494 lượt xem

Võ Tánh

Danh tướng Võ Tánh, người trấn thủ thành Quy Nhơn

Danh tướng Võ Tánh sinh tại huyện Phước An, tỉnh Biên Hòa (Nam Kỳ). Ông nội của Võ Tánh được truy tặng chức Cai cơ, cha đẻ được phong làm Chưởng cơ còn anh trai ông giữ chức Cai cơ.


Lăng Võ Tánh trong di tích thành Hoàng Đế. (Sưu tầm)

Vào năm Giáp Thìn (1783), khi quân Tây Sơn tiến vào Gia Định, Nguyễn Ánh phải lánh nạn ở Băng Cốc. Trong thời gian này, tại Phù Viên (Gia Định), Võ Tánh tích cực tìm cách tuyển mộ những người hiền tài, tận tâm với nhà Nguyễn và cùng anh mình là Võ Nhàn xây dựng lực lượng để chiến đấu chống lại quân Tây Sơn.

Các thủ lĩnh Tây Sơn thường nói với nhau rằng Gia Định là nơi sinh sống của 3 vị anh hùng trong đó có Võ Tánh và lệnh cho quân không được tấn công họ.

Sau khi cho người thăm dò và hiểu được ý định thực sự của Võ Tánh, Nguyễn Ánh cho mời Võ Tánh tới gặp, phong cho ông chức Khâm sai Chưởng Cơ Tiên Phong Doanh vì đã đánh bại quân Tây Sơn và gả cho em gái là công chúa Ngọc Du.

Võ Tánh là một người tài năng, lại giỏi binh nghiệp. Những chiến công hiển hách của ông khiến Nguyễn Ánh vô cùng ngưỡng mộ và không tiếc lời khen ngợi: “Một vị tướng vĩ đại sánh ngang với các anh hùng huyền thoại. Đó là tài sản quý báu của quốc gia”.

Trong trận tiến đánh thành Diên Khánh chiếm được phủ thành, đánh bại tướng Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đã phải thốt lên rằng: “Trước một kẻ nổi loạn liều lĩnh và tàn bạo như Tây Sơn Diệu mà khanh vẫn giữ được và bảo vệ nguyên vẹn thành. Đúng là gió lớn mới biết cỏ cứng, sóng to mới biết người vững tay chèo”.

Năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Ánh cầm quân đi đánh Quy Nhơn và giành thắng lợi trước quân Tây Sơn. Đại quân đã chiếm thành Bình Định và bắt giữ hơn 6.000 quân Tây Sơn. Vui mừng trước chiến thắng này, nhiều danh tướng muốn tiếp tục tiến quân vào Phú Xuân (Huế), tuy nhiên, theo lời khuyên của Võ Tánh - người cho rằng đây là cuộc phiêu lưu khá mạo hiểm vì quân binh vẫn còn khá mệt, Nguyễn Ánh rút về Gia Định đồng thời giao thành Bình Định cho Võ Tánh và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ.

Nghe tin này, hai tướng Trần Quang Diệu và Võ Văn Dõng [Võ Văn Dũng-ND] đem quân thủy bộ tấn công thành Bình Định đồng thời áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm chặn đường quân chi viện. Võ Tánh phái Lê Chất tới Gia Định để báo cáo tình hình cho Nguyễn Ánh biết. Lúc này, thành Bình Định đã bị quân Tây Sơn bao vây. Do tin tưởng vào Võ Tánh và đại quân của mình đồng thời dự tính lương thực trong thành còn đủ một năm nên Nguyễn Ánh không gửi quân cứu viện, ông muốn chờ đến mùa xuân mới điều lực lượng thủy quân tới giải vây.

Vào năm Canh Thân (1800), nhận được tin quân tăng viện đến cảng Cù Mông, Võ Tánh liều mạng đem quân ra đánh và ít nhiều đã gây tổn thất cho quân Tây Sơn. Mặc dầu vậy, ông vẫn không thể nào đánh đuổi được đội quân này ra khỏi vị trí cố thủ. Về phần mình, quân tăng viện cũng không tới được thành và như vậy không giúp ích gì cho lực lượng bị bao vây.

Năm Tân Dậu (1801), quyết tâm hy sinh thành Bình Định để cứu ái tướng và đại binh, Nguyễn Ánh gửi mật tín lệnh cho Võ Tánh rời thành và rút lui. Nhưng, cho rằng mọi lối thoát đều đã bị chặn và cách duy nhất là giao chiến, tức là quân lính khó thoát khỏi cuộc tàn sát, Võ Tánh tấu lên chúa Nguyễn như sau: "Lúc này, trọng binh Tây Sơn đang đóng ở Bình Định, lực lượng ở Phú Xuân rất mỏng. Thời cơ đang đến, thần khẩn cầu chúa thượng dẫn quân ra chiếm Phú Xuân và như vậy sẽ dễ dàng giành thắng lợi. Nếu cái chết của thần mà đổi lại được thành Phú Xuân, thần cũng cam lòng, và thần tin rằng việc đó sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc cứu mạng thần”.

Nguyễn Ánh vô cùng xúc động khi đọc bức huyết thư này và không thể nào đưa ra quyết định hy sinh vị ái tướng của mình. Song, các cận thần đã giải thích cái được và cái mất để chúa Nguyễn am tường hơn và cuối cùng cũng đã thuyết phục được vị chúa này.

Do đó, chúa Nguyễn đã để lại một lực lượng nhỏ ở Thị Dã, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Văn Thành để tiến hành chiến tranh du kích chống lại quân địch và để tăng cường cho đội quân của Võ Tánh trong trường hợp cần thiết. Nguyễn Ánh cũng lệnh cho lực lượng thủy binh và bộ binh tiến về hướng Phú Xuân.

Để báo cho đội quân bị vây hãm biết đại quân đã lên đường, theo thỏa thuận, một ngọn đuốc lớn được thắp trên đỉnh núi cao. Khi đó, Võ Tánh sẽ ra ngoài để thu hút sự chú ý của quân địch.

Vừa giải vây thành Phú Xuân xong, chúa Nguyễn lập tức gửi quân cứu viện xuống Bình Định. Tuy nhiên, vừa tới Quảng Ngãi, đội quân, dưới sự chỉ huy của Lê Văn Duyệt và Tống Viết Phúc, nhận được tin thành Bình Định thất thủ.

Sau một thời gian dài bị vây hãm, nguồn lương thực cạn kiệt, đội quân bị đói khát và thiếu thốn đủ thứ. Trước tình cảnh đau lòng này, Võ Tánh quyết định gửi thư cho Trần Quang Diệu, thủ lĩnh Tây Sơn với nội dung như sau: “Tướng quân thua trận mà chết là việc của ta, quân lính không có tội gì, chớ nên giết hại họ”. Đối với quân sĩ, ông nói: “Ta rồi cũng sẽ chết nhưng để giặc không nhìn thấy mặt ta, ta muốn phóng hỏa tự thiêu”.

Lúc đó, Võ Tánh cho dựng lầu Bát Giác, vài ngày sau, ông mặc triều phục rồi ung dung bước lên lầu. Trước khi sai thuộc hạ lấy rơm củi chất dưới lầu Bát Giác, ông gửi lời cảm ơn đầy xúc động đến quân sĩ như sau: “Trong hai năm qua, nhờ đức hy sinh và lòng dũng cảm của các vị mà ta đã giữ được thành trước một kẻ thù hùng mạnh. Nay trong thành lương ăn đã hết, các vị cũng đã sức cùng lực kiệt, ta không thể tiếp tục cuộc chiến được nữa. Vì vậy, để các vị không phải chịu đau khổ và hy sinh cuộc sống của mình một cách vô ích, ta sẽ chết”. Sau khi Võ Tánh dứt lời, toàn bộ tướng sĩ đã chắp tay cúi lạy. Ông ra hiệu cho tướng sĩ rút lui đồng thời trao súng hỏa mai cho Nguyễn Văn Thành và nói: “Ngươi hãy trao cây súng này cho tướng Diệu và nói với ông ta rằng ta giao toàn bộ mạng sống của binh lính vào tay ông ta”. Sau đó, Võ Tánh quay về phía Nguyễn Văn Biên yêu cầu phóng hỏa. Nguyễn Văn Biên không cầm nổi nước mắt, ông đã lánh đi chỗ khác để không phải thực hiện nhiệm vụ nặng nề này. Khi đó, Võ Tánh bình thản châm ngòi tự thiêu.

Cùng lúc đó, Thống binh Nguyễn Tấn Huyện kêu:“Đại tướng quân, tiểu tướng muốn đi theo Ngài”, nói rồi ông nhảy vào khối lửa đang cháy rừng rực.

Hai ngày trước khi chết, chính Võ Tánh đã tự tay chôn cất Tham tri Ngô Tùng Châu - người đã đoán được ý định cho dựng lầu Bát Giác của Võ Tánh khi ông tới thỉnh mệnh và để không còn mắc nợ, Ngô Tùng Châu đã uống thuốc độc tự vẫn lúc trở về nhà.

Võ Tánh mất, quân Trần Quang Diệu lặng lẽ tiến vào thành và kính cẩn nghiêng mình trước lầu Bát Giác còn đang cháy dở. Y theo lời thỉnh nguyện của địch thủ mà ông vô cùng ngưỡng mộ, Trần Quang Diệu đã không xử tội hay giết hại hàng binh nhà Nguyễn.

Võ Tánh đã hy sinh thân mình để cứu đại quân và giúp chúa Nguyễn giành lại thành Phú Xuân. Như vậy, hành động anh hùng của ông không phải là vô ích và ông là người có công lớn đối với tổ quốc.

Xót xa trước sự ra đi của Võ Tánh, vua Gia Long đã nói với các cận thần của mình rằng: “Võ Tánh sánh ngang với các anh hùng huyền thoại như Trương Tuần, Hứa Viễn.v.v... Ta lệnh cho Tổng trấn thành Gia Định coi sóc gia đình của Võ Tánh và truy tặng vị đại tướng quân này là Dực Vận Công Thần, Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, Thượng Trụ Quốc, Thái Úy Quốc Công, Thụy Trung Liệt. Triều đình sẽ lo việc thờ cúng ông và cho lập một ngôi đền thờ Võ Tánh tại chính nơi mà ông đã hy sinh để trả nợ nước nhà”.

Hàng năm, đại diện chính quyền Pháp và người dân Bình Định đều tới ngôi đền này để tưởng nhớ vị tướng quân anh hùng Võ Tánh.

Lăng mộ Võ Tánh tại Quy Nhơn. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. Nguồn: Sưu tập

 Tổng hợp: SGT Group