229 lượt xem

Đặng Trần Diễm - Kì 2: Những người con nổi tiếng

Đặng Trần Diễm có vai trò quan trọng tới việc hình thành và phát triển con đường khoa bảng của các con ông khi dạy dỗ các con có “chí” và “gắng chí”.

Con hơn cha mới là nhà có phúc

Ông thường căn dặn và mong mỏi các con “phải gắng chí hơn cha, con hơn cha mới là nhà có phúc”. Ông là người cha mẫu mực với cái nếp của gia đình nghèo khó, được học những thầy giỏi và chăm chỉ học, tự học.

Ông xứng đáng được nhận sắc phong của Vua “giáo tử đăng khoa”. Có lẽ đó (cha dạy con đỗ đạt) cũng là cách hay nhất, hiệu quả nhất, thể hiện rõ nhất truyền thống hiếu học và thực chất mục tiêu dạy chữ – dạy người trong giáo dục Việt Nam xưa và nay.

Sử chép, người con cả Lý Trần Quán, đỗ đồng tiến sĩ năm Giáp Dần (1766), được giao nhiều trọng trách và đều hoàn thành xuất sắc, được vua sắc phong làm Thiêm sai tri bình phiên, Đông các đại học sĩ, Quốc Tử Giám tư nghiệp…

Về võ, ông cũng có nhiều đóng góp, từng 4 lần làm trấn thủ, 3 lần giúp vua trong việc gây triều chính, thống lĩnh tướng sĩ đi đánh giặc xâm lăng phương Bắc… khi mất, được phong tặng là Thượng thư, tước Doanh quận công và sau đó lại được gia phong là Trung đẳng phúc thần.

Lý Trần Quán nổi tiếng trong lịch sử với câu chuyện tự chôn sống mình để thể hiện lòng trung với vua. Trong loạn kiêu binh năm 1786, ông đang làm Thiêm sai Lại phiên ở Yên Lãng thì Trịnh Khải chạy trốn quân Tây Sơn có ý đến nhờ ông giúp đỡ, nhưng trước đấy ông không ngờ thủ hạ dưới trướng của mình lại bắt Trịnh Khải nộp cho Tây Sơn.

Biết tin đã quá muộn, ông kêu khóc thảm thiết rồi nhờ người tự chôn sống mà chết.
https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/ly-tran-quan-300x211.jpg
Tranh vẽ cảnh Lý Trần Quán nhờ người chôn sống. Nguồn: sưu tầm.

Trước khi chết ông đã nói một câu nổi tiếng: “Đạo hiếu ba năm đã trọn, chữ trung mười phần chưa xong”.
Câu chuyện về Lý Trần Quán mãi được lưu truyền như một tấm gương sáng về lòng trung thành, cương liệt.

Người được phong nhiều chức, tước, phẩm, hàm nhất

Người con thứ của Đặng Trần Diễm là Lý Trần Dự cũng là một nhân vật nổi tiếng. Năm sinh năm mất của ông còn nhiều nghi vấn, nhưng trong tài liệu ghi trên văn bia, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Cảnh Hưng 30 (năm 1769); làm quan đến chức Đô chức sự trung, sau thăng lên làm Đốc đồng Lạng Sơn. Khi mất, ông được phong chức Đãi chế viện hàn lâm, Lâm tá lang.

Người con út của Đặng Trần Diễm là Lý Trần Thản, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Cảnh Hưng 30 (1769) đồng khoa với anh trai Lý Trần Dự rồi làm tri huyện Phú Xuyên 21 năm. Ông là con rể của nhà bác học Lê Quý Đôn.

Trong sự nghiệp quan trường, Lý Trần Thản được giao nhiều trọng trách như: Hữu tư giảng để cùng Nguyễn Lệ (giữ chức tả tư giảng) dạy con trai chúa là Trịnh Khải; Biên tu; Đốc lĩnh các đạo Hưng – Tuyên, làm nhiệm vụ tiễu phỉ. Sau ông làm tới Thượng thư bộ Binh; tham dự việc trông coi biên soạn sách vở ở Viện Hàn lâm.

Ông được ban 5 sắc phong, được tặng tước bá, phong Đông các đại học sĩ, Kim tử vinh lộc đại phu, truy tặng Trung lương đại vương, Trung đẳng phúc thần, tước Tuy quận công. Ông còn được phong tặng hai mỹ tự: “Đoan nhã, chính trực”. Ông là một trong những người được phong tặng nhiều chức, tước, phẩm, hàm nhất dưới thời phong kiến.

Lý Trần Thản mất ngày 14 tháng Hai năm 1776. Tại đình làng Thanh Liệt thờ Chu Văn An và cháu bốn đời Chu Đình Báo còn lưu nhiều dấu tích của ông. Khi ông mất, vì có công với làng xã nên được phong làm thần hoàng làng Lê Xá, xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, nay đình làng nơi thờ ông đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

(còn nữa)
    Nguyễn Thành Trung