372 lượt xem

Danh tướng Nguyễn Tri Phương - Sống uy danh, chết lẫm liệt

Trong lịch sử cận đại Việt Nam có một tướng quân phụng sự tới 3 đời vua, trải qua nhiều chức vụ ở bộ Công, bộ Lễ, bộ Lại, đi lên từ một viên thư lại rồi trở thành danh tướng trụ cột của triều đình nhà Nguyễn. Nhân vật lịch sử đó chính là Nguyễn Tri Phương.

Nguyễn Tri Phương sinh năm 1800, tại làng Ðường Long, tổng Chánh Lộc, huyện Phong Ðiền, phủ Thừa Thiên (nay là làng Chí Long, xã Phong Chương, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Ngay từ thuở nhỏ, ông đã tỏ rõ là một cậu bé thông minh, ham học và có năng khiếu cả văn lẫn võ. Nhờ có học vấn và tư chất đạo đức tốt mà năm 1823, Nguyễn Tri Phương được vua Minh Mạng bổ dụng làm Thừa chỉ ở nội các, chuyên lo việc sổ sách, giấy tờ. Năm 1835, Nguyễn Tri Phương được thăng chức Thượng bảo khanh ở nội các. Sau lần cùng với Trương Minh Giảng được triều đình cử đi giải quyết thành công vụ nổi dậy ở Gia Định, Nguyễn Tri Phương được thăng làm Tham tri Cơ mật viện đại thần. Cũng bắt đầu từ đây, tài năng quân sự của Nguyễn Tri Phương bắt đầu phát lộ và tỏa sáng.

Đầu những năm 40 của thế kỷ 19, Nguyễn Tri Phương được triều đình tin tưởng giao cho nhiều trọng trách. Ông lần lượt trải qua các chức vụ: Tuần phủ Nam Ngãi (Quảng Nam-Quảng Ngãi); Tổng đốc An Hà (An Giang-Hà Tiên) rồi Tổng đốc Long Tường (Vĩnh Long-Định Tường). Năm 1846, trên cương vị Khâm sai đại thần miền biên giới Nam Kỳ, Nguyễn Tri Phương đã chỉ huy quân sĩ dẹp được nạn phản loạn ở vùng biên viễn Tây Nam. Nhờ chiến công đó mà ông được thăng chức Thượng thư bộ Công và được triều đình ban thưởng tước Tráng Liệt tử, được khắc tên vào bia đá ở Võ Miếu. Tin tưởng vào tài năng và đức độ của Nguyễn Tri Phương, trước lúc băng hà, vua Thiệu Trị đã trao cho ông chức Phụ chính Đại thần, phụ giúp vua Tự Đức lúc đó vừa mới lên ngôi còn quá trẻ.

Năm 1850, Nguyễn Tri Phương được vua Tự Đức phái đi làm Kinh lược sứ trông coi 6 tỉnh Nam Kỳ. Dưới sự cai quản và chỉ huy của ông, phong trào chiêu mộ dân lưu tán vào khai hoang lập ấp ở vùng đất này phát triển rầm rộ. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, hơn 10.000 lưu dân đã được Nguyễn Tri Phương chiêu mộ đến vùng đất mới, lập được hơn 100 ấp, hình thành nên những làng xóm trù phú dọc theo các triền sông, rạch. Cùng với việc khai hoang lập ấp, phát triển kinh tế, Nguyễn Tri Phương đã hướng những lưu dân đến vùng đất mới này lập nghiệp tích cực luyện tập võ nghệ để tự bảo vệ mình trước thiên tai và phòng khi địch họa.

Giữa lúc công việc của Nguyễn Tri Phương đang tiến triển thuận lợi thì ngày 31-8-1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha nổ súng tiến công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Vận nước lâm nguy. Trước tình hình đó, tháng 10-1858, Nguyễn Tri Phương được triều đình điều ra làm Tổng đốc quân thứ Quảng Nam, trực tiếp chỉ huy Mặt trận Đà Nẵng để ngăn chặn quân xâm lược. Vừa đặt chân tới Đà Nẵng, Nguyễn Tri Phương đã cho triển khai xây dựng ngay một hệ thống phòng thủ mạnh để ngăn chặn cuộc tiến công của liên quân Pháp-Tây Ban Nha và cũng là để bảo vệ kinh đô Huế từ xa. Trên hệ thống phòng thủ đó, đáng chú ý có phòng tuyến Liên Trì-một hệ thống đồn lũy dài hơn 3km được dựng lên bên hữu ngạn sông Hàn. Dưới sự chỉ huy kiên quyết và mưu trí của Nguyễn Tri Phương, quân nhà Nguyễn đã dũng cảm chiến đấu, đẩy lùi được nhiều đợt tiến công của liên quân Pháp-Tây Ban Nha, tiêu hao nhiều binh lực của chúng. Trước sức mạnh áp đảo của quân địch, Nguyễn Tri Phương đã quyết định thay đổi cách đánh. Ông dâng sớ tâu lên triều đình nói rõ chiến thuật: “Bên họ chiến thì lợi, bên ta thủ thì hơn, bây giờ nên giữ cho vững để làm cách cự chiến, đắp xong đồn lũy rồi dần dần mới xông tới”. Đáng tiếc là những đề nghị của Nguyễn Tri Phương đã không nhận được sự đồng thuận của triều đình Tự Đức. Mặc dù vậy, ông vẫn âm thầm cho quân sĩ triển khai củng cố các công trình phòng thủ, tạo thành một hệ thống tường cao, hào sâu để ngăn chặn bước tiến của quân địch, làm cho chúng không thể tiến nhanh và sâu hơn vào nội địa như kế hoạch ban đầu, không những vậy còn bị tiêu hao nhiều binh lực.

Tại Mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng, dưới sự chỉ huy tài ba của Nguyễn Tri Phương, sau 5 tháng kiên cường chiến đấu, dẫu chưa đánh đuổi được quân địch ra khỏi bán đảo Sơn Trà nhưng quân nhà Nguyễn đã ngăn chặn thành công cuộc hành binh lớn đầu tiên của liên quân Pháp-Tây Ban Nha tại Trung Trung Bộ, làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng và buộc chúng phải thay đổi hướng tiến công. Đánh giá vai trò to lớn của danh tướng Nguyễn Tri Phương đối với Mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng, một sử gia phương Tây cho rằng: “Nguyễn Tri Phương đã duy trì được kỷ luật trong hàng mấy vạn quân từ các tỉnh gửi đến. Ông đã thành công trong việc đào chiến hào bao vây càng ngày càng gần vị trí địch”.

Sau những thất bại liên tiếp, liên quân Pháp-Tây Ban Nha buộc phải tạm thời rút khỏi Đà Nẵng. Tình hình tại Trung Trung Bộ tạm dịu, Nguyễn Tri Phương được triều đình gọi về Huế. Song do tình hình ở phía Nam lại diễn biến ngày một xấu hơn, phong trào chống Pháp tại đây đòi hỏi phải có một người chỉ huy bản lĩnh và đủ tài năng nên tháng 8-1860, Nguyễn Tri Phương lại được vua Tự Đức cử vào Nam Kỳ làm Thống đốc quân vụ. Là một danh tướng yêu nước, kiên quyết chống lại tư tưởng “chủ hòa”, trước lúc lên đường, hơn ai hết, Nguyễn Tri Phương hiểu rõ lúc này bầu không khí “thủ hòa” đang lan rộng trong kinh thành Huế. Ông đã thẳng thắn tâu lên vua Tự Đức: “Lúc này không còn nói nghị hòa gì được nữa. Ta chỉ chuyên mặt đánh và giữ mà thôi”. Vào tới Nam Kỳ, để đảo ngược thế cờ, việc quan tâm đầu tiên của Nguyễn Tri Phương là vực dậy tinh thần binh sĩ, cùng với đó là triển khai củng cố hệ thống đồn lũy, tập hợp lực lượng, lập các đội nghĩa binh để phối hợp với quân triều đình. Ông cho xây dựng đại đồn Chí Hòa rộng gần 3km2 án ngữ phía tây nam thành Gia Định để ngăn chặn quân Pháp đánh sâu vào hậu phương ta. Ông chủ trương không co cụm quân vào một khu vực mà phân tán thành nhiều đạo. Nhờ các biện pháp quyết liệt và hiệu quả của Nguyễn Tri Phương mà tình hình ở Nam Kỳ đã có sự thay đổi nhanh chóng. Quân Pháp không thể mở rộng được địa bàn và liên tục bị chặn đánh, lực lượng tiêu hao nhiều. Giữa lúc mọi việc đang tiến triển thuận lợi thì không may trong trận đánh bảo vệ đại đồn Chí Hòa, Nguyễn Tri Phương trúng đạn bị thương, buộc phải lui về Biên Hòa để chữa trị. Mọi kế hoạch phòng thủ và phát triển lực lượng của Nguyễn Tri Phương vì vậy mà trở nên dang dở.

Năm 1862, với việc ký Hòa ước Nhâm Tuất (5-6-1862), triều đình Huế đã chính thức nhượng hẳn cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa.

Năm 1867, thực dân Pháp hoàn thành việc đánh chiếm toàn bộ Nam Kỳ lục tỉnh và triển khai âm mưu chuẩn bị thôn tính tiếp Bắc Kỳ. Nguyễn Tri Phương được triều đình cử ra trấn giữ Hà Nội. Trong những năm 1872-1873, quân Pháp ỷ thế đã liên tiếp gây hấn, gây ra các vụ khiêu khích, cướp phá ở Hà Nội. Trước tình hình đó, triều đình Tự Đức không những không có hành động đối phó thích hợp mà còn chỉ thị cho Tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Tri Phương “không được khiêu khích sinh sự”. Mặc dù vậy, trước những hành động ngang ngược, càn quấy của quân Pháp, Nguyễn Tri Phương đã ra lệnh bất hợp tác với Pháp; đồng thời cho áp dụng những biện pháp cứng rắn để cảnh cáo và ngăn chặn. Ông kêu gọi quân và dân Hà Nội đoàn kết một lòng chống Pháp; ra lệnh cấm mọi người giao thương với lái buôn Pháp, cấm tàu, thuyền Pháp đi lại trên sông Hồng lên Vân Nam; đồng thời cho lập các trạm kiểm soát trên tuyến giao thông thủy này. Trước đó, Nguyễn Tri Phương cũng đã gửi thư cho F.Garnier nói rõ: “Ông đến Bắc Kỳ là để trục xuất J.Dupuis. Vậy ông hãy lôi cổ hắn và cùng hắn đi khỏi nơi đây đi”.

Trước thái độ kiên quyết của Nguyễn Tri Phương, cả Garnier và Dupuis quyết định dùng vũ lực. Mờ sáng 20-11-1873, sau nhiều lần gửi tối hậu thư không kết quả, quân Pháp chia làm hai mũi bất ngờ nổ súng đánh chiếm thành Hà Nội. Nguyễn Tri Phương đã bình tĩnh chỉ huy quân và dân Hà Nội kiên cường chống trả. Ông cùng người con trai là phò mã Nguyễn Lâm đích thân lên mặt thành chỉ huy cuộc chiến đấu. Trong khi đang chỉ huy, ông bị một mảnh đạn đại bác găm vào bụng và bị thương nặng. Cửa thành bị đạn đại bác công phá, quân Pháp tràn vào trong thành và bắt được ông. Chúng băng bó vết thương và chạy chữa để lợi dụng ông về sau này, song Nguyễn Tri Phương đã kiên quyết cự tuyệt. Sau nhiều ngày tuyệt thực, Nguyễn Tri Phương đã trút hơi thở cuối cùng ngay trong dinh Tổng đốc thành Hà Nội, bình thản về với tổ tiên vào ngày 20-12-1873 (có tài liệu ghi là ngày 22-12-1873). Con trai ông là Nguyễn Lâm cũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội.

Hơn 50 năm phụng sự việc nước, phò tá 3 đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, trải qua nhiều cương vị, từng làm tổng chỉ huy các mặt trận: Đà Nẵng (1858-1859), Gia Định (1860-1861), Hà Nội (1873), Nguyễn Tri Phương đã dốc toàn bộ tâm trí và tinh lực lo cho nước, cho dân. Ông không chỉ là một danh tướng có tài cầm quân và biết thu phục nhân tâm để đương đầu với một đạo quân xâm lược nhà nghề có tiềm lực kinh tế và quân sự vượt trội, mà còn là một vị quan thanh liêm biết lo cho dân, đau với từng nỗi đau của dân. Nguyễn Tri Phương đúng là một danh tướng Lúc sống uy danh trùm vũ trụ/ Thác về thần khí rạng sơn hà.

TRẦN VĨNH THÀNH
Nguồn sknc.qdnd.vn