340 lượt xem

Cao Bá Quát

Cao Bá Quát - con người tài năng và phẩm hạnh.
 
Khi mở đầu nhiều cuốn sách viết về Cao Bá Quát, có tác giả tự đặt câu hỏi “Tài năng của ông đến đâu mà được coi như thần?, Văn thơ của ông ra sao mà được ví như Tiền Hán, Thịnh Đường?, đức độ của ông ra sao mà được người đời xót thương yêu mến?”(1). Hôm nay chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời.

Ông sinh năm 1809, là một danh sĩ sống vào thời vua Tự Đức, tự Chu Thần, hiệu Cúc Đường, biệt hiệu Mẫn Hiên. Người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Quyết Chiến, huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội. Ông là anh em sinh đôi với Cao Bá Đạt, thân phụ của họ là cụ Cao Huy Giảng. Mặc dù là anh em sinh đôi, nhưng giữa họ có nhiều điều khác biệt nhau về tư duy và cảm nhận thơ văn.


Chu Thần Cao Bá Quát (1809- 1855).

Cao Bá Quát nổi tiếng là người có cá tính mạnh mẽ, cương trực, không luồn cúi, sống vượt ra ngoài khuôn phép của lễ giáo phong kiến. Có một đôi câu đối đã thâu tóm đầy đủ các phẩm chất ấy:
 
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm (Mười năm giao thiệp tìm gươm báu)
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (Một đời chỉ cúi đầu trước hoa mai)

Có lẽ tính cách đó đã ít nhiều ảnh hưởng tới thơ của ông, cha của ông cũng đã nhận xét rằng “văn của Bá Đạt hơn về khuôn phép nhưng kếm về tài tử, tứ văn của Bá Quát hơn về tài tử nhưng kém về khuôn phép”(2). Chính vì sự vượt ra ngoài khuôn phép đó mà mãi đến năm 22 tuổi (1831) ông mới đậu đầu ở kỳ thi Hương, sau đó ông vào Huế thi tiếp nhưng không đậu.

Năm 1840 vua Minh Mạng mất, vua Thiệu Trị lên ngôi vua, tỏ ý trọng hiền tài, ông được vời vào kinh làm chức hành tẩu bộ Lễ. Tuy nhiên công việc nhàn rỗi nên ông sinh ra chán nản. Năm 1841, Thiệu Trị Nguyên niên mở khoa thi, ông được cử làm sơ khảo trường thi thừa thiên. Khi đọc một bài văn hay nhưng lại phạm húy ông tiếc người tài, sợ bi đánh trượt nên đã tự ý lấy sơn hòa muội đèn chữa hộ. Việc bại lộ, ông bị kết án xử chém, sau được xét lại bắt giam 3 năm nhưng rồi tạm tha cho đi công cán ở Indonexia lấy công chuộc tội. Năm 1847, ông làm việc ở viện Hàn Lâm, chuyên sưu tầm và sắp xếp thơ văn cho vua đọc. Thời gian ở Huế ông thường giao du với những nhân vật như Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Hàm Ninh, Đinh Nhật Tân.

Nhận rõ bộ mặt thối tha của triều đình phong kiến nên ông đã nhiều lần làm thơ đả kích chúng. Ông như cái gai trong mắt triều đình phong kiến, nên đã điều ông ra Bắc làm Giáo Thụ ở Quốc Oai (Hà Tây cũ), ông viện cớ mẹ già ốm nặng nên đã từ quan về quê.

Hai năm 1853 – 1854, hai tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh bị hạn hán, châu chấu hoành hành cắn phá lúa, nhân dân đói khổ đặc biệt là vùng Lương Sơn, Chương Mĩ (Hà Tây). Lòng bất mãn với triều đình phong kiến, nên nhân cơ hội này ông đã tổ chức một cuộc khời nghĩa trên đất Mĩ Lương, tôn Lê Duy Cự làm minh chủ, tự xưng làm Quốc sư. Trên lá cờ có ghi hàng chữ “Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu, Thuấn; Mục Dã, Minh Điền hữu Vũ, Thang. Tạm dịch là “Bình Dương, Bồ Bản không vua Nghiêu vua Thuấn, thì ở Mục Dã, Minh Điền có vua Vũ vua Thang”(3). Tuy nhiên cuộc khởi nghĩa của Cao Bá Quát chưa kịp bùng lên thì bị bại lộ, chỉ kéo dài được mấy tháng. Trong một cuộc chiến giữa nghĩa quân và triều đình, Cao Bá Quát hi sinh, vua Tự Đức đã ra lệnh tru di ba họ, bà con nội ngoại của họ Cao nhiều người bị giết hại, sách vở của Cao Bá Quát cũng bị đốt hết.

Nếu đứng dưới góc độ triều đình phong kiến thì ông là một tội đồ, nhưng đối vơi nhân dân bị áp bức thì ông là một người anh hùng, đã xả thân cho lý tưởng. Song không dừng lại ở đó trên khía cạnh văn học nước nhà ông để lại một dấu ấn đặc biệt với tư cách là một nhà thơ lớn. Thơ ông sáng tác chủ yếu bằng chữ Hán, chữ Nôm cũng có nhưng ít. Ông để lại cho hậu thế hai tập thơ chữ Hán nổi tiếng đó là “Chu Thần thi tập” và “Cúc Ðường thi thảo”. Cả hai tập thơ này có tên chung là Cao Bá Quát thi tập. Về mặt chữ Nôm ông có bài phú nổi tiếng Tài tử đa cùng (Người tài giỏi có nhiều điều cùng khổ). Ngoài ra ông còn có một số bài thơ Ðường luật và ca trù. Sau khi nhà thơ qua đời, tác phẩm của ông cũng phải chịu sự bạc đãi của triều đình nhà Nguyễn.

Thơ Cao Bá Quát có những đặc trưng nổi bật đó chính là tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc được ông viết nên trên những vần thơ. Những người anh hùng dân tộc, những cảnh đẹp núi sông được ông khắc họa và vẽ nên bằng những ca từ mộc mạc, nhưng lại rất chân thực. Đầy lòng vị tha, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh. Một đặc trưng khác nữa đó chính là phê phán hiện thực, tinh thần trách nhiệm cao cả. Có lẽ chính vì vậy mà những ai tiếp xúc với thơ ông đều phải cảm phục, yêu thích, say sưa không dứt.

Trong phạm vi của bài viết này thôi thì chưa thể giải thích hết được, nhưng cũng đã phần nào giúp cho người đọc hiểu thêm về nhân vật lịch sử Cao Bá Quát – một con người tài năng và phẩm hạnh. Những bạn đọc nào quan tâm đến vấn đề này thì có thể đến tham khảo thêm tư liệu về Cao Bá Quát tại phòng Tư liệu – Thư viện của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Thu Nhuần (tổng hợp)
(1),(2) “Thơ chữ Hán Cao Bá Quát”, Vũ Khiêu, nxb Văn học,1977
(3) “Cao Bá Quát con người và tư tưởng”, Nguyễn Tài Thư, NXB khoa học xã hội, 1980.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia