411 lượt xem

Đế Minh

Chuyện ít biết về “ông nội” Vua Hùng

Theo cách gọi của người dân làng Á Lữ, Bắc Ninh, Thủy tổ Kinh Dương Vương chính là “ông nội” của Vua Hùng.

Đền Kinh Dương Vương (thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Ảnh: Khánh Linh

Theo cách gọi của người dân làng Á Lữ, Bắc Ninh, Thủy tổ Kinh Dương Vương chính là “ông nội” của Vua Hùng. Sự thật có phải như vậy? Tại sao lại chọn ngày giỗ Hùng Vương làm ngày Quốc giỗ mà không lấy ngày giỗ của Kinh Dương Vương?

“Ông nội” của Vua Hùng là ai?

Khu Lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương nằm ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, Thuận Thành, Bắc Ninh. Đây được coi là nơi duy nhất ở Việt Nam còn nguyên dấu tích Kinh Dương Vương. Lăng mộ này không rõ được xây dựng từ bao giờ, hiện chỉ còn bia đá đề bốn chữ Hán: Kinh Dương Vương Lăng, thể hiện được trùng tu thời Minh Mạng nhà Nguyễn năm 1840. Trên lăng có hai chữ Hán: Bất Vong (không bao giờ mất).

Cách lăng mộ chừng 300 m là đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đền thờ hiện lưu giữ nhiều đạo sắc phong có niên đại từ năm 1810 - 1924 và một bức đại tự có chữ Đại Nam tổ miếu.

Tại Lăng Kinh Dương Vương có ghi: Kinh Dương Vương tên húy là Lộc Tục, là bậc thánh trí có tư chất thông minh, tài đức hơn người, sức khỏe phi thường. Kinh Dương Vương hình thành Nhà nước sơ khai đầu tiên vào năm Nhâm Tuất (2879 trước Công nguyên), đặt Quốc hiệu là Xích Quỷ (tên một vì sao có sắc đỏ rực rỡ), đóng đô ở Hồng Lĩnh (nay là Ngàn Hống, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Sau đó dời đô ra Ao Việt (Việt Trì). Kinh Dương Vương lấy Thần Long sinh ra Lạc Long Quân (húy là Sùng Lãm). Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh ra 100 người con. Con cả là Hùng Quốc Vương. Kinh Dương Vương tạ thế ngày 18/1 (không ghi năm - PV) tại trang Phúc Khang, bộ Vũ Ninh (Bắc Ninh ngày nay).

Cũng có cuốn sách ghi, vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông. Đế Minh truyền ngôi cho 2 con trai là Đế Nghi và Lộc Tục. Đế Nghi làm Vua phương Bắc, Lộc Tục làm Vua phương Nam. Lộc Tục xưng là Kinh Dương Vương, lấy Quốc hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi và xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ và đẻ ra 100 người con. Lạc Long Quân phong cho con trai cả làm Vua và đóng đô ở đất Phong Châu (Phú Thọ ngày nay), lấy hiệu là Hùng Vương.
Như vậy, chỉ có một điểm tương đối thống nhất về Kinh Dương Vương, đó là xét về mặt thứ bậc, Ngài là “ông nội” của Vua Hùng”.

Chính vì theo truyền thuyết ấy, ngày nay, người dân Á Lữ, Bắc Ninh thường gọi Kinh Dương Vương là “ông nội” của Vua Hùng. Nếu tính cho đến năm nay, Á Lữ đã tổ chức lễ hội kỷ niệm 4.895 năm Đức Thủy Tổ mở nước, một dấu ấn huy hoàng của lịch sử nước nhà.

Không nên hiểu theo phả hệ của dòng họ

PGS.TS. Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật VN, một trong những người tham gia khảo sát và xây dựng bộ hồ sơ về Tín ngưỡng thờ Hùng Vương trình lên UNESCO đã giải thích vì sao ngày giỗ Tổ lại chọn giỗ Vua Hùng chứ không phải chọn ngày giỗ Kinh Dương Vương?

“Theo truyền thuyết, Kinh Dương Vương là người thuộc dòng dõi Thần Nông ở phương Bắc (trong đất Bách Việt) sinh ra, sau đó truyền ngôi cho Lạc Long Quân. Lạc Long Quân đã kết duyên cùng Âu Cơ, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra 100 người con trai. Người con trưởng Hùng Vương được lên ngôi, lập ra Nhà nước Văn Lang đầu tiên của chúng ta, đóng đô ở Nghĩa Lĩnh - Việt Trì. Bởi vậy, người có công đầu tiên lập ra Nhà nước chính thống đó đã được cộng đồng tôn vinh là cội nguồn quốc gia, suy tôn là Quốc tổ, lấy ngày mất tương truyền làm ngày Quốc lễ - Quốc giỗ. Do vậy, không nên hiểu giỗ Tổ Hùng Vương là giỗ của vị tổ đầu tiên của người Việt, của dân tộc Việt Nam”, ông nói.

Cũng theo PGS.TS. Bùi Quang Thanh, lịch sử bất cứ nước nào cũng bắt đầu từ kho tàng huyền thoại và truyền thuyết. Kinh Dương Vương hay Lạc Long Quân, Âu Cơ đều là nhân vật huyền thoại. Việc ghi nhớ đến những nhân vật này là sự tưởng niệm đến nguồn gốc xa xưa của tổ tiên, của cội nguồn dân tộc. Việc tìm thấy những khu lăng mộ cũng đều là chứng tích của những huyền thoại được các thế hệ về sau lịch sử hóa.

“Trong Đại Việt sử kí toàn thư, Ngô Sĩ Liên đã xếp vào phần ngoại kỷ chứ không phải lịch sử chính thống. Vì đây là những nhân vật thần thoại chứ không phải nhân vật lịch sử, kể ra mang tính biểu tượng, để giải thích ra cuội nguồn dân tộc. Chính vì thế, chúng ta không nên hiểu như phả hệ của một dòng họ”, PGS.TS. Bùi Quang Thanh nói.
Trước câu hỏi, Kinh Dương Vương có phải là “ông nội” của Hùng Vương hay không, PGS.TS. Phạm Văn Khoái, Chủ nhiệm Bộ môn Hán Nôm, Đại học KHXH&NV Hà Nội cho biết, tất cả nhân vật như Vua Hùng, Kinh Dương Vương đều là những nhân vật huyền thoại để nói về cội nguồn của dân tộc và khi đã là huyền thoại thì không thể giải thích bằng logic ý chí. “Kinh Dương Vương là nhân vật huyền thoại, không có thật.

Đến thế kỉ XV, lần đầu tiên được Ngô Sĩ Liên đưa vào Ngoại kỷ của Đại Việt sử kí toàn thư. Gọi Kinh Dương Vương là “ông nội” của Vua Hùng, đây là tư duy logic của thời bây giờ. Tuy nhiên, chúng ta không lấy tư duy hiện đại để áp vào lịch sử. Không nên gọi Kinh Dương Vương là “ông nội” của Vua Hùng”.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, hiện nay có một số địa phương phát huy lễ giỗ Thủy tổ Kinh Dương Vương và đó là tập tục của địa phương. Tuy nhiên, quan điểm của ông chỉ dừng lại thời Vua Hùng, không nên tìm hiểu sâu về chuyện “ông nội” của Vua Hùng. Ông Quốc cho là không cần thiết. “Nếu lần ngược lên không biết đi đến đâu cả”, nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay.

Nguồn baogiaothong.vn