277 lượt xem

Vai trò của Phật giáo Nam tông trong quản lý xung đột xã hội ở các tỉnh Tây Nam Bộ

Vai trò của Phật giáo Nam tông trong quản lý xung đột xã hội ở các tỉnh Tây Nam Bộ

Phật giáo Nam tông gắn bó với quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Tây Nam Bộ; chi phối đời sống tinh thần, tín ngưỡng, tôn giáo và hình thành đặc trưng văn hóa truyền thống của miền đất này. Dù trong chiến tranh hay hòa bình, Phật giáo Nam tông đều có vai trò quan trọng trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, trước sự tác động của tình hình quốc tế và sự phát triển của kinh tế thị trường, Phật giáo Nam tông ở Tây Nam Bộ đang đứng trước những biến đổi, những thách thức không nhỏ. Do vậy, cần có những giải pháp để phát huy vai trò của Phật giáo Nam tông trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần vào việc quản lý xung đột xã hội ở các tỉnh Tây Nam Bộ.

Các tỉnh Tây Nam Bộ có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước với diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, bao gồm 12 tỉnh, 1 thành phố trực thuộc Trung ương, 743 km bờ biển, vùng lãnh hải rộng 360.000 km2. Đây là vùng đất có nhiều tôn giáo, dân tộc, trong đó có 1,3 triệu người Khmer theo đạo Phật hệ phái Nam tông.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ, tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Khmer Tây Nam Bộ nói riêng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giúp phật tử yên tâm phấn khởi, sống tốt đời đẹp đạo, cùng chung sức xây dựng địa phương giàu mạnh.

1. Phật giáo Nam tông trong đời sống xã hội của đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ.

Do sự gần gũi về địa lý, lịch sử và văn hóa với các nước láng giềng, như Campuchia, Lào, Thái Lan, mà Phật giáo được lan truyền, bén rễ một cách tự nhiên, sâu sắc trong đời sống văn hóa cộng đồng người Khmer.

Trải qua biến thiên của lịch sử, Phật giáo Nam tông đã trở thành đặc trưng văn hóa truyền thống của vùng đất Tây Nam Bộ, với luân lý đạo đức Phật giáo luôn hướng con người đến những giá trị cao cả: “chân - thiện - mỹ”. Những bài học về “vô thường”, “vô ngã, vị tha”, “từ bi hỷ xả”, “an lạc”, “niết bàn”,...  Phật giáo Nam tông càng gần gũi và có mối quan hệ khăng khít với đời sống cộng đồng của người khmer Tây Nam Bộ, mà ngôi chùa Khmer được coi là điểm hội tụ.

Trong phum, sóc của đồng bào người Khmer, ngôi chùa có ý nghĩa rất quan trọng. Chùa thường được xây dựng trên một khu đất cao, thoáng mát, nằm ở trung tâm của phum, sóc để thuận tiện cho việc đi lại hành lễ của các tín đồ. Kiến trúc chùa Khmer, ngoài chánh điện để thờ Phật, còn có các công trình khác vừa gắn với việc tu học của sư sãi, phật tử, lại vừa thiết thực phục vụ các hoạt động khác trong đời sống người dân, như: Tam quan, sala - nơi sinh hoạt lễ hội của các tín đồ, nơi tập trung đồng bào để bàn bạc các công việc chung của phum, sóc. Chùa nào cũng có Thư viện, phòng học - phục vụ việc tu học của các sư sãi và học tập của con em trong phum sóc, tháp, lò hỏa táng, khi các tín đồ, Phật tử qua đời,... Như vậy, các công trình trong khuôn viên chùa Khmer không chỉ phục vụ các sinh hoạt tôn giáo thuần túy và đời sống tu hành của sư sãi, mà chùa cũng chính là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, giáo dục, đào tạo cho cộng đồng dân cư tại phum, sóc.

Chùa Phật giáo Nam tông Khmer còn được coi như ngôi từ đường chung của phum, sóc, vì khi chết, xác được hỏa táng tại chùa, sau đó tro cốt được rước về thờ ngay trong chùa, vĩnh viễn được ở bên Đức Phật. Cứ mỗi năm đến ngày lễ Đôn-ta, vào giữa tháng 9 dương lịch (30-8 âm lịch), dân trong phum, sóc dù có đi làm ăn xa  cũng trở về chùa để lễ Phật và thắp hương tưởng nhớ tổ tiên, những người đã sinh thành và dưỡng dục mình, nay đã về với Đức Phật. Đây là một nét đẹp văn hóa mang dấu ấn đặc trưng của đạo đức Phật giáo, khiến ngôi chùa trở thành nơi cố kết và gắn bó giữa những người đã khuất và những người còn sống, giữa thế hệ cha ông và thế hệ con cháu.

Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình như ma chay, cưới hỏi, làm nhà… luôn có sự tham gia trực tiếp hay sự hướng dẫn của các sư trong chùa. Trong các lễ hội của cộng đồng (hoặc có nguồn gốc từ Phật giáo, hoặc có nguồn gốc từ dân gian) đều thể hiện rõ rệt vai trò của nhà sư và ngôi chùa Khmer.

Sự ảnh hưởng của nhà chùa và văn hóa Phật giáo tới cộng đồng người Khmer vùng ĐBSCL là rất sâu sắc. Trước hết, đó là ngôn ngữ và chữ viết. Trong lịch sử phát triển của dân tộc Khmer, nhà chùa luôn là nơi đào tạo những tri thức dân gian cho con em trong phum, sóc. Người vào chùa tu học tiếp thu các kiến thức văn hóa thông qua chữ Khmer, được học kinh sách, tụng niệm bằng tiếng Khmer, Pali. Với người Khmer, các ngôn ngữ này được coi là những ngôn ngữ thiêng liêng, chỉ dùng trong tụng niệm và là phương tiện chuyển tải những nội dung cao cả trong kinh điển Phật giáo.

Trong Phật giáo Nam tông Khmer, mọi tu sỹ phải luôn đề cao chức năng giáo dục, trong đó việc giáo dục cho tín đồ, phật tử, con em trong cộng đồng được coi là một nội dung quan trọng mà sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer phải có trách nhiệm cao cả thực hiện. Vì thế, người tu hành trong Phật giáo Nam tông Khmer là người thầy thực sự. Trong các trường chùa, các lớp bổ túc Pali, nội dung được đưa vào giảng dạy là chữ Pali, giáo lý, văn hóa, nghề thủ công và cả đạo đức nhân cách cho cộng đồng tín đồ. Các lớp học trong chùa do chính các sư đảm trách, họ được gọi là các sãi giáo. Vì vậy, các vị sư được cộng đồng kính trọng; tiếng nói, ý kiến của sư tăng về những công việc chung luôn luôn được mọi người dân trong phum, sóc tin tưởng, nghe theo. Các vị sư Khmer còn góp phần quan trọng vào việc duy trì, phát triển các giá trị đạo đức xã hội tốt đẹp qua việc lấy chính đạo hạnh và đức độ của mình trong cuộc sống làm gương cho xã hội, mà trước hết là trong cộng đồng người Khmer ở ĐBSCL.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đã có nhiều vị sư  xung phong tòng quân diệt giặc, trong số đó đã có những vị anh dũng hy sinh, như các Hòa thượng Hữu Nhem, Hòa thượng Sơn Vọng,...

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, các vị cao tăng, chức sắc trụ trì chùa được đồng bào dân tộc Khmer tín nhiệm, tin tưởng, tham gia tích cực cùng chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền đồng bào phật tử nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia hòa giải các vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân. Sư sãi và các vị chức sắc ở mỗi Phum, sóc thực sự là cầu nối giữa chính quyền với dân, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với nhân dân.

2. Một số vấn đề nảy sinh và giải pháp phát huy vai trò của Phật giáo Nam tông trong quản lý xung đột xã hội ở các tỉnh Tây Nam Bộ

Thứ nhất, một số chức sắc, nhà tu hành Phật giáo Nam tông chưa có ý thức chính trị cần thiết, chưa có uy tín trong cộng đồng.

Do Phật giáo Nam tông Khmer ở Việt Nam có mối liên hệ mật thiết với Phật giáo Campuchia, sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer ở các tỉnh Tây Nam Bộ, nhất là ở Trà Vinh, Sóc Trăng.v.v.. thường xuyên qua lại Campuchia để thăm thân, tham gia các khóa đào tạo, sinh hoạt tôn giáo... Song, một số sư sãi khi xuất cảnh không thông qua chính quyền và tổ chức Hội ở địa phương, chưa đề cao ý thức cảnh giác, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nên bị các thế lực thù địch lợi dụng với ý đồ chống phá chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Các thế lực đó tuyên truyền, xuyên tạc về lịch sử vùng đất Tây Nam bộ, kích động đồng bào dân tộc và sư sãi Khmer ở Việt Nam ly khai, sáp nhập vào Campuchia, đòi thành lập nhà nước Khmer Krom; chia rẽ khối đoàn kết giữa người Khmer và người Kinh, người Hoa...

Thực tế cho thấy, mọi diễn biến chính trị ở Campuchia đều có tác động trực tiếp đến một bộ phận đồng bào Khmer và các sư sãi Khmer ở các tỉnh ở Tây Nam Bộ. Ở địa phương nào, các vấn đề kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc Khmer còn khó khăn, thiếu ổn định, chính quyền cơ sở chưa thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc, chưa quan tâm giáo dục ý thức công dân, nhất là ý thức dân tộc - quốc gia cho bà con và các sư sãi Khmer thì càng bị các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc làm ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, tình cảm và lòng tin của đồng bào và sư sãi đối với Đảng, Nhà nước.

Một số sư nói tiếng phổ thông chưa sõi, sử dụng chữ Pali chưa thành thạo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, dẫn đến hạn chế trong việc tiếp nhận và truyền đạt giáo lý; phổ biến các chủ trương, chính sách; tổ chức các hoạt động tôn giáo cho tín đồ.

Thứ hai, công tác quản lý và giữ mối liên hệ thường xuyên giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc với chức sắc, nhà tu hành, chức việc từng lúc, từng nơi chưa được thực hiện tốt.

Việc phân công, phân cấp trong vận động, tranh thủ chức sắc, nhà tu hành, nhất là những vị chức sắc có uy tín, tầm ảnh hưởng rộng trong huyện, tỉnh, khu vực nhiều nơi chưa cụ thể, do vậy chưa phát huy tốt vai trò của chức sắc, nhà tu trong việc vận động đồng bào Khmer xóa bỏ những tập tục lạc hậu, tiếp thu các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, khắc phục tư tưởng ỷ lại đối với Nhà nước, tâm lý thụ động để vươn lên. Một số chức sắc trụ trì chùa, nhất là chức sắc trẻ chỉ quan tâm đến việc tu hành, nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế. Việc xây dựng đội ngũ chức sắc, nhà tu hành làm nòng cốt trong các phong trào quần chúng của địa phương cũng như các tổ chức chính trị - xã hội trong đồng bào dân tộc Khmer ở nhiều nơi chưa thật sự được chú trọng.

Thứ ba, công tác quản lý nhà nước đối với Phật giáo Nam tông Khmer đôi lúc còn thiếu chặt chẽ, nhất là việc quản lý người nhập tu và xuất tu, tạo kẽ hở cho các phần tử phản động thâm nhập hoạt động phá hoại làm ảnh hưởng đến sư sãi và phật tử, tác động đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương, ảnh hưởng xấu đến chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

Thứ tư, đời sống tín đồ nhìn chung còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer còn cao, tạo điều kiện để các thế lực tù địch đẩy mạnh những hoạt động gây chia rẽ dân tộc với âm mưu, thủ đoạn ngày càng phức tạp và tinh vi hơn. Các tổ chức Khmer Campuchia Krom vẫn thường xuyên tổ chức hội họp, tập hợp và kích động, xuyên tạc lịch sử, đòi thành lập Nhà nước tự trị Khmer Campuchia Krom; phát tán tài liệu (băng, đĩa, sách, báo,…) trái phép vào vùng đồng bào Khmer nhằm tuyên truyền gây chia rẽ, hận thù dân tộc, lôi kéo sư sãi. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, nhiều mâu thuẫn, tranh chấp đất đai trong đồng bào dân tộc và một số chùa Khmer đã diễn ra, nếu giải quyết không tốt, các thế lực thù địch sẽ lợi dụng kích động, gây bất ổn định chính trị - xã hội.

Thứ năm, kinh sách phục vụ cho việc dạy và học của sư sãi và phật tử còn thiếu, do đó, các đối tượng bên ngoài thông qua các mối quan hệ nhân thân để gửi kinh sách và tiền đầu tư xây dựng, sửa chữa chùa đã ít nhiều tạo ra tư tưởng trông chờ vào sự tài trợ bên ngoài trong một bộ phận sư sãi và tín đồ phật tử. Đặc biệt, gần đây, các nhóm phản động nước ngoài ở Campuchia, trong đó có Ủy ban điều phối Khmer Campuchia Krom gửi tiền về để trùng tu chùa, qua đó gây thanh thế, ảnh hưởng đối với các ngôi chùa nhận viện trợ này, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Thứ sáu, mô hình hoạt động của  Hội đoàn kết sư sãi yêu nước và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại địa phương còn có những bất cập, thiếu thống nhất giữa các địa phương. Chẳng hạn, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước ở Sóc Trăng chỉ tổ chức ở hai cấp (cấp tỉnh và cấp huyện); trong khi ở Kiên Giang và Trà Vinh lại tổ chức ở ba cấp (tỉnh - huyên - xã). Việc tổ chức chi hội cơ sở tại Trà Vinh và Kiên Giang cũng khác nhau, Trà Vinh tổ chức theo xã, phường, thị trấn; Kiên Giang tổ chức theo chùa. Ở các địa phương khác như Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước chỉ tổ chức ở cấp tỉnh, không có ở cơ sở.

Đối với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại địa phương, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý, Nhà nước không hỗ trợ ngân sách hoạt động thường xuyên. Cả hai tổ chức này đều có chức năng, nhiệm vụ đào tạo sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer; ở nhiều nơi, việc học tập của các sư sãi phải có sự giới thiệu của Ban Chấp hành Hội đoàn kết sư sãi yêu nước... Do đó, rất khó khăn trong việc triển khai thực hiện công tác đào tạo sư sãi, mặc dù đa số sư sãi đều tham gia hai tổ chức này.

Thời gian gần đây, một số phật tử Khmer Tây Nam Bộ đã bỏ đạo gốc Phật giáo Nam tông Khmer đi theo các đạo khác. Hiện số người đi theo các đạo khác là trên 1.800 người, chiếm 0,16% dân số Khmer. Từ đó, gây ra những mâu thuẫn, xung đột về tôn giáo ngay trong nội bộ cộng đồng. Thậm chí, cùng một gia đình nhưng các thế hệ, các thành viên khác nhau lại đi theo các tôn giáo khác nhau. Từ mâu thuẫn tôn giáo dẫn đến những sự va chạm về lợi ích, quan điểm... tạo ra những nguy cơ gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Như vậy, Phật giáo Nam tông ở Tây Nam Bộ đang đứng trước những biến đổi, những thách thức không nhỏ. Làm thế nào để phát huy vai trò của Phật giáo Nam tông và hạn chế những mặt tiêu cực cản trở quá trình phát triển là vấn đề đòi hỏi phải có lời giải. Phát huy vai trò của Phật giáo Nam tông cũng chính là khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của đồng bào Khmer, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Các giải pháp sau đây có thể là lời giải cho vấn đề này:

- Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đây là giải pháp nền tảng bởi, mọi xung đột trước hết bắt nguồn từ đời sống khó khăn của đồng bào. Từ khó khăn về kinh tế dẫn đến những sự dao động trong niềm tin, trong nhận thức và là cớ để lực lượng thù địch lôi kéo.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để đồng bào nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; quản lý chặt chẽ những “kênh” thông tin mà kẻ địch thường sử dụng để truyền bá quan điểm, luận điểm xuyên tạc, phản động. Làm tốt công tác dự báo những tình huống phức tạp nảy sinh về tư tưởng chính trị để có biện pháp giải quyết phù hợp, hiệu quả.

- Chủ động ngăn chặn, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực thông tin, truyền thông. Nâng cao trình độ của đội ngũ làm công tác tư tưởng, thông tin và truyền thông; quản lý hiệu quả công tác thông tin truyền thông.

- Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn; xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống xã hội, phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, xây dựng lực lượng cốt cán, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, trong cộng đồng Phật giáo Nam tông.

- Phát huy vai trò của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các cấp, Ban Quản trị các chùa và người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động của Hội, nội dung hoạt động cần bám sát nhiệm vụ chính trị của từng địa phương; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ sư sãi tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Đặc biệt phải đào tạo một đội ngũ sư sãi trẻ có trình độ phật pháp, có kiến thức xã hội, mang văn hóa Khmer, ý thức tự giác tộc người và lòng yêu nước cũng như trách nhiệm công dân. Chú ý cơ cấu hợp lý các vị giáo phẩm, cao tăng, chức sắc phật giáo Nam tông Khmer trong các tổ chức, tránh cùng một lúc đảm nhiệm nhiều việc trong nhiều tổ chức khác nhau nhằm giúp các vị có đủ thời gian hoàn thành nhiệm vụ, toàn tâm, toàn ý với công việc, với cương vị mà các vị chức sắc, giáo phẩm đảm nhận.

- Quan tâm đầu tư, hỗ trợ xây dựng trường Trung cấp Pali - Khmer và các trường Phổ thông dân tộc nội trú, trường dạy nghề cho đồng bào dân tộc; xây dựng chương trình, quy chế thống nhất về nội dung giảng dạy, tuyển sinh đối với các trường.

- Đầu tư nâng cao chất lượng các cơ sở y tế, nhất là các trạm y tế xã, đội ngũ y sĩ, bác sĩ là người dân tộc Khmer. Tiếp tục rà soát các chùa Phật giáo Nam tông Khmer có thành tích trong kháng chiến, các loại hình nghệ thuật, các lễ hội truyền thống của người Khmer đề nghị công nhận di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; kết hợp với việc xây dựng nhà văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ sửa chữa, trùng tu các chùa Phật giáo Nam tông Khmer có thành tích qua các thời kỳ cách mạng.

- Tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Khmer, báo chí tiếng Khmer… Đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của đồng bào.

- Hỗ trợ việc xuất bản kinh sách cho Phật giáo Nam tông Khmer (đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và được triển khai từ năm 2004), để tránh việc sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer phải sang Campuchia, Thái Lan nhập kinh sách về. Đây là một kẽ hở cho một số tổ chức phản động như tổ chức Khmer Camphuchia Krom lợi dụng để lôi kéo sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tiếp cận các chính sách, các dịch vụ xã hội trợ giúp pháp lý cho đồng bào Khmer, các chương trình, dự án, quỹ đầu tư có mục tiêu và chính sách hỗ trợ người nghèo nhằm bảo đảm đầu tư có hiệu quả, đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, tránh lãng phí, tiêu cực.

 - Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo và thực hiện Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới.



Nguồn: lyluanchinhtri.vn