209 lượt xem

Binh bộ Thượng thư, Trạng nguyên Dương Phúc Tư - kỳ 2: Bậc chân nho, văn võ kiêm toàn

- Dương Phúc Tư ra làm quan với nhà Mạc, giữ đến chức Binh bộ Thượng thư, được vua phong Tử Khanh Thiếu Bảo, Dương tướng công. Ông là bậc chân nho văn võ kiêm toàn, một thầy dạy học lỗi lạc.
Từ quan về dạy học 

Năm 1553 Dương Phúc Tư từ quan, về dạy học ở Cổ Thiết, Sơn Tây. Học trò của ông có nhiều người đỗ cử nhân, tiến sĩ. Trong đó có ông Phạm Trấn, người xã Lam Cầu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, đỗ Trạng nguyên, khoa thi năm Bính Thìn (1556). 

Qua dòng lịch sử do chính sử ghi lại cho thấy, thời gian làm quan nhà Mạc của Trạng nguyên Dương Phúc Tư là thời gian xảy ra chiến tranh liên miên, phe phái giành ngôi, triều thần lũng đoạn. “Vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi”. Cho nên ông từ quan về dạy học là sở nguyện của một nhà nho chân chính. Dĩ nhiên là trước ông có nhiều gương danh nho Nguyễn Trãi, Chu Văn An đã xử thế theo kiểu đó rồi.

Năm 1556 vua Lê Trung Tôn mất, Trịnh Kiểm cùng triều thần tìm được người tôn thất Lê Duy Bang lập nên vua Lê Anh Tôn, vị vua này cũng chẳng đáng để cho ông phò tá.

Năm 1562, Mạc Phúc Nguyên chết, nhà Mạc tôn Mạc Mậu Hợp mới 2 tuổi lên làm vua, đại thần Mạc Đôn Nhượng phải bế vua coi chầu. Với tình hình đó thì cả Nam - Bắc triều đều không phải là điều Trạng nguyên Dương Phúc Tư tâm đắc...

Ước mơ có vị Minh quân để giúp nước, ông đã làm thơ thể hiện qua 185 bài thơ hoài cổ ca ngợi thời Nghiêu - Thuấn thịnh trị. Lúc ông còn sống, Lê Trịnh chưa giành được Thăng Long, mãi đến 30 năm sau (năm 1592), Trịnh Tùng mới trở lại được Thăng Long. Do đó, việc có tài liệu nói ông quy thuận nhà Lê là sau này, tôn lên và cái tâm về nhà Lê mà thôi.

Dương Phúc Tư sáng tác nhiều thơ, phú toàn bằng chữ Hán. Tư chất, tính tình và hình ảnh của ông thể hiện trong văn chương, trung thực đôn hậu, khoan dung độ lượng, quý sự học hành, thi thư, lễ nhạc.

Thơ ông ca ngợi công ơn người dạy dân làm ruộng, trồng dâu dệt lụa, ca ngợi người thục nữ đảm đang, ca ngợi những ông vua nhân từ, chăm lo vỗ về dân chúng, phê phán lối sống sa đoạ.

Thủy tổ của họ Dương

Ông mất năm 1563 hưởng thọ 59 tuổi; mộ được táng tại gò Mả Cả, thôn Ngọc, xã Lạc Đạo. Di văn của Dương Phúc Tư còn lại một bài văn đình đối và tập thơ “Độc sử thi phả” hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. 
Đời sau con cháu tôn Trạng nguyên Dương Phúc Tư là Thủy tổ của họ Dương ở xã Lạc Đạo. Kế thừa đạo học của ông, họ Dương đã sinh thành những bậc quý hiển danh gia, làm nên sự nghiệp vẻ vang, mang tiếng thơm về cho dòng họ.

Từ thế kỷ thứ 16 đến hết thế kỷ 18 là thời kỳ họ Dương xã Lạc Đạo rất thịnh vượng về khoa cử. Tính từ năm 1547 đến năm 1754, họ Dương xã Lạc Đạo có 9 người đỗ đại khoa, trong đó có 1 Trạng nguyên, Tiến sỹ bao gồm Dương Phúc Tư, Dương Thuần, Dương Hoàng, Dương Khuông, Dương Hạo, Dương Lệ, Dương Công Thụ, Dương Khiêm, Dương Sử.  

Con cháu Dương Phúc Tư sau di cư lập nghiệp ở nhiều nơi, đến đâu đều làm ăn thịnh đạt, học hành đỗ đạt cao, nhiều người thành danh. Ví như chi Dương Công Thiện ở xã Vĩnh Mộ, Sơn Tây, nay thuộc Tam Nông - Phú Thọ, đỗ cử nhân, mở trường dạy học đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước.

Ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm có hai cha con Dương Đôn, Dương Hiệu đều đỗ tiến sĩ và làm quan Thượng thư cùng triều, lại có anh em Dương Sử và Dương Khiêm đỗ tiến sĩ cùng khoa.

Xã Phú Thị, huyện Châu Giang (nay là xã Mễ Sở, huyện Văn Giang) có chi Dương Duy Thanh đỗ cử nhân, từng làm Đốc học Hà Nội và các cháu chắt là Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm, Dương Tụ Quán, Dương Bích Liên…đều là dòng họ Dương Phúc Tư.


Khoahocdoisong.vn