Đời cô Lựu
Nguồn: Sưu tầm
Vở Đời cô Lựu đã phơi bày trên sân khấu những thảm cảnh lớn của xã hội ta dưới thời Pháp thuộc.
Khi thực dân Pháp đã hoàn thành bước xâm lược bằng bạo lực quân sự và chuyển sang bình định để khai thác thuộc địa, thì chúng dựa vào cơ cấu xã hội có sẵn để củng cố, duy trì ách thống trị của chúng. Chúng tạo ra một tầng lớp địa chủ quan liêu, ban phát cho bọn này những đặc quyền đặc lợi về mặt chính trị và kinh tế, biến bọn này thành bạn đồng minh trung thành, tay sai đắc lực của chúng. Hội đồng Thăng là một trong số đó. Bọn này dựa vào thế lực kẻ cướp nước, ra sức phục vụ chúng, đàn áp nông dân, vừa để tâng công với các quan thầy, vừa để thỏa mãn những quyền lợi riêng. Nông dân bị khổ sở trăm bề là do bọn này gây ra.
Mở đầu vở Đời cô Lựu, ta thấy xuất hiện ngay Hội đồng Thăng. Lúc này, Hai Thành và Lựu không ở nhà, chỉ có bọn học trò của Hai Thành (Hai Thành biết chữ Nho nên dạy thêm bọn trẻ). Y vờ hỏi việc học hành vài câu rồi sai bọn học trò đi coi xem con ngựa của y có còn buộc ở ngoài cổng không. Thừa lúc trong nhà không có ai, y đem khẩu súng giấu vào trong buồng. Lát nữa, bọn cảnh sát ập đến khám nhà, tìm thấy khẩu súng và bắt Hai Thành bị kết án tù vì tội đứng đầu một đảng chính trị chống Pháp, đêm nào cũng hội họp rất đông ở nhà Hai Thành. Sở dĩ vụ này bị phát giác là vì có thư tố cáo.
Khớp các việc đã xảy ra với nhau, ta thấy rõ đây là thủ đoạn của Hội đồng Thăng. Y viết thư tố cao, y bỏ súng vào nhà Hai Thành.
Hành vi của bọn tay sai cho đế quốc thực dân là như thế. Chúng rình mò, tố cáo những ai có tư tưởng yêu nước chống Pháp. Nếu cần, chúng vu cáo để tỏ ra là mẫn cán, đắc lực. Cứ xem cách Hội đồng Thăng bỏ súng vào nhà Hai Thành thì đủ biết nó làm việc này không phải là lần đầu, nó đã thành thạo trong nghề chó săn này.
Ta cũng nên chú ý đến nội dung bức thư tố giác: Nhà Hai Thành đêm nào cũng hội họp rất đông người, Hai thành là đầu đảng, trong nhà có tang vật. Tên Hội đồng Thăng đã đánh trúng vào tâm lý của bọn cai trị, chúng rất sợ các tổ chức của Nhân dân chống chúng. Và những lời tố cáo ấy cũng có cơ sở: Hai Thành biết chữ và có dạy học, biết bốc thuốc chữa bệnh giúp bà con, nên bà con yêu mến hay chạy lại chơi. Như vậy thư tố giác ghi là đêm nào cũng hội họp đông người là đúng.
Ra trước toà án, Hai Thành bị kết án hai mươi năm tù Côn Đảo. Tất cả những điều trên đã được thuật lại trong lời Hương lão.
(Ca Tây Thi)
Dè đâu sớm mai một ngày kia
Lính tráng tới bao vây
Hiệp với hương quản làng sở tại
Lấy cớ rằng họ rơi thơ
Nói có đây hội họp anh em
Đêm nào cũng tụ tùng rất đông
Lại nói có làm đầu mối nguy
Làng họ nghi có nó làm quốc sự
Lúc xét khắp trong ngoài
Thật là hoạ phước nan lường
Họ tóm nhằm cây súng lục
Với giấy tờ truyền đơn
Đủ cả các cớ bằng
Mãi tới sau mới rõ lại
Bởi tại họ oán thù
Nhưng đủ bằng cớ phải ở tù
Vì vậy mà sự nghiệp phải tan hoang.
Năm 1926, cuốn Đường Kách Mệnh của Nguyễn Ái Quốc được viết ra để giáo dục cán bộ và đồng bào trong nước về mục đích, ý nghĩa, phương hướng, phương pháp làm cách mạng.
Sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, ngọn cờ phản đế phản phong, ngọn cờ giải phóng dân tộc đã chuyển qua tay giai cấp vô sản, quần chúng nông dân đi theo con đường của giai cấp công nhân được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác-Lênin. Phong trào công nhân lớn mạnh mau chóng trong những năm 1928, 1929, 1930, đưa đến sự kiện lịch sử trọng đại: thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930.
Sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, bọn thực dân vừa căm thù vừa hốt hoảng, chúng thi hành một chương trình khủng bố trắng. Chúng lùng bắt giam cầm, tù đày, sát hại những người yêu nước. Chúng điều lính tráng, cho máy bay ném bom, đến triệt hạ những nơi mà chúng tình nghi là có cơ sở cách mạng. “Thà giết oan một nghìn người còn hơn là để thoát một tên cộng sản”, đó là chủ trương của chúng. Chỉ cần có kẻ nào đó “rơi thơ” tố giác ai đó, nhà nào, tức là “lính tráng tới bao vây, hiệp với hương quản làng sở tại để bắt”. Vụ anh Hai Thành là một trong rất nhiều vụ đã xảy ra.
Nhằm uy bức tinh thần cô Lựu – mà đó cũng là sự thật – Hội đồng Thăng đã nói về chế độ đối với tù: “Thím phải biết rằng ai mà rủi ro lọt vào trong khám rồi thì ma cũ ăn hiếp ma mới, nếu không có tiền lo lót thì mặc sức cho họ khảo. Nhiều người bị giam trong ấy ít lâu, tới chừng toà xử, dầu có trắng án mà về nhà đi nữa rồi cũng mang bệnh, có người phải ho xuất huyết là khác nữa”.
Trong câu chuyện với Hương lão, Hai Thành nói ít nhiều về cuộc sống của những người tù Côn Đảo “dày dặn nắng sương, nhưng cháu ngờ đâu đã đành cam vùi gởi xương ngoài Côn Lôn hải đảo… Trải bao nỗi gian lao, chịu bao nhiêu điều cực nhục, mưa gió đổi thay mấy độ… trọn mười chín năm, khi đầu ghềnh khi cuối bãi… bách chiết thiên ma, tấm thân tiều tuỵ, cái phong độ ngày xưa còn đâu nữa…”.
Trong những lời nói của Hai Thành với Lựu, chế độ tù Côn Đảo cũng được miêu tả qua một số nét. “Biển cả mò nghêu, rừng sâu đập đá… chan cơm bằng nước mắt, tắm mát bằng mồ hôi, nai lưng hứng những cái đá thoi, cắm cổ chịu đủ lằn roi vọt, gian lao, khổ sở cực nhọc trăm điều…”.
Hòng tiêu diệt tư tưởng yêu nước cách mạng trong đầu óc những người dân thuộc địa, bọn thực dân Pháp đã thi hành một chính sách cực kỳ dã man đối với những người tù chính trị. Chế độ nhà tù của chúng ta là một thủ đoạn huỷ diệt con người về cả hai mặt vật chất và tinh thần. Đó là một cách giết người dần dần, phi tang chứng cứ, để tránh sự phẫn nộ của dư luận tiến bộ.
“Để củng cố duy trì chế độ xâm lược của chúng, đế quốc Pháp phải dựa vào giai cấp đương có thế lực trong Nhân dân là giai cấp địa chủ, cho bọn này làm quan làng (hầu hết bọn quan làng trong Nam Bộ đều là địa chủ) làm hội đồng. Bọn này dựa vào thế lực của Pháp càng bóc lột nông dân thậm tệ, khai thác thêm đất đai của nông dân. Như vậy, thực dân Pháp đã biến một số địa chủ thành địa chủ quan liêu, bọn này áp bức bóc lột nông dân để tập trung thêm đất đai. Đồng thời thực dân Pháp cho những tay sai đắc lực của chúng cướp đất đai của nông dân, khai phá đất mới, trở thành những địa chỉ… Thế là đất đai tập trung bằng cách hình thành một lớp địa chủ quan liêu tay sai của Pháp.
Ruộng đất càng tập trung thì vấn đề nhân công càng trở nên vấn đề then chốt của địa chủ.
Muốn bảo đảm vấn đề then chốt ấy, địa chủ phải biến những người nông dân phá sản thành những nhân công thường xuyên dính liền với mảnh đất của địa chủ. Người nông nô đã bị pháp luật, uy quyền buộc chặt vào đất đai của địa chủ nên địa chủ còn để nông nô. Muốn buộc họ vào đất đai của mình, địa chủ phải tìm mọi cách làm cho đời sống của họ khốn khổ thêm. Tình hình đời sống của tá điền khổ hơn nông nô. Bọn địa chủ cột chặt đời sống của tá điền vào ruộng rất không phải hằng ngày hằng tháng mà suốt đời, từ đời cha đến đời con, bằng cách chồng chất lên đầu tá điền một trăm thứ nợ.
“Đi qua vùng Hậu Giang, chúng ta thấy những tòa nhà gạch to rộng mênh mông của địa chủ, xung quanh có hàng ngàn nhà tranh lá xiêu vẹo của tá điền mà người ta gọi là “nhà đá” nghĩa là đá một cái là đổ. Trong những năm thuộc Pháp, Nhật, có những người con gái của tá điền 15, 16 tuổi không có áo che thân có người phải tự tử, có gia đình vợ chồng con cái chỉ có một cái quần”.
Còn nữa
Nguồn: Nghiencuulichsu.com