269 lượt xem

Chuyến đi sứ của Phan Sĩ Thục - Kì 1

Chuyến đi sứ của Phan Sĩ Thục năm 1872 là chuyến đi sứ cuối cùng trước khi thực dân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất.

 Chuyến đi sứ cuối cùng

 Năm Nhâm Thân (1872) nhà Nguyễn đã cử một đoàn sứ bộ do Phan Sĩ Thục làm chánh sứ sang nhà Thanh dâng cống. Đây là chuyến đi sứ cuối cùng trước khi thực dân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất dẫn đến Hiệp ước Philastre trong đó nhà Nguyễn thừa nhận ngoài Đại Pháp ra không thần phục một nước nào khác nữa.

Kể từ đó Việt Nam bị cuốn vào việc đối phó với cuộc xâm lược của Pháp. Trong khi đó Trung Quốc lại bị nạn xâu xé của các cường quốc tư bản, cho nên việc bang giao giữa hai nước Việt- Trung không còn là vấn đề hàng đầu.

Triều đại vua Tự Đức kéo dài 36 năm (1847-1883) là thời gian rối ren trong lịch sử Việt Nam. Thời gian ấy quân đội viễn chinh Pháp đã chiếm các tỉnh Nam Kỳ và đang lăm le chiếm Bắc Kỳ. Những cuộc nổi dậy chống Pháp liên tiếp nổ ra khắp nơi.

Giặc giã cùng nhân giã đục nước béo cò nổi dậy. Rối ren nhất là vùng biên cương phía Bắc, quan quân nhà Nguyễn không dẹp được giặc, chính quyền Lưỡng Quảng nhà Thanh suy yếu cũng bất lực làm ngơ.

Vua Tự Đức quyết cử một đoàn sứ bộ sang triều cống vua nhà Thanh để xin giải quyết giặc giã ở vùng biên giới, đồng thời thăm dò thái độ vua quan nhà Thanh đối với thế lực phương Tây.

 Triều đình bê bối lắm

 Đại Nam thực lục chép “Năm Tự Đức thứ 26 vua sai sứ sang nhà Thanh dâng cống. Bố chính xứ Quảng Ngãi là Phan Sĩ Thục đổi làm Hữu Thị lang bộ Lễ sung chức Chánh sứ. Thị độc lãnh quản đạo Hà Tĩnh là Phan Văn Quán thăng Thị giảng học sĩ. Viên ngoại lang lãnh Lang trung bộ Hộ là Nguyễn Tư đổi làm Hồng lô tự Thiếu khanh. Hai người này được sung chức giáp, ất phó sứ. Vua bèn sai làm tờ biểu nói về cương giới phía Bắc giao Sĩ Thục để tâu lên vua nước Thanh”.

 Lại dụ ngay trước mặt rằng: “Tờ biểu về mặt cương giới phía Bắc là việc cần thiết. Viên ấy (chỉ tuần phủ Đô đốc tỉnh Quảng Tây) có đùn đẩy trách nhiệm thì tùy tiện mà làm cho ổn thỏa, cần cẩn thận đến vua Thanh để biết tình hình ở biên giới.

Tướng nước Thanh nhiều lần từ xa đến, chưa chịu làm việc thực sự như họ Lưu, họ Phùng, lại tâu lên rằng giặc ở tại Hưng Hóa- Tuyên Quang, nên xin cho nước ta tính lấy”.

Đoàn sứ giả khi ra đi thì ổn thỏa, nhưng khi đến Bắc Kinh việc tiếp xúc với vua quan nhà Thanh rất khó khăn, không ai nhiệt tình gặp gỡ bàn bạc.

Khi về nước chánh sứ có kể lại “Chỉ riêng có Đại thần Hòa Khôn là người tận tình với ta. Triều đình bê bối lắm”. Lúc ấy đoàn sứ bộ Việt Nam có gặp đoàn sứ bộ Cao Ly (Triều Tiên) do Ly Dũng Tuấn làm chánh sứ.

Hiện nay tại nhà thờ cụ Phan Sĩ Thục còn treo đôi câu đối của sứ Cao Ly ghi tặng. Sau khi đoàn sứ bộ nước ta trở về thì quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc và quân Cờ Vàng đã vào sâu trong địa giới Bắc Kỳ và có chiến đấu nhiều trận với quân đội Pháp đồng thời cũng cướp phá của cải của nhân dân ta.

(còn nữa)

Chí Đức