Trần Huỳnh
Liệt sĩ Trần Huỳnh là thủ lãnh cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 ở Tiên Phước - Tam Kỳ, sinh ngày 14-3 năm Mậu Ngọ (1858) tại làng Tân An Tây, tổng Đức Hoà Trung (Phước Lợi) huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), tục gọi là Phó Bẽm (hay Bẻn) vì ông giữ chức Phó tổng tại địa phương.
Mộ Tổng lãnh binh Trần Huỳnh tại xã Tiên Thọ
Xuất thân trong một gia đình nông nghiệp bán cận sơn thuộc phủ Tam Kỳ. Những năm 1902 – 1908, ông tham gia phong trào Duy tân tại địa phương lập chợ mở trường tân học (chợ Cây Cốc - nay là chợ Tiên Thọ, trường Tân Xuân...).
Trong cuộc khủng bố trắng năm 1908, ông thoát được nanh vuốt thực dân và Nam triều, đến năm 1916 ông là thành viên cuộc khởi nghĩa Duy Tân tại Quảng Nam.
Đội quân khởi nghĩa tại Tam Kỳ do ông làm Tổng lãnh binh có nhiệm vụ chiếm phủ đường Tam Kỳ (lúc này chưa có huyện Tiên Phước). Nội vụ xảy ra như sau:
Vào tháng 9-1916, tại Tam Kỳ, Tân An Tây, Tích Phước. Các nhà cách mạng thành lập một tổ chức gọi là Phục quốc quân được hình thành tại nhà ông Trần Huỳnh, Thẩm Tùng Văn (Hoa kiều), Trần Khuê...
Chiều ngày 1-5-1916 (tức ngày 29-3 Âm lịch), trong một cuộc họp ở Tích Phước gồm một số nhà lãnh đạo cuộc nổi dậy chiếm phủ Tam Kỳ sẽ diễn ra vào đêm mùng 2 rạng sáng mùng 3 tháng Tư Âm lịch (tức đêm 3 rạng ngày 4-5-1916) đợi lệnh cuộc phát khởi tại Huế.
Cuộc khởi nghĩa tại Huế bị bại lộ, khâm sứ Charles phát một trung đội lê dương cấp tốc vào Tam Kỳ trấn áp. Tuy vậy nghĩa quân lúc ấy đã vây chặt phủ đường Tam Kỳ, một dân binh tên là Trần Chái (quê ở Tam Dưỡng, thị xã Tam Kỳ) leo lên cột cờ hạ cờ Nam triều xuống và treo cờ nghĩa quân lên thì bị địch bắn chết tại chỗ.
Sáng ngày 4-5-1916, lực lượng khởi nghĩa chiếm trọn phủ lị và các làng xã kế cận. Nhưng liền đó Pháp phản công, ông Trần Huỳnh và các chiến hữu (Thẩm Tùng Văn, Lê Ngạn, Ngô Đốc, Đỗ Đăng Cảnh, Trần Chương, Lương Đình Thực...) đều bị Pháp bắt trọn đày Lao Bảo, Ban Mê Thuột.
Ngày 27-5-1916, toà Nam án Quảng Nam mở phiên tòa ở Vĩnh Điện, ông bị kết án khổ sai chung thân đày đi Ban Mê Thuột. Sau đó chúng tăng án ông bị xử tử hình, ông bị xử chém tại Chợ Củi (Vĩnh Điện - Điện Bàn).
Ông hi sinh vào ngày 3-6 năm Bính Thìn (1916), thọ 58 tuổi.
Vì cuộc khởi nghĩa năm 1916 và nghĩa quân chiếm phủ lị Tam Kỳ ở địa phương có bài vè:
“Năm Thìn (1916), ngày Tị
Giờ Tý tháng Tư
Anh em ta bị sự hư một lần
Kéo lên năm bảy trăm dân
Nửa đồn Đại lí, nửa quầng lên Nha (Phủ lị)
(....)
Khắc ác ông huyện Hà Đông
Bắt ra phơi nắng, cổ gông chân xiềng
Người giàu đóng góp bạc tiền
Người nghèo bị bắt, giải liền phủ trên
Tù giam biệt xứ ai quên!
Phú cho trời đất khi nên thì nhờ (...)”
Nguồn: Cồ Việt Mobile