381 lượt xem

Bát Nàn Công Chúa - Đại tướng quân Vũ Thị Thục


Nguồn: sưu tầm
Danh tướng Bát Nàn Công Chúa - Đại tướng quân Vũ Thị Thục
 
Theo truyền thuyết dân gian vùng Phú Thọ thì Bát Nàn còn có tên khác là Thục Nương (Đinh Sửu 17 – Quí Mão 43), người trang Phượng Lâu (nay là xã Phượng Lâu, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ) một trong 6 nữ tướng giỏi nhất trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Sử sách truyền lại, Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục sinh tại thôn Phượng Lâu, thành phố Việt Trì. Sinh thời, Thục Nương là một người phụ nữ có nhan sắc, đoan trang, văn võ song toàn.

Bà là một trong 6 vị tướng giỏi dưới trướng Nhị Thánh vương Trưng Trắc – Trưng Nhị gồm: Nữ tướng Hồ Đề còn gọi là - Đề Nương công chúa, Nữ tướng Lê Chân; Nữ tướng Quách A Ni - Khâu Ni công chúa, Nữ tướng Tống Vĩnh Huy- Vĩnh Huy công chúa, Nữ tướng Thánh Thiên và Nữ tướng Thục nương - Bát Nàn Công chúa.

Theo thần tích xã Phượng Lâu thì Bát Nàn là người nổi tiếng nết na và xinh đẹp. Lớn lên, Bà được gia đình hứa gả cho một chàng trai người cùng trang Phượng Lâu.

Năm 18 tuổi, Thục Nương đính hôn với Phạm Danh Hương (là con vị hào mục cai quản 13 trang ở Nam Chân, bên kia sông, quê chính ở Liệt Trang). Đôi trai tài gái sắc đang chờ ngày cưới thì tai họa ập xuống đầu họ.

Vào thời đó, nước ta là thuộc địa của phong kiến phương Bắc, viên quan Thái thú Tô Định (nhà Hán) đang cai trị nước ta vốn tham tiền, háo sắc, lại tàn bạo. Biết tin Thục Nương là cô gái vẹn toàn, Tô Định cho quân lính bắt cha và chồng chưa cưới vào dinh ép buộc phải gả Thục Nương cho hắn.

Bị cự tuyệt, Tô Định tìm cách giết hại cha và Phạm Danh Hương sau đó cho quân về lùng bắt Thục Nương. Được dân làng che chở, Thục Nương cùng vài người thân chạy thoát ra sông Hồng, họ vội lên thuyền xuôi mãi. Vài ngày sau họ dừng thuyền ở vùng đất Tiên La, thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Tại đây, bà đã lập căn cứ, tụ cờ khởi nghĩa, tổ chức cho nhân dân phát triển nông nghiệp, xây dựng lực lượng vững chắc. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa đã cho người về khuyến dụ hợp sức, bà đã cùng các tướng lĩnh kéo quân về Mê Linh dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Hán.

Đất nước độc lập không lâu thì đến tháng 4 năm 42 sau Công nguyên, giặc Hán lại đem quân xâm chiếm nước ta, Hai Bà Trưng cùng nhiều tướng sỹ đã hy sinh anh dũng. Sau trận Cẩm Khê thất thủ, Vũ Thị Thục đem quân về cố thủ ở Tiên La Trang để tiếp tục kháng chiến. Tháng 8 năm 43 sau Công nguyên, giặc Hán đem quân đánh căn cứ, nghĩa quân chống trả quyết liệt nhưng sức giặc quá mạnh không thể, danh tướng Vũ Thị Thục đã rút gươm tuẫn tiết tại gò Kim Quy.

Người dân Tiên La đã lập đền thờ bà tại nơi hy sinh và lấy ngày bà tử nạn làm ngày lễ.

Các làng Phượng Lâu, Đức Bát ở Vĩnh Phú cũng lập đền thờ bà. Các triều đại trước kia đều có sắc thượng phong cho bà.

Các triều đại sau đều có truy phong bà làm thần:


+ Triều đại Lê Thánh tông, sắc phong: Ý đức đoan trang Trinh thục công chúa.

+ Triều đại Minh Mạng nhà Nguyễn sắc phong: Dực bảo trung hưng linh phù chi thần.


+ Triều đại Khải Định sắc phong: Dực bảo trung hưng linh phù thượng đẳng thần.


Ths Nguyễn Thy Nga tổng hợp.