nổi danh và thường cùng nhau xướng họa thơ. Trong số bạn này có ông Nguyễn Văn Siêu và Phan Thanh Giản. Thơ văn của các ông có lời lẽ cao đẹp nên đương thời có câu:
"Văn như Siêu Quát vô tiền Hán.
Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường."
Có nghĩa là:
Văn như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát thì đoạt cả văn đời tiền Hán.
Thơ như thơ Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương thì lấn cả thơ thời thịnh Đường.
Vương cùng với người anh và em khác mẹ là Tùng Thiện Vương, Tương An Quận Vương là những thành viên của “Tùng Vân thi xã” và là một trong Tam Đường nhà Nguyễn, Việt Nam.
Tác phẩm Tuy Lý vương gồm có:
Vỹ Dạ hợp tập, gồm 12 quyển, trong đó có 5 quyển văn, 6 quyển thơ, 1 quyển tự truyện.
Thơ (mặt mạnh của Đức Ông) trong bộ sách này chủ yếu theo thể thất ngôn, ngũ ngôn, cổ phong hoặc Đường luật và một ít thơ Nôm. Nội dung thơ, một số là thơ thù phụng hoặc nói về sinh hoạt nhàn nhã của giới hoàng tộc, một số khác nói lên cảm xúc của ông trước thiên nhiên, tình cảm của ông đối với người thân và bạn bè.
Nữ phạm diễn nghĩa từ (Lời diễn nghĩa các khuôn phép của nữ giới). Đây là tác phẩm Nôm, soạn năm 1853, dựa theo Liệt nữ truyện của Lưu Hướng, và Cổ kim liệt nữ truyện của Giải Tấn (cả hai tác giả đều là người Trung Quốc), mang nội dung đề cao đạo đức phụ nữ theo quan điểm luân lý phong kiến.
Hòa Lạc ca (Bài ca về con thuyền Hòa Lạc), 64 câu thơ Nôm, cùng làm chung với Miên Thẩm và Miên Bửu, khi ba anh em đi chơi trên chiếc du thuyền này tại Thuận An (Huế), chẳng may gặp sóng gió suýt bị nạn.
Ngoài ra, theo sách Vua Minh Mạng với Thái y viện thì Miên Trinh còn có tác phẩm Nghinh Tường Khúc.
Nói về Đức Ông, sách “Vua Minh Mạng với Thái y viện” có đoạn:
Miên Trinh, không chỉ là nhà trí thức uyên bác, mà còn là một người mang tâm hồn phóng khoáng, giản phát, biết sống chân thật, biết đối nhân xử thế...Thơ ông có rất nhiều bài, nhưng có lẽ đặc sắc nhất vẫn là những bài phản ảnh thực trạng xã hội, tuy số lượng không nhiều.
Tủ ván khắc in thơ bộ “Vỹ Dạ Hợp Tập” 葦 野 合集
Nguồn: honguyenvietnam.org