311 lượt xem

Lê Chiêu Tông

Lê Chiêu Tông

 

Đồng tiền Quang Thiệu đời Lê Chiêu Tông.
(Nguồn: Sưu tập)

 

Lê Chiêu Tông (1506 – 1526), có tên là Lê Y , là vị vua thứ 10 của nhà Lê sơ, ở ngôi từ năm 1516 đến 1522. Ông là người gốc Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá, Việt Nam, sinh ra tại kinh thành Thăng Long.

Thân thế

Lê Y là con của Cẩm Giang vương Lê Sùng (anh vua Lê Tương Dực) và bà thái phi Trịnh Thị Loan, cháu nội Kiến vương Lê Tân và là chắt vuaLê Thánh Tông. Ông sinh ngày 4 tháng 10 âm lịch năm 1506.

Thiếu đế thời loạn

Hoạ giặc giã

Vua Lê Tương Dực ăn chơi trụy lạc, dân gian bị bóc lột cùng khốn, đồng loạt nổi dậy làm phản, trong đó lớn nhất khởi nghĩa Trần Cảo.

Trong triều nảy sinh bè phái, đại thần Trịnh Duy Sản can ngăn vua Tương Dực bị đánh đòn nên sinh oán hận, giết chết vua Tương Dực, cùng thái sư Lê Quảng Độ lập chắt của Thánh Tông (gọi Tương Dực bằng chú) là Y mới 11 tuổi lên ngôi, tức là Lê Chiêu Tông.

Khi Chiêu Tông được lập thì một đại thần khác là Trịnh Duy Đại (cũng là cháu nội Trịnh Khả) và Phùng Mại lại lập người chắt khác của Thánh Tông là Doanh mới 8 tuổi lên ngôi. Phe này thất thế chạy về Tây Đô. Sau Duy Đại giết chết Doanh.

Quân khởi nghĩa Trần Cảo đánh chiếm kinh thành Thăng Long, tự xưng làm vua, thái sư Quảng Độ đầu hàng.

Trịnh Duy Sản mang Lê Chiêu Tông bỏ chạy vào Tây Đô. Các tướng tạm gác việc xung đột để chống Trần Cảo. Trịnh Duy Sản, Nguyễn Hoằng Dụ, Trịnh Tuy và các quan cựu thần phân binh ra vây Đông Kinh. Trần Cao phải bỏ kinh thành chạy lên đất Lạng Nguyên. Chiêu Tông được đưa về kinh, ra tay thanh trừng các lực lượng phản loạn, giết Trịnh Duy Đại và thái sư Lê Quảng Độ.
Trịnh Duy Sản đi đánh Cảo bị tử trận ở Chí Linh. Cảo lại mang quân về định đánh kinh thành, con nuôi Duy Sản là Trần Chân phá được Cảo ở Gia Lâm. Cảo thua chạy rút qua sông Cầu, truyền ngôi cho con là Cung và bỏ đi làm sư mất tích.

Hoạ quyền thần

Các đại thần đem quân đánh nhau giữa kinh sư

Trần Cảo rút đi, các tướng lại chia bè phái đánh nhau. Ngày 1 tháng 7 âm lịch năm 1517, An Hòa hầu Nguyễn Hoằng Dụ và Vĩnh Hưng bá Trịnh Tuy do nghe con em gièm pha nên đã dàn quân chống nhau ở kinh sư. Hoằng Dụ bày quân ở phường Đông Hà, Tuy cũng xếp quân ngoài thành Đại La. Khoa quan Nguyễn Quán Chi tâu việc này với Chiêu Tông. Hoàng đế đem chuyện Liêm Pha và Lạn Tương Như, Giả Phục và Khấu Tuân để dụ họ giảng hòa, nhưng không được. Người cùng họ Tuy là Trịnh Duy Đại cùng chú Hoằng Dụ là Nguyễn Văn Lự hẹn nhau cùng vào gặp vua Chiêu Tông để hòa giải hai họ. Khi đến trước điện, Văn Lự bất ngờ lấy tờ sớ bí mật trong tay áo đưa ra, tâu với Chiêu Tông rằng: "Trịnh Tuy cùng Trịnh Duy Đại bàn mưu với nhau lập Nguyễn Tùng là con Nguyễn Trinh làm ngụy chúa, định làm việc bạo nghịch lớn". Chiêu Tông bèn sai bắt Duy Đại cùng các tướng thuộc hạ do Trịnh Bá Quát đứng đầu đem chém. Sau đó Chiêu Tông sai bêu đầu Duy Đại ra ngoài cửa dinh tướng Trần Chân.

Cùng hôm đó, Nguyễn Hoằng Dụ 3 lần xua quân đánh Tuy ở các phường Vĩnh Xương, Khúc Phố, Phục Cổ. Trịnh Tuy thua chạy về Tây Kinh rồi kéo ra Sơn Nam. Trần Chân là con nuôi của Trịnh Duy Sản, người cùng họ với Tuy nên về phe với Tuy, mang quân đánh đuổi Hoằng Dụ. Hoằng Dụ bỏ chạy vào Thanh Hóa. Chiêu Tông nghe theo lời Trần Chân, sai Tả hiển Thiết Thành bá Nguyễn Công Độ mang quân bộ, Vũ Xuyên bá Mạc Đăng Dung mang quân thủy truy kích Hoằng Dụ. Hoằng Dụ viết tờ thư và bài thơ gửi cho Đăng Dung. Đăng Dung đọc xong liền án binh bất động, để cho Hoằng Dụ thoát. Năm ấy, trong nước đói to, xác người chết đói nằm gối lên nhau. Những nơi trải qua binh lửa như Đông Triều, Giáp Sơn ở Hải Dương; Yên Phong, Tiên Du, Đông Ngàn ở Kinh Bắc là càng đói dữ. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư đã bình luận về tình hình tồi tệ của Đại Việt thời Lê Chiêu Tông:

“Trước đây, khi Hoằng Dụ đánh nhau với Trần Chân, trời sắp tối, có đám mây năm sắc nổi lên ở phương đông, rồi mây vàng bay tản khắp trời. Người thức giả cho là điềm lạ.

Triều Lê vào thời Quang Thiệu, giặc bên ngoài chưa yên, quyền thần đánh lẫn nhau, chém giết nhau dưới cửa khuyết, chốn Kinh sư đẫm máu. Mặt trời vàng tối, mây trời tán lạc, cái điềm vận nước ngày một suy đã xuất hiện từ đấy.”


Vây cánh Trần Chân đuổi vua khỏi kinh thành

Trần Cảo rút đi, các tướng lại chia bè phái đánh nhau. Nguyễn Hoằng Dụ (con Nguyễn Văn Lang) đánh nhau với Trịnh Tuy. Tuy thua chạy về Tây Đô (Thanh Hoá) rồi kéo ra Sơn Nam. Trần Chân là con nuôi Duy Sản, người cùng họ với Tuy nên về phe với Tuy, mang quân đánh đuổi Hoằng Dụ. Hoằng Dụ bỏ chạy vào Thanh Hoá. Trần Chân nắm lấy quyền trong triều. Mạc Đăng Dung sợ uy thế của Chân, bèn hỏi con gái của Chân cho con trai mình là Mạc Đăng Doanh.

Năm 1518, có người đặt ra câu ca rằng: “Trần hữu nhất nhân, vi thiên hạ quân, thố đầu hổ vĩ, tế thế an dân”, nghĩa là: Có một người họ Trần, làm vua thiên hạ, đầu thỏ đuôi hổ, trị nước yên dân. Quốc cữu Chử Khảo, Thọ quốc công Trịnh Hựu, cùng với Thuỵ quân công Ngô Bính khuyên Chiêu Tông giết Chân.

Ngày 11 tháng 7, vua Chiêu Tông nghe lời gièm pha, sợ quy quyền của Trần Chân nên sai người dụ Chân vào triều rồi giết Chân cùng các thủ hạ Trần Trí, Nguyễn Nga, Nguyễn Bá Đại, Lê Nguyên Khâm… Nhóm thủ hạ của Trần Chân là Nguyễn Kính, Hoàng Duy Nhạc nổi loạn báo thù cho chủ, từ Sơn Tây mang quân đánh kinh thành.

Ngày 14 tháng 7, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, Nguyễn Hiêu, Cao Xuân Thì (có sách chép là Nguyễn Chi, Mã Cử) cùng họp với nhau ở chùa Yên Lãng, đem quân đánh vào sát kinh thành. Vua Chiêu Tông đang đêm phải chạy sang dinh Bồ Đề ở Gia Lâm để tránh.

Trịnh Tuy đóng quân ở Sơn Nam có hơn 1 vạn người, nghe tin vua chạy ra ngoài, quân lính tan rã. Quân Sơn Tây của Nguyễn Kính thả sức cướp phá, kinh thành sạch không. Chiêu Tông cho gọi Nguyễn Hoằng Dụ ra đánh Nguyễn Kính, nhưng Hoằng Dụ lưỡng lự không đi.

Chiêu Tông bèn triệu thông gia của Trần Chân là Mạc Đăng Dung đang trấn thủ Hải Dương về cứu, rồi sai người đi dụ Nguyễn Kính. Nguyễn Kính đòi giết Chử Khải, Trịnh Hựu, Ngô Bính là những người gièm pha Trần Chân. Chiêu Tông nghe kế của Đàm Cử, bèn giết 3 người, nhưng Nguyễn Kính lại càng hoành hành, đóng quân không rút.


Trịnh Tuy chống lại triều đình

Tháng 9 năm 1518, Trịnh Tuy và văn thần Nguyễn Sư mưu lập người con của Tĩnh Tu công Lộc tên là Lê Bảng làm vua, đổi niên hiệu là Đại Đức, rồi lại phế Bảng và lập em Bảng là Lê Do, đổi niên hiệu là Thiên Hiến, làm hành diện ở xã Do Nha, huyện Từ Liêm. Tuy sai người dụ Nguyễn Kính, Kính thấy Tuy là người cùng phe với Trịnh Duy Sản và Trần Chân trước đây nên đồng lòng đi theo.

Chiêu Tông sai người đi mời Nguyễn Hoằng Dụ lần nữa và sai Mạc Đăng Dung cùng đi đánh Nguyễn Kính. Hoằng Dụ được tin, bèn đem quân Thanh Hoa ra cứu nhưng không lâu sau bị Nguyễn Kính đánh bại, bỏ chạy về Thanh Hóa rồi chết, để một mình Mạc Đăng Dung ở lại cầm cự.

Tháng 1 năm 1519, Trịnh Tuy làm cầu phao tiến quân, qua giữa sông để khiêu chiến với Chiêu Tông. Chiêu Tông sai các tướng đánh phá, chặt đứt cầu phao. Trịnh Tuy cùng Lê Do rút về vùng Yên Lãng, Yên Lạc. Chiêu Tông lại sai tướng đến đánh, bọn Tuy đang đêm kinh sợ trốn chạy.

Tháng 7 năm 1519, Mạc Đăng Dung thống lĩnh các quân thuỷ bộ vây Lê Do ở Từ Liêm, rồi phá đê cho nước vỡ vào quân Lê Do. Do và Nguyễn Sư chạy đến Ninh Sơn, bị Đăng Dung bắt được, giải về giết chết. Trịnh Tuy bỏ chạy về Thanh Hoá. Các tướng Sơn Tây là Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, Hoàng Duy Nhạc đều xin hàng. Chiêu Tông phong Mạc Đăng Dung làm Minh quận công.

Xung đột với Mạc Đăng Dung

Đăng Dung một mình nhân cầm quân dẹp loạn mà nắm hết quyền bính. Năm 1521, Mạc Đăng Dung dẹp được Trần Cung (con Trần Cảo), năm sau lại dẹp được cuộc khởi loạn của Lê Khắc Cương và Lê Bá Hiếu, được phong làm thái phó, quyền thế át cả Chiêu Tông.

Chiêu Tông không muốn bị Đăng Dung khống chế, bí mật bàn cùng các nội thần định mời binh sĩ các địa phương đến đánh Đăng Dung. Trước hết, ông sai người đến Thanh Hóa mật dụ Trịnh Tuy tiếp đón cứu viện.

Đêm gày 27 tháng 7 năm 1522, hồi canh hai, ông cùng các nội thần chạy đi Mộng Sơn (Sơn Tây) gọi quân Cần vương. Hoàng thái hậu và hoàng đệ Xuân đều không kịp biết. Mạc Đăng Dung sai Hoàng Duy Nhạc mang quân đuổi theo, tới Thạch Thất thì đuổi kịp. Ông đem quân huyện Thạch Thất chống lại, bắt giết được Duy Nhạc.

Đăng Dung bèn lập em ông là Xuân lên ngôi, tức là Lê Cung Hoàng, lấy niên hiệu là Thống Nguyên, tuyên bố phế truất ông làm Đà Dương vương. Từ bấy giờ trong nước có 2 vua là Chiêu Tông và Cung Hoàng, sử gọi là Quang Thiệu Đế và Thống Nguyên Đế.

Vua Chiêu Tông được các tướng Hà Phi Chuẩn, Đàm Thận Huy, Lê Đình Tú về cứu, lại gọi được các tướng cũ của Trần Chân là Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, thanh thế rất lớn, làm chủ các xứ phía Tây, Nam, Bắc. Mạc Đăng Dung và vua Cung Hoàng chỉ còn phía đông. Nhưng sau đó Trịnh Tuy ở Thanh Hóa ra cần vương, các tướng bất hoà. Trịnh Tuy trở thành lực lượng cần vương mạnh nhất, tranh công mang Chiêu Tông vào Thanh Hoá, ra lệnh các đạo bãi binh, từ đó các tướng không theo Chiêu Tông nữa. Nguyễn Kính và Nguyễn Áng đi theo Mạc Đăng Dung.

Năm 1523, Mạc Đăng Dung sai thủ hạ là Mạc Quyết, Vũ Hộ, Vũ Như Quế đi đánh Trịnh Tuy ở Thanh Hóa, phá tan quân Tuy. Tuy liền dời Quang Thiệu Đế lên đầu nguồn. Năm 1524, Đăng Dung lại đánh Trịnh Tuy, Tuy thua trận bỏ chạy rồi chết.

Ngày 28 tháng 10 năm 1525, Mạc Đăng Dung bắt được Chiêu Tông tại châu Lang Chánh (Thanh Hóa) mang về Thăng Long giam lỏng ở phường Đông Hà. Tháng 12 năm 1525, các tướng cần vương cũ là Hà Phi Chuẩn, Đàm Thận Huy, Nguyễn Hữu Nghiêm, khi trước không đi với Trịnh Tuy nhưng vẫn chống lại Đăng Dung, đều lần lượt bị bắt và bị giết.

Tháng 12 năm 1526, Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung giết chết tại phường Đông Hà rồi đem quan tài về chôn ở lăng Vĩnh Hưng ở Thanh Đàm.

Hậu thế

Hơn nửa năm sau cái chết của Chiêu Tông, Mạc Đăng Dung phế truất Lê Cung Hoàng, lập ra nhà Mạc. Sáu năm sau (1533), cựu thần nhà Lê là Nguyễn Kim lập Lê Ninh tại Ai Lao, tức là Lê Trang Tông, tái lập nhà Hậu Lê.

Sử sách ghi Trang Tông là con của Chiêu Tông, sinh năm 1514. Điều đó khiến các nhà nghiên cứu nghi ngờ vì khoảng cách giữa vua cha Chiêu Tông và vua con Trang Tông quá ngắn, chỉ có 8 năm. Nhà Mạc, trong biểu tâu nhà Minh, phân trần về việc này cũng nói rằng: Nguyễn Kim dựng con mình lên ngôi, nói dối là con của vua Chiêu Tông.

Sử sách chép về cuộc đời Chiêu Tông cũng có mâu thuẫn. Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi: Chiêu Tông sinh ngày 4 tháng 10 năm Đoan Khánh thứ 2 đời Lê Uy Mục, tức năm 1506, nhưng khi vua được đưa lên ngôi năm 1516, đáng lý ghi “lên 11 tuổi” lại ghi “lên 14 tuổi” và khi vua bị hại năm 1526, đáng lý phải ghi: “thọ 21 tuổi” thì lại ghi “thọ 26 tuổi” (nếu làm phép suy ngược thì Chiêu Tông có 3 năm sinh khác nhau: 1506, 1503, 1501). Phải chăng việc “hợp thức hoá” cho quan hệ cha – con của Chiêu Tông – Trang Tông chưa được kín kẽ?

Bình luận

Đại Việt Sử ký Toàn thư nhận xét về vua Chiêu Tông như sau:

“Bấy giờ trong buổi loạn lạc, quyền bính không ở trong tay, bên trong thì nghe lời xiểm nịnh gian trá, bên ngoài lại ham mê săn bắn chim muông, ngu tối bất minh, ương ngạnh tự phụ, bị nguy vong là đáng lắm!”

Thời Chiêu Tông là thời kỳ nhiều biến động, rối ren nhất trong thời Lê sơ. Ngoài các cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra của nông dân, bạo loạn của các tướng địa phương, còn có các cuộc thanh trừng, sát phạt giữa các đại thần trong và ngoài triều dẫn đến cảnh hỗn loạn khắp Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước Đại Việt lúc đó. Tuy nhiên, sẽ không thật khách quan nếu quy hoàn toàn trách nhiệm cho vị vua thiếu niên này.

Lê Thái Tông trước đây cũng lên ngôi năm 11 tuổi và cũng phải đối phó với quyền thần Lê Sát, Lê Ngân. Nhưng khi đó cơ nghiệp do Lê Thái Tổ để lại còn vững, chính sự nhà Lê đi vào ổn định, trong triều vẫn có nhiều lương thần phù trợ và đặc biệt là không có biến động trong đời sống xã hội, cuộc sống của nhân dân được đảm bảo, do đó ngôi vua của Thái Tông được duy trì.

Tới thời Chiêu Tông, lương thần thì ít nhiều mà gian thần đã quá nhiều. Sự đổ nát của chính sự nhà Lê thực ra đã bắt đầu từ thời các vua quỷ Uy Mục và vua lợn Tương Dực. Phần lớn các cuộc khởi nghĩa, bạo loạn đã bùng phát từ thời hai vua này, trước khi Chiêu Tông lên ngôi. Nhà Lê đổ nát tới mức khi quân khởi nghĩa Trần Cảo vào kinh, thái sư đầu triều Lê Quảng Độ lập tức theo hàng, vì ông hiểu rằng Chiêu Tông hay Lê Doanh cũng chỉ là những con bài chính trị trong tay các quyền thần thuộc các thế tộc họ Trịnh và họ Nguyễn. Chính sự suy đồi của nhà Lê khiến những người như Trần Cảo rắp tâm xưng hiệu không còn nể sợ “mệnh trời”.

Nhà Lê dường như luôn bị họ Trần ám ảnh trên vũ đài chính trị. Trước kia Lê Thái Tổ giết vua (trên danh nghĩa) Trần Cảo và sau đó giết công thần Trần Nguyên Hãn để tuyệt lòng nhớ tiếc của thiên hạ với nhà Trần. Tới vua Chiêu Tông lại dồn sức diệt một Trần Cảo khác và ngay lập tức trừ khử công thần Trần Chân. Có lẽ ông không ngờ rằng bụng dạ của các tướng không mang họ Trần mới thật khó lường.

Mỗi bước đi của các quan văn, võ đều đầy toan tính, tráo trở: Mạc Đăng Dung kết thông gia với Trần Chân khi Chân đắc thế, nhưng khi cùng Chân đánh Nguyễn Hoằng Dụ lại ngầm thả cho Dụ đi để tranh thủ Dụ làm cái thế chân kiềng; Nguyễn Hoằng Dụ do dự khi phát quân cứu vua; Trịnh Tuy vừa so gươm với triều đình, hôm sau lại đến xin làm quân cần vương. Không riêng Chiêu Tông, các hoàng đế thiếu niên khác được lập khi đó như Lê Doanh, Lê Bảng, Lê Do, Quang Trị… đều nằm trong mục đích “dễ kiềm toả” của các quyền thần để họ thực hiện ý đồ của Vương Mãng,Đổng Trác trong lịch sử Trung Quốc.

Trong cảnh loạn lạc đó, Chiêu Tông đã không đủ sáng suốt để cứu vãn tình hình. Lúc Trần Chân đại phá được Trần Cảo, tình hình đã tạm yên, Cảo phải bỏ ngôi đi tu thoát thân, Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Tuy phải “nín hơi lặng tiếng”, Mạc Đăng Dung chưa có cơ hội “nổi đình đám”. Việc ông vội vã sát hại Trần Chân bị các sử gia coi là sai lầm, ví như Lý Cao Tông giết Phạm Bỉnh Di, Trần Giản Định Đế giết Đặng Tất – tự cắt chân tay khi đại cuộc chưa định. Đó là sai lầm đầu tiên của một hoàng đế mới 13 tuổi (1518) vừa trải qua cơn binh hỏa, phải liên tục “di giá” sau khi lên ngôi. Sau đó, khi thoát khỏi tay Mạc Đăng Dung, Chiêu Tông đã có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các tướng ở Bắc Bộ khiến uy thế của Đăng Dung chao đảo, thì ông lại tin theo, dựa vào Trịnh Tuy, một kẻ từng là phản thần của triều đình, từng công khai chống lại ông, khiến lòng người chia lìa. Giả sử lúc đó Chiêu Tông giết Tuy với tội danh như giết phản thần Trịnh Duy Đại trước đây khiến các cánh quân cần vương không bị giải tán thì Mạc Đăng Dung khó mà thay đổi được cục diện nhanh đến như vậy. Đó là sai lầm lớn thứ hai của Chiêu Tông, lúc đó đã 17 tuổi, có 6 năm trải nghiệm trên ngai vàng thời loạn và lần này thì không thể chuộc lại.

Sau khi Lê Chiêu Tông thất bại, cơ nghiệp nhà Lê coi như đã không còn, vì vua em Cung Hoàng vốn đã chỉ là con bài trong tay họ Mạc từ khi được đưa lên ngai.

Nguồn: yeusuviet.wordpress.com