295 lượt xem

Phạm Bành – thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Ba Đình

Phạm Bành – thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Ba Đình, một vị quan trong triều đình nhà Nguyễn. Hưởng ứng phong trào Cần vương của vua Hàm Nghi, ông đã treo ấn từ quan, vận động nhân dân khởi nghĩa.

Làm quan được dân mến mộ

Vào cuối thế kỷ XIX, sau khi thực dân Pháp dùng vũ lực buộc triều đình Huế ký các hiệp ước Harmand (1883) và Patenotre (1884), người đứng đầu phe chủ chiến trong triều đình Huế là Tôn Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi rút khỏi Kinh thành ra vùng Quảng Trị, Quảng Bình ra chiếu Cần vương kêu gọi kháng chiến.

Hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, phong trào yêu nước chống thực dân Pháp ở nhiều nơi trong cả nước phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt tại Thanh Hóa đã diễn ra nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang do các văn thân, sĩ phu lãnh đạo, mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Ba Đình (Nga Sơn). Các lãnh tụ tiêu biểu của cuộc khởi nghĩa đó là Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Nguyễn Viết Toại…

Phạm Bành sinh ngày 25 tháng 3 năm Canh Dần (1830) ở làng Trương Xá (nay thuộc xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Thân phụ ông là Phạm Phố làm Bố chánh Tuyên Quang, tử tiết trong nhà bị phỉ nhà Thanh bắt.

Phạm Bành là người văn, võ song toàn, được cử làm Bang biện coi giữ cửa biển Lạch Trường và nhiều lần đánh giặc thắng lợi.

Năm Giáp Tý, (năm Tự Đức thứ 12, 1862), Phạm Bành thi đậu cử nhân, được triều đình cử làm Đốc học, rồi Án sát tỉnh Nghệ An.

Trong thời gian làm Đốc học và Án sát tỉnh Nghệ An, Phạm Bành luôn thể hiện là người thanh liêm, có tinh thần trách nhiệm với công việc được giao, biết quan tâm đến đời sống của nhân dân nên được nhân dân trong vùng mến mộ.

Bỏ quan trường về quê đánh giặc

Năm Ất Dậu (1885), hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, Phạm Bành bỏ quan trường về quê, tuy đã gần 60 tuổi, ông vẫn cùng người em cọc chèo là Hoàng Bật Đạt là tri huyện Bắc Ninh đã từ quan, tập hợp lực lượng khởi nghĩa đánh giặc.

Tại quê nhà Phạm Bành và Hoàng Bật Đạt đã nhanh chóng chiêu mộ được một số nghĩa quân, mở xưởng rèn đúc vũ khí, lập kho quân lương đợi ngày khởi nghĩa.

Ngày 16 tháng 1 năm Bính Tuất (1886), Phạm Bành và nghĩa quân đã tổ chức tế cờ tại nghè Lục Trúc (xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc), sau đó liên kết với các lực lượng kháng chiến của Hà Văn Mao, Nguyễn Khế, Lê Toại.

Các ông lập căn cứ ở vùng rừng núi thuộc xã Kim Âu và Thạch Bằng ở huyện Quảng Hoá, Thanh Hoá, tổ chức đánh địch và mở rộng vùng hoạt động sang các vùng lân cận.

Phạm Bành đã chỉ huy nghĩa quân đánh các đồn địch ở phố Cát rồi đến đồn Tam Cao và đột nhập thẳng vào thị xã Ninh Bình làm cho đội quân giặc khố xanh do tên Catxe chỉ huy bị thiệt hại nặng nề.

Cùng với việc tổ chức đánh vào các đồn địch, Phạm Bành cùng với các thủ lĩnh tại cuộc Hội nghị Bồng Trung (Vĩnh Lộc) với tầm nhìn chiến lược các nhà lãnh đạo phong trào yêu nước chống Pháp ở tỉnh Thanh đã chọn Ba Đình (huyện Nga Sơn) làm căn cứ của cuộc khởi nghĩa và cử Phạm Bành và Đinh Công Tráng chỉ huy xây dựng lực lượng, chuẩn bị nhân lực vật lực cho cuộc khởi nghĩa.

 (còn nữa)

SGT tổng hợp.