359 lượt xem

Đặng Trần Diễm - Kì 3: Hai lần đổi họ

Dòng họ Đặng Trần và Lý Trần của Đặng Trần Diễm đã có hai lần đổi họ. Đặc biệt, người con trai thứ ba lớn tuổi nhất nhưng lại là em út.

Từ họ Đặng Trần đến Lý Trần

Là một tính danh đặc biệt, tổ xa đời của Đặng Trần Diễm được gia phả ở Vân Canh ghi chép họ tên là Trần Văn Trưng, sống cùng thời với thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân Trần Tuân, người lấy danh nghĩa con cháu Trần Hưng Đạo mà nổi dậy chống lại triều đình thời Lê sơ buổi suy mạt đầu thế kỉ thứ 16.

Do có sẵn tên hiệu là Đặng Hiên, đồng thời sợ có liên lụy họ Trần của Trần Tuân nên cụ tổ Trần Văn Trưng sinh con trai đã cải họ nhưng vẫn giữ lại họ gốc là tên đệm để từ đấy hình thành dòng họ Đặng Trần ở Vân Canh. Truyền đến đời thứ 11, chính cụ Đặng Trần Diễm lại cải họ một lần nữa từ Đặng Trần thành Lý Trần.

Theo lời ông Lý Trần Yên – trưởng tộc dòng họ Lý Trần ở Vân Canh thì cụ Diễm khi tuổi đã cao mà vẫn không có con nối dõi nên lấy làm lo lắng. Cụ thường xuyên đến đền Chèm cầu Lý Ông Trọng, vốn được suy tôn là Đức Thánh Chèm (nhân vật truyền thuyết sống vào thế kỉ III, người làng Chèm, Từ Liêm, Hà Nội) độ trì cho có con nối dõi.


https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/den-chem(1).jpg
Một góc đền Chèm, nơi thờ Lý Ông Trọng. Nguồn: sưu tầm.

Về sau lời thỉnh cầu của cụ ứng nghiệm và cụ sinh tất cả được ba người con trai (trong đó hai con trai đầu là con của người vợ cả, người con út là con của người vợ thứ). Để tỏ lòng biết ơn cụ Diễm đã đổi cho các con mang họ Lý, lập ra một chi họ Lý Trần gốc họ Đặng và từ đây truyền cho các đời hậu duệ về sau. Vậy là dòng họ Đặng Trần và Lý Trần có hai lần đổi tên.

Người con thứ ba

Về người con thứ ba của cụ Đặng Trần Diễm, đã có những thông tin mờ tỏ về người con trai này, vốn chỉ là con trai một bà thứ thất của Đặng Trần Diễm. Gia phả chi họ Lý Trần ở Lê Xá, Duy Tiên, Hà Nam ghi rõ việc Đặng Trần Diễm khi mới ở tuổi 16, 17 đã từ Vân Canh xuống tận đây dạy chữ trong một gia đình họ Trần để lấy lương ăn mà tiếp tục học cao lên.


Tại đây cậu giáo đã sớm gá duyên cùng người con gái của gia đình này, nhưng không phải là chính thất. Tuy nhiên một người con trai đã ra đời vào năm 1721 khi kể cả tuổi mụ Đặng Trần Diễm mới là 17. Người con trai này được gọi là Lý Trần Thản, vừa là hậu duệ chi họ Đặng Trần làng Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội, vừa là tổ phụ chi họ Lý Trần ở Lê Xá, Duy Tiên, Hà Nam; ông ra đời trước hai người anh của mình nhiều năm, nhưng không chính thất nên phải làm em là lẽ đó…

Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, cụ Lý Trần Thản cho dù gốc gác còn nhiều điều mờ tỏ, thậm trí chưa rõ ràng và đặc biệt có nhiều nỗi éo le, chắc trở nữa, nhưng cuối cùng thì hạnh phúc lớn của đời người là biết được nguồn cội, dò tìm được chỗ nông sâu của dòng tộc mà mình là thành viên.

Một gia đình có cha đỗ cử nhân, sau này cũng được vua phong là tiến sĩ vì đã có công dạy 3 con trai đỗ tiến sĩ và điều đáng trân trọng hơn là, tất cả họ đều là những đại thần liêm chính, là những tấm gương sáng, có nhiều đóng góp cho đất nước.


Hậu thế suy nghĩ gì về việc cả nhà làm quan của tiền nhân…

Nguyễn Thành Trung
Khoahocdoisong.vn