273 lượt xem

Ý nghĩa biểu tượng hoa đăng trong Phật giáo

Ý nghĩa biểu tượng hoa đăng trong Phật giáo

Ánh sáng đèn tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ. Chúng ta tổ chức lễ hoa đăng với rất nhiều ngọn đèn sáng lung linh là để nhắc nhở mình hướng đến sự nghiệp khai mở trí tuệ. Ánh sáng trí tuệ sẽ soi tỏ đêm tối vô minh.
 

Nguồn: Sưu tập

Câu hỏi đặt ra là, tại sao chúng ta lại tổ chức lễ hoa đăng? Ánh sáng đèn tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ. Chúng ta tổ chức lễ hoa đăng với rất nhiều ngọn đèn sáng lung linh là để nhắc nhở mình hướng đến sự nghiệp khai mở trí tuệ. Ánh sáng trí tuệ sẽ soi tỏ đêm tối vô minh. Trong đêm tối, không thấy đường đi, chúng ta dễ bị sụp hầm, té hố. Nếu cầm một ngọn đèn để soi, chúng ta sẽ thấy rõ đường và tránh được những hầm hố.

Cũng vậy, vì vô minh, chúng ta không thấy được thực tướng của vũ trụ, nhân sinh, nên đắm chìm trong ngũ dục lục trần, tạo ra rất nhiều ác nghiệp, để rồi cuối cùng phải rơi vào ác đạo. Nếu có trí tuệ soi đường dẫn lối, chúng ta sẽ thấy được nhân sinh là khổ, vô thường, vô ngã, không; từ đó, không còn bị ngũ dục lục trần làm cho say đắm, chỉ tạo thiện nghiệp, thoát khỏi khổ đau, hướng đến con đường an vui, hạnh phúc và giải thoát.

Trong lễ hoa đăng, có nghi thức truyền đăng. Đây là phần rất quan trọng của buổi lễ. Truyền đăng nghĩa là truyền đèn. Vị thầy chủ lễ sẽ mồi đèn của mình từ ngọn đèn đang cháy trên bàn thờ Phật, rồi truyền xuống cho chư Tăng. Sau đó, chư Tăng tiếp tục truyền xuống cho các Phật tử tại gia. Ngọn đèn cháy sáng trên bàn thờ Phật tượng trưng cho trí tuệ của đức Phật. Quý thầy tiếp nhận ánh sáng trí tuệ của đức Phật, rồi truyền xuống cho mọi người, để tất cả đều thấy rõ được sự thật của cuộc đời này, có hướng đi đúng đắn, tránh những con đường đưa đến tội lỗi, sa đọa và khổ đau.

Đức Phật là một bậc đại trí. Chúng ta tổ chức lễ hoa đăng là để biểu thị sự tiếp nhận và truyền trao ánh sáng trí tuệ của đức Phật. Chữ “Phật” tiếng Phạn là “Buddha”, dịch nghĩa là người tỉnh thức, người giác ngộ. Mà người tỉnh thức và giác ngộ là người có trí tuệ. Trong mười danh hiệu của đức Phật (Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn), có những danh hiệu tôn vinh trí tuệ siêu việt của Ngài.

Chẳng hạn như: Chánh Biến Tri nghĩa là bậc thấy biết chân chính tất cả pháp. Minh Hạnh Túc nghĩa là bậc đầy đủ trí tuệ và từ bi. Thế Gian Giải nghĩa là bậc hiểu rõ mọi điều về thế gian. Vô Thượng Sĩ nghĩa là bậc trí không ai có thể vượt hơn. Điều Ngự Trượng Phu nghĩa là bậc có khả năng điều phục thành phần trí thức ở trong xã hội. Thiên Nhân Sư nghĩa là bậc thầy của trời và người. Rõ ràng, đức Phật là một bậc đại trí, nên Ngài mới có những danh hiệu như vậy.

Ở đây, cần nói rõ thêm rằng, mục đích của nghi thức truyền đăng là để nhắc nhở chúng ta học hỏi giáo pháp của Phật, thắp sáng trí tuệ của mình, không phải để cầu Phật ban trí tuệ cho mình. Sinh ra trên đời, nhờ có thầy giáo, chúng ta mới hiểu được các kiến thức về tự nhiên và xã hội. Chúng ta tiếp nhận kiến thức từ những người đi trước để mở rộng vốn hiểu biết của mình. Nếu không học hỏi, chúng ta không thể hiểu được bất cứ điều gì. Nhìn những người mù, chúng ta cảm thấy thương họ. Thế nhưng, đôi khi chúng ta có mắt mà lại như mù: mù về kiến thức, mù về Phật pháp…

Ví dụ, có người hỏi rằng, ở trong chiếc xe hơi có những bộ phận gì, hay ở trên mặt trăng có những thứ gì… chúng ta không biết, đó là mình mù về kiến thức khoa học. Hoặc là, có người hỏi rằng, loại bệnh này phải chữa trị như thế nào, hay loại bệnh kia phải kiêng cữ những gì… chúng ta không biết, đó là mình mù về kiến thức y học. Hoặc là, có người hỏi rằng, cuộc đời đức Phật ra sao, hay đức Phật đã dạy những gì… chúng ta không biết, đó là mình mù về Phật pháp.

Trong cuộc sống, nếu mù về kiến thức, chúng ta dễ bị lừa gạt. Ví dụ, nghe người ta nói lời ngon ngọt, mình đưa tiền cho họ, rốt cuộc bị họ lấy hết. Hoặc là, chúng ta dễ bị thất bại. Ví dụ, mình đầu tư vào một ngành nghề nào đó nhưng lại không có kiến thức chuyên môn, rốt cuộc bị mất cả vốn. Hoặc là, chúng ta dễ bị tổn hại sức khỏe, thậm chí là mất mạng. Ví dụ, mình dùng nhân sâm hằng ngày vì cho rằng đó là thứ bổ dưỡng, nhưng nếu đang bị đau bụng mà dùng nhân sâm thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Cho nên, điều tối quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của con người chính là sự hiểu biết, hay cao hơn nữa là trí tuệ.

Đức Phật là người có tất cả mọi thứ trên cuộc đời này: địa vị cao quý, vợ đẹp con xinh, hưởng thụ đầy đủ ngũ dục… Thế nhưng, Ngài đã bỏ hết để đi tìm sự nghiệp trí tuệ. Chính vì sự nghiệp trí tuệ đó mà Ngài sống mãi trên thế gian này. Nếu trước đây, Ngài không đi xuất gia mà ở lại làm vua, thì bây giờ, không ai biết ông vua đó là ai. Nhờ sự thành tựu trong sự nghiệp trí tuệ, ngày hôm nay, cả thế giới đều biết đến Ngài. Ngài bỏ tất cả, cuối cùng được tất cả. Còn chúng ta nắm tất cả, nhưng cuối cùng mất tất cả. Khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay, tất cả những thứ như: vợ chồng, con cái, địa vị, tài sản… đều bị mất sạch, không đem theo được thứ gì.


Nguồn: vuonhoaphatgiao.com