404 lượt xem

Chu Văn Tấn

CHU VĂN TẤN

Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay không phải ai cũng biết đến tên tuổi ông Chu Văn Tấn, Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của QĐND Việt Nam, người một thời được coi là “hùm xám Bắc Sơn”. Nhận xét về Thượng tướng Chu Văn Tấn, Người anh cả của LLVT Võ Nguyên Giáp viết: “Đồng chí tuyệt đối trung thành với Bác Hồ, Đảng Cộng sản Đông Dương trước kia và Đảng Lao động Việt Nam sau này”. Tên tuổi của ông gắn liền với phong trào khởi nghĩa Bắc Sơn.


Thượng tướng Chu Văn Tấn. Nguồn: sưu tầm.

Chu Văn Tấn là ai?

Hôm trên đường lên Bắc Sơn ông Chu Thành, con trai Tướng Tấn đưa chúng tôi về xã Phú Thượng. Ngôi nhà sàn cũ kỹ, giột nát xưa kia nơi Tướng Tấn sinh ra và lớn lên đã được ông Chu Thành sửa chữa, cải tạo lại khang trang. Chúng tôi thắp hương trên bàn thờ ông. Sau đó Chu Thành đưa chúng tôi ra thăm mộ cha mình. Khu mộ gia đình nằm trên ngọn đồi sau nhà. Mộ hai ông bà Chu nằm cạnh nhau. Chúng tôi thắp hương cắm từng ngôi mộ, đứng lặng đi trong cái nắng chiều cuối thu nhè nhẹ lọt qua kẻ lá đổ xuống vai mình.

Về lại Hà Nội tôi đã lục tìm, tra cứu các tài liệu cũ, gặp gỡ nhiều nhà nghiên cứu để dựng nên sơ bộ chân dung ông Chu Văn Tấn.
Gia đình Thượng tướng Chu Văn Tấn (ông Tấn hàng trên, bìa phải). Nguồn: sưu tầm.
 
Chu Văn Tấn là người dân tộc Nùng, sinh (ngày sinh của ông không rõ) tháng 5 năm 1910, tại tổng Lâu Thượng, châu Võ Nhai, tỉnh Lạng Sơn (nay thuộc xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên). Xuất thân trong một gia đình thổ hào địa phương. Thuổ nhỏ, ông được gia đình cho ăn học. Sau khi tốt nghiệp tiểu học ở Thái Nguyên năm 1927, ông từng có thời gian dạy học ở Bắc Hà. Khoảng năm 1931-1932, ông làm nhân viên địa chính và cai quản lính dõng (châu đoàn) cho chính quyền thực dân Pháp tại quê hương ông.

Là người có học vấn và có tinh thần tự trị, ông thường xuyên đấu tranh với những quan chức thực dân để giảm áp bức và sưu thuế, vì vậy rất có uy tín với dân chúng trong vùng. Chính vì vậy, những người Cộng sản đã tìm cách bắt liên lạc và vận động ông tham gia cách mạng nhằm tranh thủ một thủ lĩnh địa phương để lôi kéo đồng bào các dân tộc trong vùng. Năm 1934 Chu Văn Tấn chính thức gia nhập hàng ngũ những người cộng sản. Dưới sự hướng dẫn của những người Cộng sản, ông bí mật xây dựng các đội tự vệ bán vũ trang Trảng Xá,Võ Nhai. Năm 1936, Chu Văn Tấn gia nhập Đảng cộng sản Đông Dương với bí danh là Tân Hồng.

Theo Đại tá, Tiến sĩ Dương Đình Lập, Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Tổ chức quân sự (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam) thì đầu năm 1937, tổ chức cơ sở đảng đầu tiên của huyện Võ Nhai được thành lập ở làng Cao, xã Phú Thượng do Chu Văn Tấn phụ trách.
 
 Vợ chồng Tướng Chu Văn Tấn. Nguồn: sưu tầm.
 
Ngày 22 tháng 9 năm 1940, quân Nhật bất ngờ tấn công Lạng Sơn. Quân Pháp đồn trú tại đây hoảng loạn đã tháo chạy qua châu Bắc Sơn. Nhân cơ hội này, Chu Văn Tấn lãnh đạo các đội tự vệ tấn công và cướp súng của tàn quân Pháp tại đèo Tam Canh để tự vũ trang cho mình.

Nhân cơ hội quân đồn trú Pháp bị tan rã, quân Nhật chưa kịp thiết lập quyền kiểm soát, các cán bộ Cộng sản tại Bắc Sơn - Võ Nhai cho rằng thời cơ đã đến. Ngày 27 tháng 9 năm 1940, ông chỉ huy các đội tự vệ vũ trang tấn công đồn Mỏ Nhài (Bắc Sơn), hỗ trợ những người Cộng sản vận động dân chúng nổi dậy cướp chính quyền tại Bắc Sơn.

Quân khởi nghĩa làm chủ huyện lỵ Bắc Sơn được gần một tháng. Sau đó, người Nhật thỏa hiệp với người Pháp, quân Pháp tái chiếm Bắc Sơn và đàn áp quân khởi nghĩa. Ngày 28 tháng 10 năm 1940, quân Pháp chiếm lại đồn Mỏ Nhài. Khởi nghĩa Bắc Sơn bị dập tắt.

Tuy nhiên, ông cùng một số đội viên tự vệ cùng vũ khí rút được vào rừng sâu Võ Nhai - Bắc Sơn lập căn cứ. Tháng 11 năm 1940, Hội nghị Trung ương Đảng CSVN lần thứ 7 tại làng Đình Bảng, Bắc Ninh đã ra quyết định về việc duy trì và bồi dưỡng lực lượng vũ trang của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn làm vốn quân sự đầu tiên cho cách mạng. Đầu tháng 2 năm 1941, Chu Văn Tấn được bầu làm Xứ ủy viên Bắc Kỳ, phụ trách xây dựng đội du kích Bắc Sơn.

Biệt danh “Hùm xám Bắc Sơn”

Ngày 14 tháng 2 năm 1941, Đội du kích Bắc Sơn chính thức được thành lập trong một buổi lễ tổ chức tại khu rừng Khuổi Nọi (nay thuộc xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Ông Hoàng Văn Thụ đã thay mặt Trung ương Đảng công nhận, trao nhiệm vụ và lá cờ đỏ sao vàng cho Đội du kích Bắc Sơn. Bấy giờ đội gồm 32 chiến sĩ, do ông Lương Văn Tri làm Chỉ huy trưởng. Ông Chu Văn Tấn được cử làm Chỉ huy phó.

Tháng 4 năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Vân Nam qua Quảng Tây về Cao Bằng, ở tại hang Pắc Pó, nơi có dòng suối mà tiếng địa phương gọi là Khuổi Nậm. Ông Chu Văn Tấn được phân công nhiệm vụ chỉ huy đội bảo vệ đưa các ông Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh từ Việt Nam sang Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) rồi đi vòng về Cao Bằng để tham dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì tại Pắc Pó vào tháng 5 năm 1941. Hội nghị này xác định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) và đồng thời chủ trương thành lập lực lượng Cứu quốc quân làm nòng cốt quân sự cho Việt Minh.

Theo quyết định của Hội nghị, Đội du kích Bắc Sơn được đổi tên thành Trung đội Cứu quốc quân thứ nhất. Tháng 6 năm 1941, Phùng Chí Kiên được điều về làm Phụ trách chung.
 
Tướng Chu Văn Tấn (người cầm ống nhòm). Nguồn: sưu tầm.
 
Tuy nhiên, ngay cuối tháng 6, quân Pháp cùng lính khố xanh, khố đỏ mở cuộc càn quét lớn vào Bắc Sơn. Ông Chu Văn Tấn cùng Ban chỉ huy Cứu quốc quân tổ chức chống càn, tuy nhiên do lực lượng chênh lệch nên đành phải để lại một tiểu đội chặn đối phương, còn 2 tiểu đội phá vòng vây, rút lên Cao Bằng để bảo toàn lực lượng. Tiểu đội của Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri bị phục kích và hy sinh gần hết. Riêng tiểu đội do ông Chu Văn Tấn chỉ huy thoát khỏi vòng vây về được Pắc Pó.

Sau khi đưa được một bộ phận của Trung đội Cứu quốc quân thứ nhất về Pắc Pó an toàn và được chuyển thành đơn vị vũ trang bảo vệ căn cứ Pắc Pó, Chu Văn Tấn được giao nhiệm vụ về lại Võ Nhai để xây dựng và làm Chỉ huy trưởng của Trung đội Cứu quốc quân thứ hai, với 47 chiến sĩ (có 3 nữ), được thành lập ngày 15 tháng 9 năm 1941, tại Khuôn Mánh (nay thuộc xã Tràng Xá, Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên).
Trong những năm sau đó, ông chỉ huy Cứu quốc quân phát triển lực lượng, đánh du kích ở Tràng Xá, phát triển về Đại Từ, cướp được nhiều vũ khí của quân Pháp. Đội quân du kích của ông nổi tiếng khắp vùng làm cho các đội quân của Pháp hễ nghe tới tên ông đều tỏ ra khiếp sợ, coi đó là mối hiểm họa cực kỳ to lớn đối quân đội Pháp. Chính vì vậy các binh sĩ Pháp đã đặt cho ông biệt danh là "Hùm xám Bắc Sơn".
 
 
Trở thành Bộ trưởng Quốc phòng

Cuối năm 1944, ông chỉ huy lực lượng Cứu quốc quân 2 xây dựng Chiến khu Nguyễn Huệ (nay thuộc Đại Từ, Thái Nguyên). Sau Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 4 năm 1945, Chiến khu Nguyễn Huệ phát triển thành Chiến khu Hoàng Hoa Thám, trở thành căn cứ địa vững chắc để đón lãnh tụ Hồ Chí Minh và các lãnh đạo khác về đây hoạt động.
 
 
Nguồn: sưu tầm.
Ngày 13/8/1945, TƯ Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc gồm các ông Trường Chinh,Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh, Chu Văn Tấn. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào ngày 14 và 15/8/1945 đã quyết định tổng khởi nghĩa toàn quốc. Hội nghị đã bầu bổ sung Chu Văn Tấn vào BCH TƯ. Một ngày sau đó, 16/8, Quốc dân đại hội họp ở Tân Trào đã bầu Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam gồm 15 thành viên do Hồ Chí Minh đứng đầu và Chu Văn Tấn được bầu là Ủy viên của ban này và ông tham gia tích cực lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa.

Sau thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa- cướp chính quyền, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) Chính phủ lâm thời gồm 15 thành viên ra mắt quốc dân đồng bào. Chu Văn Tấn được bầu làm Bộ trưởng Bộ quốc phòng. Ông giữ chức vụ này cho đến ngày 2 tháng 3 năm 1946. Sau đó ông được cử là Phái viên của Chính phủ đi kiểm tra Khu 4. Năm 1948, Chu Văn Tấn làm Khu trưởng Khu 4 rồi Chiến khu 1, Bí thư Khu ủy. Cùng năm này, ông được phong quân hàm Thiếu tướng cùng với 10 tướng lĩnh khác trong đợt phong hàm đầu tiên.

Từ năm 1949 đến năm 1954, ông làm Khu trưởng, Bí thư khu ủy Liên khu Việt Bắc, Chánh án Tòa án Quân sự, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tháng 2 năm 1951 và Đại hội lần thứ III tháng 9/1960 Chu Văn Tấn được bầu làm Ủy viên chính thức BCH TƯ.

Từ năm 1954 đến cuối năm 1956, ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư quân khu ủy Liên khu Việt Bắc. Từ năm 1957 đến cuối năm 1975, ông làm Chính ủy, Bí thư khu ủy Quân khu Việt Bắc, Chủ tịch Ủy ban hành chính Khu tự trị Việt Bắc. Ngày 31 tháng 8 năm 1959, ông được thăng quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng và là một trong hai Thượng tướng lúc bấy giờ.

Ông được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa III đến khóa V, Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa V; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông cũng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa I, II và III; đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa V.

Năm 1976, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất.

Chu Văn Tấn và Hồ Chí Minh

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình ông Chu Văn Tấn có khoảng 30 năm gắn bó khá thân tình với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chu Văn Tấn có một sức hấp dẫn lớn đối với đồng bào các dân tộc khu tự trị Việt Bắc, đặc biệt là dân tộc Tày, Nùng. Những người làm việc dưới quyền ông đều coi ông là mẫu hình lý tưởng để vươn tới. Đại tá Nguyễn Huy Văn (tức Kim Sơn), cựu chiến sĩ Việt Nam giải phóng quân kể: “Là thượng cấp mà khi đến làm việc với chúng tôi, ông có một phong thái vô cùng bình dị; cùng ăn những bữa cơm đạm bạc chỉ có rau và măng rừng, cùng ngủ chung trên một sàn nứa trong khu nhà trống hơ trống hoác”.
 
Cụ Hồ đã gọi Chu Văn Tấn là “Người anh cả của lực lượng du kích quân Việt Nam”. Nguồn: sưu tầm.
 
Cụ Hồ đánh giá cao vai trò của Chu Văn Tấn. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà (Phòng Sưu tầm, Bảo tàng HCM) thì trong buổi tiếp các anh hùng và đại biểu của những đơn vị anh hùng tham dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước tại Phủ Chủ tịch ngày 1/1/1967, Cụ Hồ đã gọi Chu Văn Tấn là “Người anh cả của lực lượng du kích quân Việt Nam”. Còn trong bài “Mừng ngày sinh nhật QĐND” đăng trên báo Nhân dân ngày 22/12/1964, với bút danh CB, Hồ Chí Minh viết: “Đảng giao cho Bác trực tiếp lãnh đạo, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, v.v, thì phụ trách việc tổ chức, huấn luyện và chỉ huy”.

Năm 1967-1968, đạo diễn điện ảnh Gerald Guillaume (Pháp) sang Việt Nam làm bộ phim tài liệu “Hồ Chí Minh- chân dung một lãnh tụ”. Quay xong bộ phim Gerald Guillaume muốn làm thêm một bộ phim về một lãnh đạo khác, nhưng phải “rất Việt Nam”. Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, phiên dịch viên cho đạo diễn Gerald Guillaume tại cuộc gặp này kể lại: “Nghe xong ông Hồ Chí Minh nói: vậy thì ông nên làm về chân dung con “Hùm xám Bắc Sơn” đi! Ông Gerald Guillaume dường như không hiểu, hỏi lại: Thưa Cụ, “Hùm xám Bắc Sơn” là ai ạ? Ông Hồ nói: Đó là người gây dựng lên LLVT Việt Nam”.

Còn nhà báo Lê Tiến (VOV) đã tường thuật lại sự kiện này (băng ghi âm hiện được lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, ký hiệu: H24C15/45) như sau: “Nghe xong Hồ Chí Minh vui vẻ nói: “Đồng chí Vũ Kỳ sẽ lo thủ tục đưa đoàn lên Việt Bắc làm phim về “Hùm xám Bắc Sơn”.

Đạo diễn Gerald Guillaume lên Thái Nguyên vào Bộ Tư lệnh khu Việt Bắc. Đoàn làm phim được Thượng tướng Chu Văn Tấn tiếp đón thịnh tình. Sau đó ông Tấn đích thân đưa đoàn làm phim về phỏng vấn và thực hiện quay tại Phú Thượng quê hương ông, rồi đưa đoàn tới các địa danh lịch sử mà Đội du kích Bắc Sơn, Trung đội cứu quốc quân từng chiến đấu. Trở về Hà Nội, đạo diễn Gerald Guillaume tâm sự với Hồ Chí Minh: “Ông Chu Văn Tấn là một con người vĩ đại theo đúng nghĩa của từ nay!”.
 
Ngày 20/1/1948 Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 111 phong quân hàm Thiếu tướng cho Chu Văn Tấn (người đứng hàng sau cùng, thứ 3 từ trái sang). Nguồn: sưu tầm.
 
Tình cảm và sự tôn trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Tướng Tấn không chỉ là lời nói mà nó được thể hiện bằng việc làm cụ thể. Đó là hàng loạt quyết định nói lên vai trò quan trọng của Chu Văn Tấn.
Ngày 20/1/1948 Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 111 phong quân hàm Thiếu tướng cho Chu Văn Tấn. Cần nói thêm là, theo sắc lệnh này, Võ Nguyên Giáp được trao quân hàm Đại tướng. Được phong Thiếu tướng, ngoài Chu Văn Tấn, còn có các ông Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình.

Đáng chú ý trong dịp này có duy nhất một người được phong quân hàm cấp Trung tướng là ông Nguyễn Bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Bác và Trung ương đã cân nhắc, đối với Nam Bộ, quân và dân Nam Bộ đã chiến đấu sớm nhất, đã trên hai năm, do đó phong quân hàm Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình”.

Ngày 4/11/1949, Sắc lệnh 128-LS bổ nhiệm Chu Văn Tấn là Khu trưởng, Bí thư Khu ủy Liên Khu Việt Bắc. Tiếp đó là bổ nhiệm ông làm Chánh án Tòa án quân sự, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc. Ngày 31/8/1959, Sắc lệnh 036-LS thăng hàm từ Thiếu tướng (vượt cấp) lên Thượng tướng và ngày 17/7/1964, bằng Lệnh 27-LCT Hồ Chí Minh đã bổ nhiệm ông làm Phó chủ tịch và Ủy viên hội đồng quốc phòng…

Trong chuyện riêng tư thì Chu Văn Tấn cũng rất được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng. Ông Chu Thành còn  lưu trữ rất nhiều ảnh tư liệu về cuộc đời hoạt động của cha mình; đặc biệt là các tấm hình chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc riêng với Chu Văn Tấn.

Bù lại, trên cương vị thủ lĩnh khu tự trị Việt Bắc, ông đã có những đóng góp to lớn trong sự phát triển của khu vực này. Ý thức được giao thông là huyết mạch của khu tự trị, ông phát động phong trào thanh niên tình nguyện 6 tỉnh trong khu đi lao động và hình thành con đường Hà Giang- Đồng Văn- Mèo Vạc, một huyết mạch quan trọng của cả vùng.

Ông cũng là người chỉ đạo và chủ trì xây dựng Đài phát thanh Việt Bắc (bằng các thứ tiếng Kinh, Tày, Nùng, Dao, H’Mông), xây dựng hệ thống các trường Trung học, cao đẳng, đại học; các trường, lớp dân tộc nội trú, thiếu nhi vùng cao. Đồng thời cũng là người chủ trì xây dựng bộ chữ Tày, Nùng ở khu tự trị Việt Bắc.
 
Mộ phần của vợ chồng Thượng tướng Chu Văn Tấn ở quê nhà (bên mộ: Võ Điện Biên và Chu Thành, từ trái qua): ảnh Minh Quang. Nguồn: sưu tầm.
 
Thu phục Vua Mèo

Có thể nói trong chính sách dân tộc, đặc biệt là ở Việt Bắc, Chu Văn Tấn có những đóng góp lớn. Chuyện ông và Vua Mèo Vương Chí Sình kết nghĩa làm anh em được kể như một huyền thoại.

Như nhiều người đã từng biết “Vương triều” của Vương Chính Đức ở Đồng Văn, nhưng ông thao túng hầu như toàn bộ khu vực cực Bắc cũng như toàn bộ vùng Đông và Tây Bắc với 7 vạn dân, nghề chính là trồng cây anh túc. Chủ trương của vua Mèo là không theo Pháp cũng không theo Tưởng mà ông muốn lập một Khu tự trị cho người Mèo ở Đồng Văn.

Theo Đại tá Nguyễn Huy Văn (tức Kim Sơn), cựu chiến sĩ Việt Nam giải phóng quân, sau khi nước Việt Nam DCCH ra đời, để bảo vệ khu vực phía Bắc thì việc “quy phục” Vua mèo là vấn đề cấp bách. Chủ tịch Hồ CHí Minh đã giao cho Chu Văn Tấn đi thuyết phục vua Mèo và mời ông về Hà Nội “cùng Chính phủ gánh vác việc nước”.
 
Chu Văn Tấn đã thuyết phục thành công. Tuy nhiên do tuổi đã cao nên Vương Chính Đức đã cho con trai thứ hai của mình là Vương Chí Sình, người được coi là kế nghiệp vua Mèo, đi thay. Trong chuyến đi này Chu Văn Tấn đã kết nghĩa anh em với Vương Chí Sình.

Ông Vương Chí Sình đã về Hà Nội ở và trở thành Đại biểu Quốc hội các khóa I và II. Trước khi nghỉ hưu Vương Chí Sình là Chủ tịch huyện Đồng Văn. Ông mất năm 1962 tại Hà Nội. Linh cữu của ông được đưa về Hà Giang, an táng tại Phó Bản sau đó được cải táng về khu di tích nhà Vương như hiện nay. Cũng từ đó vương quốc của vua Mèo chỉ còn là hoài niệm.

Thượng tướng Chu Văn Tấn qua đời ngày 22/5/1984 tại Hà Nội.

SGT tổng hợp.