291 lượt xem

Trần Thì Kiến

Tể tướng đất Đông Triều – Trần Thì Kiến

Trần Thì Kiến là người giữ nhiều trọng trách trong triều đình nhà Trần, nổi tiếng về tính liêm khiết và tài thao lược, được các sử gia xếp vào hàng những nhân tài nổi tiếng thời Trần.


Hình minh họa. Nguồn: Sưu tập

Trần Hưng Đạo mến tài

Huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh là vùng đất cổ, một trong những địa phương có dân cư quần tụ từ lâu đời. Nơi đây đã sinh ra nhiều nhân tài nổi tiếng như nữ tướng Lê Chân, nữ tướng Vĩnh Huy, thời Hai Bà Trưng.

Đây là miền đất thiêng của nhà Trần, có những người đỗ đạt cao như bảng nhãn Lê Hiến Phủ, thám hoa Trần Đình Thâm và nơi đây thời nhà Trần đã sinh ra một danh nhân xuất chúng, đó là Trần Thì Kiến.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Thì Kiến (1260 – 1330) người làng Cự Xạ, huyện Đông Triều, phủ Tân Hưng (nay là thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh); là một môn khách của Trần Quốc Tuấn, nổi tiếng là một vị quan liêm khiết, đặc biệt là rất giỏi Kinh dịch.

Vì mến tài của Trần Thì Kiến nên Trần Hưng Đạo đã giữ ông lại làm môn khách và sau đó tiến cử ông lên vua Trần Nhân Tông, rồi được bổ nhiệm làm An phủ sứ phủ Thiên Trường, sau đó sang phủ Yên Ninh và qua nhiều chức vụ khác như: Kiểm pháp quan kiêm chức Đại An phủ sứ Kinh sư; Nhập nội hành khiển hữu gián nghị đại phu và cuối đời ông được thăng lên đến chức Tả bộc xạ – Tể tướng.

Thời đó chỉ những người được tin cậy đặc biệt mới giữ chức An phủ sứ Thiên Trường, nơi các vua Trần cho xây hành cung riêng và có thể sử dụng như kinh đô thứ hai khi cần thiết.

Năm thứ 5 niên hiệu Hưng Long năm 1297, Trần Thì Kiến lại được vua Trần Anh Tông bổ nhiệm làm Đại an phủ kinh sư, chuyên về kiểm pháp (tư pháp). Thăng đến chức Hành khiển gián nghị. Chỉ những ai sau khi làm An phủ sứ Thiên Trường mới được thăng lên An phủ sứ Đại kinh sư.

Tính thanh liêm hiếm có

Về sở trường khoa đoán quẻ Kinh dịch, sử sách còn ghi: trước khi diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ 2, nhà vua sai Trần Thì Kiến bói, được quẻ Dự biến sang quẻ Chấn là tốt. Mùa hạ năm sau, quân Nguyên đại bại, quả đúng như lời đoán của ông.

Mùa thu năm 1286 niên hiệu Trùng Hưng thứ 2, quân Nguyên – Mông vào cướp nước ta lần thứ 3, vua lại sai ông bói và ông gieo được quẻ Quán biến sang quẻ Hoán, rồi đoán: “Hoán nghĩa là tan, là điềm giặc tan”. Sau quân Nguyên – Mông đến sông Bạch Đằng quả nhiên bị thất bại nặng nề phải tan chảy. Nhà vua khen tài của ông.

Trần Thì Kiến được bổ dụng làm Kiểm pháp quan, kiêm chức Đại an phủ Kinh sư. Chức vụ Kiểm pháp quan của Trần Thì Kiến không phải ngẫu nhiên mà có. Trước hết, bởi tính thanh liêm hiếm có của ông.

Truyện kể rằng, lúc đang làm An phủ sứ Thiên Trường, có người trong hương nơi ông trị nhậm, nhân ngày giỗ đem biếu ông mâm cỗ, Trần Thì Kiến hỏi vì cớ gì mà biếu. Người ấy trả lời là vì ở gần trụ sở nên đem biếu chứ không có ý gì khác đâu.

Tuy nhiên, mấy ngày sau biếu mâm cỗ giỗ ấy, người ấy đến kêu xin, nhờ vả. Khi người ấy trình bày việc vừa dứt, quan Thì Kiến liền móc họng mửa ra, ý là trả cỗ hôm trước không nhận, làm cho kẻ kêu xin muối mặt mà về, từ đó không dám ho he nhờ cậy nữa.

Bởi việc làm của ông, nên vua Anh Tông thăng làm Kiểm pháp quan. Mỗi khi có kiện tụng, thì dùng lý lẽ mà bắt bẻ, việc đến thì tìm phương pháp để ứng phó.

Tể tướng đất Đông Triều – Trần Thì Kiến- “Bao Công” tái thế

Người đời đều khen Trần Thì Kiến là giỏi xét đoán kiện tụng, lại có câu khen: “Khả dĩ chiết ngục” nghĩa là trong cương vị một quan tòa có khả năng phân tích hết mọi lẽ rồi mới kết tội


Bài vị Trần Thì Kiến (ngoài cùng bên phải) thờ tại khu văn hóa núi Bài Thơ (Quảng Ninh).Nguồn: Sưu tập

Đường quan lộ sóng gió

Sử thần Ngô Sĩ Liên khi nói về hành xử của ông, cũng tấm tắc mà khen: Thì Kiến hành động lạ lùng quá mức để uốn nắn cái tệ xin xỏ của người bấy giờ, cũng như Án Anh tằn tiện quá mức để uốn nắn cái thói xa xỉ tiếm lễ của Quản Trọng vậy.

Làm pháp quan lo về việc xử án, hình luật mà cương trực, ngay thẳng, xét đúng người đúng việc thì dân trăm họ được nhờ. Còn như bóp tròn thành méo, nói có thành không thì cái nạn hình ngục là hậu quả nhãn tiền mà dân phải gánh. Thế nên, có được ông pháp quan liêm như Trần Thì Kiến thì quả là Bao Công tái thế.

Tháng 12 năm Mậu Tuất (1298), vua Anh Tông lại bổ dụng Trần Thì Kiến là Nhập nội Hành khiển hữu gián nghị đại phu – chức quan chuyên can gián các việc của triều đình, chỉ đứng sau Tể tướng.

Nhà vua thấy Trần Thì Kiến là người cương trực, nên ban cho cái hốt (có tên riêng là “thủ bản”, vua quan cầm trong lúc triều yết, có việc gì thì ghi chép vào hốt để khỏi quên) và làm bài minh vào cái hốt khen rằng: Thái sơn trinh cao, Tượng hốt trinh liệt, Linh trãi tiến giác, Vi hốt nan chiết. Dịch là: Thái sơn rất cao, Hốt ngà rất cứng, Trãi thiêng dâng sừng, Làm hốt khó gãy.

Tuy nhiên, trong đời quan lộ, cũng có lúc Trần Thì Kiến gặp sóng gió. Đó là trong khi giữ chức Gián nghị đại phu, ông đã vô ý chứa giấu dân đinh nên bị bãi chức.

Sau đó vua nghĩ không phải là cố ý nên năm 1301, ông được xóa tội và cho giữ chức Tham tri chính sự, đến năm 1305, ông lại được vua cho giữ chức Tả bộc xạ (thời Trần coi tả, hữu bộc xạ là hữu tướng quốc tức là thái tế – tể tướng).

Mặc dù giữ nhiều chức vụ khác nhau nhưng Trần Thì Kiến luôn chứng tỏ là người thanh liêm tận tụy, các quan đời sau coi ông là một tấm gương để học tập, vua Tự Đức đã viết một bài vịnh ngợi ca tài đức của ông.

Công thần nhà Trần

Cho đến nay các bộ hợp tuyển thơ văn cổ không ghi được một tác phẩm nào của Trần Thì Kiến ngoài một bài thơ của ông tặng sư Phổ Minh chùa An Lãng, được in trong bộ sách Thơ văn Lý – Trần.

Bài thơ có tựa đề “Tặng An Lãng tự Phổ Minh thiền sư”: Ẩn bất lâm tuyền chân đại ẩn – Tu gia tư tức chân tu – Thử nhật tham Thiền như mộng giác – Hưu tương vãng sự quái Trào – châu” . Dịch là: “Đề tặng thiền sư Phổ Minh ở chùa An Lãng”: Rừng suối phải đâu là đại ẩn, Chùa nhà ấy mới thực chân tu. Nay được tham Thiền như mộng tỉnh. Đừng đem chuyện cũ trách Trào – châu.

Trải qua bao biến động lịch sử, thời gian, đáng tiếc là đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào xác định được làng Cự Xạ thời Trần nay thuộc xã nào của huyện Đông Triều. Dù vậy, với những đóng góp lớn lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên và tấm lòng tận trung với nước, liêm khiết, chính trực, Trần Thì Kiến đã được lưu danh sử sách.

Hiện ở đền Cửa Ông, Cẩm Phả, nơi thờ Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng và các thành viên trong gia thất nhà Trần còn có tượng Trần Thì Kiến, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư và các danh tướng, công thần nhà Trần.

Mới đây, Trần Thì Kiến cũng được lựa chọn đưa vào thờ trong Khu văn hoá núi Bài Thơ, là niềm tự hào của đất Quảng Ninh. Tấm gương về sự thanh liêm, tận tụy của Trần Thì Kiến đáng để đời sau học tập.

Nguồn: Khoahocdoisong.vn