471 lượt xem

Bùi Văn Khuê

BÙI VĂN KHUÊ

Bùi Văn Khuê - danh tướng thời Mạc (không rõ năm sinh, năm mất), quê ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Đền Vực Vông ở cố đô Hoa Lư còn lưu giữ 17 sắc phong về Bùi Văn Khuê

Năm Canh Tý (1600), ông chống nhau với quân Trịnh ác liệt và lập được nhiều chiến công. Vua Mạc phong tước cho ông là Sơn Quận công, rồi đổi Mỹ Quận công.

Đầu năm 1592 tướng Nam triều là Trịnh Tùng mang đại quân ra bắc đánh Thăng Long. Mạc Mậu Hợp cũng huy động đại quân ra địch, bị bại trận vào ngày giáp tết, phải bỏ kinh thành chạy qua sông Hồng. Do sông Hồng ngăn trở, quân Nam triều chưa qua sông được. Trịnh Tùng cũng thấy chưa đủ khả năng đánh chiếm miền Bắc nên lại rút về Thanh Hóa.

Mạc Mậu Hợp lại không lo phòng giữ, sa vào tửu sắc. Nguyễn Thị Niên thường ra vào trong cung thăm chị là hoàng hậu Nguyễn thị. Mậu Hợp thấy bà có nhan sắc, liền ngầm mưu dụ giết Bùi Văn Khuê để cướp lấy bà. Nguyễn Thị Niên sợ hãi bèn sai người hầu cận mật chạy đi báo cho Bùi Văn Khuê.

Bùi Văn Khuê  biết chuyện, bèn mang quân tự rút về Gia Viễn rồi sai con là Bùi Văn Nguyên chạy vào Thanh Hóa xin hàng nhà Lê. Trịnh Tùng nghe tin, bèn khởi binh ra cứu Văn Khuê nhân thể đánh nhà Mạc. Quân Mạc đại bại. Nguyễn Quyện cha bà cũng dự trận này và bị bắt, sau đó bị giết trong ngục cùng các anh em của Nguyễn Thị Niên. Không lâu sau, Mạc Mậu Hợp bị Trịnh Tùng bắt và chém.

Bùi Văn Khuê  cùng Phan Ngạn, Ngô Đình Nga đem quân phụ trợ theo họ Mạc, chiêu an các thành thị. Nhưng chỉ được ít lâu, Phan Ngạn nghi ngờ Văn Khuê có mưu khác, liền sai người bắn chết Văn Khuê ở giữa sông.

Truyền thuyết về đền Vực Vông kể như sau:

Vào thời nhà Mạc có một vị tướng tên là Nguyễn Quyện được lệnh đưa quân về trấn thú tại Trường Yên. Ông có người con gái tên là Nguyễn Thị Niên rất xinh đẹp, giỏi văn lại giỏi cả võ nên được ông cho đi theo mình. Trong đoàn quân của Nguyễn Quyện có hai vị quận công là Quận Mỹ Bùi Văn Khuê và Quận Kế Phan Ngạn. Trong hai người thì Quận Mỹ văn võ song toàn, tính tình lại thuần hậu khoan hoà. Còn Quận Kế thì ngược lại văn võ đều tầm thường, tính tình lại huênh hoang, hợm hĩnh hay cậy thế vương triều. Cả hai vị quận công cùng đem lòng yêu mến người con gái của Nguyễn Quyện. Sau bao lần thử thách, Nguyễn Thị Niên đã nặng lòng yêu Quận Mỹ. Còn Quận Kế cũng bao lần tìm cách quyến rũ nhưng nàng đều khéo léo từ chối. Thấy vậy Quận Kế bèn chuyển sang thuyết phục Nguyễn Quyện. Sau một thời gian bị thuyết phục, Nguyễn Quyện cũng bị xiêu lòng bởi Quận Kế. Bị cha ép gả Nguyễn Thị Niên vô cùng đau khổ không muốn cưỡng lệnh cha nhưng nàng lại thú thực rằng mình đã yêu Quận Mỹ. Và nàng xin cha cho hai người được thử tài, ai thắng thì nàng sẽ lấy làm chồng.

Lúc ấy ở đoạn Vực Vông có một vực xoáy lớn, hàng năm gây ngập lụt và tai họa cho dân làng. Vì vậy nơi đây có tục lệ hàng năm phải cúng lễ và sau đó ném một người con gái xuống vực xoáy cho thuồng luồng ăn thịt. Không làm vậy, thần sẽ dâng nước gây tai họa cho cả vùng. Bất bình trước tục lệ này nên nàng Niên yêu cầu hai người phải tìm ra cách để phá bỏ nó. Quận Mỹ thuê người lặn giỏi xuống vực xoáy thăm dò và tìm ra: do dòng chảy bị đá ngầm ngân làm đổi hướng. Năm nào nước lên to, vực xoáy càng chảy xiết thì thuyền bè càng có nguy cơ bị nhấn chìm, gây thiệt hại lớn cho người dân trong vùng. Chỉ cần kê đá xoay lại dòng chảy thì sẽ không còn vực xoáy nữa. Quận Mĩ thắng cuộc, được Nguyễn Quyện gả con gái.

Không đạt được sở nguyện lại bị bẽ mặt vì thua cuộc, Quận Kế tìm cách trả thù. 

Hắn ép một số người dưới quyền làm sớ tâu về triều vu Nguyễn Quyện lộng quyền, tự ý phá bỏ phong tục của dân làng. Vua nghe lời Quận Kế, triệu Nguyễn Quyện về cung để hỏi tội và cử Quận Kế lên thay chức Nguyễn Quyện. Được lên cầm quyền, Quận Kế bèn cử Quận Mỹ đem quân đi chặn địch. Nhân cơ hội này, Quận Kế sai một tên tử tù trà trộn vào quân địch dùng mũi tên độc bắn chết Quận Mỹ tại trận. Lúc đó, có một người lính rất yêu quý Quận Mỹ và bà Niên đến ôm xác Quận Mỹ và phát hiện ra mũi tên giết ông có khắc tên Quận Kế, người lính bèn rút tên đó mang về cho bà Niên.

Sau khi giết được Quận Mỹ, Quận Kế tìm cách để bà Niên xiêu lòng, hắn xin bà được kết nghĩa trăm năm. Mặc dù căm giận nhưng bà Niên vẫn nhận lời để tìm cách trả thù cho cha và chồng. Bà hẹn đoạn tang chồng và sau khi làm lễ tế chồng trên một chiếc thuyền đậu ở sông Hoàng Long thì sẽ kết hôn cùng Quận Kế. Đúng hẹn, bà mời Quận Kế xuống thuyền chuốc rượu. Đợi đến lúc hắn say, bà cho người trói hắn lại và kể tội hắn đã hại cha bà và giết chồng bà. Uất hận, bà sai chặt đầu Quận Kế đem tế chồng. Sau đó, bà nhảy xuống sông tuẫn tiết, thi hài bà trôi dạt vào vực Vông. Thương tiếc và biết ơn bà, nhân dân đã lập đền thờ bà ngay cạnh đó và gọi là đền Vực.

Ngày nay, khi đến Ninh Bình, ngoài việc thăm các điểm du lịch khác du khách có thể đến thăm đền Vực, thắp hương để tưởng nhớ về một người phụ nữ tài hoa, tiết nghĩa – vợ của danh tướng Bùi Văn Khuê..

Hai con của Bùi Văn Khuê là Lễ Quận Công Bùi Thì Trung chức Đô đốc Hiệu lực tứ vệ quân sự bộ Lễ. và Nhai Quận công Bùi Khắc Kiệm chức Hiệu lực vệ quân đều là tướng tài. Các ông, được thờ ở miếu Trường An, và thân phụ hai ông cũng thờ ở đấy.

Quần thể đền Đinh Lê được thi công dưới sự chỉ đạo của quận công Bùi Thì Trung, dưới sự bảo trợ của chúa Trịnh Tùng. Chiếc bia “ Tiền triều Đinh Hoàng Đế miếu công đức tịnh minh” trong nhà bia đền vua Đinh đã ghi lại việc này.

Gia đình Bùi Văn Khuê có tới 5 Quận công.

(Theo Đại Việt sử kí toàn thư. và Khâm định Việt sử thông giám cương mục)