371 lượt xem

Sài Gòn Năm Xưa - Vương Hồng Sển - Kì 3

Xóm Hàng Đinh (bán đinh) ở lối vườn chơi trên con đường Tự Do, đường này đã có từ thuở cựu trào, nhưng nhỏ bé và quê mùa lắm. Từ mé sông đến dinh Thượng thơ (Direction de l’Intérieur) có mấy chòm cây cau suôn đuột chen chúc gần xóm nhà lá lụp sụp; lối năm 1860, gần đường Nguyễn Văn Thinh (d ‘ Ormay cũ) người ta còn thấy một ngôi chùa cổ, mái uốn cong quớt như cặp sừng, cạnh bên có một quán rượu tây của bọn lính Pháp, ban ngày che màn trắng phếu.
Trước Toà Đô chánh hiện nay (1960) thì thuở ấy có con kinh nhỏ, trên có xây một cái cống, gọi “Cống Cầu Dầu” vì tại xóm chuyên môn bán dầu phộng để ăn và để thắp đèn. Con kinh này, Tây đến thì lấp đi, thay vào con đường Charner cũ, hồi đó cũng gọi là “Đường Kinh Lấp”.

Ngã tư Kinh Lấp đụng với con kinh về sau biến thành Đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi) hồi mồ ma thời Pháp, vẫn là xóm sang trọng nhất. Tại chỗ bồn nước ngay ngã tư này, hồi đó có xây một cái bệ cao hình bát giác, vào khoảng 1920 tôi lên học Sài Gòn còn thấy tận mắt. Mỗi chiều thứ bảy, tại bệ này có mấy chú lính san đá trỗi nhạc Tây cho đồng bào ta thưởng thức. Ngày nay, nhạc Pháp, nhạc Mỹ nghe nhàm tai, các rạp chớp bóng, máy hát và máy radiô “dọn ăn” đến chán bứ ê chề, chớ thuở ấy, làm gì mà được nghe nhạc ngoại quốc cho đã con ráy. Hoạ chăng tụi nào dám lết lại gần nhà hàng “Continental” dành cho “khách Tây” ăn (đường Đồng Khởi), nhà hàng Pancrazi trên đường Bonard (Lê Lợi), và chỗ ngã tư Bồn Kèn này mới được thưởng thức.

Tương truyền ông Huỳnh Mẫn Đạt đã gặp ông Tôn Thọ Tường và hai đàng đối đáp nhau bằng hai bài thơ bất hủ cũng tại chỗ này tục danh “Bồn Kèn”.

Ông Huỳnh Mẫn Đạt, là người Rạch Giá, thi đỗ cử nhân, làm quan trào Tự Đức, chức đến tuần phủ thì xin hưu trí vì không khứng ở lại giúp Pháp. Một buổi chiều kia, ông lên Sài Gòn chơi, ông đội nón ngựa – thứ nón như nón lá nhưng kết bằng lông chim, dùng khi cưỡi ngựa – ông đứng coi lính Lang sa thổi kèn, xảy gặp ông Tôn Thọ Tường ngồi xe song mã chạy trờ tới, ông lật đật núp gốc cây không cho ông Tường thấy nhưng ông Tường đã lanh mắt nhảy xuống xe mừng rỡ. Hai người ứng khẩu như vầy:

Huỳnh Mẫn Đạt xướng:

Cửu mã năm ba đáo cặp kè,
Duyên sao(duyên đâu) giải cấu khéo đè ne.
Đã cam bít mặt cùng trời đất,
Đâu dám nghiêng mình với ngựa xe.
Hớn hở trẻ dung dường dặm liễu,
Lơ thơ già núp cội cây hòe.
Sự đời thấy vậy thời hay vậy,
Thà ẩn non cao chẳng biết nghe.
Tôn Thọ Tường biết ý, ngâm trả lại một bài thơ như sau:
Tình cờ xảy gặp(gặp gỡ) bạn tiền liêu,
Thi phú ngâm nga hứng gió chiều,
Thế cuộc đổi đời càng lắm lắm,
Thiên cơ mầu nhiệm hãy nhiều nhiều,
Nước non nhường ấy tình dường ấy,
Xe ngựa bao nhiêu bụi bấy nhiêu.
Hăm hở nhạc Tây hơi trỗi mạnh,
Nghe qua ngùi nhớ giọng tiêu thiều.

Tài liệu theo “Điếu Cổ hạ kim” Nguyễn Liên Phong soạn, bản 1925, trang 40-41

“Bồn Kèn” cũng còn là một danh từ để gọi bọn du côn ở xóm này, phần nhiều là tay dọn bàn, nấu ăn cho các quan Lang sa, thường hay cậy thế thần của chủ, hống hách hung hăng, tự xưng là “Anh chị Bồn Kèn” và hay gây ăn thua đánh lộn hoặc đâm chém với du côn xóm khác như “Xóm Dọn Bàn” (Paul Bert cũ), “Xóm Khánh Hội” (Anh chị Bến Tàu), hoặc du côn “Mặt Má Hồng”(đường Mac Mahon) hay “Lăng Xi Bê”(đường Blanscubé).

Thuở ấy dân anh chị chưa có “chó lửa”(súng lục, súng sáu) như bây giờ. Họ nói chuyện với nhau chỉ bằng tay sắt, củ chì, roi gân bò, hoặc dao tu, miễn là đủ ăn thẹo trên mặt là cùng… nhưng họ có thói ưa xăm mình và tâng bốc nhau bằng danh từ “đại ca” như trong truyện “Thuỷ Hử” hay trong các truyện Tàu khác. Có người xăm tích “Võ Tòng đả hổ”, người xăm câu thơ răn đời: “Hoạn nạn bất ly chơn quân tử, Lâm nguy bất cứu mạc yêng hùng”. Có kẻ xăm bùa chú, bùa “gồng”, người xăm hình ý trung nhơn hoặc con “đầm” loã thể, thậm chí có người vào khám đền tội hung hăng, khi ra đem về kỷ niệm một vài câu chữ Pháp như:

“La richesse attire les amis”xăm trên vế hữu.

“La paivreté les éloigne”xăm trên vế tả (định chừng anh chàng này đã bị một vế bạn bè phũ phàng chi đây).

Có một anh, tôi được gặp, xăm khắp thân thể không chừa một da non: hai bắp tay những câu chữ nho:

“Tiền đồng tịch kim bằng cộng lạc
Hậu lâm nguy bất kiến đệ huynh”.

Giữa ngực xăm một con rồng đoanh… đặc biệt nhứt là sau lưng, trên đề: “République francaise” dưới thêm câu: “Viva la France” và mấy con số “1914 – 1918”, hỏi ra anh là một lính “chào mào” từng dự trận châu Âu đại chiến.
Danh từ “du côn” có lẽ do tích bọn này, nguyên là bọn du thủ du thực, tay thường cầm một “đoản côn” (côn vắn) bằng sắt, đồng hay gỗ trắc để hộ thân, về sau vì có lệnh cò bót cho bắt những kẻ tay cầm gậy hèo nên họ đổi lại, để dễ chạy án, cầm một ống iêu bằng đồng để khi hữu sự dùng làm binh khí hoặc khi nào cao hứng chè chén no say thì mươln đó thổi hơi phù trầm, kể “thơ Sáu Trọng”, “thơ thầy Thông Chánh bắn Biện Lý Tây ở Trà Vinh”, hoặc “thơ Cậu Hai Miêng” con của Lãnh binh Tấn.

Về danh từ “Bồn Kèn”, thuở nhỏ tôi có được nghe đám con nít chợ Sóc Trăng hát như sau:

“Ác-táp lách Sô-cu-la Canh-ti-na Bồn Kèn”,hoặc thông thường nhứt và vỏn vẹn nhứt là hai chữ sau “Bồn Kèn” hay “Bồ Kề” để chế nhạo lẫn nhau.

Xét ra người Triều Châu có một danh từ “Bồ Ền” (bất an) để nói với nhau khi gặp một việc gì không may? Hai tiếng này nghe tựa tựa như hai tiếng “Bồ Kề”. Câu trên có thể nói là “đồng diêu” được chăng? Một điều tôi biết chắc là nó có trước năm Âu chiến 1914 – 1918. Lúc nhỏ tôi cũng bắt chước anh em la hát theo như vậy nhưng kỳ thật không hiểu đó là nghĩa gì. Về sau khi lên học trường Sài Gòn, tôi được nếm mùi tấm tablette de chocolat bán tại góc đường Catinat và Bonard gần “Bồn Kèn” tôi mới thấy có lẽ câu này thuở ấy;à một món quà sang trọng hiếm có được đem về xứ quê, chợ Sóc Trăng yêu mến của tôi, nhưng bởi phát âm không rành nên nghe trại bẹ như vậy chăng?(“Ác-táp lách Sô-cu-la Canh-ti-na Bồn Kền” phải chăng là “la tablette de Chocolat … Catinat…Bồn Kèn”)

“Bồ Kề” dưới xứ Sóc Trăng của tôi, thường được dùng đồng nghĩa với danh từ “lêu lêu mắc cỡ”. Tháng 8 năm 1962 tôi gặp lại bạn cũ ở Sóc Trăng là anh Từ Ngươn Đông, anh mách tôi rằng câu: “Canh-ti-na Bồ Kề” do điển “Candidat bồ-ền” là tích anh Long em của Quách Xên, đi thi sơ học năm 1928 rớt nên đó là “sĩ tử bất an” (“bồ ền” tiếng Triều Châu là “không tốt”).

Tôi cũng nhớ gần năm mươi năm về trước, tại châu thành Sóc Trăng có một ông già người Huê kiều đầu giát tóc bím, ông người cao lớn dềnh dàng, bình nhựt hiền như Phật, nhưng khi có một đứa trẻ con nào dám nói trước mặt bốn tiếng vô nghĩa lý: “Bổ cu ông già”, thì ông giận dữ, đỏ mặt tía tai, chạy theo lấy ống điếu tre bổ “tưới hột sen” trên đầu, vừa khỏ vừa chửi “L… má mầy! Thằng Xích câm xa”. Ấy đó: “bổ cu ông già” là “beaucop ông già”.

“Xích câm xa” chỉ là “c’est comme cà”.

Những danh từ vô tội mà đã khiến nhiều bạn đã bị ông già này rượt nhiều lần như tôi, ai đó xin lên tiếng, chúng ta sẽ hiệp hội ăn mừng và “bồ kề” một bữa!

a) – Dinh Thự, Công sở… Kinh Rạch

Từ Cột Cờ Thủ Ngữ…

Dài theo bờ sông Bến Nghé, nhà phố dân cư đều cất bằng gỗ tạp, tre nứa và lợp bằng lá “cần đóp” (lá lợp nhà chằm theo kiểu Cao Miên) hoặc lợp bằng tranh. Nhà thì làm theo kiểu nhà sàn, nửa phần ở trên đất liền day mặt ra lộ, nửa phần de ra mặt nước, tắm rửa giặt gyạ rất tiện, thêm được cái vừa rẻ tiền vừa hạp vệ sinh.

Cuối đường Tự Do, tại bến đò qua chợ Thủ Thiêm thì có “Thuỷ các” và “Lương tạ” là nhà tắm của vua, cất trên bè tre. Chỗ này đời xưa gọi là “Bến ngự” và. Gần bên nhau có con đò chèo tay đưa rước bộ hành qua lại Thủ Thiêm. Nay bến vẫn còn, duy cô lái đò ngây thơ đẹp đẽ đã thay vào bằng một động cơ ráp trên một chiếc phà chậm chạp, xục xịch tối ngày trên dòng sông bạc. Cô lái đò mỹ miều đã đi đầu thai qua nhiều kiếp khác, có còn chăng là câu hát truyền tụng đời đời:

“Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm!”

Xưởng đóng tàu chiến cũng ở Thủ Thiêm, đối diện với cơ xưởng Thuỷ quân. Bởi thường có tàu chiến đậu tại đây, nên xóm này cũng gọi là “Xóm Thuỷ trại” nhưng bởi dân ta quen nói tắt nên ưa gọi là “Xóm thuỷ” lâu ngày cũng quen tai. Xóm này cũng gọi “Xóm Tàu Ô” vì đây là trụ sở của bọn Tàu thường trương buồm đen. Chữ là “Tuần hải đô dinh” nghe oai vệ nhưng toán quân này, tiếng là quy thuận chúa Nguyễn, có phận sự tuần tiễu ngoài biển cả sông ngòi và tu tạo chiến thuyền nhà vua nhưng tính cũ khó chừa, rõ là quân cướp biển gặp dịp sơ hở là ra tay, bất luận đối với quân Tây Sơn hay phe Nguyễn chúa. Dân gian đều gớm mặt, đêm đêm trẻ nhỏ nghe gọi hai tiếng “Tàu Ô” là nín khóc.(Tại hãng Denis Frères đầu đường Tự Do, khi bước vô cửa lớn, lên một từng nấc thang, khách sẽ thấy gắn trên tường vài cây súng đồng cỡ nhỏ nạp đạn đàng miệng và châm ngòi hoả mai phía sau đuôi, súng đồng này tiếng nổ dữ hơn tai hại gây ra, nhưng thưở ấy nghe đủ bay hồn, đủ làm bọn Tầu Ô kiêng oai lánh mặt).

Ngang Thủ Thiêm, bên này bờ sông là cơ xưởng thuỷ quân, trước kia quen gọi với danh từ ngoại lai “Ba Son”. Nguồn gốc hai chữ “Ba Son” cũng ở trong vòng định chừng. Một thuyết cho rằng “Ba Son” do danh từ Pháp “Mare aux poissons” gọi tắt lại; đành rằng thuở trước kia giữa Arsenal (tên gọi vào những năm 1960 của cơ xưởng Thuỷ quân) có một con kinh đào tay, nhỏ nhưng rất nhiều cá tôm, thuở ấy người Pháp thích câu cá tại đây, về sau xẻo nhỏ lấp đi nhưng danh vẫn còn, cho nên sự Việt Nam hoá tiếng Pháp “mare aux poissons” ra tiếng Việt “Ba Son” có phần đứng vững. Theo thuyết khác lại đổ thừa hồi xưa (đời Bà cổ Hỷ nào đó) đã có một anh thợ nguội tên “Son” là con thứ ba, vô làm sở này, rồi lấy đó đặt tên cho sở nọ, thuyết này vô căn cứ, theo tôi, phần chắc là do mấy bác túng đề cắt nghĩa gượng và xin chừa cho cô hồn phóng sự giải quyết.

Thuyết thứ ba thì cho rằng “Ba Son” do danh từ Pháp “Bassin de radoub” mà có. “Bassin” ” “Ba Son”, theo tôi cũng có phần đứng vững như thuyết thứ nhất “mare aux poissons”. Theo quyển “Promenades dans Saigon”, tác giả, bà Hilda Arnold ghi, rằng buổi đầu người Pháp đã xuất ra trên bảy triệu quan thời ấy để lấp đất và xây cái ụ tàu “bassin de radoub” này, để có thể sửa chữa các thứ tàu chiến tàu buôn tại đây khỏi đem về Pháp quốc. Thời ấy, cuộc chuyển vận đều do đường thuỷ, nên cái “bassin de radoub” giúp họ nắm vận mạng xứ này trong tay.

Về danh từ “Dinh Thượng thơ” gọi thay danh từ “dinh Đổng lý nội vụ” (Direction de l’Intérieur) truy ra dinh này cất xong năm 1864, tôi đã có nói trong đoạn trước. Từ năm 1946, trở nên “Dinh Thủ hiến Nam Việt” rồi “Toà Đại biểu Nam Phần”, sau đó là “Bộ Kinh tế Việt Nam Cộng Hoà”.

“Dinh Thống đốc Nam Kỳ” buổi trước quen gọi là “Dinh Phó Soái” vì chức Thống đốc hồi Tây mới qua vẫn nằm trong tay võ quan chức phong “Lieutenant-Governeur”. Đến năm 1878 mới có nghị định bãi chức “Phó Soái võ” và giao quyền cai trị cho Thống đốc (văn quan). Thống đốc đầu tiên Le Myre de Vilers. Nay Le Myre de Vilers đã chết ba mươi đời vương, duy còn lại một đầu xe lửa trước chạy đường Sài Gòn – Mỹ Tho, mà mới đây đã giải bản cho về chở củi! Mỗi lần chạy, đầu xe lửa Le Myre de Vilers vừa ho vừa khạc ra khói vừa thét ra lửa, mà có khi không đủ trớn lên dốc cầu Tân An và cầu Bến Lức, trèo lên tuột xuống, lên dốc không nổi… trối kệ, xe cặp bến cũng còi cũng “xả hơi” ồn ào oai vệ khiếp?

Năm 1864, người Pháp lập vườn Bách thảo. Giám đốc, ông Pierre là một nhà thực vật học kỳ tài. Ông sanh năm 1833, mất năm 1905, làm giám đốc vườn Bách thảo từ 1865-1877.

Năm 1865, kiểm tra dân số Pháp kiều tại Sài Gòn, đếm được vỏn vẹn năm trăm bảy mươi bảy(577) trự trong số đó có tám mươi(80) thuộc phái đẹp. Vì thế cho nên mỗi lần gánh hát Lang sa qua diễn, vừa hay tin thì các tay có máu mặt lật đật xin giấy phép đua nhau đáp tàu qua Tân Gia Ba (Singapore) để lựa mỹ nhơn và kén chọn ý trung nhơn. Còn lại những bọn kém xu không làm như vậy được hoặc vì phải làm việc trong thâm sơn cùng cốc như Tây đoan, Tây kiểm lâm thì đành lòng tạm gá duyên cùng “chị hai”, “chị ba”, “thị mẹt” mà mới cũ gì cũng đều khép dưới danh từ thơm tho “con gái”.

Quên nói rằng từ năm 1863 đã có gánh hát Tây qua diễn tại Sài Gòn đây rồi để giải sầu cho khách viễn chinh. Ban sơ họ hát tại nhà cây của Thuỷ sư Đề đốc tại nơi gọi “Công trường Đồng hồ”(Place de l’Horloge) góc Tự Do và Nguyễn Du ngày nay và lúc ấy thì nhà thờ lớn (nhà thờ Đức Bà) chưa có. Kế đó nhà hát Tây được dời về xây tạm ở building Caravelle hiện nay. Còn rạp lớn thì bắt đầu xây dựng lối năm 1898, đến ngày 1 tháng Giêng năm 1900 ăn lễ lạc thành lớn lắm. Giữa hai trận giặc 1914-1918 và 1939, việc đem gánh hát từ Pháp qua đây diễn có trợ cấp khổng lồ của Đô thành, bị nhiều người phản đối và có ý muốn sửa làm nhà hoà nhạc (salle de concert). Về sau nhà hát Tây mất khách ủng hộ vì các tay ăn chơi đều bị các hộp đêm, các quán cơm có nhạc và có khiêu vũ giúp vui thu hút gần hết, còn một mớ khác thì lại thích ciné, chớp bóng nói, vừa lạ vừa hấp dẫn hơn.

Tháng Tư năm 1888, có vua Cao Miên, đức Hoàng Lân (Norodon) ngự du Sài Gòn. Chánh phủ Pháp thiết lễ tiếp nghinh trọng thể. Ngài ngự y phục đại lễ Pháp, áo nỉ kết nút kim cương, nón dưa gang (chapeau melon) có gắn hột xoàn thật lớn, nhưng ngài vẫn giữ chăn tơ chân mang giầy da láng kiểu escarpin có gắn hột xoàn.

Hai Pháp kiều Vandelet và Farault đấu giá mua “hoa chi” cho cờ bạc hốt me công khai trên Nam Vang từ 1885 đến 1889, vì nhựt trình (báo chí) la quá mới thôi. Bởi muốn không tốn tiền phụ cấp bạc mặt mà Chánh phủ Pháp nhắm mắt cho làm như vậy, để vua Miên lấy tiền xâu. Một phụ cấp lạ lùng khác trên Nam Vang là mỗi tháng “Nhà nước” phát cho vua và các hoàng thân quý tộc một số á phiện của nhà Đoan, không hút thì bán ra mà xài, hai mối tệ ấy ảnh hưởng rất nhiều đến cách ăn thói ở xứ Sài Gòn thời đó.

Sông Thị Nghè giáp với rạch Bến Nghé, chỗ giáp nước là một cái thoi loi gie ra ngoài sông, phong cảnh rất đẹp, gió mát từ Ô Cấp thổi vào tư mùa. Người Pháp dựng tại đây một cột cờ có tên gọi “cờ Thủ Ngữ” (mât des signaux). Sau đây vì có quán rượu trứ danh chiêu mộ anh hùng mặc khách rất đông, nên bợm rượu đặt tên rất khôi hài là”Mũi đất bọn tán dóc” (Pointe des Blagueurs) truy ra dưới thời Nam triều, chỗ này gọi là “trạm Gia Tân”:

“Gia Tân nền tạm thuở xưa,
Ngày nay có dựng cột cờ gần bên”.

(Kim Gia Định phong cảnh vịnh, bản in Trương Vĩnh Ký, trang 7).

Trên chót ngọn cờ thường thấy treo ám ngữ, ban ngày là cờ vải, cờ màu, hoặc một quả bóng sơn đen, ban đêm thì treo một ánh đèn, khi trắng khi đỏ, tức là ám hiệu báo tin cho tàu bè biết hiệu lịnh tránh lổ rạn hiểm nguy, ghe thuyền qua lại, trong lúc vô ra sông Sài Gòn.

Nghĩ cho hồi đời xưa, lúc chưa có xe ô tô lộng lẫy thì đi đó đi đây toàn là “cuốc bộ”, sang lắm mới được xe kiếng, xe song mã v.v… Bởi các cớ ấy nên khúc đường từ “Dinh Thượng thơ” đổ qua “Dinh Phó soái” rồi ăn xuống tới “Cột cờ Thủ Ngữ” đã kể cho là xa mút tí tè. Ngày nay còn lại câu hát và tích sau đây:

Tiền nhựt, hồi trước có một cặp vợ chồng chắp nối, vợ là tay “dọn bàn” tứ chiếng làm cho Tây, chồng là tụi “nấu ăn” “ba rọi” của Pháp – hai người đụng nhau chung lưng làm nghề bán đồ lâm vố (do Pháp ngữ “rabiot” tức đồ dư; xưa Thống chế Joffre ưa dùng danh từ này nhứt). Ngày ngày đôi vợ chồng thay phiên nhau gánh gồng và đêm đêm mặc dầu mưa gió, anh và chị cũng phải quảy trên vai gánh “đồ Tây” bán như vậy từ đầu đường Tự Do ngang dinh Thượng thơ (Catinat) cho đến tận mé sông chỗ cột cờ Thủ Ngữ (Pointe des Blanguers) đợi khi nào nồi, soong sạch bách thức ăn mới đề huề cùng nhau gánh gánh không về nghỉ. Dè đâu, cuộc làm ăn vừa khá thì anh chồng biến chứng sanh sứa chuyện nọ kia, mèo mỡ bê tha, bỏ gánh lại một mình chị vợ đảm đương, cui cút. Tức quá, chị nghĩ ra câu hát như vầy để tỏ tình: “Thượng thơ, Phó Soái Thủ Ngữ treo cờ, hò, hơ,

Bu-don (bouillon), ỏm lết (omelette), bí tết (beaf steak), xạc xây ờ (sacré),
Mũ ni (menu) đánh đạo, bây giờ mày bỏ tao ơ! Hớ hơ”

Thân làm một mụ già trầu, một chị bếp dốt nát, ngờ đâu khi tâm hồn bị kích thích quá độ, lại sản xuất mấy câu bất hủ làm vầy, vừa lâm ly thống thiết, vừa tế nhị, bình dân. Đố ai sửa chữa hoặc thêm bớt được chữ nào. Ban đầu chị kể đường dài thậm thượt từ trước dinh Thượng thơ trải qua dinh Phó Soái, đoạn đến bờ sông… kể các thức ăn gồm hầm bà lằng xạc xây (sacré) và hổ lốn: nào nước xúp bù don, nào hột gà chiên ỏm lết, nào thịt bít tết, v.v… và v.v… Vừa kể chị vừa nhắc ngày thường chồng vợ nhỏ to thủ thỉ luận câu đạo đức, té ra mấy câu “đánh đạo khuyên đời” này mới rõ dẫu chép ra ắt không đầy tờ giấy lộn ra món ăn (menu): khổ ơi là khổ! Nào khi cực nhọc thức khuya dậy sớm có nhau, bây giờ mới vừa kha khá, ông chồng tôi đành coi nhẹ tình tấm mẳn với tôi, Trời ơi là Trời!

Buổi sơ khởi, hồi Tây mới qua, đời Đề đốc Thuỷ sư Jauréguiberry, người Pháp họ xây được một nhà tạm làm dinh quan Đề đốc, một dưỡng đường để trị bịnh cho các binh lính, một Thánh đường (1860) để lo về phần hồn, thêm một cái ấn quán để in thông cáo và một số ít sách vở cần thiết của chính phủ. Bao nhiêu cơ sở ấy đều dựng lên trong vùng gần nhà thương Đồn Đất. Đến lượt Đề đốc Bonard qua thay thế cho Jauréguiberry, khi tàu ghé Tân Gia Ba, Bonard đặt thợ làm và chở qua Sài Gòn một sườn nhà toàn bằng gỗ, về đây dựng tại nền trường Taberd bây giờ. (Bản đồ toà nhà này còn giữ kỹ tại Viện Bảo Tàng Sài Gòn).

Trước dinh có xây một toà nhà lầu cũng toàn bằng gỗ, trên đỉnh lầu có gắn một đồng hồ rất lớn để báo giờ: nhơn đó đặt tên là “Tour de l’Horloge”, nghe được đến. Vị trí cái đồng hồ này ở vùng gần nhà thờ lớn và đường Gia Long nay là Lý Tự Trọng. Chỗ Thư Viện Quốc Gia bây giờ thì có Sở Ngân Khố và nhà Bưu Điện. Còn một trại binh sĩ nữa thì tạm nơi gọi là thí trường, tức Trường Thi hồi đàng cựu (Camp des lettrés), nơi đây ngày nay còn di tích mấy gốc điệp tây to lớn, do người Lang Sa trồng để che nắng cho nhóm đánh quần lăn “cổ loa” (boules gauloises). Cạnh bên là đường Blancsubé và các anh chị xóm nầy thường vỗ ngực xưng “Anh hùng Lăng-Xì-Bề”.

Ngang Thủ Thiêm, gần xóm Thuỷ trại, có một cầu tàu, tục danh “Cầu Gọ”, cũng gọi “Cầu Quan”, vì ở trong xóm có nhiều quan viên.

Trước khi đi đến kho đạn cũ, bọc theo bờ thành gần cửa Đông “Phan Yên Môn”, có một con kinh nhỏ chạy dài ấy là “Kinh Cây Cám” chạy tới đường Lê Thánh Tôn đi ngang Sở Pháo thủ (Pyrotechnie) qua Sở Công binh thuật (Génie) là dứt. Con kinh này, khúc nối dài tới Chợ Cũ thì gọi “Kinh Chợ Vải” vì vải sồ hàng giẻ đều bán tại đây. Chỗ hãng xe ngang nhà hàng lớn Charner thuở ấy có một cái giếng ngọt, tên gọi “Giếng Chợ Vải”. Kinh Chợ Vải chạy tới mặt tiền toà đô chính thì dứt.

Còn ở giữa khoảng Sở Thương chánh (Port de Commerce – Sở này có từ 1860) có một con rạch, tục danh “Rạch Cầu Sấu” vì nơi đây có một cái hầm nuôi cá sấu để xẻ thịt bán như ta thấy bán thịt bê thịt nai hiện thời. Rạch Cầu Sấu nối liền kinh Chợ Vải tới một con rạch nhỏ nữa do quan võ Coffyn đào, về sau cả ba con kinh này đều lấp bằng trở nên đại lộ “Đường Kinh Lấp” chạy từ dinh Đô trưởng tới giáp đường Công Lý và đại lộ Hàm Nghi (Boulevard de la Somme cũ).
Ngay chỗ sở Thương Chánh (Direction du Port de Commerce) có một cái đồn (fort) và một hành dinh để dành cho quan đại thần từ Huế vào Sài Gòn có chỗ ăn nghỉ. Tương truyền nơi đây có một vài ngôi nhà trước kia là chỗ trú ngụ của Thái Thượng Vương, Tân Chinh Vương và Nguyễn Ánh. (Còn ngay chỗ Viện Bảo Tàng trong vườn Bách Thảo, đời Chúa Nguyễn Ánh có cất một ngôi nhà riêng cho Ông Bá Đa Lộc ở để dạy Hoàng Tử Cảnh, gọi là Dinh Tân Xá. Dường như sườn nhà nầy được dời về cất lại dựa toà nhà của Ông Linh Mục ở đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) như nay còn thấy. (Sau này hội Cổ Học Ấn Hoa “Société des Etudes Indonchinoises” có xây một bia đá kỷ niệm ngay tại nền cũ “Dinh Tân Xá”, bia ấy ngày nay vẫn còn, ở về phía tả Viện Bảo Tàng, day mặt ngó ra Rạch Thị Nghè. Tương truyền đám táng Ông Bá Đa Lộc khởi hành tại nơi đây).

Vào năm 1860, chánh phủ Pháp sửa sang đường sá mở ra rộng lớn và cao ráo, chỗ trải đá ong chỗ trải dá xanh, nhưng dân gian còn giữ lòng trung thành với triều đại cựu, còn lánh nạn có ý chống Pháp, nên dầu ở rải rác lơ thơ, cùng chẳng đã, và quang cảnh Sài Gòn thời ấy có thể nói gần giống một bãi tha ma chen kinh rạch chằng chịt chớ không hoa lệ như ngày nay chút nào. Các nhà dinh Lang sa lúc ban sơ đều dùng toàn cây gỗ và xúm xít chung quanh chỗ Ngân Hàng Quốc Gia ngày nay (Banque de l’ Indochine cũ).

Những con đường như Bonard (Lê Lợi), Charner (Nguyễn Huệ), de la Somme (Hàm Nghi), Pellerin xưa kia đều là kinh rạch sau này lấp đi, tức nhiên buổi đó đi đến đâu cũng gặp toàn nước và nước. Ngay chỗ Chợ Mới Sài Gòn là một ao sình lầy, Pháp gọi “Marais Boresse”, chính ngay chỗ Khám Lớn đã dẹp bỏ, bọc theo đường Lê Thánh Tôn, ta còn thấy cuộc đất thấp hơn đường Gia Long (Lý Tự Trọng) chẳng hạn và hễ đào xuống vài thước sâu là gặp sình non đen nhầy, muốn xây cất nhà phố vững bền phải nhiều tiền và nhiều công xây nền móng kiên cố.

Ngay tại chỗ Toà Tạp tụng và Phá án (1960), gần Chợ Cũ hiện nay, trước kia có một ngôi Thánh đường, gọi “Sainte Marie Immaculée” ăn lễ lạc thành tháng 5 năm 1863, sau phá đi nhường chỗ cho Toà Phá án. Cũng nơi đây xưa là pháp trường, lúc ấy tả đao còn sử dụng đại đao chém tay chớ chưa dùng gươm máy. Hai cây đại đao này mấy chục năm trước còn thấy treo trên vách phía sau chỗ ngồi của viên chúa ngục Pháp Agostini, tại Khám Lớn cũ Sài Gòn.

Dinh Tổng thống, dinh cựu Phó Soái, Toà Pháp đình đường Công Lý đều do nhân công nhà binh Lang sa xây cất, thợ Tây xây gạch và làm đồ mộc, phu gánh đất đều là san đá, phu người Việt cũng có nhưng rất ít. Trong bộ ký ức lục (Souvenirs) của ông Doumer kể lại thì giá tiền xây dinh Toàn Quyền (Phủ Tổng Thống) là bốn triệu quan tiền Tây, tức một số tiền to tát vào thời ấy (Souvenirs d’Indochine, Doumer, trang 70). Cái nhà ba tầng lầu ở góc Tự Do – Gia Long (Đồng Khởi – Lý Tự Trọng) bấy giờ cũng là Sở Trước Bạ, vào đời mới xây, có danh tiếng cao nhất, cho đến nay người Trung Hoa còn gọi toà nhà aasy là “Xám xừng lầu” (lầu ba tầng).

Ngoại trừ những dinh thự của Chánh phủ tu tạo, những nhà kiên cố nhất thời ấy kể ra thì có:

– Nhà thờ Đức Bà.

– Nhà Dòng tu sĩ (Presbytère).

– Nhà Phước Sainte Enfrance.

– Nhà Dòng Saint Paul de Chartres, nhà này tương truyền do ông Nguyễn

Trường Tộ ra kiểu và coi xây dựng.

Còn trường dạy các quan cai trị (tham biện) danh gọi “collège de Interprètes” thì xưa ở chỗ gọi nhà trường Sở Cọp, sau này xây thêm rộng lớn trở nên trường Sư Phạm, tục danh trường Nọt Manh (Ecole Normale Des Institueurs) rồi là Dưỡng đường Chi Lăng, kế nay là Tổng Giám Đốc học vụ và trường trung học Võ Trường Toản. Trường Collège des Stagiaires (Collège des administrateurs stagiaires) dùng để đào tạo quan cai trị thuộc địa. Giáo sư gồm nhiều nhà thông thái như Luro, Chéon, Trương Vĩnh Ký (Sĩ Tải), Trương Minh Ký (Thế Tải), v.v…

Kể về nhà tư gia và tiệm buôn bán lớn thì năm 1863, có hãng Denis Frèrs, nay còn thấy y như chầu xưa từ mé sông chạy theo đường Tự Do đến đường Ngô Đức Kế mới dứt. Các nhà buôn khác thì nay đã không còn nên không kể làm chi choán giấy.

Sau Nhà Thờ Nhà Nước, đường Duy Tân, chỗ Công trường Kỷ niệm Chiến sĩ Trận vong, vào năm 1778 có xây một lầu chứa nước rất kiên cố và cao nghều nghệu, có thang khu ốc lên tận đỉnh chót. Thời ấy đã gọi là kỳ công kiến trúc, in hình bưu thiếp đề là “Château d’eau de Saigon”. Về sau, dân cư ngày một thêm nhiều, hồ cung cấp nước không đủ, nên đã bị phá bỏ vào năm 1921.

Những kiến trúc khác như Sở nấu nha phiến đường Hai Bà Trưng, Cầu Mống qua Khánh Hội, Cầu Quây qua bến Nhà Rồng, xưa lập năm nào tôi truy không ra.

b) Từ lộ mé sông vào Chợ Lớn.

Con đường dài theo mé sông chạy thẳng vô Chợ Lớn, người Pháp đặt là “Route Basse”(ta đồng thời cũng gọi là Đường Dưới) để đối chiếu với đường “Route Haute” (ta gọi Đường Trên).

Đường Trên trở nên con đường Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi). Con rạch dài theo Route Basse, chính là rạch Bến Nghé. Từ ngày Pháp sang đây, đố kỵ danh từ Bến Nghé là một, hai là thấy dọc theo rạch có nhiều nhà cửa người Tàu, di tích sót lại của xóm dân Minh triều sợ Tây Sơn về đây lập vùng Đề Ngạn (địa đồ cũ của Pháp ghi Bazar Chinois), nên đặt tên rạch lại là “Arroyo chinois”.

Theo Gia Định thông chí, Trịnh Hoài Đức kể lại, thời đại Miên triều, xửa xưa, chỗ này vốn cây cối rậm rạp. Một bầy trâu rừng từ đâu kéo đến tụ hội nơi dây, nửa đêm trâu mẹ lạc mất nghé con; canh khuya lặng lẽ rống kêu con mấy tiếng vang rền: “Nghé ọ! Nghé ọ” nghe trả lời văng vẳng đâu đây, nghe vậy mà tìm hoài không thấy bóng thấy tăm, trâu mẹ nóng tình mẫu tử, hiệp sức với đoàn trâu cổ, ruồng phá suốt canh thâu. Rạng đông, con rạch đã khai thông, lấy tích ấy đặt tên “Kompong Krabei”, sau này ta dịch “Vàm Bến Nghé” chữ viết là “Ngưu Chử”.

Còn danh từ “Nhà Rồng” là do tích trên nóc nhà hãng tàu chạy biển (Pháp gọi Messageries Maritimes) có gắn đôi rồng bằng đất nung tráng men xanh, ngày nay còn sừng sựng. Nhà này tạo lập hồi Pháp vừa qua đây, nay gần đúng trăm tuổi, nhưng nghe đâu sẽ phá nhường chỗ cho một dẫy lầu chọc trời. Thuở ấy, hai bên rạch Arroyo Chinois nhà sàn cất san sát, dân cư trù mật, nhưng khúc chợ sung túc hơn cả thì ở vào khoảng từ cột cờ Thủ Ngữ chạy đến cầu Mống mút đường Công Lý, xóm này có tên riêng là “Dãy Thầy Bói” cũng gọi là “Đường Thợ Tiện”. Đây là dãy nhà đẹp nhứt thuở “cựu trào” phong lưu nhứt đời đó, vừa giàu vừa sang. Mà có chi đâu cho đáng danh từ vừa đẹp vừa sang: thay vì cột tạp cột tràm là được bộ cột gỗ danh mọc gõ, cẩm lai, mây núi; thay vì lợp lá lợp tranh thì được nóc lợp ngói; thay vì vách ván vách đất, được vách có phong tô hẳn hoi, chỉ được bấy nhiêu ấy mà đã gọi giàu sang tột bực, mấy chú nhà quê buổi đó đi ngang dừng chân hít hà: “Hứ! Nhà gì cột bóng ngó thấy mặt, vách rờ mát tay!”; không bì như bây giờ, nhà cao chọc trời còn muốn cao thêm, sẵn thang máy rút, phòng có máy lạnh còn chê chưa vừa ý muốn! Xưa người thưa đất rộng, xây nhà đếm căn, nay đất ít đông người, xây nhà kể từng, xưa một cắc một thước vuông đất chợ, mà dân không có tiền mua, nay đất ngoại ô mấy trăm mấy ngàn một thước cũng có người tậu để dành làm giá, ngày sau khi bán dễ siết họng.

Từ Cầu Mống chạy giáp chợ Cầu Ông Lãnh là địa phận làng Long Hưng Môn, nhà cất tấp nập chen chúc theo mé sông.

Trong tập khảo về Tôn Thọ Tường, ông Khuông Việt có ghi rằng nhà Tôn Thọ Tường ở làng Nhơn Hoà Xã, ranh giới làng này chạy từ Rạch Cầu Kho đến đại lộ Kitchener và căn cứ theo Tôn Thọ Võ, con nuôi thứ hai của Tôn Thọ Tường thì ngôi nhà này toạ lạc tại ngã ba dưới Cầu Ông Lãnh phía Chợ Lớn gần dinh Lãnh sự Việt Nam Nguyễn Thành Ý, và gần nhà ông Trần Ngươn Vị. Tôn vay ba trăm đồng bạc “con ó” (piastres mexicaines) của trạng sư Blanscubé, tờ vay bạc có thông ngôn Janneau chứng kiến để xây cất nhà này. Về sau Tôn mất, con là Thọ Võ bán nhà một ngàn quan tiền Lang sa (trang 54-55, Tôn Thọ Tường, Khuông Việt).

Nhà Tôn có treo đôi liễn

“Anh hùng hà xứ bất,
Quân tử kiến cơ nhi”.

Con đường Boresse cũ (nay là đường Yersin) thời đó là một con đường kỳ lạ nhứt. Hai bên đường chòi lá lụp xụp, ẩm thấp, bầy hầy. Đây là xóm Mọi Lào, trong số Chàm, Miên, Lào đều có, đời đàng cựu bị bắt bán mọi, nay người Pháp đánh đòn tâm lý, ra lịnh phóng thích và cho phép tụ họp nơi con đường này. Họ sanh nhai bằng nghề ít vốn là lên rừng đốn lá dừa nước đem về đương gàu lá để múc nước giếng.

Sau này bọn Mọi Lào đều chết già hoặc chết lần mòn hoặc giả di cư theo con cháu đi làm ăn xứ khác. Đường Borresse cũng như đường Lefèbvre, đổi lại một nghề mới không thua sự quái gở là gái mãi dâm làm ăn công khai ngoài đường từ chạng vạng nhá nhem cho đến khuya lơ khuya lắc, tụ tập ngoài phố lả lơi níu kéo, bày trò khả ố, má trét phấn chì môi bết giấy khói nhang, đem đổi rẻ một hai hào bạc. Cô nào tốt số gặp khách sộp cho năm cắc một đồng bạc, còn coi quý hơn tờ giấy bạc một trăm hai trăm bây giờ; qua ngày sau, tiếng đồn rùm, tặng đó là “huê khôi” phở lở! Danh từ “đ… Bồ Rệt” có thua gì danh từ “Anh chị Bồn Kèn”.

Năm 1913, xã trưởng Cuniac sai lấp ao lầy “Marais de Boresse” và xây cất toà Chợ Mới. Bọn gái mãi dâm châu Âu, gồm gái tứ chiếng: Hy Lạp, Lỗ Mã Ni (Rumanie), Ba Nhĩ Cán (Balkan) không ưa gần gụi gái “Bồ Rệt”, lập riêng xóm Bình Khang đường Fillippini, d’Espagne và Mac Mahon. Chiều chiều lính sơn đá cười giỡn trêu đùa ngoài đường, đánh ma ní tay tư (Mannille à quatre) thua phải trả bốn cốc khai vị (consomation), vừa đúng 8 cắc bạc (0$80) đã là sạch túi! (Bạc quan thời ấy tính một đồng bạc Đông Dương ăn 2,15franc đến 2,20franc). Góc Bồn Kèn tứ diện có bốn nhà hàng rượu tây, ăn khách từ sáu giờ chiều đến hai giờ khuya, sau dẹp dần chỉ còn lại quán Pancrazi là giỏi chịu đựng nhứt. Quán Café de la musique ở góc đường Tự Do và Lê Lợi ngang Nhà Hát Tây, năm 1905 sang cho lão quán Pancrazi, kế biến thành nhà thuốc tây Solirène, rốt lại là nhà bán kem Givral.

Cái Cầu Quan đã nói nơi đoạn trước, chính ở gần con đường Bồ Rệt, đúng ra đường Kitchener, chỗ ấy nay còn một ngôi đình, một rạp hát bội còn giữ tên xưa “Đình Cầu Quan” và “Rạp Hát Cầu Quan” như lúc cựu thời.

Còn gái Nhật Bổn thì tụ tập khỏi Bót Nhì (Commissariat du 2è Arrondissement) Cầu Ông Lãnh, đóng đô trên dãy lầu ngó mặt xéo qua Bót Nhì. Năm 1914, trước ngày có tin xảy ra trận châu Âu đại chiến, gái Nhật được mật lịnh bên xứ tự rút lui về đảo Hoa Đào, từ ấy không trở qua Sài Gòn nữa.

Rạch Cầu Quan chạy tới Xóm Lò Heo là rạch Cầu Ông Lãnh. Gọi làm vậy vì đây có cái cầu bằng cây danh mộc do ông Lãnh binh xuất tiền ra làm, cũng như trên rạch Thị Nghè, gần vườn Bách thảo, có cầu Thị Nghè, con gái ông Vân Trường Hầu, xuất tiền ra cất. Tích này nhiều người biết. Chồng bà là một ông Nghè chính cống; làm lại mục trong dinh Tả quân. Bà thương chồng, không muốn chồng sang đò cực thân nên tu kiều, âm đức lưu truyền đến ngày nay, cũng là một gương sáng soi chung thiên cổ.

Xóm Lò Heo đi vô một đỗi là đến “Cầu Rạch Bần”. Nơi đây, năm xưa lối 1920, tôi có quen một vọng tộc họ Võ. Chủ gia có kể lại cho tôi nghe một chuyện nay. Nơi đây, năm xưa lối 1920, tôi có quen một vọng tộc họ Võ. Chủ gia có kể lại cho tôi nghe một chuyện nay nhắc lại với cả sự dè dặt là chuyện Võ Phi Loan trong chuyện Lục Vân Tiên, Ông Đồ Chiểu là “rể hụt ” của gia đình này. Bởi mất vợ vì “mù loà người ta không gả con” nên ông Đồ không quên ghi lên tờ giấy trắng họ danh của con người đen bạc.

Khỏi chợ Cầu Ông Lãnh một đỗi thì gặp “Cầu Muối”, vì thuở xưa, những thuyền đi biển (ghe cửa) chở muối lại đổi chác với người Sài Gòn đều đổ bến tại đây. Trong xóm có những kho bằng lá của đàng cựu dùng chứa muối. Ngày Sài Gòn bị Tây chiếm, binh ta rút lui, bỏ lại đây trơ trọi mấy dãy nhà xơ xác, mặc tình mưa sa gió táp. Chốn này cũng còn giữ được một rạp hát bội và một ngôi đình xưa để y tên cũ: Rạp hát và đình Cầu Muối.

Khỏi Cầu Muối thì đến Cầu Kho, rồi đến Xóm Bà Tiệm. Gọi Cầu Kho vì xưa đây là “Kho Cẩm Thảo” của nhà vua xây để tích trữ lương mễ từ Lục Tỉnh tải lên cống nạp. Tên chữ khác gọi là “Tân Triêm Phường”.

Từ Cầu Bà Tiệm vô xa chút nữa là tới Cầu Bà Đô. Đây là địa phận làng Hoà Thạnh và làng Tân Thạnh, tục danh “Xóm Lá” (bán lá lợp nhà) và “Xóm Cốm” (bán cốm, cốm chùi). Bờ sông đối diện cũng trữ và bán lá nên cũng gọi luôn là “Xóm Lá”.

Từ Cầu Bà Đô vô xa chút nữa thì đến Cầu Hộc là địa phận làng Bình Yên. Dân cư tại đây sinh sống bằng nghề đổi chác với ghe cửa và thuyền buồm từ Huế trẩy vô Nam. Gọi Cầu Hộc làm vậy vì tại đây xưa có một cái giếng xây miệng vuông vức như cái hộc đong lúa (giếng hộc). Cụ Trương Vĩnh Ký thuở sanh tiền thường khen giếng này nước ngọt nấu trà thơm ngon không nước giếng nào bì.

Từ Cầu Hộc vô xa chút nữa, thì đến một cái đập gần dưỡng đường Chợ Quán. Đó là làng Tân Kiểng, tục danh “Xóm Lò Rèn Thợ Vắp”. Nhà thương Chợ Quán cất trên đất thuộc làng xưa “Phú Hội Thôn”. Tại đây có một lò hầm vôi. Khỏi dưỡng đường Chợ Quán một đỗi có một cây cầu dùng làm ranh giới làng Đức Lập và tiếp theo đó là làng Tân Châu, tục danh “Xóm Câu” vì dân cư chuyên nghề hạ bạc. Xa thêm một đỗi nữa là làng An Bình Thôn tục danh “Xóm Dầu”, chữ gọi “Phụng Du Thôn” (bán dầu phộng).

Từ Xóm Dầu chạy vô nhà máy xay cũng còn là làng An Bình. Đối diện bên kia rạch là làng “An Hoà” của phường Vạn Đò. Tại đây có con rạch có tên “Rạch Bà Tịnh” cầu tại đây cũng gọi là “Cầu Bà Tịnh”. Rạch Bà Tịnh chạy từ nhà máy xay trở ra đường Võ Tánh, đến một cây me đại thọ thì dứt. Gốc me này lối năm 1952 tôi còn thấy nhánh gốc cằn còi có vẻ cổ thụ lắm; năm 1957, có việc đi trở lại xóm này thì gốc me xưa đã mất hay là do búa đô thành đã đi trước tôi rồi? Trước đây, lối năm 1955, “Cháo trắng Cây Me” tiếng đồn ngon nhất, khuya nào cũng kéo nhóm phong lưu xa mã về cười giỡn nơi đây.

Xa vô trong một đỗi nữa thì tới Vịnh Bà Thuông, rạch này do Phó Tổng trấn thành Gia Định Huỳnh Công Lý đứng xem đào, hồi năm 1819, rạch chạy từ đây ra ngã tư. Xóm này là xóm xay lúa giã gạo. Tại đây có một cái giếng nước ngọt hữu danh, mang tên Pháp là “puits d’Ardan”. Cũng lạ: puits d’Ardan trước kia ở bên kia bờ sông. Sau nước Vịnh Bà Thuông xoáy mạnh và chảy dộng vô giếng thét lâu ngày ăn đứt mất khuỷnh đất ấy rồi giếng lọt vào giữa vịnh, kế biệt tích luôn. Bà Thuông chữ gọi Thị Thông. Xưa nơi đây có cầu Thị Thông và An Thông Hà.

Từ Cầu Bà Thuông chạy vô tới Cầu Sắt là làng An Điềm. Nơi đây đột khởi một đồi đất chỉ vừa bộng giếng, bốn phía nước sông bao vây, tư mùa đục, mặn, chỉ duy nước giếng tràn lên là ngọt, mát; xét ra mạch nước ở sâu và xa ngầm đến, tên chữ Tấn Tỉnh. Đời ấy ghe thuyền múc nước chở đi bán xa gần là múc nước giếng này (Đại Nam Nhất thống chí, Nguyễn Tạo dịch, trang 65). Xóm An Điềm, mé rạch có tên riêng là “Xóm Chỉ” (xưa bán kim chỉ) nay còn thông dụng. Cầu Xóm Chỉ bắc qua Xóm Đầm ở bên kia mé rạch.

c) Bên kia rạch Bến Nghé

Kể dài theo bờ rạch là làng: Khánh Hội, Tân Vĩnh, Vĩnh Khánh, Bình Xuyên và Tứ Xuân (Làng Vĩnh Hội sau này là do các làng Khánh Hội, Tân Vĩnh và Vĩnh Khánh gộp chung lại). Ranh làng Tứ Xuân đụng rạch Ông Bé, tục danh là Xóm Te (Te lá giủi dùng để đánh cá. Giủi trong Nam gọi là “nhủi”). Kế đến làng An Thành (sau đổi thành Tuy Thành), làng Bình Hoà (Thạnh Bình), tục danh Xóm Rớ (Rớ là một thứ lưới có thể cất lên cất xuống được). Kế đến An Hoà Đông, Hưng Phú (Xóm Than). Trước khi vô đến Chợ Lớn, ngang Xóm Than, có một giếng gần mé sông, tên gọi “Giếng Hàng Xáo”, vì dân đổi nước đem về nấu ăn vẫn đồn đãi và đua nhau đến giếng này giành giựt đổi chác:

“Giếng Hàng Xáo múc lao xao,
Kẻ chở thuyền người chuyên bộ…”
(Gia Định vịnh, trương 9)

Xét ra, khi chưa đặt ống nước và dựng nhà máy lọc và dẫn nước xa về Sài Gòn, thì vấn đề giếng ăn là lợi hại nhứt trong đời sống người dân thưở ấy. Thậm chí các quan Tây, nhà nào không có hầm chứa nước mưa thì cũng ăn nước giếng, và giếng nào nước tốt thì nổi danh khắp vùng.

Từ Xóm Than vô Chợ Lớn, hai bên bờ sông, nhà sàn san sát. Chỗ nầy ghe thuyền miền Lục Tỉnh lên đậu kẹo lền, nào ghe lườn đánh rỗi, bán bánh, kẹo, cháo, v.v… bán đến khuya lơ khuya lắc, vẫn còn nghe tiếng gái rao hàng lanh lảnh dưới sông, hò, hát, nghêu ngao, tục gọi: “bán vàm”, “bán rổi”.

d) Cầu và Kinh Rạch Vùng Chợ Lớn…

Dọc theo kinh Chợ Lớn có nhiều cầu cao cẳng, đặc biệt của xứ Chợ Lớn, vì cầu rất cao có bực thang bộ hành lên xuống dễ dàng, xe đạp dắt tay hoặc khiêng vai qua lại không khó, nhưng bất tiện là xe cộ chạy qua không được, cầu nầy cốt ý làm ra để giúp người hai bên cầu qua lại bằng chơn khỏi đi đò đi ghe lâu lắc, duy xe cộ phải chạy vòng ngã khác, còn đường nước vẫn lưu thông, ghe chài và tàu có thể chun qua lòn lại không trở ngại lắm. Kể sơ là:

1. Cầu Xóm Chỉ, ngay con đường Tản Đà;

2. Cầu Chợ Lớn, trở vô Chợ Lớn cũ;

3. Cầu Chà Và, gọi làm vậy vì xưa đây là Phố Chà bán vải;

4. Cầu Xóm Củi;

5. Cầu Ông Lớn (vì xưa dân không dám gọi tên Đỗ Hữu Phương;

6. Cầu Bót Bình Tây qua Bình Đông;

7. Cầu Ba Cẳng trổ ra đường Cambodge và Yunnan;

8. Cầu có bực thang trổ ra đường xuống đường Gò Công;

9. Cầu Palikao, (gần đây có nhà giàu bực thứ tư là Hộ Định);

nhưng kể hoài không dứt, chỉ thêm bực trí. Vậy xin để tạm đó, tạm thời nhắc lại Chợ Lớn thưở xưa có hai đường thuỷ thông thương với Mỹ Tho và miền Hậu Giang, có thể nói là hai đường sanh mạng giúp sự chuyên chở thổ sản và mễ cốc miền Tây được mau chóng và rẻ tiền:

Phần 4 – 4

1. Thứ nhứt là Rạch Chợ Lớn nối liền Rạch Cát (Sa Giang) với Rạch Bến Nghé, do Kinh Ruột Ngựa (Mã Trường Giang) đào năm 1772, và Rạch Lò Gốm.

Tại ngã ba Rạch Chợ Lớn và Rạch Lò Gốm, có Kinh Vòng Thành (Canal de Ceinture) ăn thông đến phía sau Đồn Cây Mai. Gọi Kinh Vòng Thành, vì khi người Pháp chiếm Sài Gòn vào tháng mười một năm 1862, theo dự án Coffyn, thì Đô Đốc Bonard truyền đào kinh nối liền Rạch Chợ Lớn đến Rạch Cầu Kiệu, để làm cho có một đường nước bao bọc vùng Sài Gòn Chợ Lớn trở thành như một cù lao. Có cả thảy bốn chục ngàn nhơn công ra đào kinh ấy, định bề ngang hai mươi thước, bề sâu sáu thước, băng qua Đồng Tập Trận, dài lối sáu cây số (6km). Nhưng công việc dở dang thất bại, và Đô Đốc Bonard đành bỏ nửa chừng công tác ấy.

Đoạn Rạch Chợ Lớn, từ Cầu Sắt tới Rạch Lò Gốm, trước kia có Rạch Phố Xếp đào năm 1778, gần đây đã lấp thành Đại lộ Tổng Đốc Phương.

Khúc rạch chạy từ đường Vân Nam (Yun-nan) đến Cầu Ba Cẳng, (trước hãng xà bông Trương Văn Bền) xưa đào năm 1782. Trên đoạn này có Cầu Sắt, Cầu Đường, Cầu Vân Nam (bắc ngang Rạch đường Vân Nam), Cầu Khâm Sai (sau cất lại đổi tên là “Cầu Ba Miệng”), và cầu Phước Lâm, tại đường Xóm Vôi. Cầu Phước Lâm là cầu từ Cầu Sắt đến Rạch Lò Gốm sau lấp đi trở nên đường Khổng Tử (Gaudot cũ và Bonhoure cũ) thêm một khúc là đường Trang Tử (quai de Fou-kien) và Bến Xe Đò. Khi lấp rạch thì các cầu cũng bị triệt hạ.

Đoạn từ Rạch Lò Gốm vô Rạch Cát, tại đường Danel (nay Phạm Đình Hổ) ngay Đồn Cây Mai, có cầu có bực thang, tiếng Pháp là Pont Danel, ta đặt tên Cầu Công Xi Heo. Kế bên có lò heo Đô Thành, từ ngày lò làm heo được dời về Chánh Hưng thì trụ sở lò heo sửa lại làm trường học chi nhánh Trường Cây Gõ. Dọc theo rạch, phía tay trái có con gạch nhỏ của Lò Siêu trên có bắc cầu gọi “Cầu Khum”.

Đoạn đường Minh Phụng, bắc ngang qua Rạch Lò Gốm, có Cầu Cây Gõ. Cầu này khi xưa làm bằng sắt trên lót ván, nhưng hai bên dốc cầu quẹo xuống đường Lò Gốm và Phú Lâm, cao và gắt, nên thường xảy ra nạn xe kiếng lật đổ nơi đây. Từ năm 1924, cầu nầy được đúc lại bằng đá sạn và đã bớt nạn xe ngã. Nới vô trong gần Lò Lu, thì có Cầu Bà Kế, vì ăn thông với đường Bà Kế, nay là đường Phú Lâm, và có “Cầu Xây”, loại cầu nầy làm bằng cây lót hai tấm ván có tay vịn, nhưng từ khi mở con đường Renault và cầu đúc Renault, (nay là đường và cầu Hậu Giang) thì Cầu Xây đã dẹp.

Dọc theo Rạch Lò Gốm, về phía tay mặt có con rạch nhỏ của lò làm gạch hiệu Quảng Di Thành, đào để tiện chở chuyên đất hầm gạch từ Phú Định, (nay là phía tay trái đường Hậu Giang), trên con rạch nhỏ nầy có “Cầu Chú Bon”, cột bằng sắt. Tại Cầu Bà Kế trở bên tay mặt, có Rạch Ông Buông, chảy một nhánh tới làng Tân Hoá, một nhánh tới làng Tân Khai. Trên nhánh đi Tân Khai có cầu sắt gọi “Cầu Đồn”, vì ở trên đường trô” ngay trước Đồn Phú Lâm. Trên nhánh đi Tân Hoá có “Cầu Tre”, Cầu Xe Lửa (xe chạy đường Sài Gòn – Mỹ Tho) và Cầu Ông Buông tại bót Phú Lâm là trên đường đi về Lục Tỉnh. Còn khoảng rạch từ bót Phú Lâm tới ngã ba Rạch Lò Gốm thì có cầu cây của tư nhơn bắc để đi qua chùa Giải Bịnh (nay gọi Thiên Trước Tự).

Rạch Chợ Lớn, ngày xưa là đường giao thông thạnh vượng. Tại chỗ bến xe, ngày trước ghe chài đậu tấp nập để vô ụ ghe sửa chữa. Ụ ghe ngày nay trở nên Chợ Bình Tây do ông Thông Hiệp hiến đất để xây cất. Dọc hai bên Rạch Lò Gốm, xưa có lò gạch: lò Tín Di Hưng, Quảng Di Thành, Hiệp Hưng; thêm có lò siêu và lò làm lu.

Lò gạch Tín Di Hưng, tại ngã ba Kinh Vòng Thành nay đã dẹp, trên khu đất nầy nay phố xá cất đông đúc.

Lò siêu Bửu Nguyên nay cũng nghỉ việc, trở nên lò làm ve chai và làm giấy súc. Lò gạch Quảng Di Thành, tại Cầu Chú Bon, cũng dẹp, nơi đây nay có nhà chuyên làm giấy súc.

Còn lò lu thì sau đổi thành lò chén, nhưng cũng không phát đạt cho lắm.

Lò siêu ở sau Đồn Cây Mai cũng dùng Kinh Vòng Thành để ra Rạch Chợ Lớn. Nay rạch Kinh Vòng Thành đã cạn và lò siêu cũng thôi hoạt động.

Đối diện lò siêu Bửu Nguyên, bên tay mặt Rạch Lò Gốm, khi xưa có giếng Hộ Tùng, giếng xây hộc vuông, nước thật ngọt và trong mát, mùa hạn nắng, ghe đổi nước từ Chợ Đệm, Bến Lức, Cầu Ông Thìn, Cần Giuộc, Cần Đước… đều đua nhau chen chúc đến nơi đây, gây cảnh tấp nập ồn ào. Từ khi lấp Rạch Chợ Lớn, thì Rạch Lò Gốm, Kinh Vòng Thành không thông thương và cạn lần. Các lò gạch, lò lu, lò gốm, lò siêu, sinh kế đã mất, cũng dẹp lần. Ngày nay xóm Lò Gốm chỉ còn sót lại cái tên trơn, mà không sản xuất đồ gốm nữa.

Trở lại vấn đề tìm hiểu thêm về vị trí Sài gòn

2. Con đường thuỷ thứ nhì là Kinh Chợ Lớn cũng gọi là Kinh Tàu Hũ (Arroyo Chinois).

Vùng Chợ Lớn thưở nay buôn bán thạnh vượng một phần lớn là nhờ Kinh Tàu Hũ nầy. Đây là đường thuỷ vận nối liền Sài Gòn với các sông ngòi chảy xuống miệt Hậu Giang. Con đường thuỷ nầy tiện lợi vô cùng vì đã thâu ngắn đường ghe thuyền tránh được nguy hiểm khỏi trổ ra đường biển để vào Cửa Cần Giờ. Tàu nhỏ, ghe thương hồ, các ghe chài “ăn lúa” từ Bạc Liêu, Bãi Xàu, Sốc Trăng, kéo lên, hoặc thuyền “cá đen” Biển Hồ (Nam Vang) đổ xuống, đều noi theo Kinh Tàu Hũ nầy mà “ăn hàng”, “ăn gạo”, hoặc đợi “cất lúa” lên cho các nhà “tầu khậu” và nhà máy xay Chợ Lớn, cũng như nhờ con Kinh Tàu Hũ nầy để giao dịch với thương cảng và các tàu hàng buôn xuất ngoại.

Con kinh nầy, ngoài việc lợi ích giao thông về kinh tế còn là con đường chiến lược, thưở xưa tàu binh Pháp đã mượn nó mà đến vây Đồn Cây Mai và thuận đường đánh úp chợ Mỹ Tho. Con Kinh Tàu Hũ đã từng chứng kiến những biến cố lịch sử đau thương của ta và lịch sử nó đã được ghi rành trong cận sử Việt.
Khảo ra vì Rạch Chợ Lớn cạn hẹp, (cũng vì thế nên sau Pháp lấp bỏ) nên để có một con kinh rộng lớn hơn, năm Gia Long thứ 18 (Kỷ Mão, 1819), Vua hạ lịnh cho đào Kinh Tàu Hũ. Phó Tổng Trấn Gia Định Thành là Huỳnh Công Lý, (cha vợ Vua Minh Mạng), được phong làm Khâm Sai, hiệp với ông Tổng Thanh Tra Gia Định, điều khiển mười một ngàn bốn trăm sáu chục nhơn công (11.460), chia làm ba tốp, mỗi dân công có lãnh một số tiền và một khẩu phần, khởi công ngày 23 tháng giêng, đến ngày 23 tháng tư năm Kỷ Mão (1819) là hoàn thành, đúng ba tháng. Con kinh này bắt đầu từ Cầu Đề Thông (nôm gọi là Cầu Bà Thuông) chạy đến ngã tư sông Rạch Cát. Sách nói kinh dài 2.129 tầm và 1 bộ, bằng chín dặm rưỡi, (mỗi dặm 576 thước tây = 576 x 9,5 = 5.472 m). Bề ngang rộng mười lăm tầm (mỗi tầm 8 xích, tính ra 0,32 x 8 x 15 = 36m90). Bề sâu được 9 bộ (mỗi bộ 6 xích = 0,32 x 6 x 9 = 17m28). Mỗi bên kinh có chừa một bờ đất rộng 8 tầm, bờ kinh ấy thông liền với đường sứ rộng sáu tầm. Đào rồi, Vua Gia Long đặt tên khúc kinh ấy là An Thông Hạ.

Nay ráp với đoạn Chợ Quán và Cầu Ông Lãnh, gọi chung là Kinh Tàu Hũ (Tài liệu rút trongPhổ Thông số 15 ngày 15-7-1959, bài của ông Lê Ngọc Trụ viết).

Theo bộ Gia Định Thông Chí của ông Trịnh Hoài Đức, thì vốn là lạch nhỏ cũ đào rộng ra, nhưng xét qua địa đồ xưa của ông Trần Văn Học vẽ về tỉnh Gia Định trước năm 1815 thì không thấy có con rạch nhỏ ấy.

Theo sử, Rạch Chợ Lớn chứng kiến hai trận chiến tranh:

1 – Thời Nguyễn Ánh, binh Tây Sơn tàn sát người Hoa Kiều nơi chỗ gọi “Thầy Ngôồn” (Đề Ngạn), trong ba tháng “không ai dám rớ tới miếng cá miếng tôm” (1782).

2 – Thời Pháp chiếm Sài Gòn, thuỷ quân Pháp dùng khinh pháo hạm Jaccaréo án ngữ trên Kinh Chợ Lớn, đậu tại đầu đường Tản Đà (vì thế họ đặt tên đường ấy trước kia là đường Jaccaréo), còn một chiếc khác họ đậu tại sông Rạch Cát để bao vây Đồn Cây Mai của Nguyễn Tri Phương.

Con Kinh Chợ Lớn thường nổi cồn cát cản trở sự thông thương và phải được vét hoài mới dùng thuận tiện.

Dọc hai bên bờ kinh, có nhiều nhà máy xay gạo như hiệu Nam Long, hiệu Kiến Phong, là danh tiếng nhứt, đều của Hoa Kiều và nhiều chành lúa gạo dựng san sát kế liền nhau từ Bình Tây đến Bình Đông. Hãng rượu Bình Tây cũng ở về hữu ngạn Kinh Chợ Lớn nầy. Những cầu bắc ngang Kinh Chợ Lớn kể từ Chợ Lớn Cũ trở vô Bình Đông thì có Cầu Chà Và dùng để đi qua Xóm Củi, Cầu Bót Bình Tây và Cầu Hãng Rượu. Cầu Bót Bình Tây và Cầu Hãng Rượu là loại cầu có mang cá, xe cộ muốn qua phải theo hai mang cá tả hữu leo lên. Hai dãy nhà máy nầy được một thời thạnh vượng. Qua đời Nhựt Bổn chiếm Sài Gòn các nhà máy nầy bị Nhựt trưng dụng về quân sự, trở nên những đích cho máy bay Đồng Minh dội bom. Năm 1945, có một trận bom dội xuống trúng nhằm nhà máy Nam Long, khiến thường dân vô tội chết rất nhiều.

Còn giữa khoảng Rạch Lò Gốm và Kinh Chợ Lớn, có kinh gọi Kinh Hàng Bàng nối liền hai đường thuỷ nầy do khúc kinh đường Vân Nam hiệp thành một ngã ba và nơi đây có cây Cầu Ba Ngã. Cầu nầy nguyên khi xưa làm bằng sắt lót ván, vì một cuộc hoả hoạn xảy ra ở đường Gia Long (nay là đường Trịnh Hoài Đức), thiên hạ bu đông trên cầu để đứng xem, dồn dập quá sức chịu đựng, nên cầu sập. Sau nầy xây lại cầu đúc sạn cốt sắt và đặt tên là Cầu Ba Cẳng.

Dọc kinh đường Vân Nam đến Cầu Ba Cẳng, trước mặt hãng xà bông Trương Văn Bền, nay đã lấp bằng. Chỉ còn khoảng từ Cầu chạy ra tới Kinh Chợ Lớn là có nước chảy.

Bắc ngang khoảng kinh nầy, dọc theo Kinh Chợ Lớn thì có Cầu Ông Lớn (Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương). Còn từ ngã ba Cầu Ba Cẳng đến Rạch Lò Gốm, có cả thảy năm cây cầu:

– Cầu nấc đường Gò Công, xe đi không được, đã kể rồi!

– Cầu Palikao.

– Cầu nấc đường Minh Phụng.

– Cầu Kinh.

Hai cầu nấc kể sau đây nay đã thay bằng cầu đúc: cái thứ nhứt là Cầu Bình Tây mấy năm về trước, còn chở chiếc xe điện Bình Tây qua Chợ Lớn Mới, cái thứ nhì là cầu đúc Bình Tiên. Kinh chỗ nầy gọi Kinh Hàng Bàng, vì khi xưa dọc hai bên bờ kinh có trồng cây bàng bóng to mát mẻ, thường có ghe chài đậu tại kinh nầy nhiều vì có ụ sửa ghe (sau lấp bằng trở nên Chợ Lớn Mới). Hai dãy nhà hai bờ kinh phần nhiều là của người Tàu, nhà cất khít sát nhau chen chúc. Bản tính người đàn bà Tàu hay tiện tặn, đụng gì cũng cất để dành, xác mía, dăm bào không món nào bỏ, nhưng đàn bà Tàu cũng có tánh rất lơ đễnh khinh thường, thêm trẻ con của người Tàu có tánh ưa chơi lửa, nên hoả hoạn xảy ra rất thường. Khoảng đầu năm 1923, lối tháng Giêng âm lịch, một cuộc hoả tai tàn khốc chưa từng thấy, xảy ra. Hai dãy nhà lá và ngói từ khoảng Cầu Bình Tây chạy suốt đến Cầu Đúc Bình Tiên đều làm mồi cho lửa. Lửa gặp gió chiều càng mạnh dữ thêm, nên dân cư phần lo dọn đồ đạc, lớp lo cõng con dắt mẹ, la khóc rùm trời. Sức lửa mau lẹ cứu cấp không xuể, lửa dồn người ra giữa đường và từng cơn gió, lửa táp vào người một cách rùng rợn không tả xiết. Túng thế nạn nhơn nhảy xuống kinh, nhưng than ôi, nước dưới kinh lại nóng như sôi, nạn nhân chết quay, còn chết luộc! Sáng ngày sau, đi ngang đây còn bay mùi khét, nào lợn gà, bò nguyên con nằm chình ình chỏng cẳng, nào dưa hấu nguyên vựa, khô cá gộc cháy nguyên kho, bày ra không ma trơi nào lượm! Sau trận hoả tai dữ tợn năm đó, có một dạo hèn lâu, không ai dám nhắc đến chuyện trở về lập cơ chỉ nơi chốn cũ: Kinh Hàng Bàng. Chánh phủ Pháp thừa dịp làm ra con đường ở vùng đó để xe miệt Hậu Giang bận lên chạy một chiều vô Chợ Lớn, nên gọi đường Hậu Giang. Nhờ dấu vết cũ không còn, nên dân dạn lần mà trở về, đến nay mới có mòi phồn thịnh. Ngờ đâu năm 1945, quân đội Nhựt đến đây, thiếu cây dùng, nên bọn chúng hạ lịnh đốn cây bàng cây me ở hai bên bờ Kinh Hàng Bàng và Rạch Lò Gốm để làm hầm núp nơi Cầu Bình Điền, báo hại dân cư hai xóm, kẻ nào ra đường, bất luận mặc y phục Langsa hay y phục Việt đều bị chúng lùa bắt đi kéo gỗ, khiến nhiều người phải chuồi mình xuống Rạch Lò Gốm, kết gỗ thành bè thả trôi ra xa, mới thoát khỏi tay bọn quân lùn.

Kể về kinh rạch còn có Kinh Lò Gốm (Canal Des Poteries) ở vùng Rạch Cát và Kinh Đôi (Canal de Doublement), đào sau Kinh An Thông Hạ, cũng là một con đường thuỷ giúp ích rất nhiều cho sự thịnh vượng hai đô thị Sài Gòn và Chợ Lớn.

e) – Nhà Xóm trong Chợ Lớn

Những xóm trong Chợ Lớn còn giữ được tên theo xưa, là:

– Xóm Than

– Xóm Củi

– Xóm Dầu (chuyên bán dầu phông).

– Xóm Bàu Sen, gần Đồn Cây Mai. Thật ra là bàu lũ loạn, đầy cỏ rác, cỏ lục
bình; sen không còn mọc nữa.

Đừng lộn với Bàu Sen đường Võ Tánh nay là Nguyễn Trãi, miệt Chợ Quán.

– Xóm Giá, làm giá đậu xanh ở gần Cầu Cây Gõ. Làm nghề nầy phải thức khuya dậy sớm. Từ hai giờ khuya đến năm giờ sáng phải xuống sông đãi giá, làm cho sạch vỏ đậu xanh còn đeo theo, để kịp tang tảng sáng có bán tại chợ. Mỗi người đãi đậu có đem theo một ngọn đèn, nên quang cảnh khúc sông giữa đêm khuya thật là rộn rịp và vui mắt. Gặp chầu chợ Tết thì cảnh càng tưng bừng, náo nhiệt suốt đêm.

– Xóm Lò Bún, gần giếng Hộ Tùng.

– Xóm Phú Giáo, khi xưa giáo mắm, (gần Đồn Cây Mai).

– Xóm Rẫy Cải của người Tiều (Triều Châu), ở hai bên lộ đi về Lục Tỉnh, (người Tiều trước kia có sắm xe hai ngựa để chở cải ra các chợ Sài Gòn, Chợ Lớn, Bình Đông, Bình Tây, thứ xe nầy nay không thấy họ dùng nữa, đổi lại còn thấy ta dùng chở cá, chở đồ khi dọn nhà. Ta nay gọi đó là “xe cá”, (xe cá chiếc,thắng một ngựa,xe cá đôi, hai ngựa), và quên rằng sơ khởi đó là xe cải của Tiều bày ra.

– Xóm U Ghe (Chợ Lớn Mới)

– Xóm Cây Cui (Bình Đông)

Khi xe lửa điện đường mé sông còn chạy, trong các xóm có xe chạy ngang, công ty Pháp lựa tên cũ đặt cho các trạm xe đỗ, tên Việt kèm tên Pháp, và hình dung bằng một ám hiệu tượng trưng, vừa treo trên nhà ga vừa in trên vé tàu, như gare Jaccaréo là “trạm Xóm Củi”, ám hiệu “cây bò cào sắt” v.v…

CÒN TIẾP =>>