259 lượt xem

Vị Đại tá tình báo huyền thoại trở về từ “địa ngục trần gian” (Kỳ 2)

Vị Đại tá tình báo huyền thoại trở về từ “địa ngục trần gian” (Kỳ 2)

Cuối năm 1957, trong khi đang làm nhiệm vụ, cố Đại tá Nguyễn Minh Vân bị địch bắt do có người chỉ điểm. Ông đã phải nếm đủ các kiểu tra tấn trong nhà lao nhưng không hề hé răng nửa lời. Biết đòn roi không thể chiến thắng được tinh thần thép của người chiến sĩ tình báo, chúng quay sang tìm mọi cách dụ dỗ ông “chuyển hướng”. Thế nhưng, trong cuộc đấu trí với tên bạo chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn, ông lại là người chiến thắng...


Rơi vào tay kẻ thù

Cố Đại tá Nguyễn Minh Vân từng kể rằng: “Ngày mùng 1 tháng 6 năm 1956, tôi nhận nhiệm vụ từ cơ quan Tình báo Chiến lược ngoài Hà Nội vào Huế để nắm mạng lưới điệp báo miền Trung. Tuy nhiên, tôi nằm ở rừng già Trường Sơn trên đất Quảng Nam một thời gian dài mà cơ quan an ninh của Khu uỷ 5 không đưa tôi xuống Huế được vì địch đang đẩy mạnh chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” rất ác liệt, đánh phá dữ dội vào các tổ chức của ta trên khắp địa bàn. Tôi và đồng chí Thái Hựu mắc võng giữa rừng, nằm cạnh nhau suốt một năm trời để chờ thời cơ xuống đồng bằng hoạt động”. 

Như đã nhắc đến ở kỳ 1 của bài viết, vào cuối tháng 6 năm 1957, Minh Vân xuất phát từ căn cứ Trung Mang, trên đất Quảng Nam, xuống núi đi vào đô thị để hoạt động. “Tôi được giao một cơ sở nội tuyến là công chức cấp cao trong một cơ quan ngụy quyền Trung ương. Cơ sở này là anh Nguyễn Tuyên, đã làm việc với một cán bộ khác của Khu uỷ nhưng không đạt được hiệu quả như ta mong muốn nên Khu quyết định trao lại cho tôi. Sau vài lần gặp gỡ, anh ấy đã vui vẻ cộng tác với tôi và cung cấp tin tức rất tốt. Anh ấy còn tạo điều kiện cho tôi “tiếp xúc thân mật” với người em ruột là Nguyễn Huỳnh, đang làm Tỉnh trưởng tỉnh Mộc Hóa. Cuộc nói chuyện của tôi với Nguyễn Huỳnh đạt kết quả tốt, có nhiều hứa hẹn. Có lẽ đó là việc mà người phụ trách mạng lưới trước tôi chưa làm được. Mấy năm sau, viên Tỉnh trưởng này được đề bạt nhanh và trở thành một tay chân thân tín của Diệm, tiếc thay tôi đã bị bắt chỉ hai tháng sau ngày được gặp y”, Đại tá Minh Vân nhớ lại.

Có thể nói, vào thời điểm Minh Vân đến nhận bàn giao cơ sở, phong trào “tố cộng, diệt cộng” ở Huế do Ngô Đình Cẩn (em ruột Ngô Đình Diệm) chỉ đạo ngày càng tàn ác. Vì vậy, đến giữa năm 1957, Thường vụ Khu uỷ nhất trí với cơ quan Tình báo chiến lược Trung ương phải cho Minh Vân chuyển vùng vào Sài Gòn để nắm một lưới điệp báo đặc biệt của Khu. 

Công việc của Minh Vân đang bắt đầu có hiệu quả thì ngày mùng 1 tháng 11 năm 1957, Minh Vân bị bọn Mật vụ Miền Trung vào bắt, do có sự đầu hàng khai báo của một số cán bộ cơ sở trong mạng lưới mà Minh Vân mới được bàn giao.

Ngay lập tức, chúng tống Minh Vân vào nhà giam của Tổng nha Công an nguỵ quyền. Sau khi tra tấn khốc liệt mà không đạt hiệu quả gì, địch chuyển Minh Vân sang Trại giam đặc biệt P.42 của Mật vụ Ngô Đình Nhu (em trai Ngô Đình Diệm), đây là nơi tra khảo hỏi cung tù nhân theo kiểu Mỹ, có cố vấn Mỹ đi sát chỉ đạo nên các đòn của chúng vô cùng độc ác và nguy hiểm như kiểu bắt tù nhân đứng nhiều ngày đêm dưới 2 ngọn đèn cao áp cỡ khoảng 500 oát, không ăn, không uống, không ngủ, hễ khuỵu chân xuống là bị chúng đám đá cho đến khi tù nhân lăn ra bất tỉnh thì mới thôi. 

Tuy nhiên, kết quả mà chúng thu được từ việc tra tấn người chiến sĩ cách mạng kiên trung Nguyễn Minh Vân vẫn chỉ là sự im lặng. Rồi tháng 2 năm 1958, chúng đưa Minh Vân ra Huế, giam vào Lao xá Ty Công an Thừa Thiên, nơi tên “bạo chúa” Ngô Đình Cẩn và bọn mật vụ miền Trung của hắn bắt đầu thực hiện một âm mưu rất xảo quyệt gọi là “chính sách cải tạo và sử dụng người kháng chiến cũ” núp dưới danh hiệu bịp bợm là “chuyển hướng”. 

Đối đầu với Ba Cẩn!

Lúc đó, có kẻ đã khai báo cho Cẩn biết rõ chức vụ của Minh Vân trong ngành tình báo ở miền Bắc và lý lịch nguồn gốc của Minh Vân là gia đình quan lại nên Cẩn ra sức mua chuộc người chiến sĩ ấy bằng mọi cách. Vào một đêm tháng 3 năm 1958, tên Giám đốc Công an Trung phần Lê Khắc Duyệt mang xe Mercedes đến Lao xá Ty Công an Thừa Thiên, đưa Minh Vân đi gặp trực tiếp Ngô Đình Cẩn tại nhà nghỉ mát của hắn ở Thuận An. Đó là một ngôi nhà rất đẹp, làm nổi trên mặt nước. Thấy Minh Vân, tên Ngô Đình Cẩn ra vẻ thân thiết lắm, còn Duyệt thì hiểu ý tránh ra ngoài hành lang. 

Cẩn bắt đầu dụ dỗ: “Tôi biết, cụ thân sinh của bạn từng là một vị quan lớn trong Triều đình Huế, là người có khí phách ngang tàng. Tôi rất kính trọng cụ. Bạn xứng đáng với truyền thống gia đình, bạn hãy về đây cộng tác với chúng tôi…”. Hắn nói rất nhiều, nhưng Minh Vân đều bỏ ngoài tai, dứt khoát không ngả theo chính sách “chuyển hướng” mà hắn đã bày đặt ra. 

Ít lâu sau, vào khoảng tháng 5 năm 1958, Lê Khắc Duyệt lại đưa Minh Vân đi gặp Cẩn lần nữa, lần này là tại nhà riêng của hắn ở Phủ Cam. Vẫn giọng điệu kêu gọi Minh Vân từ bỏ con đường cộng sản, nhưng lần này hắn lại nói thêm, nếu Minh Vân từ bỏ con đường theo Việt Minh và chịu đến sống chung với những người “chuyển hướng” ở Trại Toà Khâm một thời gian thì hắn sẽ trả tự do cho Minh Vân mà không bắt Minh Vân phải làm việc cho hắn. Để hắn tắt tia hy vọng, Minh Vân kiên quyết: “Tôi không thể theo các ông, đó là danh dự cá nhân và cả gia đình tôi. Tôi không thể để người ta coi thường vợ con tôi, phỉ nhổ tôi vì đã đầu hàng theo các ông”.

Không thể lôi kéo được người chiến sĩ tình báo Nguyễn Minh Vân về phía mình, ngày 8 tháng 8 năm 1961, Ngô Đình Cẩn hạ lệnh cho quân đưa Minh Vân sang Trại giam Mang Cá, nhốt vào biệt phòng, rồi ngày 10 tháng 11 năm 1961, chúng đưa Minh Vân đến tử ngục Chín Hầm. 

Minh Vân bị bịt mắt, bị đẩy lên một chiếc xe Jeep, xe chạy vòng vèo ra khỏi thành phố, đi lên phía núi. Khi tới nơi, chúng nhảy xuống xe mở cửa sắt ầm ầm, kéo Minh Vân đi vào một cái hầm sâu, tối đen như mực khiến Minh Vân có cảm giác như đang đi vào một hang núi đá. Dồn sâu vào bên trong, chúng mở cửa một buồng giam đẩy người chiến sĩ cách mạng vào, tháo băng bịt mắt cho Minh Vân và đóng sầm cửa lại, khoá chặt.

“Khi bọn chúng đã rút hết, chỉ còn một mình trong bóng tối mịt mùng, tôi hoàn toàn không biết mình đang ở đâu, chẳng biết có phải là ngục nhốt tử tù hay nhà mồ âm phủ!... Sau này tìm hiểu, tôi mới biết đó là khu vực Chín Hầm, nằm dưới chân núi Thiên Thai, cách Đàn Nam Giao khoảng vài cây số. Chín cái hầm đấy do thực dân Pháp xây để cất giấu vũ khí trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, nhằm chống lại Nhật. Khi Cách mạng Tháng 8 thành công, bộ đội ta vào lấy hết vũ khí và hầm bị bỏ trống. Đến thời kỳ Ngô Đình Cẩn làm “chúa tể” miền Trung, hắn đã biến những hầm ấy thành ngục tối để nhốt những người tù cộng sản gan góc nhất, khu vực Chín Hầm trở thành vùng cấm, nhân dân không được đến gần”, theo lời cố Đại tá Minh Vân kể.

Minh Vân bị giam ở hầm số 8, không hề biết gì về các hầm khác. Hầm số 8 được chia thành 20 xà lim, dãy bên trái từ ngoài vào có 10 xà lim đánh số từ 1 đến 10, dãy bên phải có 10 xà lim được đánh số từ 11 đến 20. Minh Vân ở xà lim số 13. Chiều rộng của mỗi xà lim chưa đầy 1m, chiều dài khoảng 2m, chiều cao khoảng 1,8m. Như vậy là chỉ vừa 1 người nằm. 

Ở nhiều nhà tù khác, một ngày ít nhất tù nhân cũng được ra ngoài 1 lần đi vệ sinh, thế nhưng tất cả những người tù đã bị đưa vào nơi này là cách ly hoàn toàn với cuộc sống ngoài xã hội, không còn được nghe gì, thấy gì cuộc sống trên mặt đất, không gian của họ chỉ là 2 mét khối không khí của cái chuồng tăm tối, hôi hám, ngạt thở trong lòng đất.  

Minh Vân hiểu rằng mình đã bị đẩy vào địa ngục trần gian để nếm mùi thử thách mới, chưa từng thấy trên đời và người chiến sĩ cách mạng kiên trung ấy đã lấy hết nghị lực, sẵn sàng đối phó với âm mưu xảo quyệt của chính quyền Ngô Đình Cẩn…

(Theo lời kể của cố Đại tá Nguyễn Minh Vân lúc sinh thời)


Hồng Hà