250 lượt xem

Vua Dục Đức

Dục Đức, ông vua vắn số của triều Nguyễn

Vua Dục Đức tên là Nguyễn Phúc Ưng Chân, sinh năm 1853, con thứ hai của Nguyễn Phúc Hồng Y (con trai thứ tư của vua Thiệu Trị). Ông được vua Tự Đức chọn làm con nuôi, đến năm 1870 thì ban dụ chọn làm Hoàng trưởng tử.
Vua Tự Đức cho xây Dục Đức Đường ở phía đông Hoàng Thành làm nơi ăn ở và học hành của Ưng Chân, giao cho Lệ Thiên Anh hoàng hậu trông coi việc dạy bảo. Sau khi vua Tự Đức băng hà (19.7.1883), triều đình nhà Nguyễn lâm vào thế rối ren. Chỉ trong bốn tháng (từ tháng 7 đến tháng 11.1883), ngai vàng triều Nguyễn đã ba lần đổi chủ: Dục Đức - Hiệp Hòa - Kiến Phúc. Vì thế nên bấy giờ ở Huế lan truyền hai câu thơ: Nhất giang lưỡng quốc ngôn nan thuyết. Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường Một sông, hai nước, lời khó nói. Bốn tháng, ba vua, điềm chẳng lành).

Lợi dụng tình hình này, thực dân Pháp mở cuộc tấn công vào cửa biển Thuận An. Quan quân triều Nguyễn anh dũng chống trả nhưng do chênh lệch lực lượng nên bị thất bại. Triều đình buộc phải nghị hòa với Pháp. Sau cùng, thực dân Pháp ép triều Nguyễn ký Hòa ước Quý mùi với những điều khoản rất bất lợi cho triều Nguyễn và gia tăng quyền lực cho Tòa Khâm sứ ở Huế, cho phép Khâm sứ Trung Kỳ trực tiếp can dự vào chính sự nước ta.
Vua Tự Đức muốn người nối ngôi phải thật sự tài năng và đức độ nên thường để ý xem xét hành vi của Ưng Chân, trong khi Ưng Chân ham chơi, phóng túng nên thường bị vua Tự Đức quở trách.

Năm 1883, vua Tự Đức phong cho Ưng Chân tước Thoại Quốc công. Tháng 7.1883, vua Tự Đức đau nặng, cho triệu quần thần vào công bố di chiếu truyền ngôi cho Ưng Chân. Vì muốn cảnh tỉnh Ưng Chân và mong người kế vị sẽ đi theo con đường thiện, nên trong di chiếu truyền ngôi có đoạn viết: “(Việt dịch) [ Ưng Chân] có tật ở con mắt nên hành vi mờ ám, sợ sau này thiếu sáng suốt, tính lại hiếu dâm cũng là điều chẳng tốt, chưa chắc đã đảm đương được việc lớn. Nước có vua lớn tuổi là điều may cho xã tắc, nếu bỏ đi thì biết làm sao đây?” (Nguyễn Phúc tộc thế phả, 1995, tr. 371).

Vua giao cho Hội đồng phụ chính gồm Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, phối hợp với Miên Định và Miên Trinh (đều là Hoàng tử, con của vua Thiệu Trị) lo can ngăn những điều sai quấy của người kế vị. Cả ba vị trong Hội đồng phụ chính đều dâng sớ xin vua Tự Đức lược bỏ đoạn di chiếu không hay về Ưng Chân nhưng vua không đồng ý, cho rằng viết như thế là để cảnh tỉnh Ưng Chân.

Sau khi vua Tự Đức băng hà, Ưng Chân triệu tập quần thần ở điện Quang Minh, nói: “V ua là bậc đứng đầu trăm họ, phải là người có đạo đức đứng đầu, di chiếu của Tiên đế, vì lo cho trăm họ, nên có lời răn bảo nghiêm khắc như trên. Ngày nay việc nước khó khăn, quan hệ ngoại giao căng thẳng, nếu để lời di chiếu lan truyền thì quân Pháp sẽ tìm cớ gây rắc rối, mà các lân bang cũng xem thường, với tình hình như vậy, đình thần giải quyết ra sao?”, rồi đề nghị bỏ đoạn di chiếu trên.

Đình thần tâu: “ Hội đồng phụ chính đã tâu xin bỏ nhưng Tiên đế không chịu”. Ưng Chân lại yêu cầu các quan suy nghĩ thêm để tìm cách “tránh hại cho việc nước”.

i quan tài rơi xung làm nơi yên ngh ca vua 

Ngày làm lễ tấn tôn Ưng Chân lên ngai vàng, Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành tuyên đọc di chiếu, đến đoạn văn trên thì không đọc, liền bị Tôn Thất Thuyết đàn hặc, phải dừng đọc. Tôn Thất Thuyết cử Tham tri Nguyễn Trọng Hợp đọc lại di chiếu, rồi kết tội Ưng Chân. Họ dâng biểu hạch tội lên cho Lưỡng cung là Thái hoàng thái hậu Từ Dũ và Hoàng thái hậu Lệ Thiên Anh, quy kết Ưng Chân ba tội: Muốn sửa di chiếu - Có đại tang mà mặc áo màu - Hư hỏng chơi bời.

Ba ngày sau lại thiết triều, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tuyên bố phế bỏ Ưng Chân theo lệnh của Lưỡng cung. Đình thần không ai dám nói gì, chỉ có quan ngự sử Phan Đình Phùng đứng lên phản đối, liền bị Tôn Thất Thuyết bắt giam, rồi cách chức đuổi về quê.

Ban đầu Ưng Chân bị giam ở Dục Đức Đường, về sau dời sang giam ở Thái Y Viện, rồi ngục thất phủ Thừa Thiên, đến tháng 10.1884 thì chết do bị bỏ đói. Do chưa kịp đặt niên hiệu, nên người đời sau đã lấy tên Dục Đức Đường, là nơi ở và cũng là nơi giam cầm ông, để gọi ông là vua Dục Đức.

Sau khi mất, thi hài của vua Dục Đức được gói trong một chiếc chiếu, do hai người lính và một viên quyền suất đội gánh đi chôn. Trên đường đi, chiếc “quan tài” bằng chiếu này bị đứt dây rơi xuống cạnh một khe nước cạn ở đầu làng An Cựu. Một người lính chạy vào chùa Tường Quang mời ni sư trụ trì ra xử lý vụ việc. Mọi người nhất trí chọn nơi chiếc quan tài rơi xuống làm nơi yên nghỉ của vua vì cho rằng đó là đất “thiên táng” và chôn cất qua loa cho xong chuyện. Ba ngày sau, vợ con của nhà vua mới được thông báo để làm lễ chịu tang. Nấm mộ đất cạnh khe nước cạn, lại không người chăm sóc nên nhanh chóng tàn lụi.

Năm 1889, con trai của vua Dục Ðức là Nguyễn Phúc Bửu Lân được đưa lên làm vua, lấy niên hiệu là Thành Thái. Theo chỉ dẫn của những người am tường sự việc, vua Thành Thái đã tìm được nơi chôn cất thi hài của vua cha và cho xây dựng lăng mộ ngay tại mảnh đất “thiên táng” này. Lăng xây xong vào đầu năm 1890, đặt tên là An Lăng, nhưng chưa có điện thờ. Mọi nghi lễ thờ cúng vua Dục Ðức đều được tổ chức ở chùa Tường Quang cách đó 200 m. Năm 1899, vua Thành Thái cho xây thêm điện Long Ân bên phải lăng mộ để làm nơi thờ cúng vua Dục Đức, cùng các công trình phụ trợ. Sau khi bà Từ Minh (chính phi của vua Dục Ðức) tạ thế, triều đình mai táng thi hài của bà bên phải mộ vua Dục Ðức.

Năm 1892, vua Thành Thái truy tôn Dục Đức là Cung Tông Huệ hoàng đế. Tuy nhiên, do vua Dục Đức bị phế truất, nên linh vị của ông không được đưa vào thờ trong Thế Tổ Miếu ở Đại Nội Huế như các vị vua Nguyễn khác.

Thanhnien.vn