271 lượt xem

Dương Đình Nghệ

Dương Đình Nghệ – Thân thế, gia đình và sự nghiệp
 


Nguồn: sưu tầm.

Dương Đình Nghệ sinh ngày 10 tháng 10 năm Giáp Ngọ (874) là con thứ hai của cụ Dương Đình Thiện thuộc gia đình hào phú ở Long Vĩ, Châu Cổ Pháp, Bắc Ninh. Khoảng năm 894 di cư về làng Giàng, Dương Xá Châu Ái nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
 
Vốn là một hào trưởng ở Châu Ái, giàu có, nhiều thế lực, lại có lòng yêu nước thương dân nên đã ngưỡng mộ sự nghiệp giành quyền tự chủ của Họ Khúc và Họ Khúc cũng phải dựa vào thế lực của Dương Đình Nghệ để quản lý thâu suốt Ái Châu. Từ đó ông trở thành bộ tướng của Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ.
 
Mùa thu năm 923 vua Nam Hán sai kiêu tướng Lý Khắc Chính đem quân đánh Giao Châu bắt được Khúc Thừa Mỹ đem về. Dương Đình Nghệ lấy tư cách là tướng cũ của Khúc Hạo tập hợp quân sĩ đánh bại Lý Khắc Chính. Lý Khắc Chính phải chạy về Nam Hán. Chúa Nam Hán muốn chiêu dụ tạm phong tước cho Dương Đình Nghệ và bảo “Dân Giao Châu hay nổi loạn nên chỉ có thể ràng buộc lỏng lẻo mà thôi”.
 
Sau nhà Nam Hán sai Lý Tiến sang làm Thứ sử cùng với Lý Khắc Chính đóng giữ Giao Châu ở Tống Bình (Hà Nội). Nhưng quyền lực của bọn Lý Tiến và bè lũ thực tế không ra khỏi thành Tống Bình; ở các địa phương các tướng lĩnh họ Khúc, các Hào trưởng vẫn giữ quyền cai quản nhân dân mình. Lợi dụng tước vị được tạm phong, Dương Đình Nghệ cai quản Ái Châu, ngày đêm quyết chí tiếp tục sự nghiệp khôi phục quyền tự chủ cho đất nước. Ông đã nuôi 3000 nghĩa sĩ, luyện tập võ nghệ chuẩn bị lực lượng tập hợp nhân tài về làng Giàng, Dương Xá, Thiệu Hóa, Thanh Hóa, biến nơi này thành trung tâm kháng chiến, nơi tụ nghĩa của các anh hùng hào kiệt: Ngô Quyền từ Đường Lâm (Sơn Tây), Đinh Công Trứ từ Trường Châu (Ninh Bình), Phạm Bạch Hổ từ Đằng Giang (Hưng Yên). Tất cả đã đưa gia quyến và lực lượng của mình hợp lực với Dương Đình Nghệ chuẩn bị chống giặc suốt một thời gian dài 9 năm (từ năm 923 đến 931).
 
Lý Tiến biết việc này cho người về cấp báo với chúa Nam Hán. Tháng 12 năm Tân Mùi (931) mùa đông, Dương Đình Nghệ liền kéo đại quân vây đánh Lý Tiến chiếm thành Đại La, thủ phủ của quân Nam Hán. Mũi tiến quân chủ lực do Ngô Quyền chỉ huy, một mũi khác do Dương Tam Kha (con Dương Đình Nghệ) nắm đã kịp thời phối hợp với lực lượng của Đinh Công Trứ vây đánh quyết liệt Đại La. Thứ sử Lý Tiến vội cấp báo về Quảng Châu cầu cứu, chúa Nam Hán sai Thừa Chí Trần Bảo đem quân cứu viện. Viện binh địch chưa sang đến nơi, thành Đại La đã rơi vào tay Dương Đình Nghệ. Tướng giặc là Lý Khắc Chính bị giết tại trận, Thứ sử Lý Tiến vội vàng phá vòng vây đem tàn quân tháo chạy về nước. Khi viện binh địch ồ ạt kéo sang, Dương Đình Nghệ chủ động rời thành đem quân phục kích những nơi hiểm yếu và tấn công các doanh trại dã ngoại của địch. Trước sự tiến công vũ bão của quân ta, quân Nam Hán hoàn toàn tan rã, tướng Trần Bảo bị giết, lực lượng còn lại bị quân ta truy kích chạy tán loạn về nước. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Dương Đình Nghệ đã thắng lợi trọn vẹn. Họ Dương đã khôi phục lại nền tự chủ của nước nhà.
 
Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ cai quản đất nước, năm 931, Ngô Quyền – con rể của Dương Đình Nghệ được cử trôm nom Ái Châu, Đinh Công Trứ (Bố Đinh Bộ Lĩnh) được cử làm Thứ sử Châu Hoan. Với tầm nhìn chiến lược, sáng suốt trong 6 năm (931 – 937) ông đã tập trung sức lực xây dựng lực lượng kháng chiến về mọt mặt, tiếp tục thực hiện các cải cách dưới thời họ Khúc, tổ chức lại các cấp hành chính từ Trung ương xuống địa phương, vươn xuống tổ chức cơ sở của xã hội (giáp, xã) để tăng cường quyền lực của Nhà nước Trung ương, sửa lại chế độ điền tô, thuế má và lực dịch, bình quân thuế ruộng, xóa bỏ lực dịch, lập sổ hộ khẩu kê rõ quê quán, giao cho giáp trưởng trông coi. Về chính trị theo đạo lý của họ Khúc: “Chuộng khoan dung, giản dị, nhân dân đều được yên vui”. Bộ mặt đất nước bước đầu đã có chuyển biến thuận lợi, đời sống nhân dân dễ chịu hơn trước.
 
Đặc biệt Ông đã chọn đúng các nhân tài và trao cho họ trọng trách xây dựng, cai quản Châu Ái, Châu Hoan để tạo thành lực lượng lớn mạnh, mưu việc lâu dài của đất nước. Nhưng Ông đã bị tên nha tướng Kiều Công Tiễn, người Châu Phong ám hại. Nhân dân ta vô cùng căm phẫn, nổi lên chống lại tên phản bội. Kiều Công Tiễn vội cho người cầu cứu chúa Nam Hán. Khi nghe tin bố vợ bị Kiều Công Tiễn giết hại, nhà Nam Hán lại cho con là Vạn Vương Hoàng Thao đưa quân sang xâm lược nước ta, Ngô Quyền đã nhanh chóng tập hợp lực lượng, đem quân đi giết chết tên phản bội và đón đánh quân Nam Hán. Để đánh thắng quân xâm lược, Ông đã cho bố trí một trận địa cọc nhọn, bọc sắt cắm xuống lòng sông Bạch Đằng. Tháng 10 năm Mậu Tuất (11/938) các chiến thuyền của giặc hùng hổ vượt biển, tiến vào sông Bạch Đằng. Lợi dụng lúc thủy triều lên, quân ta nhử cho thuyền giặc vượt qua trận địa cọc sắt, đợi cho nước thủy triều xuống, quân ta bắt đầu tiến công dữ dội, đánh vỗ mặt và hai bên sườn, làm cho thuyền giặc phải tháo chạy đâm phải cọc nhọn bịt sắt, bị đắm gần hết. Hoàng Thao bị chém chết tại trận, quân ta giết và bắt sống hầu hết quân Nam Hán. Chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng cuối năm 938 đã kết thúc hoàn toàn thời kỳ mất nước kéo dài hơn 1000 năm dưới ách thống trị của phương Bắc. Chính nhờ có thế lực của Dương Đình Nghệ, đã tạo ra 6 năm cai quản đất nước và được Dương Đình Nghệ tin yêu, gả con gái là Dương Thị Như Ngọc và giao cho trọng trách, được rèn luyện thử thách nên Ngô Quyền (939-944), người anh hùng dân tộc đã làm nên sự nghiệp lớn lao, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của đất nước ta. Có thể khẳng định rằng không có Dương Đình Nghệ và lực lượng của Ông thì không có chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng cuối năm 938. Trong sự nghiệp chiến đấu vì nền tự chủ của nước nhà, bản thân Dương Đình Nghệ là một danh tướng dũng mãnh, mưu lược, kiên cường, bất khuất, nên khi mất, ở đền thờ Ông có câu đối:
 
“Dưỡng tam thiên nghĩa sĩ, dĩ phục thù băng băng kinh khí
Chưởng bát vạn hùng binh nhi xuất chiến lẫm lẫm uy danh”
 
Tạm dịch:
 
“Nuôi ba ngàn nghĩa sĩ để phục thù bừng bừng khí dũng
Cầm đầu tám vạn quân xuất trận lẫm lẫm uy danh”
 
Ngoài ra, các con trai, con gái của Ông là Dương Tam Kha, Dương Thị Như Ngọc đều một lòng vì nước, vì dân, có nhiều công lao với đất nước. Dương Tam Kha đã tham gia cùng cha đánh chiếm thành Đại La, đuổi giặc về nước, tham gia trận đánh trên sông Bạch Đằng với Ngô Quyền, chém đầu Hoàng Thao tướng giặc Nam Hán. Vì thế đền thờ Ông ở Cổ Lễ có câu đối:
 
“Khuông phù Ngô chủ, lập Nam bang, thiên thu hách tạc
Trảm diệt Hoàng Thao, bình Bắc khấu, lịch đại bao phong”
 
Tạm dịch:
 
“Dốc phù Ngô chủ, dựng nước Nam, nghìn thu hiển hách
Chém chết Hoàng Thao, trừ giặc Bắc, đời đời oai phong”
 
Sau khi bị Ngô Xương Văn phế truất tự xưng là Bình Vương và ban cho một vùng đất phía nam thành Cổ Loa, Dương Tam Kha với tước Trương Dương Công đã cải tạo vùng hoang hóa này thành vùng quê rộng lớn, tức là xã Chương Dương, huyện Thượng Phúc, Hà Đông cũ. Sau một thời gian, Dương Tam Kha đã đưa gia quyến về Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, Nam Định đổi tên là Dương Tùng Khuê. Ông đã dạy dân canh tác, đắp đê phòng lụt, khai khẩn sông ngòi, làm thủy lợi, tạo điều kiện cho nhân dân sản xuất. Sau khi Ông mất, dân làng lập đền thờ tôn làm “Dương cảnh phúc thần”.
 
Bà Dương Thị Như Ngọc, ái nữ của Dương Đình Nghệ là một phụ nữ có công lớn, giúp chồng (Ngô Quyền) lập đội nữ nương tử quân, tận tâm động viên lực lượng phụ nữ dốc tâm cứu nước. Khi Ngô Quyền xưng vua, Bà được lập làm Hoàng hậu. Khi Ngô Xương Văn lên ngôi (tức Nam Tần Vương 950 – 965) Bà là Hoàng Thái hậu. Nam Tần Vương cho người đi tìm người anh là Thái tử Ngô Xương Ngập trốn ở Nam Sách, đón về kinh đô và theo thỉnh cầu của Nam Tần Vương, được Dương Thái Hậu chuẩn tấu cả hai anh em cùng làm vua. Như vậy nước ta lúc đó có hai vua cùng cai trị đất nước. Bà Dương Thị Như Ngọc xứng đáng là “Mẫu nghi thiên hạ” đầu tiên của nước ta vừa giành được độc lập, đã nêu gương sáng là “Anh thư nữ kiệt”, xử lý việc nước tài tình, có hai vua là sự kiện hiếm thấy ở đời. Nó thể hiện sự sáng suốt và đức độ trong sáng cao đẹp của bà Dương Thị Như Ngọc.
 
Tóm lại, Dương Đình Nghệ là một hào trưởng lâu đời ở Ái Châu thuộc dòng họ tuấn tú, hào kiệt, có tinh thần yêu nước nồng nàn, sâu sắc, các con trai, con gái, con rể và cả cháu gái (Dương Vân Nga), cháu rể Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn (sau này) cùng 3000 con nuôi, đều dốc lòng vì nước, vì dân, bất chấp mọi gian khổ, hy sinh, trong hàng chục năm trời (từ 923 đến 938 đến 944) lo xây dựng, củng cố lực lượng, đánh thắng giặc ngoại xâm, xây dựng nền tự chủ, độc lập nước nhà, kết thúc 1000 năm đô hộ của phương Bắc, làm rạng rỡ non sông, đất nước Việt. Đó cũng là một gia đình, một dòng họ vì nước có một không hai ở đất nước ta cách đây hơn 1080 năm (923 – 2003). Dương Đình Nghệ thật sự là nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc, xuất chúng, có nhiều công trạng to lớn đối với đất nước, là một trong những người anh hùng đặt nền móng cho nền tự chủ, độc lập lâu dài của đất nước từ thế kỷ thứ X. Ông cũng là người khởi đầu sự nghiệp của Họ Dương đối với đất nước, tạo nên truyền thống yêu nước từ xa xưa, làm cơ sở tư tưởng cho dòng họ kế thừa và phát huy mãi về sau. Lịch sử đã nêu cao tên tuổi người anh hùng dân tộc Dương Đình Nghệ. Nhà sử học Lê Tung cuối thế kỷ thứ XV khi viết “Việt giám thông khảo luận” đã ghi công trạng của Ông: “Dương Chính Công (tức Dương Đình Nghệ) nghĩ đất đai của nước Việt bị Nam Hán thôn tính bấy lâu đã thu dụng hào kiệt, cả dấy ngàn quân, hai lần đánh bại tướng giặc, thu lại dư đồ”.
 
Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, thủ đô của nhiều triều đại, trái tim của cả nước, nơi hội tụ các tinh hoa của dân tộc, nhắc nhở ta càng cần sự tôn vinh xứng đáng công trạng của Dương Đình Nghệ và Dòng tộc họ Dương đã trọn đời, phấn đấu, hy sinh cho nền tự chủ, độc lập của đất nước, có công giải phóng thành Đại La năm 931 và sự trường tồn của dân tộc, làm vẻ vang cho non sông, đất nước ta.
 
Thiết thực nhớ ơn những anh hùng dân tộc đã có công với nước, với dân, mỗi người Việt Nam và Dòng tộc họ Dương cần ra sức phát huy truyền thống tốt đẹp, tích cực góp phần vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ và thiên niên kỷ mới.
 
Thiết nghĩ, Nhà nước cần biên tập lại lịch sử, truyền thống của dân tộc cho đầy đủ hơn và tạo dựng hệ thống thiết chế văn hóa truyền thống cơ sở, đền đài, đường phố, trung tâm tưởng niệm mang tên các anh hùng dân tộc, nhằm thông tin, giáo dục, để lại cho muôn đời các hậu thế kế tục, làm động lực tinh thần trong phát triển đất nước. 
 
Dương Văn Dật – UVTT HĐHDVN
Theo kỷ yếu “Hội thảo khoa học vai trò của các anh hùng dân tộc Khúc – Dương – Ngô ở thế kỷ thứ X”