318 lượt xem

Trần Nguyên Đán - Kỳ 9 ( Cuối)

Cảm hứng khi ở trên núi
 

Gượng qua tuổi tác, trông coi việc sảnh suốt mười năm,
Chống chiếc gậy mây khẳng khiu vừa đi vừa ngâm nga dưới bóng tùng.
Không có khách tục theo ngựa cầu cạnh việc đời,
Chỉ thấy vị sư làm thơ gõ cửa hỏi chữ.
Quay về Lục Dã hưởng nhàn còn kịp chăng ?
(Vì) áp dụng phép thanh miêu e không đủ sức.
Ngồi chờ đến lúc trọn vẹn công thành danh toại,
Thì nắm đất vùi lấp xương khô đã vun thành gò cao.
 

Nguyên Đán được phong Tư đồ vào năm 1371, như vậy, tác phẩm ra đời khoảng năm 1380-1381. Đây là thời điểm xung đột với Chiêm Thành xảy ra khốc liệt, tiếp theo nạn đói lớn năm 1379. Triều đình không đủ tài nguyên dự trữ phục vụ chiến tranh nên phải nghĩ cách tận thu trong dân chúng. Điển hình, Hành khiển Đỗ Tử Bình đề nghị thu mỗi hộ đinh nam 3 quan tiền. Câu 6 chuyển tải ý tưởng quan trọng nhất của bài thơ. Hẳn nhiều biện pháp mạnh mẽ đã được triều thần đề xuất để tăng nguồn thu nhằm đáp ứng nhu cầu quân đội. Nguyên Đán bất đồng với chủ trương đó.

Thanh miêu là một phần của chương trình biến pháp tiến hành bởi Vương An Thạch (1021 – 1086) dưới triều vua Tống Thần Tông (1068 – 1085) vốn gồm ba biện pháp để cải thiện tài chính (lý tài) và hai biện pháp gia tăng sức mạnh quân đội (chỉnh quân). Ở đây, Nguyên Đán dùng “thanh miêu” để chỉ biến pháp nói chung. Từ 1070 đến 1077, họ Vương tự tay thực hiện kế hoạch thay đổi; từ 1077 đến 1085 nhà vua điều hành chương trình sau khi cho Vương về vườn. An Thạch là người chỉ trích mạnh mẽ quan niệm vô vi của Lão Tử bằng lập luận chứng tỏ cái dụng của “hữu”. Dưới con mắt Đạo gia, biến pháp không đơn thuần là chính sách “hữu vi”, mà là “cực hữu vi” do can thiệp sâu rộng vào đời sống của các tầng lớp xã hội.

Qua “Ngẫu đề”, chúng ta thấy rõ cụ Trần ủng hộ cách cai trị thuận theo quy luật tự nhiên, không làm điều gì thái quá. Nhưng trong một xã hội xơ xác vì thiên tai, điêu tàn do chiến loạn, quan điểm “vô vi nhi trị” khó thuyết phục được Thượng hoàng. Ông đã nghĩ ngợi về việc quy ẩn ngay lập tức, lúc đương “công thành danh toại”, chứ không phải “hậu công thành danh toại”. Ấy là thực hiện lời khuyên “Công thành thân thoái, thiên chi đạo” (功成身退,天之道), Theo đạo trời, khi đạt thành công nên thoái ẩn.(Chương 9).

Nguyên Đán cáo lão năm 1385 lúc vừa ngoài sáu mươi tuổi. Bài thơ đóng lại thời kỳ tham chính như sau

題玄天觀
白日升天易,
致君堯舜難。
塵埃六十載,
回首愧黃冠。
Đề Huyền Thiên quán
Bạch nhật thăng thiên dị,
Trí quân Nghiêu Thuấn nan.
Trần ai lục thập tải,
Hồi thủ quí hoàng quan.


Đề quán Huyền Thiên
Ban ngày bay lên trời còn dễ,
Giúp vua để vua được như Nghiêu, Thuấn mới khó.
Sáu mươi năm sống trong cõi trần,
Ngoảnh lại luống thẹn với người đội mũ vàng.
(Bản dịch của Thơ văn Lý Trần, III, 1978)
 

Theo Toàn Thư, năm 1368, Trần Dụ tông mời đạo sĩ Huyền Vân ở Chí Linh đến để hỏi cách tu luyện. Nhân dịp, vua ban tên “động Huyền Thiên” cho khu đất đạo sĩ đang ẩn cư. Huyền Thiên quán có thể là một kiến trúc trong khu động này.

Rời việc quan, Nguyên Đán đắm mình trong Đạo giáo. Tuy nhiên, Ông cho rằng việc thành tiên vẫn dễ hơn làm một đại thần trung thành, giúp hoàng đế rũ áo cai trị thiên hạ. Đây là cách nói cay đắng rất khéo léo, thực ý chê vua u tối, không cách nào trở thành minh quân được. Ông thẹn với Huyền Vân vì đạo sĩ được vua mời đến nghe chuyện, còn bản thân ở ngay tòa Trung thư mà chỉ “dựa cột” qua thời. Ông gắn liền thất bại cá nhân với lầm lạc của triều đại.

Cụ Trần có bài thơ kỉ niệm về người dẫn dắt cụ vào Đạo, như sau :

題崇虛老宿
暫解塵纓世外
芒鞋藜杖與君交。
檻前雲氣蓬萊遠,
枕畔泉聲碧漢高。
寸斷玄關飛劫石,
側生海宇入秋毫。
清虛羽屬相逢晚,
一豁虛公老眼蒿。
Đề Sùng Hư lão túc
Tạm giải trần anh thế ngoại phao,
Mang hài lê trượng dữ quân giao.
Hạm tiền vân khí Bồng Lai viễn,
Chẩm bạn tuyền thanh bích hán cao.
Thốn đoạn huyền quan phi kiếp thạch,
Trắc sinh hải vũ nhập thu hào.
Thanh hư vũ thuộc tương phùng vãn,
Nhất khoát Hư công lão nhãn hao.

Đề chỗ ở cũ của Sùng Hư
Vừa cởi sợi dây trói buộc của cõi trần, xuất hiện ngoài thế cuộc.
Đi giày cỏ, chống gậy lê để giao du với ông.
Sắc mây trước hiên ánh tới Bồng Lai xa thẳm,
Tiếng suối bên gối vọng đến trời xanh cao vời.
Tạm cắt cửa huyền, bay qua thời gian vô tận,
Sống hờ bên biển, chỉ để hòa nhập vào hư không.
Kẻ thanh người tục, gặp nhau muộn màng !
Từ lúc cách lìa Hư công, mắt già luôn trông vợi…
 

“Huyền quan”, có thể hiểu là các giác quan như chương 52 gợi ý “tắc kỳ đoài, bế kỳ môn, chung thân bất cần” (塞其兌,閉其門,終身不勤), chặn các lối, đóng các cửa, suốt đời không nhọc. Cũng có thể hiểu là huyệt đan điền, nơi luyện và sinh nội đan.

“Kiếp thạch”, từ Phật giáo, chỉ khối đá vuông vức với chiều dài mỗi cạnh 40 dặm ta. Nếu mỗi thế kỷ, dùng chiếc áo mỏng phất lên khối đá một lần, thời gian bào mòn đá đến tiêu tan gọi là một kiếp. “Kiếp thạch” tượng trưng thời gian trường cửu.

“Thu hào”, lông mùa thu. Sang thu, chim thú thay lông, những sợi lông tơ li ti nhỏ bé gọi là thu hào. Thu hào tượng trưng vật vô cùng nhỏ, không gì có thể len vào. Cảm hứng hình thành câu 6 đến từ chương 43 với ý “Vô hữu nhập vô gian” (無有入無間), Cái ‘không’ có thể nhập vào cái ‘không có chỗ’. Ở đây, chỉ vị đạo sĩ đã đạt đến hư tâm.

Cặp luận đồng nhất cái chết của Sùng Hư với việc Ông trở về bản thể, tức đắc đạo. Câu 5 diễn ý bằng thời gian, thời gian cực đại. Câu 6 miêu tả bằng không gian, không gian cực tiểu. Cụ Trần mường tượng Sùng Hư đang ở nơi hai trục thời gian-không gian giao cắt.

Theo dấu bậc thầy, và hẳn cũng trải nhiều công phu tĩnh tọa, lão đạo gia họ Trần truyền lại chiêm nghiệm về sống và chết như sau :

題月澗道籙太極之
觀妙堂
門外誰家車馬喧,
試將此理問蒼天。
桃梨春盡芳心歇,
松菊秋深晚節金。
一點丹誠生若死,
幾回鶴化白為玄。
瀛洲蓬島知何在,
無欲無貪我是仙。
Đề Nguyệt Giản Đạo lục Thái cực chi
Quan Diệu đường
Môn ngoại thuỳ gia xa mã huyên,
Thí tương thử lý vấn thương thiên.
Đào lê xuân tận phương tâm yết,
Tùng cúc thu thâm vãn tiết tuyền.
Nhất điểm đan thành sinh nhược tử,
Kỷ hồi hạc hoá bạch vi huyền (a).
Doanh Châu Bồng Đảo tri hà tại,
Vô dục vô tham ngã thị tiên.

(a) Theo truyện thần tiên Trung Hoa, hạc sống nghìn năm lông hóa thành màu xanh, sống thêm hai nghìn năm nữa lông hóa màu đen.

Đề nhà Quan Diệu của quan Đạo lục Thái cực ở Nguyệt Giản
(Mặc) ngoài cửa xe ngựa nhà ai huyên náo,
Thử đem sự lý này hỏi trời xanh.
Xuân trôi qua, lòng thơm của đào, lê cũng hết,
Thu gần tàn, khí tiết già dặn của thông, cúc vẫn còn nguyên.
Một điểm kim đan đã thành, sinh thuận theo tử,
(Như) mấy lần chim hạc biến hoá, trắng lại thành đen.
Biết Doanh Châu, Bồng Đảo ở nơi nào ?
Không dục, không tham, ta đã là tiên !

Bản dịch trên đây mạn phép dùng chữ thành 成 là động từ để đối với hóa 化. Chúng tôi nghĩ rằng một số nhà nho đời sau, khi Lão giáo phai nhạt, không còn hiểu đan 丹 là thuốc trường sinh. Họ sao đi chép lại bài thơ theo tinh thần Nho giáo với hai chữ “đan thành 丹誠” hay “đan tâm 丹心” có nghĩa lòng son, tức lòng trung thành với vua chúa. Nếu dùng chữ thành 誠, là danh từ, cặp luận sẽ không đối nhau chỉn chu.

Đạo lục là chức vụ triều đình ban cho người đứng đầu Đạo giáo. Thái Cực có thể là hiệu của vị đạo quan, hoặc tên một chi phái đạo Lão.

Danh xưng “Quan Diệu” rút từ câu “Thường vô, dục dĩ quan kỳ diệu” (常無,欲以觀

其妙), Thường đặt mình vào chỗ ‘không’ để xét cái ‘diệu’ của đạo (Chương 1). Như vậy, nhà Quan Diệu là nơi tĩnh tâm, tức nơi thiền định theo Phật giáo, hay luyện nội đan theo Đạo giáo.

Bài thơ diễn tả hành trình tâm thức của cụ Trần, lấy cảm hứng từ Chương 47, nội dung như sau :

Không ra khỏi cửa, biết thiên hạ. Không nhìn qua cửa sổ, thấy đạo trời. Càng đi xa càng biết ít. Bởi vậy thánh nhân không đi mà biết, không thấy mà rõ, không làm mà thành.

不出戶,知天下.不闚牖,見天道.其出彌遠,其知彌少.是以聖人不行而知,不見 而名,不為而成.

Bất xuất hộ, tri thiên hạ. Bất khuy dũ, kiến thiên đạo. Kỳ xuất di viễn, kỳ tri di thiểu. Thị dĩ thánh nhân bất hành nhi tri, bất kiến nhi danh, bất vi nhi thành.

Cụ Trần bỏ mặc ngựa xe huyên náo không phải bằng cách khép cửa đạo quán, mà bằng cách khép lại tất cả giác quan. Cụ đối thoại với “thương thiên” để biết thiên hạ vận hành theo sát đạo trời. Có kẻ, lợi hết lòng thành cũng hết. Có người, như chính cụ, tiết tháo vẹn toàn qua thời cuộc đổi thay. Cõi tự nhiên thế nào thì cõi người thế ấy. Khi việc luyện nội đan viên thành, bản ngã hòa vào Đạo, việc chuyển hóa từ sinh đến tử nhẹ nhàng như hạc thay đổi màu lông.

Cụ thành công trong việc “hư kỳ tâm” để đạt Đạo chưa ? E rằng chưa. Vì cụ vẫn chưa biết Doanh châu, Bồng đảo ở chốn nào. Nhưng không còn ham muốn, tham lam thì quả thật là tiên trong trần rồi vậy.

BÌNH PHẨM VỀ TRẦN NGUYÊN ĐÁN

Người gần gũi và hiểu Trần Nguyên Đán nhất chính là chàng rể Nguyễn Ứng Long. Thơ Ứng Long ghi nhận nhiều giao tiếp giữa Ông và nhạc phụ, đặc biệt có hai câu ngũ ngôn khái quát được tính cách cha vợ như sau :

習氣俱湖海,
憂心只廟堂。(陪冰壺相公遊春江)
Tập khí câu hồ hải,
Ưu tâm chỉ miếu đường.(Bồi Băng Hồ tướng công du xuân giang)

Phong thái đã quen với hải hồ,
(Nhưng) Lòng ưu tư chỉ hướng về việc nước.
(Theo tướng công Băng Hồ dạo sông xuân)

祝頌豈私門下士,
拳拳只為愛斯民。(元日上冰壺相公)

 
Chúc tụng khởi tư môn hạ sĩ,
Quyền quyền chỉ vị ái tư dân.(Nguyên nhật thướng Băng Hồ tướng công)


Chúc tụng không phải vì bản thân là kẻ sĩ dưới trướng,
Mà chỉ vì lòng chăm chăm yêu thương dân chúng của Người.
(Ngày Nguyên đán, chúc tết tướng công Băng Hồ)
 

Ứng Long ca ngợi ông nhạc đúng như những gì cụ Trần suy tư và hành động.

Khi Nguyên Đán hoàn tất công trình động Thanh Hư, Thượng hoàng Nghệ tông sáng tác bài minh tặng chủ nhân có câu rất lạ như sau

輔贊我治,無有遐心, Phụ tán ngã trị, vô hữu hà tâm,


Ông giúp ta việc cai trị, không có tâm địa gì !
 

Như thế, Nghệ tông tuy giao Nguyên Đán chức Tư Đồ nhưng không đặt lòng tin tuyệt đối vào vị tể tướng. Lời an ủi khắc vào bia đá là cách Nghệ Tông trấn an người bầy tôi thân tộc, mặt khác, cũng hé lộ quan hệ rạn nứt. Giữa ba đại thần nắm vận mệnh nhà Trần buổi cuối mùa, gồm Thái úy Trần Ngạc coi việc binh trên danh nghĩa, Bình chương Hồ Quý Ly chỉ huy quân đội trong thực tế và Trần Nguyên Đán phụ trách hành chính, Nghệ tông chỉ tin mỗi họ Hồ. Vị thế gia trưởng vững chãi của Thượng hoàng khiến Ngạc, Đán và cả Đế Hiện nữa, đều bó tay.

Trần Ngạc có bài lục ngôn tứ tuyệt kỳ quặc tặng Nguyên Đán nhân lúc Ông nghỉ quan như sau :

贈司徒元旦
我是當年棄物,
公非大廈奇才。
會取一般老病,
田園早辨歸來。
Tặng Tư đồ Nguyên Đán
Ngã thị đương niên khí vật,
Công phi đại hạ kỳ tài.
Hội thủ nhất ban lão bệnh,
Điền viên tảo biện quy lai.


Tặng Tư đồ Nguyên Đán
Hiện nay, tôi thuộc hạng vất đi,
Ông không phải bậc kỳ tài trong dòng họ.
Cùng già bệnh như nhau,
Nên sớm liệu về vườn ruộng.
 

Trần Ngạc khẳng định Nguyên Đán không có tài lạ và về vườn là phải, càng sớm càng tốt. Với cách dùng người của Nghệ tông, cả Ngạc lẫn Đán đều biết điều gì sẽ xảy ra và cả hai đều tuyệt vọng. Dường như Nguyên Đán cố nấn ná những giây phút sau cùng mong Thượng hoàng tỉnh ngộ nhưng thất bại. Với cá tính nho nhã, dị ứng bạo lực, Ông không phải là con người thích hợp trong thời điểm gian nan. Trần Ngạc hiểu rất rõ điểm này.

Nguyễn Trãi qua Băng Hồ di sự lục thể hiện lòng kính trọng, trìu mến rất mực đối với ông ngoại. Dưới mắt cháu, người ông là nhân cách lớn : lo đời, thương dân, biết thời thế.

Sau đó hơn nửa thế kỷ, Ngô Sĩ Liên phê phán Nguyên Đán rất nặng lời, cho rằng Ông biết trước vận nước truân chuyên, không tính cách vượt qua lại đem con gửi gắm cho họ Hồ để mưu lợi. Sĩ Liên kết luận Nguyên Đán là người không giữ được lòng nhân.

Sau đó năm thế kỷ, sử quan triều Nguyễn phê bình càng nghiệt ngã, chê bai Nguyên Đán là người nói suông, lo hão, bỏ mặc triều đại sụp đổ, không giữ được lòng trung.

Ngô Thì Sỹ (1726 – 1780), nho thần phủ chúa Trịnh, thống trách Nguyên Đán một cách văn vẻ. Ông cho rằng Nguyên Đán vui chơi Thanh Hư, quên lãng Thiên Trường; tính lợi nhà mình, bỏ mặc nhà vua; chú trọng toàn thân, trối trăn nhòa nhạt.

Phan Huy Chú (1782 – 1840), nhà nho thận trọng, ý kiến nhẹ nhàng hơn, thông cảm Nguyên Đán gặp đời suy, công lao không rõ rệt, nhưng biết phận lui về nên cũng đáng là người hiền.

Người thân như con rể hay cháu ngoại ngưỡng mộ và ca ngợi cụ Trần. Người dòng vua như Nghệ tông hay Trang Định có khoảng cách, nghi ngại hoặc bất bình do khác biệt quan niệm xử lý việc nước.

Bởi nhu cầu giáo dục nhằm đào tạo con người công cụ nên chính sử công kích Nguyên Đán. Thực ra Ông không bất trung, bất nhân, nhưng bất lực. Người muốn thành công trong việc duy trì họ Trần cầm quyền phải đủ can đảm giết không chỉ Quý Ly mà cả Nghệ tông, như Nghệ tông từng giết Nhật Lễ. Đại sự đòi hỏi cá tính chính trị tàn độc như vậy chắc chắn không dành cho tướng công Băng Hồ. Phẩm bình mang tính đạo đức Nho giáo xơ cứng, cận quân thượng, bất cận nhân tình.

Bình luận từ nhà nho kiêm tác giả Ngô Thì Sỹ chất văn thì rõ, chất sử hàm hồ. Nhà nho “hàng thần lơ láo” Phan Huy Chú nếm đủ mùi cay đắng lại tỏ ra kinh lịch việc đời.

Nguyên Đán sống như một người cầm bút, một lãnh đạo hành chính và chính sách có tâm. Ông đã làm hết khả năng trên cương vị được giao. Yêu cầu Ông phải xoay trời chuyển đất là phi thực tế. Còn việc mưu tìm đường sống cho hậu duệ khi biết trước thảm họa thì phụ mẫu nào đành lảng tránh ? Quan Tư đồ không trọn đạo làm anh hùng, nhưng với đạo làm người hẳn không có gì hổ thẹn.

Nguồn: nghiencuulichsu.com