528 lượt xem

Căn nhà 99 cửa và con ma nhà họ Hứa

(Kỳ 1): Huyền thoại chú Hỏa

Không chỉ là lời đồn thổi, trước năm 1975, đạo diễn nổi tiếng Lê Mộng Hoàng còn dựng phim “Con ma nhà họ Hứa” (hãng phim Dạ Lý Hương sản xuất), chiếu các rạp tại TP Hồ Chí Minh, thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người, suốt nhiều năm. Cho đến nay, câu chuyện này vẫn còn là một điều bí ẩn.

Sài Gòn trước năm 1975 có biệt danh là “Hòn ngọc Viễn đông” không chỉ nói lên vẻ đẹp tráng lệ của một thành phố lớn của đất nước Việt Nam mà còn ám chỉ đây là trung tâm văn hóa, kinh tế phồn vinh của một vùng đất thuộc khu vực Đông Nam Á. Sài Gòn thời đó cũng là đầu mối giao lưu hội nhập cực thịnh trên nhiều lãnh vực của khu vực và thế giới, trong đó có sự tụ hội của những dòng người lưu cư chọn Sài Gòn làm “quê hương” thứ hai từ một số nước mà nhiều nhất có lẽ là người Trung Hoa.
Và trong số người lưu cư theo dòng thời gian và những bước ngoặt lịch sử ấy có một người Trung Hoa gốc Minh Hương nghèo khổ về sau nổi tiếng là một doanh nhân trên thương trường Sài Gòn lẫn khu vực Đông Nam Á với nhiều huyền thoại ly kỳ cho tới bây giờ, đó là Chú Hỏa tức Hui Bon Hoa, phiên âm tiếng Việt là Hứa Bổn Hỏa.

Chú Hỏa
Nhưng huyền thoại bao quanh Chú Hỏa không chỉ có việc ông khởi nghiệp làm giàu từ gánh ve chai buôn bán đồng nát mà còn có ngôi nhà 99 cửa tồn tại tới bây giờ với lối kiến trúc độc đáo. Và trong ngôi nhà 99 cửa này có một câu chuyện nửa hư nửa thật làm rúng động đất Sài Gòn và mãi mãi còn nằm trong bức màn bí mật: Câu chuyện về cô tiểu thư Hứa Tiểu Lan bị bệnh cùi, chết khi còn rất trẻ và rất linh thiêng đã hình thành câu chuyện huyền thoại Con ma nhà họ Hứa.
Kỳ 1: Một gánh ve chai khởi nghiệp làm giàu
Chú Hỏa có lẽ là một trong số người Trung Hoa gốc Minh Hương rời bỏ đất nước di cư sang Việt Nam sinh sống khi người Mãn Thanh tiến vào Trung Nguyên thiết lập triều đình nhà Thanh cai trị đất nước Trung Hoa rộng lớn và tiêu diệt nhà Minh. Những người Trung Hoa đầu tiên này di cư tới Việt Nam và được chúa Nguyễn cho định cư ở Nam bộ từ thế kỷ 17. Hầu hết số người Trung Hoa di cư đến Việt Nam ban đầu đều nghèo, chỉ hai bàn tay trắng và một số phận “tha phương cầu thực” với ước nguyện được yên thân nơi xứ người, tránh sự truy lùng của triều đình Mãn Thanh. Chú Hỏa cũng là một người mang số phận như vậy.
Chú Hỏa định cư ở đất Sài Gòn xưa và chọn nghề “mua bán ve chai đồng nát” là một cái nghề mạt hạng nhất trong các thứ nghề lúc bấy giờ mà giai tầng “thầy, thợ” đã là đẳng cấp phân chia ngôi thứ rõ rệt nhất trong đời sống xã hội. Mỗi ngày chú Hỏa với bộ đồ đặc trưng của người Trung Hoa xưa, chiếc nón cối có đỉnh hình chóp, rộng vành, trên vai đôi quang gánh, chân mang đôi giày bố đặc trưng của người Trung Hoa lặn lội vào từng ngõ ngách của đất Sài Gòn cất tiếng rao bằng tiếng Việt giọng lơ lớ để mua ve chai, đồng nát.

Đôi quang gánh gây dựng sự nghiệp của chú Hỏa đang được trung bày trong viện bảo tàng TP
Nhưng chú Hỏa không giống những người mua ve chai đồng nát bình thường mà là mua về lựa ra bán lại cho chủ vựa kiếm ít đồng lời. Do có ý chí vươn lên và đầu óc kinh doanh bẩm sinh của người Trung Hoa nên chú Hỏa tái chế ve chai đồng nát thành những sản phẩm thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày để bán ra thị trường. Vì thế đồng lời tăng gấp 4 lần theo kiểu “một vốn, bốn lời” và chú Hỏa đã tích lũy cả vốn lẫn lãi qua thời gian để chuẩn bị phát triển kinh doanh, làm ăn lớn chứ không sống mãi với cái gánh ve chai và tiếng rao buồn vang vang trong các con hẻm nhỏ Sài Gòn của một người Minh Hương xa xứ.
Nhiều huyền thoại kể rằng, trong những lần đi mua ve chai, đồng nát, chú Hỏa mua cả đồ cổ sành sứ, đồng, thau, bạc, vàng rất quý hiếm mà người trong các xóm lao động không hề biết giá trị thật, mang bán cho chú Hỏa với giá rất bèo theo kiểu ve chai, đồng nát nên chú Hỏa đã vớ bở. Và trong một lần mua ve chai, chú Hỏa đã may mắn mua được một cái chuông cổ bằng đồng có lớp sơn đen bên ngoài để ngụy trang mà thật sự cái chuông cổ ấy được đúc bằng vàng khối mà người bán cái chuông không biết vì đây là vật dụng của gia đình truyền lại bị vất lăn lóc ở xó nhà mà họ muốn bán đi cho trống chỗ.
Từ cái lần vớ phải “lộc trời cho” ấy chú Hỏa đã phất lên và dùng số vàng này hùn hạp làm ăn với một người Pháp mở hệ thống tiệm cầm đồ bình dân rồi tiến sang lĩnh vực bất động sản, mua đất, xây nhà cho thuê không chỉ trên đất Sài Gòn mà còn ở khắp Nam kỳ Lục tỉnh.
Ngôi nhà 99 cửa và huyền thoại chú Hỏa
Sau khi không còn làm ăn với người Pháp này nữa, chú Hỏa rút vốn lại thành lập công ty riêng mang tên Công ty “Hui Bon Hoa và các con” đầu tư mạnh vào bất động sản, không chỉ xây nhà phố cho thuê mà còn xây các công trình lớn như bệnh viện, chợ, khách sạn, trường học, chùa chiền… Lúc bấy giờ chú Hỏa đã có trong tay tới 20.000 căn nhà phố cho thuê khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định.
Vô số công trình lớn còn tồn tại tới ngày nay như: Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, Nhà khách chính phủ, chùa Kỳ viên, khách sạn Palace, Long Hải… mà khách sạn Majestic xây xong năm 1925, được xem là một công trình kiến trúc đồ sộ, độc đáo thời ấy theo kiểu Pháp tới bây giờ sau bao lần chỉnh trang vẫn không thay đổi bao nhiêu.
Một trong những công trình vượt thời gian ấy là ngôi biệt thự chú Hỏa kiến trúc rất độc đáo theo hình chữ U với 99 cửa, hiện dùng làm Nhà Bảo tàng Mỹ thuật TP nằm ở khu đất vàng bao quanh bởi 4 con đường nhà phố sầm uất, buôn bán tấp nập ngay khu “tứ giác vàng” trung tâm quận 1 là Phó Đức Chính- Lê Thị Hồng Gấm-Calmette-Nguyễn Thái Bình.

  • Bảo tàng mỹ thuật TP ngày nay
Ngôi biệt thự 99 cửa của chú Hỏa
Riêng ngôi nhà 99 cửa cũng có nhiều huyền thoại ly kỳ như một thời đã dấy lên tin đồn trong tủ kính ở gian sảnh chính có đặt đôi quang gánh mua ve chai của chú Hỏa thời hàn vi, có một căn phòng… có ma. Đó là cô con gái của chú Hỏa bị bệnh cùi do chết oan khuất nên không siêu thoát nên thường hiện ra trong đêm khuya. “Ma nữ” trong bộ đồ trắng, xõa tóc dài đi dọc hành lang ngôi biệt thự hoặc gào khóc trong căn phòng trước kia cô đã sống… rồi lại có lời đồn đãi thỉnh thoảng người ta thấy chú Hỏa… hiện ra, vai gánh gánh ve chai đi loanh quanh trong khoảng sân rộng của ngôi biệt thự.

Bên trong ngôi nhà 99 cửa

Tất cả những tin đồn thổi, thêu dệt này càng làm tăng thêm sự ly kỳ bao quanh huyền thoại của một người Trung Hoa gốc Minh Hương nổi tiếng ở Sài Gòn xưa mang tên Hui Bon Hoa. Đặc biệt là tin đồn cô gái ma trong ngôi biệt thự chú Hỏa đã tạo cảm hứng cho một bộ phim mang tên Con ma nhà họ Hứa do hãng phim Dạ Lý Hương sản xuất với đạo diễn nổi tiếng Lê Mộng Hoàng chiếu trước năm 1975.
(Kỳ 2): Tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa

Người Sài Gòn xưa thường nói “Đi tàu Chú Hỷ, ở nhà Chú Hỏa” để chỉ hai nhân vật nổi tiếng: Chú Hỷ – “vua tàu thuyền” – có tàu chạy Lục tỉnh và Chú Hỏa – “vua nhà đất” – với gần 30.000 căn nhà phố khắp Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn.
 
Có một điều không phải huyền thoại mà là sự thật, chú Hỏa xuất thân là người Trung Hoa di cư lánh nạn ngay trên quê hương mình và đã đi tìm đất sống ở Sài Gòn. Do chí thú làm ăn, biết tổ chức, điều hành công ty kinh doanh Hứa Bổn Hỏa và các con theo kiểu gia đình nhưng cực kỳ đoàn kết nên chú Hỏa đã trở thành một “doanh nhân” nổi tiếng trong tốp tứ đại phú hộ với số tài sản kếch sù không chỉ để lại cho gia tộc, mà còn góp phần làm nên một “huyền thoại kinh doanh ngành bất động sản” của Sài Gòn.
Chỉ riêng ngành bất động sản với những công trình xây dựng lớn còn tồn tại trong đời sống xã hội cũng như văn hóa của một thành phố mà ông đã chọn làm nơi ngụ cư, xem như quê hương thứ hai của mình cho đến ngày khuất bóng, Hứa Bổn Hỏa cũng đã để lại cho người đời sự ngưỡng mộ hiếm có.

Một bức ảnh tư liệu hiếm hoi về chú Hỏa.
Một doanh nhân đẳng cấp
Chú Hỏa sinh năm 1845, mất năm 1901, hưởng dương 56 tuổi. Ông tên là Hui Bon Hoa hay Jean Baptist Hui Bon Hoa, phiên âm là Hứa Bổn Hỏa, hay còn gọi là Hứa Bổn Hòa là một trong “Tứ đại phú hộ” của đất Sài Gòn vào nửa đầu thế kỷ 20 mà dân gian đã xếp hạng gồm: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”.

Tứ đại phú hộ Sài Gòn xưa
Nhất Sỹ tên thật là Lê Phát Đạt (1841-1900) được phong huyện hàm nên gọi là Huyện Sỹ, người quê Bình Lập, Tân An. Ông học trường Dòng là một “đại phú hộ” trong lãnh vực nông nghiệp và truyền bá đạo Thiên Chúa. Lúc sinh thời, ông đã bỏ tiền của ra xây 2 nhà thờ lớn ngay trên đất của mình: Nhà thờ Huyện Sỹ ờ Q1, và Nhà thờ Hạnh Thông Tây ở Gò Vấp. Cháu ngoại ông là Nguyễn Hữu Thị Lan, vợ vua Bảo Đại, tức Nam Phương Hoàng Hậu.
Nhì Phương là Đỗ Hữu Phương (1844-1914) được phong hàm Tổng đốc nên còn gọi là Tổng đốc Phương, người gốc Hoa sinh tại Sài Gòn, ngoài chữ Hán ông còn nói giỏi tiếng Việt, thông thạo Pháp ngữ. Ông Phương đương thời là một trong những người chủ xướng và bỏ tiền ra xây trường nữ trung học Collège de Jeunesfilles Indigènes vào năm 1915, tức trường Áo Tím, sau gọi là Trường nữ trung học Gia Long (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai) nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan.
Tam Xường hay Bá hộ Xường, ông tên thật là Lý Tường Quan người gốc Hoa, ngoài tiếng Quảng Đông và tiếng Việt ông thông thạo tiếng Pháp. Bá hộ Xường là “đại phú hộ” kinh doanh trên lãnh vực lương thực, cung cấp độc quyền mặt hàng cá, thịt cho Sài Gòn và các tỉnh.
Tứ Hỏa là chú Hỏa, tức Hứa Bổn Hỏa. Cũng có một cách sắp xếp thứ hạng khác trong “Tứ đại phú hộ” xưa : “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. Tứ Định là Trần Hữu Định, ông trùm trên lãnh vực đất đai, tiệm cầm đồ, xuất nhập cảng vải, sợi. Nhưng tài sản kết sù của ông về sau bị con cái hoang phí, tiêu tan sau khi ông mất. Có lẽ vì thế mà ông không còn nằm trong danh sách “Tứ đại phú hộ” của Sài Gòn xưa mà người thế chỗ là Hứa Bổn Hỏa chăng?
Dù sao thì qua cách sắp xếp giai tầng doanh nhân Sài Gòn xưa, cho thấy Chú Hỏa là một trong “Tứ đại phú hộ” Sài Gòn ngang vai vế với Trần Hữu Định, và tiếng tăm của chú Hỏa còn lẫy lừng tới ngày nay là điều không ai bàn cãi bởi những công trình về xây dựng có giá trị của ông để lại vẫn tồn tại theo thời gian và sự thật chú Hỏa làm giàu nhờ nghề buôn bán ve chai, đồng nát đã được người Sài Gòn qua nhiều thế hệ khẳng định.
Tủ đồ phế thải chuyển thành vàng
Tuy nhiên, việc chú Hỏa phất lên, tạo cơ nghiệp, giàu nứt đố đổ vách lại không phải như lời đồn đãi do ông mua được chuông đồng hay nhặt được túi vàng trong chiếc ghế cũ, hay buôn bán cổ vật mà là nhờ có vốn ban đầu, nhờ có óc nhìn xa, nhạy bén với thương trường và quyết đoán trong công việc cộng với cơ hội đưa đến và biết nắm bắt cơ hội đã làm nên tên tuổi của một Hứa Bổn Hỏa.
Đó là lần ông trúng thầu, mua được 20.000 cái máy truyền tin phế thải của Pháp với giá hời trong lúc những ông chủ thầu khác lại không mặn mòi gì với thứ đồ vật phế thải này vì bề ngoài nó vô giá trị. Nhưng dưới con mắt của doanh nhân Hứa Bổn Hỏa thì những thứ “vô giá trị” lại biến thành vàng, bởi 20.000 bộ máy truyền tin sau khi phân kim đã cho ông một số lượng vàng rất lớn.

Một dãy nhà thuộc dòng họ Hui Bon Hoa xây dựng ở góc đường Võ Văn Kiệt – Phó Đức Chính (Q.1, TP.HCM) hiện vẫn còn nhiều nhà khá nguyên vẹn.
Nhờ số vàng này chú Hỏa chuyển sang kinh doanh nhà đất, chiếm lĩnh thị trường bất động sản mà Sài Gòn thời đó hầu như vẫn còn bỏ ngõ. Và chính Hứa Bổn Hỏa chứ không ai khác nhìn ra tiềm năng của một vùng đất hoang phế, còn nhiều ao hồ quanh con rạch r 20 ngay trung tâm Sài Gòn đang có kế hoạch sang lấp để xây chợ Bến Thành.
Chú Hỏa đã tung tiền ra mua toàn bộ vùng đất mới sang lấp quanh vị trí xây chợ và khi chợ Bến Thành xây xong, Hứa Bổn Hỏa có trong tay 20.000 cái nền nhà thuộc khu đất vàng, và ông lập tức biến nó thành 20.000 căn nhà phố cho thuê để hốt bạc dài dài. 

Dãy nhà phố một trệt một lầu đối diện Công viên Quách Thị Trang (trái ảnh) thời thuộc Pháp, phía sau ga xe buýt hiện nay do dòng họ Hui Bon hoa xây dựng (hiện đã bị giải tỏa, phá dỡ).
Có được tiền bạc kếch sù, chú Hỏa đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, chính “ Công ty của Hứa Bổn Hỏa và các con” đã xây dựng khách sạn Majestic nằm ở góc đường Tôn Đức Thắng – Đồng Khởi bây giờ, một công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu mà ngày nay vẫn còn đẹp lộng lẫy. Rồi Nhà bảo sanh Từ Dũ trên đường Cống Quỳnh ngày nay, Bệnh viện Sài Gòn trên đường Lê Lợi, chùa Kỳ Viên, khu nhà khách chính phủ, nhiều trụ sở ngân hàng, khách sạn Palace Long Hải…
 Đặc biệt là ngôi nhà của chính chú Hỏa tọa lạc tại số 97 đường Phó Đức Chính Q1 với kiến trúc độc đáo, gồm 99 cửa theo phong thủy trên khu tứ giác đắc địa của Sài Gòn… riêng ngôi nhà 99 cửa của ông Hứa Bổn Hỏa khởi thủy là tiệm cầm đồ của chú Hỏa, về sau mở rộng ra và xây dựng lại vào năm 1920. Trải qua trên 100 năm ngôi biệt thự này vẫn đẹp lộng lẫy theo vẻ cổ kính hài hòa giữa hai trường phái kiến trúc Âu – Á rất kiên cố không suy suyễn theo thời gian mà ngày nay dùng làm Bảo tàng Mỹ Thuật thành phố.
 (Kỳ 3): Những chuyện đồn thổi đậm chất liêu trai

Từng là 1 gia tộc nổi tiếng giàu sang đất Sài thành nhưng gia tộc nhà chú Hỏa lại được biết đến nhiều hơn vì câu chuyện kinh dị xoay quanh Con ma nhà họ Hứa…
 
Viết về chú Hỏa mà không đề cập tới “huyền thoại” về con ma nhà họ Hứa quả là một thiếu sót lớn. Tương truyền rằng chú Hỏa có nhiều con trai, nhưng chỉ có một cô con gái út duy nhất rất xinh đẹp mà ông rất mực thương yêu. Nhưng định mệnh thật cay nghiệt, cô tiểu thư nhà họ Hứa lại mắc chứng bệnh nan y mà thời đó coi như bó tay, tức bệnh cùi.
Gia tộc họ Hứa thời bấy giờ phát triển vô cùng thịnh vượng, riêng bất động sản thống kê đã có tới hơn 30 nghìn căn nhà, trong đó có những dinh thự lớn dành riêng cho gia đình, nổi tiếng nhất là dinh thự 99 cửa trên phố Phó Đức Chính, nơi mà ngày nay đã trở thành Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

Dinh thự 99 cửa nơi có lời đồn về con ma nhà họ Hứa

Song sự nổi tiếng cho đến ngày nay của gia tộc chú Hỏa không chỉ ở việc gia tộc này đã từng giàu có ra sao mà là tấn bi kịch về cô tiểu thư xinh đẹp Hứa Tiểu Lan – người được cho là Con ma nhà họ Hứa.
Con ma nhà họ Hứa hay bi kịch của cô tiểu thư bạc mệnh
Nổi tiếng nhất trong số những bất động sản của gia tộc giàu có gốc Hoa này chính là dinh thự nằm trên mặt tiền số 97 phố Phó Đức Chính, ngay quận 1 ở Sài Gòn. 
Tòa dinh thự này là nơi mà cả gia tộc họ Hứa sinh sống, có tới 99 cánh cửa với vẻ đẹp lộng lẫy, cổ kính của kiến trúc Âu Á hài hòa. Những lời đồn thổi đậm chất liêu trai về con ma nhà họ Hứa cũng xuất phát từ chính nơi đây.

Chú Hỏa là thương gia gốc Hoa giàu có nổi tiếng đất Sài thành
Theo lời người dân đồn đại truyền miệng với nhau thì chú Hỏa có tất cả 4 người con. Ba người con đầu là con trai, nối nghiệp cha có tài kinh doanh tài giỏi, giúp ông rất nhiều trong công việc làm ăn. Nhưng để nói tới người con mà chú Hỏa yêu quý nhất thì lại không phải là ai trong số 3 người con này mà là cô con gái út xinh đẹp có tên Hứa Tiểu Lan
Người ta kể rằng cô tiểu thư nhà họ Hứa vừa đẹp người lại vừa đẹp nết nên được chú Hỏa rất mực cưng chiều. Nhưng tới khi cô đến tuổi trăng tròn thì chẳng còn vui vẻ như xưa mà lúc nào mặt mũi cũng u sầu. Chẳng bao lâu sau, cô biến mất. Ngay cả gia nhân cũng không biết cô chủ đã đi đâu, bạn bè và đối tác làm ăn có hỏi thăm đến thì chú Hỏa 1 mực không trả lời. Nỗi hoài nghi càng ngày càng lớn, nhất là khi kẻ ăn người ở trong nhà cứ đêm đến lại nghe thấy tiếng khóc lóc nỉ non của con gái. 
Những lời đồn thổi về cô tiểu thư xinh đẹp bắt đầu xuất hiện, nhưng chẳng bao lâu sau thì chú Hỏa báo tin dữ cho bạn bè, con gái chú mắc bệnh hiểm nghèo mà chết. Do người chết vào giờ trùng tang, không tiện làm lễ lớn nên không mời quá nhiều người, thi hài cô tiểu thư xấu số cũng nhanh chóng được an táng ở khu biệt thự nghỉ mát ở Long Hải (Vũng Tàu) của gia đình.
Theo quan niệm dân gian, người chết trẻ thường linh hồn khó siêu thoát mà vẫn vương vấn trần gian. Sau cái chết của cô tiểu thư trẻ, những lời đồn thổi càng ngày càng nhiều.
Người ta kể rằng có 2 tên trộm nghĩ nhà chú Hỏa giàu có tất có nhiều đồ tùy táng quý giá chôn theo con gái nên đã đào trộm mộ, song khi nắp mộ bật mở thì chẳng hề có gì bên trong, cả thi hài người chết lẫn đồ tùy táng đều không có. 
Dân tình bàn tán, có thể cô gái quả thực đã chết, nhưng chú Hỏa vì thương con còn nhỏ đã phải nằm dưới nền đất lạnh nên chẳng đành lòng chôn cất mà dùng phương pháp bí truyền của người Hoa, tẩm ướp thi hài cô gái nhỏ rồi để trong phòng cô ở trước kia, để cô gái vẫn được ở bên gia đình.
Gia nhân trong nhà cũng cho rằng hồn cô gái vẫn chưa siêu thoát mà đêm đêm vẫn hiện về, đứng bên cửa sổ khóc than cho số phận bạc bẽo của mình. Người khác thì quả quyết đã từng nhìn thấy có bóng trắng ẩn hiện trên các khung cửa sổ trong dinh thự. 

Khách sạn Majestic do dòng họ Hui Bon Hoa xây dựng và tặng TP Sài Gòn thời thuộc Pháp.

Lời đồn đại kinh dị nhất về con ma nhà họ Hứa là khi có anh thợ điện vào dinh thự để sửa chữa, bảo dưỡng đường dây điện trong tòa nhà thì nhận thấy trên tầng cao nhất có 1 căn phòng đóng kín cửa. Anh ta tò mò để ý thì thấy gia nhân đẩy khay thức ăn vào phòng qua khe cửa, trong phòng lúc nào cũng có tiếng gào khóc, la hét.  
Người thì cho rằng đó là do anh thợ điện tưởng tượng mà kể ra cho vui chuyện, song kẻ khác lại tin rằng cô tiểu thư cành vàng lá ngọc kia chưa hề chết, chỉ là cô ta đã mắc bệnh tâm thần nên bị nhốt ngay tại nhà mình mà thôi. 
Song có 1 lời đồn đại khác về cô tiểu thư này, tuy có phần giống với lời kể của anh thợ điện nhưng chỉ khác ở chỗ, cô Hứa Tiểu Lan không phải mắc bệnh tâm thần mà cô đã bị bệnh phong cùi. 
Phải biết rằng thời điểm đó phong cùi là bệnh không có thuốc chữa, người bệnh bị ăn mòn chân tay, khắp người lở loét. Bệnh phong còn được gọi là bệnh hủi, dân gian còn có câu “tránh như tránh hủi” đủ biết căn bệnh này nghiêm trọng tới mức nào. Chẳng những là bệnh vô phương cứu chữa, với hiểu biết hạn hẹp của người thời bấy giờ, phong cùi còn là bệnh lây lan, ai mắc bệnh này nếu không tự bỏ xứ mà đi cũng bị người đời hắt hủi.  
Con gái rượu tự nhiên mắc phải bệnh này, chú Hỏa thương xót vô cùng, đi khắp nơi tìm thầy chạy chữa, tốn biết bao tiền của mà vẫn không có hy vọng khỏi bệnh. 
Thương con đang như hoa như ngọc nay bị bệnh phong cùi hủy hoại nhan sắc, không muốn bị người đời bàn ra tán vào nên chú Hỏa sắp xếp cho con ở trong căn phòng tối trên tầng cao nhất của căn dinh thự. 

Tiểu thư Hứa Tiểu Lan bị nhốt trong căn phòng cao nhất


Cô tiểu thư nhỏ sống trong đó qua ngày đoạn tháng, không ai được gặp mặt, kẻ hầu người hạ mang cơm nước, quần áo cho cô cũng không được vào mà chỉ đẩy đồ qua khe cửa. Họ không được phép nhìn ngó lung tung, phải đi lùi. 
Cẩn thận là thế, cũng yêu thương là thế nhưng cuối cùng chú Hỏa không giữ được cô con gái nhỏ bên mình. Một ngày nọ, cơ thể bé nhỏ của Hứa Tiểu Lan không chịu đựng được sự giày vò của bệnh tật nữa mà từ bỏ sự sống. 
Con gái chết, chú Hỏa đau xót vô cùng, căn phòng trước đây nơi cô ở vẫn được giữ nguyên, và quả đúng như lời 2 tên trộm kia dự đoán, thi hài tiểu thư họ Hứa không được chôn cất mà được đặt trong lồng kính, ướp xác.  
Chẳng mấy chốc đã đến ngày giỗ đầu cô tiểu thư bạc mệnh, chú Hỏa thương con nên đặt may 1 bộ áo đầm trắng là màu cô thích mặc nhất khi còn sống, lại mua cho cô 1 con búp bê biết nháy mắt hiện đại nhất thời bấy giờ, cúng cùng 1 dĩa cơm gà.  
Hôm ấy bà vú già lên dọn phòng cô chủ như thường lệ thì giật mình kinh hãi, hét lớn rồi chạy ra khỏi phòng như bị ma đuổi, miệng lắp bắp: “Cô chủ về! Cô chủ về!”.

Sự lạ xảy ra, trong căn phòng âm u nơi tầng cao nhất ấy, nắp hòm bằng kính bật mở, con búp bê không ai giữ mà đứng thẳng trên lồng kính, đôi mắt nháy lia lịa như đang trò chuyện với ai đó. Còn dĩa cơm gà kia chẳng biết ai ăn mà chỉ còn phân nửa, trong khi cửa phòng khóa chặt, chỉ khi bà vú lên dọn dẹp mới mở ra, trong phòng cũng chẳng có gián chuột gì.
Chú Hỏa cấm gia nhân không ai được tiết lộ bất cứ điều gì ra ngoài, ngay trong ngày hôm đó, gia tộc họp bàn rồi tức tốc đem thi hài tiểu thư đi chôn bí mật ở 1 nơi cách xa thành phố.
Nhưng sự lạ đã xảy ra, đâu có dễ dàng biến mất. Ngay cả khi thi hài cô gái không còn ở trong dinh thự nữa, người làm mỗi đêm lại nghe thấy những tiếng khóc than nỉ non từ căn phòng trên lầu cao nhất của cô tiểu thư hồng nhan bạc mệnh.
Dẫu chú Hỏa đã dùng mọi cách để bưng bít nhưng tin đồn cứ thế truyền đi, con ma nhà họ Hứa trở thành nỗi kinh hoàng mà bất cứ người dân Sài gòn nào cũng biết. Thậm chí năm 1973, câu chuyện về hồn ma Hứa Tiểu Lan còn được hãng phim tư nhân Dạ Lý Hương dựng làm phim.
Nhà sản xuất giới thiệu đó là phim dựa trên câu chuyện có thật về bi kịch nhà chú Hỏa, lấy tên là “Con ma nhà họ Hứa”. Phim ra mắt trở thành bộ phim ma đầu tiên của điện ảnh miền Nam trước ngày Giải Phóng năm 1975, tạo tiếng vang lớn, khiến cho câu chuyện huyền bí, liêu trai về linh hồn cô tiểu thư xấu số của gia tộc từng 1 thời lừng lẫy đất Sài thành cứ thế lan truyền.
Vén màn bí mật về linh hồn cô gái trẻ – Con ma nhà họ Hứa
Tòa dinh thự nổi tiếng nhà họ Hứa vốn có 100 cánh cửa nhưng khi duyệt thiết kế đã bị viên toàn quyền người Pháp bắt bỏ đi 1 cửa và không cho mở cửa cổng chính vì cổng này lớn hơn cổng Dinh Toàn quyền, nay là dinh Độc Lập.  
Gia tộc họ Hứa sau khi chú Hỏa mất vẫn phồn vinh, trước ngày Giải Phóng, họ đã sớm di tản sang Pháp. Sau ngày Giải Phóng, dinh thự đã được chính quyền trưng dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. 
Theo lời nhân viên bảo tàng thì căn biệt thự này vốn được xây vào năm 1929 bởi con trai trưởng của chú Hỏa. Dinh thự được xây trên nền của căn biệt thự cũ. Phía sau tòa biệt thự có 1 phiến đá hoa cương ghi lại sơ đồ các phòng trong dinh thự, trên đó không hề có tên của cô tiểu thư xấu số nhà họ Hứa.

Người ta đồn rằng hồn ma xuất hiện trên khung cửa sổ


Tuy nhiên đây cũng là điều dễ hiểu bởi khi mà tòa dinh thự được xây thì chú Hỏa sớm đã không còn, ông đã mất vào năm 1901, cả chục năm trước khi các con xây dinh thự trên nền đất cũ. Và như lời đồn về con ma nhà họ Hứa thì chắc hẳn cô con gái nhỏ sớm đã qua đời trước cha mình.  
Những lời đồn đại thực thực hư hư về hồn ma cô tiểu thư bỗng chốc trở nên vô căn cứ, bởi sau khi cô mất dinh thự mới được xây, ngay cả chú Hỏa còn chưa 1 ngày sống ở căn biệt thự này, làm sao có căn phòng ma ám nơi cô tiểu thư được ướp xác.
Song theo 1 số ghi chép thì năm 2006 có người tự xưng là cháu mấy đời của chú Hỏa tên là Eddie Hui-Bon-Hoa khẳng định, ông Hui Bon Hoa – Hứa Bổn Hòa vốn chỉ có 3 người con trai mà thôi.
Ba người con trai ông lần lượt là Huỳnh Trọng Huấn (Tang Huon Hui Bon Hoa), Huỳnh Trọng Tán (Tang Chanh Hui Bon Hoa) và Huỳnh Trọng Bình (Tang Phien Hui Bon Hoa). Trong gia phả họ Hứa không ghi chép tên người con gái nào của chú Hỏa.
Người ta cho rằng những lời đồn thổi qua hơn trăm năm đã đầy tính liêu trai, đậm chất tâm linh. Có thể đúng là có cô tiểu thư họ Hứa, đúng là cô gái không may mắc bệnh phong cùi và qua đời nhưng vốn dĩ chẳng có hồn ma nào.
Trước khi cô gái chết có than khóc cũng là điều dễ hiểu, bởi bệnh phong không có thuốc chữa, từ 1 cô gái là tiểu thư nhà giàu như hoa như ngọc từng ngày chứng kiến nhan sắc, cơ thể bị bệnh tật hủy hoại không khóc than mới là lạ.
Người ta không hiểu biết gì về cuộc sống giàu sang trong dinh thự bề thế đó, từ câu chuyện bi kịch thêm thắt tình tiết kinh dị để giai thoại thêm phần gay cấn cũng là điều có thể hiểu được.
Tuy nhiên, trong cuốn sách “Ngôi mộ cổ nhà họ Hứa” của Phạm Đình Phong có viết rằng: “Cô con gái Chú Hỏa tên là Hứa Tiểu Lan mất vì bệnh nan y, được chôn cất trong ngôi mộ cổ cạnh nghĩa trang Biên Hòa…”(?)
Cuối cùng thì cho đến hôm nay không ai biết ngôi mộ thật của chú Hỏa thực sự chôn ở đâu. Và có lẽ trong nhiều huyền thoại liên quan tới nhân vật Hui Bổn Hỏa một trong “Tứ đại phú hộ” Sài Gòn xưa chỉ có huyền thoại về “Con ma nhà họ Hứa” đã được giải mã. Riêng về ngôi mộ thật sự chôn thi hài của nhân vật nổi tiếng này đã, đang và sẽ còn trong bí mật chưa được vén lên.
Và biết đâu nó sẽ chìm dần vào quên lãng như cát bụi thời gian cũng sẽ lấp đầy phía sau lưng quá khứ về một người Minh Hương nổi tiếng ở đất Sài Gòn.
Nguồn hosodanhnhan.com