309 lượt xem

Lê Ngọc Hân

Ngọc Hân công chúa: Tiểu sử và bí mật ngôi đền thiêng lạ lùng

 
Ngọc Hân công chúa được biết đến là hoàng hậu có số phận bi thảm. Dù qua đời nhưng nỗi oan của nàng và bí ẩn ngôi đền thờ thiêng khiến người đời phải trầm tư suy nghĩ.

1. Tiểu sử công chúa Ngọc Hân

Ngọc Hân công chúa hay còn gọi là Bắc cung Hoàng hậu là một nhân vật nổi tiếng của lịch sử Việt Nam. Bà vẫn được mọi người nhắc tới với mối tình đẹp với vua Quang Trung và với tư cách là vợ thứ của ông. Nhiều người vẫn băn khoăn rằng Ngọc Hân công chúa là con ai mà trong sử liệu và nhiều cuốn sử sách lại đề cập nhiều về nàng tới như vậy.

1.1. Công chúa Ngọc Hân con vua nào?

Ngọc Hân công chúa sinh ngày 27 tháng 4 năm 1770. Trong ghi chép lịch sử, bà là con gái thứ 9 hoặc 21 của hoàng đế Lê Hiển Tông. Mẹ của bà là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, người xã Phù Ninh, thuộc phủ Từ Sơn – Bắc Ninh (nay là xã Ninh Hiệp thuộc Gia Lâm, Hà Nội).

1.2. Công chúa Ngọc Hân vợ ai?

Nhờ sự mai mối của tướng Bắc Hà là Nguyễn Hữu Chỉnh, Lê Ngọc Hân và Nguyễn Huệ thành hôn khi bà mới 16 tuổi. Tới năm Chiêu Thống thứ 2, tức năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và lấy niên hiệu là Quang Trung, bà được phong là Hữu cung Hoàng hậu. Sau đó, tới năm 1789, Nguyễn Huệ phong bà làm Bắc cung Hoàng hậu.

 


Tương truyền, Ngọc Hân công chúa là người có tài sắc vẹn toàn. (Ảnh: Wiki)

Bà sinh cho hoàng đế Quang Trung 2 người con là công chúa Nguyễn Thị Ngọc Bảo và hoàng tử được đặt tên là Nguyễn Quang Đức.

Hình ảnh Ngọc Hân công chúa trong mắt người đời là một người phụ nữ vẹn toàn, xinh đẹp, thông minh, có tài nhưng lại đa truân. Đặc biệt là sau khi Quang Trung đột ngột băng hà vào năm 1792. Bà và con sống những ngày tháng đơn giản trong chùa Kim Tiền. Tới ngày 4 tháng 12 năm 1799, bà mất khi mới 29 tuổi. Ít lâu sau, hai con của bà cũng mất.

2. Những bí ẩn về cái chết và ngôi đền thiêng thờ Ngọc Hân công chúa.

Cuộc đời của công chúa Ngọc Hân phải chịu nhiều nỗi truân chuyên cho đến tận khi chết vẫn phải chịu bao nỗi oan, bị đào mộ vứt hài cốt và còn rất nhiều điều khiến hậu thế tranh cãi không ngừng. Trong đó, cái chết và ngôi đền thiêng thờ bà là những bí ẩn như vậy.

2.1. Bí ẩn ngôi đền thờ Ngọc Hân công chúa

Ngọc Hân công chúa qua đời ở tuổi 29 vì nỗi đau mất chồng khi chỉ mới ở bên nhau 6 năm. Những tưởng, cái chết của nàng là sự kết thúc cho một kiếp người nhưng cái dây oan nghiệt vẫn cứ cuốn lấy nàng ngay cả khi đã mất.

Số là sau khi nàng qua đời 3 năm, mẫu thân của nàng không yên tâm sợ rằng mộ công chúa Ngọc Hân bị kẻ thù xâm phạm nên bà đã bí mật vào Phú Xuân đưa hài cốt của nàng và hai con về an táng và lập miếu thờ tại Phù Ninh, tức Ninh Hiệp, Gia Lâm bây giờ.


 


Tượng của Ngọc Hân công chúa được đặt kín đáo tại đền Ghềnh. (Ảnh: Đền Ghềnh)

Nhiều năm qua đi, đền thờ Ngọc Hân công chúa bị xuống cấp, một ông tú tài đã cho dựng lại vì cảm thấy thương xót cho 3 mẹ con. Thế nhưng, một kẻ trong làng biết chuyện đã tố cáo lên với triều đình nhà Nguyễn rằng có người lập miếu thờ thân nhân của ngụy (Nguyễn Huệ). Sau đó, sự việc này đã biến thành vụ án lớn thời đó, ông tú tài bị kết trọng tội, tổng đốc của tỉnh Bắc Ninh bị giáng chức.

Triều đình nhà Nguyễn đã quật mộ công chúa Ngọc Hân và 2 con lên và ném xương cốt của họ xuống sông Hồng. Tương truyền, bên bờ sông Hồng có một ngôi đền, phía trước có một ghềnh nước xoáy, bởi vậy ngôi đền được đặt tên là Đền Ghềnh. Khi quan quân nhà Nguyễn đem hài cốt của công chúa Lê Ngọc Hân qua đây thì bỗng nhiên giông tố nổi lên.

Con thuyền lớn bị sóng gió quật dữ dội, trước tình thế nguy cấp, quan quân triều Nguyễn đành vứt xương cốt của 3 mẹ con xuống nơi đó rồi quay đầu về bờ. Dân làng Ái Mộ thương tiếc cho mẹ con nàng liền nhặt lại và lập cho nàng một đền thờ mới. Họ còn đặt tên cho nàng là "mẫu Thoải", tượng của nàng đặt được ở hậu cung để tránh kẻ xấu nhòm ngó.

Nào ngờ, nước sông đổi dòng, một lần lũ lớn đã cuốn trôi ngôi đền. Rất may, một người trong vùng là bà Đặng Thị Bản vì mến mộ tài năng và đức hạnh của công chúa Ngọc Hân nên đã đứng ra quyên góp xây dựng ngôi đền mới.

2.2. Vì sao Lê Ngọc Hân chết?

Theo các nhà học giả, do phần lớn các tài liệu ghi chép về thời Tây Sơn đã bị nhà Nguyễn tiêu hủy nên sự thật về số phận của Ngọc Hân công chúa và những người con vẫn chưa được xác định. Họ cũng đưa ra một số giả thuyết về cái chết của bà như sau:


Ngọc Hân công chúa mất khi chưa tròn 30 tuổi. (Ảnh minh họa)

Trong cuốn "Nhân vật Tây Sơn" và "Thi văn bình chú" đều đưa ra giả thuyết rằng vào năm Tân Dậu (tức năm 1801), khi đó Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh dẫn hoàng tộc và quần thần tháo chạy ra Bắc. Ngọc Hân công chúa cùng con phải thay tên đổi họ lánh vào Quảng Nam nhưng chưa được bao lâu thì bị nhà Nguyễn bắt về Phú Xuân.

Sau đó, bà bị xử trọng hình theo lối "Tam ban triều điển", tức là chọn một trong 3 cách chết là uống rượu độc, thắt cổ bằng lụa trắng, dùng Long Tuyền bửu kiếm tự sát. Tuy nhiên, trong "Thi văn bình chú", tác giả lại cho rằng, Ngọc Hân công chúa cùng hai con đã uống thuốc độc quyên sinh.

Ngược lại, Ngô Tất Tố trong bài lược sử "Công chúa Ngọc Hân" lại đưa ra giả thuyết là nàng đã tự tử, hai con thì thắt cổ bằng lụa mà chết.

Tuy nhiên, khi các nhà sử học đã căn cứ vào bản gia phả của dòng họ Nguyễn Ngọc tại làng Phù Ninh, Từ Sơn, Bắc Ninh để làm sáng tỏ các giả thuyết về cái chết của Ngọc Hân công chúa. Theo cuốn gia phả đó, Ngọc Hân công chúa mất vào ngày 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi, tức là ngày 4 tháng 12 năm 1799.

Ngoài ra, chính sử triều Nguyễn còn lưu lại rằng, bà Nguyễn Thị Huyền là cung nhân của vua Lê Hiển Tông có người con gái tên là Lê Ngọc Hân. Ngọc Hân được gả cho Nguyễn Huệ và sinh được 1 gái 1 trai. Sau đó, Ngọc Hân chết, 2 con cũng đều mất sớm.

Tới đầu năm Gia Long, ngụy đô đốc Hài đã lén đem hài cốt của mẹ con bà Ngọc Hân từ Phú Xuân về Phù Ninh chôn cất và đổi lại tên họ để che giấu. Điều này đã chứng tỏ thời điểm Ngọc Hân công chúa và các con chết đều trước mốc tháng 6 năm 1801, cũng là trước khi Nguyễn Ánh tiến về Phú Xuân. Từ đó cũng có thể thấy những ghi chép trong chính sử triều Nguyễn về cái chết của Ngọc Hân công chúa và các con không phải do bị hành hình là chính xác.


3. Mối tình đẹp của Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa

 


Dù cuộc hôn nhân của Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa ngắn ngủi nhưng lại vô cùng viên mãn. (Ảnh: Wiki)

Có giai thoại nói rằng Ngọc Hân công chúa được gả cho Nguyễn Huệ là do sự dàn xếp chính trị giữa nhà Lê và nhà Tây Sơn. Mục đích ban đầu của sự kiện này có lẽ là thật, bởi khi Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc với chiêu bài "phù Lê diệt Trịnh" thì Nguyễn Hữu Chỉnh đã đưa ý kiến mai mối kết hôn để tạo niềm tin giữa đôi bên.

Lê Ngọc Hân theo lệnh vua cha kết hôn cùng Nguyễn Huệ, khi đó bà 16 tuổi, Nguyễn Huệ 33 tuổi và đã có chính thất là Phạm Thị Liên (hay còn gọi là Bùi Thị Nhạn). Việc Nguyễn Huệ và công chúa lấy nhau, trong "Cương Mục" có chép rằng "Huệ rất đẹp dạ", còn trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca lại ghi rằng "ép duyên kim cải".

Dù cuộc hôn nhân giữa Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa ban đầu là từ ý đồ chính trị nhưng sau một thời gian sống cùng nhau, bà đã chiếm trọn tình yêu của ông. Với sự thông minh, cách cư xử gia giáo của nàng đã khiến Nguyễn Huệ rất hài lòng. Theo cuốn "Những bà vợ của vua Quang Trung" thì "Vua Quang Trung trọng văn tài, giao cho Ngọc Hân dạy dỗ các con cái và các cung nữ. Ngọc Hân giúp chồng nhiều việc quan trọng như khuyên giải Nguyễn Huệ chấm dứt xung đột với Nguyễn Nhạc."

Thậm chí, trong một số biểu văn về Bắc Cung Hoàng Hậu Ngọc Hân do triều thần dâng lên vua Quang Trung khi vua còn sống đã ghi lại rằng: "Hoàng Hậu là ánh sáng tỏa lan của lá ngọc cành vàng. Lúc gà gáy nửa đêm, bà ân cần chăm sóc, giúp Hoàng đế mặc thêm áo để lo việc triều chính."

Thế nhưng, cuộc sống hôn nhân viên mãn của Ngọc Hân công chúa và hoàng đế Quang Trung chỉ kéo dài trong 6 năm. Năm 1792, Quang Trung đột ngột băng hà, bà sống trong nhung nhớ đến héo mòn nên cũng chỉ sau đó 7 năm thì qua đời khi mới ở tuổi 29. Câu chuyện tình đẹp của hai người đã được hậu thế nhắc đi nhắc lại để ca ngợi tấm lòng chung thủy sắt son của Ngọc Hân công chúa.

4. Nỗi oan giết chồng của Ngọc Hân công chúa  

Chồng mất sớm, Ngọc Hân công chúa phải nén đau thương để sống vì con còn quá nhỏ. Mọi nỗi đau đớn, tâm tư trong lòng, nàng đều gửi gắm trong bài thơ "Ai tư vãn" nàng làm để tế vua Quang Trung:


 


Sau khi vua Quang Trung mất, công chúa vô cùng đau lòng nên đã qua đời không lâu sau đó.
(Ảnh: Wiki)

"Quyết liều mong vẹn chữ tòng. Trên rường nào ngại, giữa dòng nào e
Còn trứng nước thương vì đôi chút. Chữ tình thâm chưa thoát được đi
Vậy nên nấn ná đòi khi. Hình tuy còn ở, phách thì đã theo…
Gót lân chỉ mấy hàng lẩm chẩm. Ðầu mũ mao mình tấm áo gai
U ơ ra trước hương đài. Tưởng quang cảnh ấy chua cay dường nào..."

Buồn đau như vậy, vậy mà bà lại phải chịu cảnh bị nghi ngờ là người giết chồng vì ghen tuông. Hơn thế, bà còn phải nỗi oan lấy vua Gia Long, kẻ thù của vua Quang Trung làm chồng. Những nỗi oan khuất này không chỉ khiến hậu thế tranh cãi mà còn khiến thanh danh của bà tổn hại rất nhiều.

Mối nghi ngờ Ngọc Hân công chúa giết chồng vì ghen tuông bắt nguồn từ một bài viết trong cuốn Tạp chí phổ thông số 62 ra ngày 1/8/1961. Tác giả bài viết – ông Thượng Khánh đã đưa ra một giả thuyết rằng do hoàng đế Càn Long hứa gả con gái cho vua Quang Trung nên Lê Ngọc Hân vì quá ghen đã đầu độc chồng.

Tuy nhiên, sau khi kiểm chứng lại các sử sách có chép về sự việc này đều xác thực rằng vua Quang Trung chết vì bệnh "huyễn vận" hay còn gọi là bệnh cao huyết áp chứ không phải do bị đầu độc. Hơn nữa, Ngọc Hân công chúa là người có học thức, việc Quang Trung sang cầu hôn con gái của vua Càn Long với mục đích là để chọc tức, chẳng lẽ bà không biết mà lại nông nổi tới mức ghen tuông và giết chồng. Ngoài ra, trong cung của vua Quang Trung có rất nhiều ngự y nên nếu ông trúng độc chắc chắn họ sẽ nhận thấy.

Những nghi ngờ về việc Ngọc Hân công chúa lấy vua Gia Long cũng đã được làm rõ trong bộ sách Quốc sử di biên và một số tư liệu khác. Cụ thể, tác giả Phan Thúc Trực đã chép rằng: "Năm Nhâm Tuất, Gia Long năm đầu (1802) vào ngày 21 Canh Thân, Thế tổ (Gia Long) đến kinh thành Thăng Long, hào mục bắt anh em Nguyễn Quang Toản dâng lên vua… Dâng nộp bà phi Lê Thị Ngọc Bình vào trong cung vua…". Theo đó, các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng người lấy vua Gia Long là em gái của Ngọc Hân công chúa - Lê Ngọc Bình.

 


Đến nay, hậu thế vẫn nhắc tới bà và cuộc tình đẹp cùng vua Quang Trung. (Ảnh minh họa)


Có lẽ do hai chị em Ngọc Hân và Ngọc Bình đều là con của vua Lê Hiển Tông, đều lấy chồng là hoàng đế nhà Tây Sơn và được gọi là Hoàng hậu Phú Xuân nên mới có sự nhầm lẫn này.

Qua những câu chuyện của Ngọc Hân công chúa, có thể thấy cuộc đời bà đầy rẫy những đau thương và thị phi. Thế nhưng, với tấm lòng son sắt, tài năng và đức hạnh của mình, những oan trái mà bà phải gánh chịu bao năm qua đã được làm sáng tỏ. Và ngày nay hậu thế vẫn luôn nhớ tới bà bằng cuộc tình đẹp với vua Quang Trung cũng như bằng tấm chân tình được thể hiện qua bài văn "Tế vua Quang Trung" và "Ai Tư Vãn".



Công chúa Ngọc Hân và hàm oan giết chồng nghiệt ngã phải gánh chịu trong lịch sử
 
Ngọc Hân công chúa kết hôn với người anh hùng áo vải Quang Trung – vẽ nên một chuyện tình tuyệt đẹp trong lịch sử. Nhưng sau cái chết của người chồng vĩ đại, Ngọc Hân đã phải chịu bao dị nghị cay độc, những hiểu lầm trớ trêu của người đời.

Lê Ngọc Hân (1770 - 1799), còn gọi Ngọc Hân công chúa hay Bắc Cung Hoàng hậu, là một nhân vật lịch sử nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam thời thế kỉ 18. Bà là công chúa nhà Hậu Lê, sau trở thành Hoàng hậu nhà Tây Sơn với tư cách là vợ thứ của Quang Trung Đế Nguyễn Huệ, một nhân vật quân sự nổi tiếng.

Theo lời truyền tụng, công chúa  Ngọc Hân  thông minh từ bé, diện mạo thanh tú, xinh xắn, bản tính thùy mị, dịu dàng. Chưa đầy 10 tuổi, công chúa chẳng những đã giỏi cầm, kỳ, thi, họa mà còn thuộc làu kinh điển, thông thạo âm luật, giỏi thơ văn cả Hán lẫn Nôm. Càng lớn, công chúa càng xinh đẹp, nết na, duyên dáng, đức hạnh, được tiếng thơm khắp hoàng cung.

Cuộc đời bà thường được thêu dệt nên thành giai thoại cuộc tình đẹp đẽ giữa bà với Nguyễn Huệ, vì bà là công chúa một triều đại lớn suy thoái, lại kết hôn với người đứng đầu Tây Sơn khi ấy đang đe dọa nền chính trị của nhà Lê. Dân gian còn lưu truyền tên gọi bà là Bà Chúa Tiên khi bà ở Phú Xuân vì dinh phủ lập ở chùa Kim Tiên.

 


Chuyện tình công chúa Ngọc Hân và Nguyễn Huệ được tái hiện trên phim

(Nguồn: Sưu tập)
 

Cuộc hôn nhân giữa Nguyễn Huệ – Ngọc Hân xuất phát ban đầu là ý đồ chính trị. Nhưng qua quá trình sống bên chồng, bà đã chiếm trọn niềm tin, tình yêu của người anh hùng. Với sự dịu dàng trong sáng và cách cư xử nền nếp gia giáo rất đặc trưng của phụ nữ Bắc Hà xưa, Ngọc Hân đã chinh phục hoàn toàn người đàn ông dũng mãnh. Nguyễn Huệ tôn trọng, nâng niu, luôn hỏi ý kiến Ngọc Hân về những ứng xử cần thiết với triều đình nhà Lê.


Tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 47 (1786), tướng nhà Tây Sơn là Nguyễn Huệ ra Bắc với chiêu bài "phù Lê diệt Trịnh". Diệt xong họ Trịnh, Nguyễn Huệ tới yết kiến Lê Hiển Tông. Do sự mai mối của tướng Bắc Hà vào hàng Tây Sơn là Nguyễn Hữu Chỉnh, Ngọc Hân vâng mệnh thành hôn cùng Nguyễn Huệ. Khi đó bà mới 16 tuổi, còn Nguyễn Huệ 33 tuổi và đã có chính thất là Phạm Thị Liên.
Vài ngày sau, Lê Hiển Tông băng hà, triều đình rơi vào vấn đề chọn người kế vị. Lê Ngọc Hân nghĩ anh thân hơn cháu nên ủng hộ anh là Lê Duy Cận lên ngôi, nhưng bị tông tộc nhà Lê phản đối vì muốn lập Hoàng thái tôn Lê Duy Kỳ - con của Cựu thái tử Lê Duy Vĩ lên ngôi. Do áp lực của tông tộc, Ngọc Hân phải nghe theo. Lê Duy Kỳ được lập, tức là Lê Chiêu Thống. Ít lâu sau, bà theo Nguyễn Huệ về Thuận Hóa.

Năm Chiêu Thống thứ 2 (1788), Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế trước khi ra Bắc để diệt quân Thanh, lấy niên hiệu Quang Trung, phong Ngọc Hân làm Hữu Cung Hoàng hậu do chính thất Phạm thị đã được phong làm Trung Cung hoàng hậu. Năm sau (1789), sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ lại phong bà làm Bắc Cung hoàng hậu.

Bà có hai con với Nguyễn Huệ là Nguyễn Thị Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức.

 


Ngọc Hân công chúa nổi tiếng xinh đẹp

(Nguồn: Sưu tập)
 


Năm Quang Trung thứ 5 (1792), Nguyễn Huệ đột ngột băng hà. Sau đó, Nguyễn Quang Toản là con bà Chính cung hoàng hậu Phạm Thị Liên (hoặc Bùi Thị Nhạn) lên nối ngôi, niên hiệu là Cảnh Thịnh, vì thế sử còn gọi là là Cảnh Thịnh Đế. Bùi hoàng hậu do thân phận chính thất đã trở thành Hoàng thái hậu. Khi Quang Trung hoàng đế băng hà, mặc dù chịu đau đớn là thế, vậy mà Ngọc Hân lại bị nghi ngờ là hung thủ hạ độc người chồng đầu ấp tay gối.

Theo bài "Danh nhân Lê Ngọc Hân" của Chu Quang Trứ, sau khi Nguyễn Huệ qua đời thì bà Lê Ngọc Hân mất quyền lực, và bà đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền (Dương Xuân ở Huế) cạnh Đan Dương điện với danh nghĩa thờ chồng nuôi con. Bà gượng sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (ngày 4 tháng 12 năm 1799) thì mất, lúc đó mới 29 tuổi.

Lễ bộ Thượng thư nhà Tây Sơn là Phan Huy Ích đã phụng chỉ soạn năm bài văn tế Lê Ngọc Hân cho vua Cảnh Thịnh Đế, cho các công chúa, cho bà Nguyễn Thị Huyền, cho các tôn thất nhà Lê, và cho họ ngoại ở làng Phù Ninh. Cảnh Thịnh Đế đã đích thân đọc trước linh sàng, với thụy hiệu được truy tặng là Nhu Ý Trang Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu. Cả năm bài văn tế trên còn được chép trong sách Dụ Am văn tập.

Và theo tộc phả họ Nguyễn Đình, đang khi triều Tây Sơn suy thoái, Nguyễn Ánh thừa cơ chiếm lấy kinh đô Phú Xuân, ngày 18 tháng 11 năm Tân Dậu (23 tháng 12 năm 1801) hoàng tử Nguyễn Quang Đức mất khi mới 10 tuổi, rồi ngày 17 tháng 4 năm Nhâm Tuất (18 tháng 5 năm 1802), công chúa Ngọc Bảo cũng mất khi mới 12 tuổi.

Nguồn: danviet.vn