235 lượt xem

Danh sỹ Tây Sơn: Phan Huy Ích (1751-1822)

“Được dự vào hàng công huân cao quý, cố sao đền đáp ơn vua vừa mới ban xuống; Nối dõi thư hương, càng gắng giữ nếp cũ thanh bạch của nhà xưa” - Phan Huy Ích (Dật thi lược toàn).

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Phan Huy Ích còn có tên chữ là Khiêm Thụ Phủ, Chi Hòa và hiệu là Dụ Am, Đức Hiên. Ông là một viên quan đại thần của nhà hậu Lê và cũng là một công thần của nhà Tây Sơn. Ông có tên thật là Phan Công Huệ, sinh ngày 12 tháng Chạp năm Canh Ngọ - 1751, tại làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Do kiêng húy của Tuyên phi Đặng Thị Huệ nên về sau ông đổi tên là Phan Huy Ích.

Từ nhỏ cho đến năm 20 tuổi, Phan Huy Ích sống và học tập tại quê cha đất tổ là làng Thu Hoạch. Năm 1771 (năm tròn 20 tuổi), Phan Huy Ích đỗ Giải nguyên (tức đỗ đầu khoa thi Hương) tại trường Nghệ An. Đây là một vinh dự đặc biệt đối với dòng Phan Huy, bởi vì trước đó gần hai chục năm (năm 1753), thân phụ Phan Huy Ích là Phan Huy Cẩn cũng đỗ Giải nguyên tại trường thi Hương này.

Sau khi đỗ Giải nguyên, Phan Huy Ích được trao một chức quan nhỏ tại trấn Sơn Nam. Ông trở thành học trò rồi thành con rể của Ngô Thì Sĩ (1726-1780) kể từ giai đoạn này. Năm 1775 (năm tròn 24 tuổi), Phan Huy Ích đỗ Hội nguyên Tiến sĩ. Khoa này, triều đình lấy đỗ 18 Tiến sĩ (mà không lấy ai đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa và Hoàng giáp). Anh vợ của Phan Huy Ích là Ngô Thì Nhậm cũng cùng đỗ Tiến sĩ trong khoa này. Một lần nữa, đây là vinh dự đặc biệt của dòng Phan Huy, bởi lẽ trước đó 19 năm (năm 1754), thân phụ ông là Phan Huy Cẩn cũng đỗ Hội nguyên Tiến sĩ như thế.

Năm 1776, ông tiếp tục thi đỗ kỳ thi Ứng chế và được triều đình bổ làm Hàn lâm Viện Thừa chỉ, rồi làm Đốc đồng tỉnh Thanh Hóa. Năm 1777, ông được lệnh mang ấn kiếm, sắc phong tước Cung quận công của vua Lê ban cho Nguyễn Nhạc, nhưng khi vào đến Phú Xuân, tướng Phạm Ngô Cầu trấn giữ Phú Xuân cản giữ ông lại rồi sai Nguyễn Hữu Chỉnh đi vào Quảng Nam phong cho Nguyễn Nhạc. Sau đó, ông được thăng Hiến sát sứ Thanh Hóa, trông coi việc xét xử và luật pháp.

Chân dung Phan Huy Ích (tranh vẽ 1790) (Internet).

Năm 1780, con trưởng của Chúa Trịnh Sâm là Trịnh Tông (tức Trịnh Khải) đã âm mưu làm chính biến nhưng không thành. Trịnh Sâm đã tiến hành một cuộc đàn áp rất tàn khốc. Không ít quan lại và đại thần bị bức tử. Sử gọi đó là vụ án năm Canh Tý. Bấy giờ, vì là con rể của Ngô Thì Sĩ và là em rể của Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích cũng bị công kích từ nhiều phía khác nhau. Ông buồn nản quá, bèn cáo bệnh để xin từ quan nhưng không được, vì thế, ông liền đóng bè ở dưới sông, xa lánh mọi đồng liêu cũng như thuộc chức, mỗi tháng chỉ đến công đường một lần.

Năm 1785, khi tình hình chung đã tương đối tạm ổn định, Phan Huy Ích mới trở lại với việc quan. Cuối năm đó, ông được trao chức Hiến Sát Thanh Hoa.

Năm 1786, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã ồ ạt tiến ra Bắc. Chúa Trịnh Tông bị bắt và tự tử dọc đường áp giải. Vua Lê lúc bấy giờ hèn yếu và bạc nhược, không đủ khả năng, càng không đủ uy tín để điều khiển mọi hoạt động của triều đình. Chính sự lại một phen rối ren đến khó tả. Thấy Nguyễn Huệ đã rút đại quân về Nam, phe đảng của họ Trịnh lại nổi lên. Sau những cuộc tranh giành khá ác liệt, Trịnh Bồng đã nắm được ngôi Chúa, đó chính là Yến Đô Vương. Trong thời gian ở ngôi Chúa ngắn ngủi của Yến Đô Vương, Phan Huy Ích được trao chức Đô cấp sự trung, kiêm Thiêm sai ở Phủ Chúa.

Cũng trong thời Yến Đô Vương, Phan Huy Ích còn được trao chức Đốc thị ở trấn Nghệ An kiêm Tán Lý Quân vụ ở trấn Thanh Hoa. Với chức vụ đó, ông được sai cầm quân đi đánh Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉ mới giáp chiến, Phan Huy Ích đã bị Nguyễn Hữu Chỉnh bắt sống, may nhờ có bạn cũ là Nguyễn Kim Khuê ra sức tìm cách cứu giúp, ông mới được tha.

Cuối năm 1787, nghĩa quân Tây Sơn kéo ra Bắc Hà lần thứ hai. Khi đó vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc cầu cứu viện binh của nhà Thanh. Trước tình hình triều đình như vậy, Phan Huy Ích đã bỏ lên Sài Sơn, chấm dứt 14 năm làm quan với chính quyền vua Lê - chúa Trịnh.

Giữa năm 1788, khi Nguyễn Huệ trực tiếp cầm quân ra hỏi tội viên tướng thuộc quyền của mình là Vũ Văn Nhậm, cùng với một số nho sĩ tên tuổi khác như Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thế Lịch (1750-1829) (người làng Yên Lũng, huyện Từ Liêm, nay thuộc thôn Yên Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, đỗ Tiến sĩ năm 1775, cùng khoa với Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm. Ông còn có tên khác là Nguyễn Gia Phan), Nguyễn Bá Lan (1757-?) (người làng Cổ Linh, huyện Gia Lâm, nay thuộc thị trấn Sài Đồng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, đỗ Tiến sĩ năm 1785. Thời Quang Trung, ông được trao chức Trực Học sĩ), Ninh Tốn (1744-1790) (người làng Côi Trì, huyện Yên Mô, nay thuộc xã Yên Mỹ, huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, đỗ Hội nguyên Tiến sĩ năm 1778. Thời Quang Trung, ông được trao chức Hàn lâm Trực Học sĩ), Đoàn Nguyễn Tuấn (hiện chưa rõ lai lịch, chỉ biết thời Quang Trung, ông được phong chức Lại bộ Tả Thị lang, tước Hải Phái hầu), Vũ Huy Tấn (1749-1800) (người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, nay là thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương. Thời Quang Trung, ông làm quan được thăng dần lên đến chức Thượng thư.)... Phan Huy Ích đã ra hợp tác với Tây Sơn. Ông được Nguyễn Huệ trao chức Tả Thị lang bộ Hộ, tước Thụy Nham hầu.

Sau khi nhận chức tước, Phan Huy Ích theo Nguyễn Huệ vào Phú Xuân. Hoàng Lê nhất thống chí và các tác phẩm của Phan Huy Ích đã xác nhận điều này. Cuối năm 1788, Lê Chiêu Thống rước quân Mãn Thanh sang giày xéo đất nước ta. Để trả thù những người theo Tây Sơn, Lê Chiêu Thống đã sai đục bỏ tên của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích trên bia Tiến sĩ, đồng thời phát lệnh truy nã cả hai ông. Nhưng chỉ với một cuộc hành quân thần tốc và một trận quyết chiến chiến lược ở Ngọc Hồi-Đống Đa lịch sử, Quang Trung Nguyễn Huệ đã quét sạch quân Thanh ra khỏi bờ cõi, đồng thời, trừng trị đích đáng hành động phản quốc hại dân của Lê Chiêu Thống.

Chiến tranh kết thúc, Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm được Quang Trung tin cậy giao cho trọng trách thiết lập mối quan hệ bang giao hữu hảo với Mãn Thanh. Bằng tất cả tài năng và sự khôn khéo của mình, cùng với Ngô Thì Nhậm, ông đã có cống hiến rất xuất sắc trên mặt trận đấu tranh ngoại giao.

Năm 1790, nếu Ngô Thì Nhậm là tác giả của kịch bản đưa “giả vương” Phạm Công Trị sang dự lễ bát tuần khánh thọ của Hoàng Đế Càn Long, thì Phan Huy Ích là một trong những người thực hiện xuất sắc kịch bản này. Cùng với Ngô Văn Sở, Nguyễn Duật, Vũ Huy Tấn và Đoàn Nguyễn Tuấn... Phan Huy Ích đã đưa “giả vương” sang Trung Quốc, khéo léo đến độ không để xảy ra một sơ suất nào.

Chân dung “giả vương" Phạm Công Trị (đóng vai Hoàng Đế Quang Trung) do Càn Long sai người vẽ. (Internet)

Năm 1792, sau khi về nước, ông được thăng chức Thị Trung ngự sử ở tòa Nội các, rồi lại được phong làm Thượng thư Bộ Lễ. Cũng trong năm này, vua Quang Trung mất đột ngột. Ông đã cố gắng phò tá vị vua trẻ là Quang Toản. Ông được giao việc viết một số bài để hòa giải nhưng tình hình cũng không tốt hơn được.

Năm 1802, Nguyễn Ánh chiếm lại được toàn cõi nước ta, Phan Huy Ích bị bắt cùng với Ngô Thì Nhậm và Nguyễn Gia Phan (tức Nguyễn Thế Lịch), sau đó, bị đem ra đánh đòn tại Văn Miếu. Sau trận đòn về nhà, Phan Huy Ích vì không bị đánh bằng thuốc độc nên còn sống. Còn Ngô Thì Nhậm là người bị đánh nặng nhất và còn bị đánh bằng gậy có tẩm thuốc độc nên chỉ ba ngày sau thì ông mất vì bị thuốc độc thấm vào phủ tạng.

Năm 1803, Phan Huy Ích về sống tại Sài Sơn. Năm 1814, Phan Huy Ích trở về quê ở làng Thu Hoạch sống bằng nghề dạy học và sau đó lại ra Sài Sơn an dưỡng. Cũng trong khoảng thời gian này, ông đã hoàn chỉnh bản dịch tác phẩm Chinh phụ ngâm (tác giả Đặng Trần Côn), mà người diễn Nôm đầu tiên là Đoàn Thị Điểm. Ông mất ngày Hai mươi tháng Hai năm Nhâm Ngọ (tức 13 tháng 3 năm 1822) tại quê nhà.

Phan Huy Ích thực sự là người có tài năng không những về chính trị, văn chương và có tâm huyết với thời cuộc. Những chính tích của Phan Huy Ích, nhất là trong công việc ngoại giao là đóng góp quan trọng, là chiến công của ông đối với triều đại Tây Sơn. Ngoài ra, ông còn là nhà trước tác lớn, có công lao đối với nền văn học và văn hóa dân tộc. Ông là tác giả của hàng loạt tác phẩm sử học, văn học tiêu biểu như: “Lịch triều điền cố”, “Dụ am văn tập”, “Nam trình tạp vịnh”, “Cẩm rình kỷ hứng”, “Cúc thu bách vịnh”..., dịch giả sách “Chinh phụ ngâm”.

An Nhiên