Thái Tông triều Đường với Thái Tông triều ta
Hai vua khai mở cơ nghiệp Đường và Việt đều gọi là Thái tông,
Người xưng niên hiệu Trinh Quán, ta xưng Nguyên Phong.
Kiến Thành bị sát hại, An Sinh được sống,
Miếu hiệu như nhau nhưng đức độ khác nhau.
Trần Dụ tông xác nhận thiết chế chính trị đại thể giống nhau giữa hai vương quốc. Cả hai xứ đều có hoàng đế với niên hiệu khi đương nhiệm và miếu hiệu khi qua đời. Cái khác nhau là vua phương nam có đức độ đáng kính hơn vua phương bắc.
Nguyên Đán xác nhận cách lựa chọn quan chức tương tự nhau giữa hai vương quốc. Cả hai xứ đều tuyển nhân tài qua các khoa thi. Điểm khác nhau là triều Trần hướng về tuyển chọn người có thực học, tức người có thể làm việc có ích trong thực tiễn; không hạn hẹp đầu vào như tuyển cử thời Hán, phù phiếm như khoa cử đời Tống đời Đường, kỳ thị sắc tộc như thi cử đời Nguyên.
Nguồn: Sưu tầm
Tinh thần “vô tốn”, không thua kém Hoa Hạ rõ ràng rất phổ biến trong giới cầm quyền cuối Trần. Tuy vậy, nếu xét kỹ thì hành xử của lãnh đạo hai thể chế khác nhau chỉ vì có hoàn cảnh thực tế không giống nhau. Nhóm tinh hoa Việt luôn đại đồng với tinh hoa Hán, chỉ tiểu dị; một phần do môi trường văn hóa địa phương có hơi khác, một phần do mức độ phát triển tại phương nam luôn thấp hơn và tốc độ phát triển luôn chậm hơn.
Họ Trần vốn người Mân-Đản (Đản Phúc Kiến), là tộc thiểu số bị khinh rẻ bởi dân trung thổ. Tuy vậy, gia tộc Trần đã lãnh đạo đám dân “man” hỗn tạp đánh bại người Mông Cổ, duy trì và phát triển một phiên bản văn hóa Hán riêng biệt góc trời; đây là điều nhà Triệu Tống không làm nổi với hậu quả nhiều nhóm dân Hoa phải tìm đến nương tựa Đại Việt. Quý tộc Trần có đủ lý do để lên giọng kiêu kỳ. Trong tiềm thức, người họ Trần chưa chắc nghĩ mình gốc Hoa. Trước tiên, họ là người Đản; kế đến, họ là cộng đồng từng sinh sống tại xứ Mân ! Vua Trần ăn trầu, xâm mình, hai tập quán phi Hoa. Vị vua du mục biển Nhân tông từng khẳng định : “Ngã gia bản hạ lưu nhân” (我家本下流人), Nhà ta vốn là người hạ lưu (Toàn Thư II, 82). Vùng “hạ lưu”, tức quanh các cửa sông, hẳn không chỉ riêng vùng Hiển Khánh (Nam Định nay) như Toàn Thư ghi chú, mà phải kéo dài theo bờ biển từ Phúc Kiến đến Chiêm Thành.
Cần chú ý quan điểm “không thua kém Hoa Hạ” chỉ phát sinh vào khoảng cuối Trần, khi Nho giáo bắt đầu có ảnh hưởng mạnh trong giới cầm quyền. Trước đó, vua và quý tộc Đại Việt vẫn hành xử theo tôn chỉ Phật giáo, xem chúng sinh hầu như bình đẳng. Giống như vị hoàng đế tam giáo Đường Thái tông gả công chúa Văn Thành cho vua Thổ Phồn Tùng Tán Can Bố (năm 640), gia tộc Lý có chính sách gả công chúa cho thổ tù các vùng ngoại biên, điển hình như vua đạo Phật Lý Thái tông gả Kim Thành cho châu mục châu Phong, gả Trường Ninh cho châu mục châu Thượng Oai (năm 1036). Đàm tiếu việc gả công chúa sang vùng văn hóa khác chỉ xuất hiện khi Trần Nhân tông gả Huyền Trân cho Chế Mân (năm 1306), là thời điểm nho gia bắt đầu có tiếng nói trong giới quyền lực. Nho giáo đã mang đến khái niệm tôn ti trật tự nghiêm ngặt, trong đó có trật tự Hoa-Di và Thiên triều-Chư hầu.
Xét về mặt văn hóa tộc người, có thể suy đoán từ thời Lý về trước, dân chúng đồng bằng chưa quá khác biệt các sắc dân miền núi. Họ cũng là người nói nhiều loại tiếng Mường-Thái cổ giống bọn “lý-lão” chung quanh. Chỉ khi Đại Việt bắt đầu quá trình tự chủ, cư dân đồng bằng mới dần tách biệt các bộ lạc anh em do tiếp thu nhiều nguồn văn hóa khác. Chính quyền Ngô tan rã, trong số mười sứ quân nổi lên tại trung du và đồng bằng, theo thần phả, có 5 người gốc Hoa. Điều đó không đồng nghĩa dân Giao Chỉ bị Hoa hóa cực độ về huyết thống, nhưng cho thấy người gốc Hoa tiếp tục nắm giữ tài lực mặc dù bộ máy đô hộ đã tiêu vong. Sự dễ dàng phân rã thành 12 lãnh địa phản ánh không chỉ ngăn trở về địa lý mà phần nào đó thể hiện sự không đồng nhất về cách sống hay ngôn ngữ của các cộng đồng dân cư. Dường như, đây chính là cấu trúc xã hội của khu vực, tương tự mạn-đà-la Pagan hay Champa.
Thủ lĩnh bản địa thời đô hộ tập trung tinh lực quản trị vào phần đất của mình. Sang thời tự chủ, vị thủ lĩnh mạnh nhất với nhu cầu lập quốc, theo quán tính, phải tích cực học tập mô hình chính trị Trung nguyên. Áo mũ Đường, lễ nhạc Hán khiến tầng lớp trên trở thành một dạng người mới, chưa phải Hoa, cũng không còn là Lạc. Thay đổi bên trên dần ngấm xuống tầng lớp dưới. Mặt khác, những người Hoa lập nghiệp tại phương Nam, ít nhiều phải nhìn về Thăng Long thay vì Lạc Dương, Biện Kinh hay Đại Đô. Họ thích nghi với phong tục bản xứ, lấy vợ địa phương để trở thành một dạng người mà dân trung nguyên thấy không còn giống họ nữa. Tóm lại, từ nhà Ngô đến hết Trần, cư dân đồng bằng có thể là tập hợp gồm những người bản địa Hoa hóa ở nhiều cấp độ, họ cùng sinh sống với cộng đồng người Hoa thiểu số nhưng giàu có, khéo tổ chức, đã bản địa hóa cũng ở nhiều cấp độ. Mặt khác, tu sĩ Thiên Trúc và tù binh Chăm bổ sung thêm luồng văn hóa đặc sắc, nổi bật với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, vũ đạo. Các cộng đồng nói trên theo thời gian đã hòa nhập vào nhau hình thành thần dân vương quốc Đại Việt với lối sống đặc thù. Về huyết thống, người Đại Việt không khác người Lạc nhiều. Nhưng về mặt sinh hoạt, người đồng bằng gọi anh em miền ngược là “man lão”. Cùng người đồng bằng, khu vực sông Hồng lại gọi khu vực sông Mã là “trại”. Thái độ đó chứng tỏ văn hóa Đại Việt hình thành tốc độ nhanh nhưng sống sít, không đồng đều ở mọi vùng địa lý. Nhiều khả năng, hạt nhân hình thành cộng đồng văn hóa mới nằm ở vùng Đại La và Luy Lâu (Hà Nội, Bắc Ninh nay), là vùng đặt trị sở cũ của thực dân Hán Đường. Từ vùng lõi, văn hóa Đại Việt tự điều chỉnh, bổ khuyết để hòa nhập với văn hóa vùng duyên hải phía đông và phía nam đồng thời ảnh hưởng ngược lại khu vực trung du, miền núi. Riêng về phương Bắc, lãnh tụ Đại Việt tin và khẳng định rằng trong thiên hạ chỉ có hai đế : một ở bắc, một ở nam.
Quá trình này tương tự quá trình người Đại Nam chuyển từ văn hóa tiền hiện đại sang văn hóa chịu ảnh hưởng phương Tây vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Khi tầng lớp ưu tú từ bỏ ăn trầu, xén búi tóc, ghi lại trước tác bằng chữ quốc ngữ, đàm luận Lư Thoa, Mạnh Đức hay Mã Khắc Tư, họ đã trở thành một dạng người khác: người “Việt Nam”. Điều này không có nghĩa người Việt Nam mang huyết thống La Tinh. Dễ thấy rõ nền văn hóa mới hình thành trước tiên tại Sài Gòn, sau đó tại Hà Nội, hai địa điểm trụ sở chính của thực dân Pháp. Từ nhóm lõi tại vùng lõi, văn hóa “Việt Nam” dần lan tỏa đến các địa phương. Cũng như trước đó một thiên niên kỷ, nền văn hóa lai tạp phải dừng lại dưới chân các cao nguyên. Dạng người văn hóa mới, đầy ảo tưởng tự tôn, không chỉ chế nhạo bọn trí thức cựu trào là “hủ nho” mà còn tiếp tục gọi đồng bào sơn cước là “mọi”. Những chỉ trích, có cơ sở hay không, nhắm vào nhà Nguyễn biểu tượng văn hóa tiền hiện đại, nếu loại bỏ đố kỵ địa phương vẫn gợi nhớ từ ngữ rẻ rúng trong “Chiếu dời đô” Lý Công Uẩn dành cho các lãnh tụ tiền bối Đinh-Lê giàu chất “Lạc”. Thần tượng của vị vua sáng lập triều Lý chính là các vị vua phương Bắc Thương-Chu và gần gũi hơn là nhà cai trị Cao Biền. Tuy nhiên, cũng như đa số người “Đại Việt/Đại Nam” tin rằng họ phải có đế vương riêng, đa số người “Việt Nam” tin rằng mảnh đất này không bao giờ là một phần của nước Pháp.
Giới tinh hoa cực Nam hăm hở tiếp thu nho học vì đạo Nho cùng các khoa thi của nó đã góp phần tạo nên cộng đồng ưu tú có văn hóa đồng nhất từ triều đình đến châu huyện, một dạng tiêu chuẩn hóa thời trung cổ giúp việc điều hành vương quốc hài hòa và hiệu quả. Tuy nhiên, khi trí thức Đại Việt tinh thông nho thuật, cũng là lúc họ nhận thức rõ ràng rằng dưới con mắt trung nguyên, vùng biển nam chỉ là một tập hợp “Di” cần an phận dưới vai trò chư hầu. Thời điểm năm 1374, khi Nguyên Đán so sánh cách tổ chức thi Tiến sĩ giữa Nam và Bắc, quan niệm trung tâm – ngoại biên này thật không thuyết phục. Người Hoa chỉ mới thoát ách nô dịch và kỳ thị sắc tộc của Mông Cổ mới vài năm, còn đang loay hoay tổ chức lại đế quốc. Chủ cũ của Hoa Hạ, hậu duệ Genghis Khan, lại không có cơ hội để hạ thấp thế giá hoàng gia Đại Việt như đã làm với tầng lớp lãnh đạo trung nguyên. Dụ tông và Nguyên Đán đều không khẳng định thần dân của mình sở hữu giá trị tinh thần chẳng thua kém thần dân trung châu, hai vị khẳng định dòng tộc Trần, người Mân-Đản cai trị Đại Việt, có đạo đức và văn hóa vượt trội các dòng tộc cai trị vùng Hoa Hán.
Ngoài cuộc thi Tiến sĩ chọn văn thần, nhà Trần còn tổ chức thi võ cử chọn người chỉ huy quân. Thành công của cuộc thi văn khiến Nguyên Đán vô cùng hào hứng. Tinh thần phấn khích trong vài năm tạm vắng thiên tai đã lưu lại bài thơ sảng khoái dưới đây :
題觀鹵簿詩集後 中興文運邁軒羲, 兆姓謳歌樂盛時。 鬥將從臣皆識字, 吏員匠氏亦能詩。 經天緯地心先覺, 平北征南事可知。 考罷文場觀武舉, 老臣何日望歸期。 |
đề “quan lỗ bộ” thi tập hậu Trung hưng văn vận mại Hiên Hy (a), Triệu tính âu ca lạc thịnh thì. Đấu tướng tòng thần giai thức tự, Lại viên tượng thị diệc năng thi. Kinh thiên vĩ địa tâm tiên giác, Bình bắc chinh nam sự khả tri. Khảo bãi văn tràng quan võ cử, Lão thần hà nhật vọng qui kỳ. |
(a) Hiên Hy : Hiên Viên (2699 TCN – 2588 TCN), tức Hoàng đế, một trong Ngũ đế. Phục Hy (2800 TCN – 2737 TCN), một trong Tam hoàng. Cả hai đều là vua Hoa Hạ thời huyền sử.
Đề sau tập thơ “Quan lỗ bộ”
Giáo hóa thời trung hưng vượt cả thời Hiên, Hy.
Dân chúng ca hát vui đời thịnh trị.
Quan võ, người hầu đều biết chữ,
Thư lại, thợ mộc cũng làm thơ.
Dự cảm (sự nghiệp triều đại) sẽ dọc đất ngang trời,
Bình bắc chinh nam là việc có thể hiểu.
Vừa khảo thí trường văn xong lại xem xét thi võ,
Khi nào kẻ bầy tôi già mới được nghĩ đến ngày về ?
Đầu vào khoa thi Thái học sinh – Tiến sĩ ngày càng mở rộng đã kích thích phong trào học tập chữ Nho ở tầng lớp dưới. Tập thơ “Quan lỗ bộ” không rõ của ai, riêng tên gọi có nghĩa “Ngắm xem nghi trượng” giúp chúng ta suy đoán tác giả là người có liên quan đến quân đội hoặc là người phục vụ hoàng gia. Chức phận xã hội của người này hẳn nằm trong số “đấu tướng, tòng thần, lại viên, tượng thị” mà Nguyên Đán đề cập. Tri thức Nho học rộng mở trong xã hội cùng lúc với nông nghiệp phục hồi đưa Nguyên Đán đến ảo giác xán lạn. Giám sát thi võ, nhưng cụ Trần vẫn thấy sức mạnh của quốc gia nằm ở khả năng biết chữ và làm thơ của giới bình dân.
Nguyên Đán rất lạc quan trong thời điểm này, do vậy, lời khẳng định “Quốc trị đoản hĩ” (國治短矣), Vận nước sắp hết ! do Toàn Thư gán cho Cụ khi quyết định chấp nhận Ứng Long làm con rể chắc là sáng tạo của sử gia đời sau (Toàn Thư II, 183).
Nguồn: nghiencuulichsu.com
Còn nữa.