275 lượt xem

Vũ Trọng Phụng

  VŨ TRỌNG PHỤNG


Khác biệt với những nhà văn cùng thời, Vũ Trọng Phụng không dịu dàng sương khói như Thạch Lam, không chua xót đớn đau như Ngô Tất Tố, ông chọn cho mình một lối đi khác.

Có thể nói trong suốt cuộc đời cầm bút ông đã đem văn chương và cuộc đời hòa vào làm một, tạo ra một thế giới sống động đầy tính hiện thực.

Vài nét về thân thế của Vũ Trọng Phụng

Ông sinh năm 1912 quê tại Hưng Yên trong một gia đình rất nghèo khó nhưng suốt cuộc đời lớn lên và sinh sống ở Hà Nội, mất cha từ khi mới bảy tháng tuổi, một mình mẹ vất vả nuôi ăn học.
 

( Hình ảnh Vũ Trọng Phụng). Nguồn: Sưu tập
 

Ông may mắn được hưởng thụ chế độ giáo dục mới của thực dân Pháp tại Việt Nam, được dạy bằng tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ tuy nhiên hết tiểu học thì phải nghỉ để đi làm kiếm sống.

Những thăng trầm trong sự nghiệp của “ông vua phóng sự Bắc Kỳ”

Là nhà báo, nhà văn xuất sắc, người ta biết đến Vũ Trọng Phụng với danh xưng “ông vua phóng sự Bắc Kỳ” với hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng như Số đỏ, Giông tố Làm đĩ. Nhưng ít ai biết rằng đằng sau thành công ấy ông đã trải qua cuộc đời đầy biến cố và sóng gió.

Vũ Trọng Phụng chưa từng được học qua bất kì trường lớp đào tạo viết lách nào hết, có chăng chỉ là những năm tháng ít ỏi ở bậc tiểu học giúp ông biết được cái chữ.

Sau khi thôi học, Vũ Trọng Phụng làm việc cho nhà hàng Gô Đa và nhà in Viễn Đông trước khi chuyển hẳn sang nghề làm báo và bắt đầu con đường viết văn chuyên nghiệp.

Tác phẩm đầu tiên của ông là truyện ngắn Chống nạng lên đường, được đăng trên tờ Ngọ Báo vào năm 1930 nhưng chưa nhận được sự chú ý từ độc giả, từ đây Vũ Trọng Phụng bắt đầu theo đuổi con đường văn chương chuyên nghiệp, ông viết một vài tác phẩm.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Vũ Trọng Phụng cộng tác với những tờ báo như Nhật tân, Ngọ báo, Tiểu thuyết thứ bảy, Hải Phòng tuần báo và Hà Nội báo.

Ba năm sau, phóng sự đầu tiên của ông là Cạm bẫy người được in trên báo Nhật Tân đã gây được sự quan tâm, người ta bắt đầu chú ý đến cái tên Vũ Trọng Phụng bởi một lối viết mới lạ và độc đáo.

Tiếp nối đó là hàng loạt các phóng sự như Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, Lục sì, Dân biểu và dân biểu, Vẽ nhọ bôi hề Một huyện ăn tết đã thành công đưa tên tuổi của ông ghi dấu trong văn đàn với thứ văn chương mới mẻ, giọng điệu sắc sảo, hài hước và hiện thực.

Không phải là người mở đầu nghiệp phóng sự nhưng với tài năng thiên bẩm, Vũ Trọng Phụng được bạn bè trong giới mệnh danh là “ông vua phóng sự Bắc Kỳ” khi mới chỉ ở độ tuổi đôi mươi.
 

(Tuyển tập phóng sự Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy tây, Cơm thầy cơm cô, Lục xì). Nguồn: Sưu tậ

 

Không chỉ thành công ở mảng phóng sự, ông còn dịch sách, viết gần bốn mươi truyện ngắn, bảy tác phẩm kịch và chín tiểu thuyết, trong đó tiểu thuyết được xem là thành công lớn nhất trong suốt sự nghiệp cầm bút.
.
Ngòi bút của Vũ Trọng Phụng nở rộ và đạt đến đỉnh cao vào năm 1936, với sự ra đời lần lượt của bốn tiểu thuyết chỉ trong vòng một năm, đó là Giông tố, Vỡ đê, Số đỏ Làm đĩ.  

 
(Khối lượng tác phẩm đồ sộ của Vũ Trọng Phụng). Nguồn: Sưu tập

 

Với khối lượng tác phẩm lớn và ngòi bút sắc sảo, khôn ngoan, ông được đánh giá là một nhà văn xuất sắc, là một trong những người đi đầu của dòng văn học hiện thực phê phán, có ảnh hưởng lớn và sâu rộng đến nhiều cây bút sau này.

Vũ Trọng Phụng là thiên tài nhưng lại yểu mệnh

Sống bằng nghề cầm bút xong cuộc đời của ông chưa bao giờ dễ dàng.

“Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu”

Mượn lời của Xuân Tóc Đỏ, một nhân vật trong tiểu thuyết Số đỏ, Vũ Trọng Phụng sinh ra trong một gia đình cơ cực, suốt cuộc đời luôn trong cảnh túng bấn. Phải nuôi bà nội và mẹ già nên dẫu lao động cật lực, ngòi bút làm việc không ngừng nghỉ ông cũng không đủ tiền để nuôi gia đình.

Ông từng cay đắng và chua xót tâm sự với Vũ Bằng:

“Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này.”

Cái nghèo bám riết Vũ Trọng Phụng không buông, đến cả những năm tháng cuối đời bị mắc lao phổi, rồi ra đi cũng là trong cảnh túng thiếu, ông mất khi mới hai mươi bảy tuổi đúng lúc sự nghiệp đang ở đỉnh cao.

Nhiều người từng nhận xét về Vũ Trọng Phụng giống như một ánh sao băng rực rỡ vụt sáng giữa văn đàn Việt Nam nhưng rồi cũng giống như cuộc đời, sự nghiệp văn chương của ông cũng có nhiều thăng trầm khó nói.

Ngòi bút trào phúng độc đáo của ông từng nhận được nhiều đánh giá trái chiều, nhiều cuộc tranh luận cùng những phản bác nổ ra, cho rằng văn chương của ông dâm đãng, nhồi nhét quá nhiều thứ xấu xa và tệ hại của đời người.
 

( Tiểu thuyết Vỡ Đê của Vũ Trọng Phụng). Nguồn: Sưu tập
 

Sống kiếp nghèo cay đắng nhưng đạo đức và nhân phẩm của ông vẫn rất thanh bạch, ấy vậy mà trong văn chương ta thấy một thế giới rất khác, một thế giới thực đến cay nghiệt với những sự thật tàn khốc về tâm tính của con người.

Ông để lại khối lượng tác phẩm đồ sộ ở cả ba mảng là kịch, tiểu thuyết và truyện ngắn. Người đọc có lẽ đã quá quen thuộc với bộ tứ tiểu thuyết nổi tiếng là Giông tố, Vỡ đê, Số đỏ Làm đĩ. Ngoài ra ông còn phải kể đến các tiểu thuyết khác như Dứt tình, Lấy nhau vì tình, Trúng số độc đắc Quý phái.

Thời gian cầm bút không nhiều nhưng Vũ Trọng Phụng vẫn kịp để lại cho đời hàng loạt những truyện ngắn mang đầy tính nhân văn và phản ánh hơi thở của thời đại như Chống nạng lên đường, Quý phái, Một cái chết, Bà lão lòa, Quyền làm bố, Cuộc vui có ít, Hai hộp xì gà Cái hàng rào.

Đó phải chăng chính là cách mà Vũ Trọng Phụng trả thù đời, trả thù kiếp nghèo, viết để quên đi thực tại đớn đau?

Văn chương sắc sảo, hài hước và hiện thực

Sớm mưu sinh và những năm tháng làm báo đem đến cho Vũ Trọng Phụng cơ hội tiếp xúc với nhiều hạng người, nhiều mảnh đời trong xã hội, từ đây giúp ông có cái nhìn bao quát và toàn diện, đem đến cho ông sự từng trải dẫu chỉ mới ở tuổi đôi mươi.

Khác với nhiều nhà văn cùng thời, Vũ Trọng Phụng không quan tâm xã hội biến đổi hay đả phá chế độ thực dân, cái ông quan tâm duy nhất chính là con người, điều đó được thể hiện rõ nhất trong bốn tiểu thuyết Giông tố, Vỡ đê, Số đỏ Làm đĩ.

Độc giả dễ dàng nhận ra số phận con người trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đều có một điểm chung, đó là đều được khai thác một cách toàn diện dưới mọi khía cạnh.

Những tâm tính ẩn sâu trong con người, tốt đẹp hay thiện ác, xấu xa hay đê tiện cũng đều được ông dùng ngòi bút sắc sảo của mình soi chiếu
 

Nếu những tác giả cùng thời tập trung khai thác hình ảnh con người là những nạn nhân của chế độ thì Vũ Trọng Phụng đem đến một góc nhìn khác hơn, mới hơn, đó là sự tha hóa của con người trước thời cuộc.

Những nhân vật trong văn chương của ông không có ai hoàn toàn ác, hoàn toàn thiện. Vũ Trọng Phụng không tốn công chia thế giới thành hai nửa tốt và xấu rõ rệt, thủ phạm và nạn nhân rạch ròi mà để cho người đọc tự cảm nhận.

Và người ta thấy hiện lên trong từng trang văn của ông không chỉ là sự tha hóa, hoen ố dần dần của con người trước buổi ly loạn mà thông qua đó, là hiện thực về xã hội, chế độ được lồng ghép khéo léo và tinh tế.

Vũ Trọng Phụng thể hiện cái nhìn đầy cay nghiệt của mình với cuộc đời thông qua giọng văn đầy trào phúng và châm biếm. Thông qua từng con chữ người ta như thấy ông đang nhếch mép khinh bạc với thói đời, với xã hội kệch cỡm, với cái nghèo khó túng quẫn.

Và tình cảm dành cho lớp người nghèo khổ trong xã hội

Với lối viết trào phúng sâu cay, ông được mệnh danh là Balzac của Việt Nam. Vũ Trọng Phụng căm hờn, uất hận, phỉ báng những xấu xa đê tiện của một xã hội cũ nát nhưng đồng thời cũng dành một tình cảm không nhỏ cho những kiếp người bất hạnh trong xã hội.

Trong các tác phẩm của mình, ông luôn đấu tranh và bênh vực những người lao động, những người nghèo khổ đến cùng. Ngòi bút của ông đã vạch trần đến cùng những lố lăng và kệch cỡm của xã hội cũ, lên tiếng đòi hỏi một xã hội công bằng hơn cho những kiếp người bé nhỏ.

Thời gian cầm bút ngắn ngủi hai mươi bảy năm nhưng Vũ Trọng Phụng đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, ông đã cống hiến hết cuộc đời và sinh mạng cho nghề viết, ghi dấu ấn tên tuổi lên văn đàn Việt Nam.

Tổng Hợp: SGT Group